10/07/2021 -

Sư phạm giáo dục

633
TÍN mọi người TIN

Nhất độ thất tín vạn sự bất tin*

Cuộc đời bao khúc bể dâu

Tặng nhau chữ Tín bắc cầu phúc duyên.
(Vũ Tiềm )
 

Đức TÍN là một giá trị nhân bản được nhân loại mọi thời trân quý. Nhân đức này trở thành nền tảng cho mọi ứng xử của cả cá nhân lẫn tập thể. Vì thế, mọi người hãy cố gắng rèn luyện, gìn giữ, thực thi để tạo lập các mối tương quan chân thành với nhau. Đức TÍN nằm trong ngũ thường* của nền giáo dục Việt Nam, nó giữ một vai trò rất quan trọng. Xã hội chỉ có thể phát triển quân bình và toàn diện khi đào tạo được những con người tín trung, tín nghĩa và tín thành; từ học đường đến thương trường, từ quan hệ gia đình đời thường đến các mối tương quan đa diện giữa người với người trong nhiều lĩnh vực khác nhau.

Tuy nhiên, để rèn luyện thành người có đức tín đáng cho mọi người tin, và để mọi người có đủ nội lực tin vào người khác trong bối cảnh xã hội ngày nay, đó là điều không mấy dễ dàng, nói đúng hơn đó là một thách đố lớn.

Xin gợi lại những lời dạy của ông cha ta qua những câu tục ngữ, thành ngữ, những làn điệu dân ca và câu chuyện cổ tích đọng lại xưa nay, để phần nào mỗi người chúng ta có thêm sức mạnh rèn luyện cho mình có được đức tín, một nhân đức cần thiết trong đời sống hiện nay.

        1.   Tín với mình

Tin vào chính mình và biết trọng đức tín của mình, sẽ giúp ta thấy được chính ta, giúp ta tin tưởng và trân trọng người khác, sẽ giúp ta thực hiện được bao điều tốt đẹp. Có một câu chuyện xưa kể lại rằng :

-  Nước Lỗ có một cái đỉnh rất quý được coi như là đồ quốc bảo. Ngặt một nỗi vua nước Tề lại thích cái đỉnh ấy và bắt Vua nước Lỗ phải đem dâng cho mình.

-  Vua nước Lỗ tiếc lắm, nên sai người làm một cái đỉnh giả để đưa sang nộp cho vua nước Tề.

-  Vua nước Tề nghĩ rằng đây là đồ quốc bảo nên thế nào vua nước Lỗ cũng tiếc mà đưa cái đỉnh giả, nghĩ thế rồi vua nước Tề bảo vua nước Lỗ : Nếu cho người sang dâng cái đỉnh, phải cho Nhạc Chính Tử đem đỉnh sang dâng mới được (vì vua nước Tề biết Nhạc Chính Tử là một người tốt luôn trọng đức tín).

-  Vua nước Lỗ cho gọi Nhạc Chính Tử đến, sai đem cái đỉnh giả đi dâng vua nước Tề.

-  Nhạc chính Tử biết chuyện, hỏi vua nước Lỗ : Sao nhà vua không đưa cái đỉnh thật ?

-  Vua nước Lỗ trả lời : Vì ta quý cái đỉnh ấy lắm.

-  Nhạc Chính Tử thưa : Nhà vua quý cái đỉnh ấy thế nào thì thần quý cái đức tín của thần cũng như thế !

-  Nghe Nhạc Chính Tử nói thế vua Lỗ phải đưa cái đỉnh thật, bấy giờ Nhạc Chính Tử mới chịu đi dâng cho vua nước Tề.

Nhạc Chính Tử đã biết trọng chữ tín, đã giữ chữ tín nơi chính bản thân mình. Đây là điều thật hợp với đạo đức ông cha thường răn dạy con cháu : phải biết trọng mình thì mình mới được người khác trọng. Ít nhất phải trọng đức tín của mình, giữ đức tín cho mình, không làm điều gì trái với sự tín trung thì mới được người khác trọng.

Ông cha ta còn dạy : “Nhân vô tín bất lập”, người không biết trọng đức tín nơi mình thì không làm được việc gì ra hồn cả. Hơn nữa, thật khó mà chấp nhận rằng, khi ta không biết trọng đức tín nơi mình, không còn tin nơi mình thì khi ấy ta sẽ đánh mất niềm tin vào con người hay cuộc đời. Nhưng điều này lại thường là một sự thật, ta thường hay tin rằng những điều kiện thuận lợi may mắn từ bên ngoài sẽ mang tới sự an toàn và hạnh phúc lâu bền cho ta, nên ta mới rượt đuổi nắm bắt, nâng niu và bám chặt vào nó. Khi những cái bên ngoài ấy biến mất hoặc dao động thì ta lại mất niềm tin. Hãy tập cho mình khả năng ít lệ thuộc vào ngoại cảnh mà hãy tin tưởng vào chính mình. Tất nhiên, phải hiểu được giá trị đích thực của chính mình thì ta mới tin vào chính mình và trọng đức tín của mình được. Ông bà ta đã từng nói :

“Ai ơi! chớ nghĩ mình hèn

Nước kia dù đục lóng phèn cũng trong”.

Ở một câu ca dao khác, ông bà ta còn dạy thêm :

“Ai ơi! giữ chí cho bền

Dù ai xoay hướng đổi nền mặc ai

Đừng làm, đừng nói đơn sai

Tin mình đừng sợ những lời dèm pha…”

Tin vào mình không phải là tin vào bộ quần áo đắt tiền, tin vào ngôi trường nổi tiếng nơi mình học, tin vào kiến thức mình tích lũy, vào tài ăn nói hoặc vóc dáng trời ban của mình. Tin vào mình là tin vào đức hạnh của mình, tin vào năng lực sống của mình, tin điều mà có thể giúp mình cống hiến cho đời, cho người. Hãy nghe ông bà ta khuyên :

“Ai lên Hương Tích cảnh thiền
Dừng chân chiêm bái tôi khuyên đôi lời
Hãy tin tiềm lực con người
Đừng trông đừng đợi xa vời ngoài ta
Cũng đừng học thói kiêu sa
Khiêm cung cẩn trọng mới là chính tâm”.

Quả vậy, tâm mới là gốc rễ của sức mạnh niềm tin, hãy dừng lại và quay về rèn luyện thâm tâm đúng đắn, hãy tin vào bản chất tín trung - tín thành và tín nghĩa của mình từ đó gieo được niềm tin cho người khác. Tin vào chính mình đó là nền tảng để có thể tin vào người khác. Nhiều nhà tâm lý đã khuyên điều mà câu ca dao trên đã bộc bạch : tự ái và thiếu tự tin đó là hai thủ phạm đánh cắp niềm tin của ta dành cho người khác. Như thế hãy tin vào mìnhkhiêm cung cẩn trọng để có thể tin vào người khác.

       2.   Tín với người

Ông cha ta đã dạy : “Tín giả nhân nhập”, câu này có nghĩa là người có đức tín nghĩa sẽ được nhiều người theo. Người có tín nghĩa là người tốt, biết trọng lời hứa, biết giữ nghĩa tình, người như vậy ai lại không trọng nể. Thật vậy, sống với nhau trong cuộc đời thì phải tin tưởng nhau. Dù ta với rất nhiều người không phải là liên hệ thân thích, nhưng nếu ta gởi niềm tin cho nhau tức là ta đã thể hiện lòng kính trọng và công nhận sự có mặt của nhau trong cõi đời này. Khi ta tin người, ắt hẳn người ấy sẽ cảm nhận và trao lại cho ta niềm tin từ chính họ.

Tuy nhiên, cuộc sống hôm nay đang theo hướng bon chen. Ai ai cũng tranh thủ tích góp lượm nhặt nhiều quyền lợi cho riêng bản thân. Có những người đã dùng những thủ đoạn, kể cả dối trá để hành xử với nhau. Những người ấy là những kẻ thất tín, chắc chắn số phận sẽ ngược lại, sẽ chẳng có ai tín phục và tin dùng. Tục ngữ đã từng nói :

“Những người hữu thủy vô chung

Là người tệ bạc tin dùng mà chi”.

Hơn nữa, ông bà ta đã hết lời khuyên răn, nhắn nhủ và nhắc nhở những kẻ thất tín về hệ quả của sự thất tín đối với người khác. Sự thất tín ấy sẽ gây tội và chắc chắn sẽ không tạo cho họ những giá trị hoặc công việc bền vững :

“Tin nhau buôn bán cùng nhau

Thiệt hơn hơn thiệt trước sau như lời

Hay gì lừa đảo kiếm lời

Một nhà ăn uống tội trời riêng mang

Theo chi những thói gian tham,

Pha phôi thực giả tìm đàng dối nhau.

Của phi nghĩa, có giàu đâu

Ở cho ngay thật giàu sang mới bền.

Ta đừng tưởng thất tín với người thì chỉ tội cho người và ta mang tội mà thôi. Hãy nhớ rằng trong trời đất và kiếp nhân duyên, quả báo là điều không thể tránh. Hãy nghe ông bà ta dạy bảo thêm : 

“Ai mà nói dối cùng ai

Thì trời giáng hạ cây khoai giữa đồng.

Ai mà nói dối với chồng,

Thì trời giáng hạ cây hồng bờ ao”.

Tin vào người khác là điều làm cho cuộc sống giản dị và dễ chịu hơn nhiều. Tuy nhiên, đối lúc niềm tin của chúng ta cũng rất hời hợt. Chỉ tin vào những cảm xúc nhất thời, tin vào những điều ta đang kỳ vọng và tìm kiếm, rồi mù quáng trao thân. Ông bà ta dạy sống ở đời biết tin nhau, nhưng không phải không dạy ta đừng quá hời hợt khi nói :

“Dẫu tin thì cũng phải phòng
Gà kia một trứng hai lòng biết đâu !”

Tuy là có sự trắc trở trong niềm tin vào người khác, nhưng không phải vì thế mà ta khép lòng mình lại. Cứ cho rằng giả như sự chân thành tín nghĩa tín trung của ta bị lợi dụng, giả như ta có mất danh dự hay của cải, ta hãy vui vì trong ta niềm tin chưa bị đánh cắp. Còn tin vào con người là ta còn tìm thấy chỗ đứng vững chắc của ta trong cõi đời này.

Đừng lấy câu “Nhất độ thất tín vạn sự bất tin” để áp dụng vào người khác. Hãy mở cho mọi người một con đường mới. Hãy lấy câu “Nhất độ thất tín vạn sự bất tin” để rèn luyện đức tín của mình, hãy nhắc mình đừng thất tín với ai bao giờ.

Thật là thích thú biết bao khi cuộc sống quanh ta nhuốm sắc màu câu thơ xinh đẹp của Vũ Tiềm :

Cuộc đời bao khúc bể dâu

Tặng nhau chữ Tín bắc cầu phúc duyên.

 

* Một lần không giữ lời hứa vạn chuyện không thể tin tưởng.

* Nhân, lễ, nghĩa, trí, tín.

 

114.864864865135.135135135250