30/10/2021 -

Sư phạm giáo dục

248
115 vị thánh giữa đời vui (5)

115 VỊ THÁNH GIỮA ĐỜI VUI
115 Saintly Fun Facts

Bernadette McCarver Snyder
Liguori Publications, 1993

Lm. Phaolô Nguyễn Minh Chính
chuyển ngữ

BERNARDINÔ TÔMITANI


Khi Bernardino đứng lên để giảng bài giảng đầu tiên, hãy đoán xem chuyện gì xảy ra? Ông quá sợ đến nỗi quên mất mình sẽ nói gì!

Bernardino rất thích đọc sách và học hỏi. Mẹ ông phải bắt ông gấp sách lại và ra ngoài chơi. Khi lớn lên, ông làm linh mục, học triết và luật, rất thích các môn học của mình. Nhưng bề trên bảo ông phải bắt đầu giảng thuyết. Bernardino sợ phải đứng và nói trước công chúng. Ông thấy thoải mái với sách vở hơn là với đám đông! Nhưng phải làm điều mình được bảo phải làm!

Ông đã chọn tên Bernardino để kính nhớ thánh Bernardino thành Siena. Vào ngày lễ bổn mạng, Bernardino được sai đến giảng tại một nhà thờ lớn. Khi bước lên bục giảng, ông bối rối và quên hết toàn bộ bài giảng đã được soạn thảo cẩn thận! Nhưng dân chúng vẫn chờ đợi nghe một điều gì đó, vì thế ông bắt đầu nói về vị thánh bổn mạng mà mình đã chọn. Ông biết nhiều về vị thánh này và chỉ cần nói lên từ chính trái tim mình – thế là quên mất sợ hãi!

Dân chúng thấy xúc động vì bài giảng nên xin ông giảng thêm nữa. Bernardino bắt đầu giảng chống lại tính vị kỷ và tham lam, người dân lắng nghe. Kết quả là ông đã có thể làm thay đổi vài khoản luật để bảo vệ quyền con người. Bất kỳ nơi nào ông đến, những đám đông người kéo đến nghe, chẳng mấy chốc người sợ nói trước công chúng đã trở thành nhà giảng thuyết được yêu mến nhất nước Ý!

Em có bao giờ sợ phải đứng nói trước công chúng chưa? Khi phải làm tường trình hay trả lời câu hỏi, em có quá sợ hãi, chân run và lạc giọng? Nếu đã từng bị, em hãy cố gắng thực hành trước chiếc gương. Hãy cầu xin cho được can đảm. Hãy nhớ đến Bernardino. Và ai biết được – một ngày nào đó em cũng là một nhà giảng thuyết lừng danh.

BERTILLA BOSCARDIN


Hãy tưởng tượng xem phải chăm sóc những người lính bị thương như thế nào trong bệnh viện dã chiến nơi chiến trường ác liệt? Đó là điều mà Nữ tu Bertilla đã làm.

Khi còn nhỏ, chị được gọi là Annetta “ngỗng cái” vì quá ngớ ngẩn khi học hay làm điều gì đó. Xuất thân từ gia đình nghèo và ít học, chị phải làm việc nhà để giúp đỡ gia đình. Đơn giản chị chỉ biết rửa chén, giặt quần áo và lau nhà – và mọi người nghĩ rằng đó là tất cả những gì chị có thể làm được.

Đến năm 16 tuổi, Annetta đi tu và trở thành Nữ tu Bertilla. Chị thường nói với các chị khác rằng mình không biết làm gì nhiều chỉ muốn học và nên thánh!
Bề trên quết định Chị Bertilla làm y tá, và điều này đã thay đổi cuộc đời của chị. Chị dường như có thực tài để chăm sóc và làm y tá trong khu bệnh nhi của một bệnh viện tại Ý. Thế rồi Thế chiến thứ nhất xảy ra vào năm 1915, quân đội Ý trưng dụng bệnh viện để làm nơi chăm sóc thương binh. Tất cả mọi người trong bệnh viện – cả y tá lẫn thương binh – đều hoảng sợ trước những đợt không kích, nhưng Chị Bertilla vẫn ở lại để chăm sóc cho những bệnh nhân quá yếu không thể di chuyển đến nơi an toàn hơn.

Sau khi chiến tranh chấm dứt, khu bệnh nhi mở cửa trở lại, Chị Bertilla đã có thể chăm sóc các em nhỏ trở lại – mà không sợ những cuộc không kích. Trong cuộc đời mình – “con ngỗng cái” đã đạt được cả hai mơ ước – Chị đã học được và trở thành một vị thánh!

Em có thích làm việc ở bệnh viện không? Em có thích bị không kích không? Em có thích là một vị thánh? Có thể em không thích gì trong những điều này, nhưng có thể làm được vài điều mà Chị Bertilla đã làm. Chị nói rằng mình muốn học hỏi, và em có thể làm được điều đó. Thay vì là “con ngỗng cái”, hãy học điều gì đó mới mẻ trong ngày hôm nay – và mỗi ngày!

BÔNAVENTURA

 
Đây là vị thánh có bàn tay “khô ráp” vì nước tẩy rửa! Nhưng ngài giữ kín bí mật này!

Khi Đức giáo hoàng quyết định tấn phong ngài làm Hồng y, đã gởi một phải đoàn đến báo tin và tặng ngài chiếc mũ đỏ Hồng y. Nhưng khi đến tu viện, họ thấy Bônaventura đang rủa chén! Ngài bảo họ treo chiếc mũ mới lên cây và chờ ngài làm xong việc.

Bônaventura rất khiêm tốn – nhưng đồng thời cũng là người rất học thức. Ngài là một trong những bộ óc vĩ đại nhất thời Trung cổ và là một thần học gia, triết gia, văn sĩ và nhà giảng thuyết ngoại hạng. Ngài viết và nói rất hay về những điều trên Thiên Đàng nên có biệt danh là “Tiến sĩ thiên thần”! Nhưng ngài đã hạ mình xuống để làm những chuyện lặt vặt ở dưới đất!

Hầu hết những người danh tiếng không bỏ thời gian để làm những chuyện “thấp hèn” như rửa chén dĩa! Nhưng hầu hết các thánh đã làm! Em có bao giờ rửa chén không? Hay sắp chén vào tủ chén? Tại sao em không giúp đỡ gia đình và làm điều đó ngày hôm nay! Và trong khi rửa chén, hãy nghĩ đến và chào vị thánh Bônaventura khiêm tốn này!

BÔNIFACIÔ IV (GIÁO HOÀNG)


Tên vị thánh này muốn nói rằng ngài có khuôn mặt đẹp vì ngài đã làm được những điều tốt đẹp khá bất thường! Trong tiếng Anh, “bonny” là đẹp, dễ thương; “face” nghĩa là khuôn mặt!

Khi Bônifaciô trở thành Giáo hoàng, có một cung điện hình tròn rộng lớn ở Rôma, gọi là Điện Pantheon. Đây là đền thờ của “tất cả các thần thánh”, những thần thánh giả dối mà người Rôma thờ cúng. Vì thế, Bônifaciô quyết định biến nó thành một thánh đường Kitô giáo thờ kính Chúa Trời Thật. Và như thế, ngôi nhà thờ “mới” có một tên gọi mới – và khá bất thường. Vì nó có hình tròn, nên nó được gọi là nhà thờ “Santa Maria Rotunda”. 

Em có bao giờ ở trong một căn nhà hình tròn chưa? Rạp xiếc chẳng hạn? Vòng tròn có gì đặc biệt? Nó chẳng có điểm khởi đầu và điểm kết thúc, đi mãi rồi cũng quay lại nơi cũ. Hãy nghĩ về Thiên Chúa như một vòng tròn – không có khởi đầu cũng không kết thúc, và Ngài vẫn luôn luôn ở đó, sẽ mãi ở nơi đó. Đó chẳng phải là một “tư tưởng đẹp” thích hợp với “khuôn mặt đẹp” sao?

BRIDGET THỤY ĐIỂN


  
Người ta nói Bridget có một chân trên trời một chân dưới đất! Dù là người tốt và “thánh thiện”, song bà cũng là một quý bà khá bận rộn!

Mẹ của Bridget là chị em họ với vua nước Thụy Điển. Cha bà là tổng trấn xứ Upland và là người giàu nhất vùng. Khi Bridget kết hôn, kèn thổi vang lừng và lễ lạc kéo dài trong ba ngày – có khiêu vũ, âm nhạc và cả yến tiệc cho mọi người (cả những người nghèo trong thành phố)!

Vợ chồng Bridget có tám người con và cuộc sống gia đình hạnh phúc song rất bận rộn – tuy nhiên Bridget vẫn tìm thời gian để cầu nguyện và làm việc thiện. Sau này, một trong các cô con gái của bà đã nói: “Mẹ tôi giúp đỡ mọi người khó khăn – bất kể người nghèo, tội lỗi, khách hành hương, mồ côi hay góa phụ. Đối với mọi người, mẹ rất tử tế dịu dàng và là một người mẹ đầy lòng thương cảm”.

Dù dịu dàng, nhưng Bridget đã không ngần ngại lên tiếng khi thấy có vấn đề. Khi bà được mời về triều đình để dạy dỗ cho cô dâu mới của nhà vua, bà thất vọng khi thấy lối sống cung đình không thích hợp với Kitô giáo. Bà lớn tiếng chỉ trích nhà vua, hoàng hậu, hàng giáo sĩ, các quan lại trong hoàng cung, những người phóng đãng, thiếu nhân đức và lòng bác ái. Thậm chí bà còn nói nhà vua hành động như “một đứa trẻ hư hỏng và không vâng lời”. Dù bà nói đúng nhưng cả triều đình rất giận và vui mừng khi bà rời khỏi hoàng cung.

Những năm sau đó, sau khi chồng bà mất đi và con cái đã trưởng thành, Bridget cho con cái và người nghèo tất cả tài sản giàu có của mình và đến sống tại một tu viện. Khi cảm thấy Chúa muốn mình “lên đường”, bà đã đi từ Thụy Điển đến Rôma – một hành trình dài tám tháng – và rồi đến Giêrusalem. Và đi đến đâu, Bridget cũng giúp đỡ những ai cần giúp đỡ và không ngần ngại phê bình những ai cần phê bình.

Đã từng có ai chỉ trích em chưa – gọi em là đồ lười hay thiếu trách nhiệm, ích kỷ, thiếu suy nghĩ hay thô bạo, bảo em là phải chăm học lên, làm việc nhiều hơn hay tử tế hơn với gia đình? Lẽ ra họ không nên chỉ trích em như vậy hoặc lẽ ra họ nên nói như thế. Còn em, em nghĩ gì?
 

Tác giả bài viết: Lm. Phaolô Nguyễn Minh Chính chuyển ngữ
Nguồn: https://gpquinhon.org/

114.864864865135.135135135250