08/10/2021 -

Sư phạm giáo dục

201
Năm khoảnh khắc chia sẻ đức tin thường bị bỏ qua trong đời sống gia đình


Giống như học sinh làm bài kiểm tra, chúng ta thường quy gán Thiên Chúa vào các ô lựa chọn mà không nhận ra: Chúa sẽ hiện diện ở nhà thờ, trong Thánh Lễ hay trong lớp học. Nhưng chúng ta lại quên rằng Thiên Chúa luôn ở bên cạnh chúng ta mọi lúc mọi nơi. Mục đích cuối cùng của việc dạy giáo lý là để hiểu biết con người của Chúa Giêsu Kitô. Chính hiểu biết này mới là điều làm biến đổi cuộc sống chúng ta.


Như vậy, làm thế nào để những cuộc gặp gỡ hàng ngày có thể dạy chúng ta về Chúa Giêsu? Chúng ta có thể nói về đức tin với những người trẻ trong cuộc sống của chúng ta ở đâu và khi nào?


- Khi đi trên đường


Những lời lẽ khôn ngoan nhất vốn không bao giờ được nói ra trên môi miệng, mà chỉ vang vọng từ những hành động. Hãy thử cùng nhau biến đức tin thành hành độngqua những lời cầu nguyện khi nhìn thấy một chiếc xe cứu thương đang chạy gấp, khi đi ngang qua một vụ tai nạn hay khi lái xe ngang qua nghĩa trang. Chúa Giêsu thường dạy các môn đệ khi đi trên đường, điều này giúp họ đi đúng hướng.


- Vào ban đêm


Ban đêm khoảng thời gian của sự yên tĩnh và lắng đọng.Do đó, cho dù bạn chia sẻ câu chuyện trước khi đi ngủ với trẻ nhỏ hay để chúng mở lòng về những điều chúng đang nghĩ, thì mỗi khoảnh khắc vào ban đêm đều có thể kết nối chúng ta ở một mức độ sâu sắc hơn. Vì thế, hãy để mỗi buổi tối mang đến cho gia đình bạn những cơ hội tuyệt vời để kể những câu chuyện về đức tin hay cùng nhau cầu nguyện.


- Sau một thất bại


Sau mỗi thất bại, cha mẹ cần giúp con cái mình nhìn nhận điều đó để huấn luyện và khuyến khích chúng tiếp tục đi lên.Nếu chúng ta thực hành việc cầu nguyện để vượt qua những nỗi thất vọng nhỏ bé, thì chúng ta sẽ xây dựng được những bản năng mạnh mẽ hơn trong việc hướng về Thiên Chúa khi những thử thách, xung đột hay khủng hoảng lớn hơn xuất hiện.


- Sau một chiến thắng


Việc rèn luyện thói quen ca ngợi và tạ ơn khi mọi việc diễn ra tốt đẹp đều có thể giúp chúng ta gần gũi hơn với Thiên Chúa. Đó không chỉ là những hành động của thái độ biết ơn mà còn là một con đường dẫn đến sự khiêm tốn: Chúng ta cần học cách không nhìn nhận công lao khi mọi việc đi đúng hướng hay đổ lỗi cho người khác khi họ sai lầm.


- Trong các bữa ăn


Việc cử hành Thánh Lễ quy tụ chúng ta quanh bàn tiệc của Thiên Chúa, Đấng đã dùng bữa với các tội nhân cũng như những người thánh thiện. Do đó, cho dù là xin ơn hay thay phiên nhau chia sẻ kinh nghiệm về việc nhận biết Thiên Chúa, hãy để những lời cầu nguyện trong các bữa ăn mang gia đình bạn đến gần nhau hơn và gần Thiên Chúa hơn.
 

Tác giả: Laura Kelly Fanucci - Nguồn: Catholic News Service (05/10/2021)
Chuyển ý: Phil. M. Nguyễn Hoàng Nguyên

114.864864865135.135135135250