31/07/2021 -

Sư phạm giáo dục

760
“Sự khôn ngoan” của người Việt Nam thể hiện qua lời nói
 Minh Thùy
 
Từ xưa, ông bà ta đã có kinh nghiệm nhìn diện mạo mà thăm dò tính cách và sự khôn ngoan của con người bằng câu nói “xem mặt mà bắt hình dong”. Cũng từ xưa bằng kho tàng tục ngữ, ca dao, dân ca và thành ngữ, ông cha ta còn cho rằng: tính cách khôn ngoan của con người còn được thể hiện qua nhiều những nét biểu hiện bên ngoài. Trong giới hạn của bài viết này, xin đặc biệt chú trọng đến lời nói, một trong những nét thể hiện tính cách khôn ngoan của người Việt Nam.

Bằng lời nói, con người thể hiện tính cách khôn ngoan qua lớp từ vựng người ấy sử dụng, qua các tầng ý nghĩa của lời người ấy nói, qua sự chọn lựa bối cảnh để lời nói thực hiện, qua phong cách và qua giọng điệu khi người ấy cất lời.

 
1. Sự khôn ngoan thể hiện qua giọng nói

Với người nói: ta có thể nhận định chắc chắn rằng, một người có tính cách thanh nhã nhẹ nhàng, tất yếu giọng nói của họ cũng thanh nhã dễ nghe, thật khó tìm một giọng nói ngọt ngào, thanh nhã nơi một người có tính cách dữ tợn. Quả thật tính cách khôn ngoan của một người biểu thị qua giọng nói nên ông bà ta thường dạy con cháu rằng:
 
"Người thanh tiếng nói cũng thanh,
Chuông kêu khẽ đánh bên thành cũng kêu".

hoặc
"Chim khôn kêu tiếng rảnh rang,
Người khôn nói tiếng dịu dàng dễ nghe".

Với người nghe: cách đón nhận của họ cũng chịu ảnh hưởng của giọng điệu lời nói, biểu hiện qua câu tục ngữ thứ hai, “chuông kêu khẽ đánh bên thành cũng kêu”, “người khôn nói tiếng dịu dàng dễ nghe." Điều này hàm ý chỉ người có tính cách nhạy bén tốt, chỉ cần nói nhẹ cũng biết đón nhận và nếu họ có phải đóng vai truyền đạt thông tin (người nói) thì họ cũng không cần gì phải to tiếng mà lời nói của họ tất yếu sẽ nhỏ nhẹ, ngọt ngào thanh thoát như mật rót vào lòng người nghe vậy.

Khôn ngoan trong cách sử dụng giọng nói của người Việt Nam, là yêu thích nghe lời ngọt ngào, nói lời dịu dàng; nghe lời thanh thót, nói lời êm tai; chắc chắn với cách ứng dụng lời nói kiểu này thì chỉ người khôn ngoan thực sự mới làm được.

Một câu nói nhẹ nhàng hữu hiệu, kết quả đạt được cao hơn, thấm thía hơn những lời nói oang oang chửi rủa. Chỉ những người có tính cách khôn ngoan hoàn hảo mới biết dùng hết hiệu quả của nó mà thôi. Đâu cần phải to tiếng, thét lên mới thu phục được lòng người, mà chỉ cần nói nhẹ nhàng… càng nhẹ nhàng càng thấm thía.

 
"Lọ là thét mắng mới nên,
Một lời siết cạnh bằng nghìn roi song.
Roi song đánh đoạn thì thôi,
Một lời siết cạnh, muôn đời chẳng quên."

Một lời siết cạnh là một lời biết sử dụng đúng chức năng đúng tác động của nó, biết nhấn đúng ngữ điệu, biết nhấn đúng trọng âm. Một người vợ hỏi chồng “hôm nay anh về sớm thế?” mà nhấn sai giọng điệu thì quả thật là phản tác dụng. Một người nói với bạn mình “bữa tiệc hôm nay vui quá” mà nhấn sai giọng điệu thì hàm ý cho thấy không phải bữa tiệc vui mà là ngược lại.  Như vậy giọng điệu của lời nói thật quan trọng, nó có tác dụng làm cho lời nói được tiếp nhận cách trọn vẹn hoặc lời nói bị hủy bỏ hoàn toàn kèm theo hậu quả tai hại.
 
2. Sự khôn ngoan thể hiện qua nội dung – ý nghĩa lời nói

Ở đây ông bà ta còn cho thấy, những người có tính cách khôn ngoan luôn biết làm chủ nội dung lời nói của mình, không khi nào buông ra một lời mà mình không kiểm soát được. Người khôn biết chọn lựa lời khi nói, nói nhẹ mà thấm mà đau.
 
"Kim vàng ai nỡ uốn câu,
Người khôn ai nỡ nói nhau nặng lời".

Đó là về phía người nói, nhưng về phía người nghe, nếu tính cách người ấy qủa thật khôn ngoan thì lẽ tất nhiên họ xứng đáng nhận được những lời nói không bao giờ có nội dung “nặng nề”.
 
“Hoa thơm ai nỡ bỏ rơi,
Người khôn ai nói nặng lời làm chi".

Người khôn biết lựa nội dung lời nói trong mọi tình huống giao tiếp của mình.
 
"Người khôn không nỡ roi đòn,
Một lời nhè nhẹ hãy còn đắng cay".

Một lời nhè nhè” là lời có nội dung vừa đủ thấm, vừa đủ hiểu, vừa đủ ý, khiến cho người nghe thấy nhẹ nhàng nhưng cũng thấy thật thâm thúy, sâu xa. Nếu có hai người mẹ, một người quát mắng con: “Tao nói mày không nghe à”, và một người mẹ khác nói nhẹ nhàng: “Con nên coi lại, con làm như thế có đúng không?”. Chắc chắn nội dung câu nói thứ hai này sẽ thu phục được lòng những đứa con hơn là câu nói đầu.

Một điểm khác cũng cần nói thêm là, nội dung lời nói của người khôn ngoan cũng còn phải biết dò trước dò sau đoán ý của người nghe trong khi đối thoại. Họ cũng đủ khôn ngoan để người nghe không đoán trước được tình huống. Họ không để cho người nghe chưa nghe đã biết người nói sẽ nói cái gì.

 
“Người khôn đón trước rào sau,
để cho người dại biết đâu mà mò”.

hoặc
“Người khôn ăn nói nữa chừng,
để cho người dại nửa mừng nửa lo”.

hoặc
“Chim khôn chết mệt vì mồi,
Người khôn chết mệt về lời nhỏ to”.

“Lời nhỏ to” ấy chính là lời hiệu quả mạnh mẽ xét trên mặt có nội dung, làm lung lay cả người xem ra rất khôn. Tâm lý thông thường khi muốn nhờ vả ai, muốn góp ý ai, muốn trút tâm hồn cho ai thì những lời tâm sự nhỏ to thấm thía sẽ là điều thích hợp nhất, lời của người có tính cách khôn ngoan sẽ thu phục được chính người nghe cũng thật khôn ngoan.

Như vậy từ xưa lắm rồi, ông bà ta đã có kinh nghiệm về nội dung lời nói của con người, nó bộc lộ tính cách khôn ngoan của con người ấy. Thường là tính cách nào có lời nói ấy:

 
“Anh đà có vợ con chưa,
Mà sao anh nói gió đưa ngọt ngào”.
 
3. Sự khôn ngoan thể hiện qua số lượng lời khi nói

Ông bà ta đã chẳng dạy con cháu thêm rằng khi họ muốn thể hiện sự khôn ngoan, không phải cứ nói nhiều là người khôn. Nhưng người khôn phải biết chừng mực trong lời nói của mình, nói bao nhiêu là vừa, bao nhiêu là đủ. Đôi khi càng nói ít càng là người khôn ngoan:
 
“Khôn ngoan chẳng lọ nói nhiều
Người khôn chỉ nói nửa điều cũng khôn”.

Hoặc ở nơi khác có câu :

"Đàn ông rộng miệng thì tài,
Đàn bà rộng miệng điếc tai láng giềng".
“Đàn ông rộng miệng thì sang,
Đàn bà rộng miệng tan hoang cửa nhà”

Từ “rộng miệng” ở đây không phải là cái hình dáng bên ngoài cái miệng của một người, nhưng là số lượng lời của người ấy. Người đàn bà “rộng miệng” mà câu tục ngữ ám chỉ với tất cả hàm ý xấu của nó, rằng bà ta nói quá nhiều, nói năng vô chừng vô mực. Như thế tính cách của người phụ nữ xưa nay thể hiện qua lời nói tất yếu phải là nói vừa đủ, nói đúng lúc, đúng nơi. Và như cửa nhà tan hoang khi có người đàn bà “rộng miệng”, thì chắc hẳn sẽ chẳng có hạnh phúc khi trong nhà nếu có một người đàn bà luôn nói nhiều.
 
4. Sự khôn ngoan thể hiện qua bối cảnh thực hiện lời nói

Cũng cùng một nội dung lời nói, nhưng người khôn ngoan sẽ biết lựa, thời điểm nào để nói cho thích hợp nhất, biết chọn đối tượng nào để đối đáp cho hay nhất. Người khôn ngoan không bạ khi nào cũng nói, chỗ nào cũng nói. Người khôn ngoan biết nói đúng lúc, dừng đúng nơi. Người khôn ngoan còn biết đối đáp với người ngoài, và trân trọng nâng niu tình bằng hữu, láng giềng, gia tộc. Ông bà ta đã dạy:
 
“Khôn ngoan đối đáp người ngoài.
Gà cùng một mẹ chớ hoài đá nhau”.

Cũng nói một lời nhưng biết cách nói thì kết quả đem lại giá trị hữu ích, nhưng cũng nói một lời mà không biết sử dụng chúng thì đôi khi hậu quả sẽ khó mà lường trước được. Người khôn ngoan phải biết sử dụng giọng nói của mình thế nào cho phù hợp cho khôn ngoan: nhẹ nhàng, thanh thót hay cáu kỉnh gắt gỏng, ào ào, oang oang. Người khôn ngoan phải biết sử dụng nội dung gì, nói lúc nào thì hợp. Như ông bà ta đã từng nhắc bảo:
 
"Một lời nói quan tiền thúng thóc,
Một lời nói, dùi đục cẳng tay".

Tóm lại: Trên đây là một số nhận định về cách sử dụng lời nói của người được xem là khôn ngoan, trong kho tàng tục ngữ, ca dao. Có thể trên bề mặt nghĩa, có thể trên bình diện giọng điệu, cũng một nội dung lời nói nhưng cách nói này sẽ tốt hơn cách nói kia. Nếu có phản ứng về một câu nói thì người nghe dường như nhanh nhạy với giọng điệu hơn, trước khi từ từ cảm nhận hết về mặt ngữ nghĩa của nó về mặt nội dung. Như thế một tính cách hoàn hảo khôn ngoan không nên quên sử dụng thuần thục cách nói có giọng điệu hợp lý, có nội dung phù hợp, có số lượng đúng mức và chọn lựa bối cảnh cách tốt nhất.

Ngoài nhưng câu tục ngữ, ca dao, ta cũng thấy xuất hiện một số các câu thành ngữ có nghĩa ám chỉ tính cách con người thể hiện trên lời nói như : mặc dù chưa biết người ấy làm sao nhưng nghe giọng “nói như chim hót” hoặc là giọng “nói như dùi vào tai”, “nói như dùi đục chấm mắm nêm”, “nói bấc nói chì”, “nói dẻo như kẹo”… thì đoán biết được tính cách người ấy thế nào. Tất nhiên với câu nói “nói như chim hót” thì không thể gán cho một người có tính cách xấu xa, thô bỉ và với câu nói “nói như dùi vào tai”, “nói như dùi đục chấm mắm nêm” thì không thể nào gán cho một người có tính cách thanh lịch, nhẹ nhàng, tao nhã. Cũng thế một người có kiểu nói “vòng vo tam quốc” không phải là một người có tính cách chân thật, lời nói và tâm hồn người ấy không thể là một. Một người “nói dẻo như kẹo” không phải là một người vụng về, tính cách của họ ắt hẳn phải là khôn ngoan, lanh lợi, khéo léo lắm mới nói được như thế. Một người không biết sử dụng chức năng của lời nói thì không thể là người khôn ngoan theo cái nhìn của người Việt Nam từ xưa đến nay.

Hãy gẫm lời Thánh Giacôbê 3,10-12
 
Từ cùng một cái miệng, phát xuất lời chúc tụng và lời nguyền rủa.
Thưa anh em, như vậy thì không được.
Chẳng lẽ một mạch nước lại có thể phun ra, từ một nguồn, cả nước ngọt lẫn nước chua sao?
Thưa anh em, làm sao cây vả lại có thể sinh ra trái ôliu, hoặc cây nho sinh trái vả?

Nước mặn cũng không thể sinh ra nước ngọt.

 


TÀI LIỆU THAM KHẢO
1.KHÚC NGUYÊN, Thăm dò tính cách người đời, Nxb Thanh Niên, 1999.
2.THUYẾT NGUYÊN, Nhân học, Nguyễn Văn Mậu dịch, Nxb VHTT, Hà Nội,1999.
3.VŨ NGỌC PHAN, Tục ngữ ca dao dân ca Việt Nam, Nxb KHXH, Hà Nội,1998.
114.864864865135.135135135250