15/05/2022 -

Tác phẩm mới

870
Chiếc khăn tay trắng

Tôi là con trai duy nhất trong một gia đình khá giả có tiếng ở Sài Gòn với cái tên nghe rất ư là kêu "Cao Ngọc Qúy."  Thực tế thì những món đồ xa hoa, sang trọng chỉ là vật trang trí cho những giả dối và phản bội đang ngày càng thối rữa trong căn nhà tôi đang sống. Mẹ tôi là người đàn bà mà trong mắt ba thật là lắm điều, ít học và chán ngán. Ông ngoại tình từ khi tôi còn rất nhỏ, đã bao lần tôi chứng kiến mẹ tới tận công ty của ông để đánh ghen với cô thư kí xinh đẹp hay một bạn học cũ của ba. Và tất nhiên, những gì xảy ra sau đó thật kiến tôi muốn bỏ đi thật xa hoặc chết quách đi cho rồi. Vết bỏng đáng sợ trên lưng mà tôi giấu kĩ từ thuở bé cũng là chứng tích của một lần ba đánh mẹ như thế khi tôi cố bảo vệ bà bằng tấm thân bé nhỏ của mình. Đối với tôi bây giờ, chỉ có âm nhạc, Piano mới làm tôi được sống và giải thoát khỏi cái ngục tù ấy. Cuộc sống cứ thế nặng nề trôi cho đến khi em bất chợt bước vào cuộc đời tôi vào đầu năm cuối Đại học.

Hôm ấy là một buổi chiều hanh nắng, giữa cái oi bức ngột ngạt của thành phố độ tan tầm, tôi đang trên đường tới Nhạc viện. Đang dừng đèn đỏ, tôi bỗng thấy ở bên kia đường, một cô bé dáng người nhỏ nhắn, sơ mi trắng, quần đen, đang một tay đỡ lấy bà lão già nhếch nhác xin qua đường. Một hình ảnh thật hiếm thấy với kẻ vô tâm như tôi. Đúng ra là tôi đã bỏ ra khỏi đầu rồi, nhưng thật tình cờ, người sẽ hát cho tiết mục Piano của tôi hôm lễ kỉ biệm trường lại chính là cô bé đó!

Đang còn ngây người khi vừa thấy em bước vào phòng Piano, tôi bị giật mình bởi giọng nói dịu dàng của em:

 
-Bạn, bạn chưa trả lời mình… bạn tên là gì?

-A… sao cơ?

Em khẽ cười trước sự lúng túng đến khờ của tôi:

-Mình nói, mình là An Nhiên, khoa Thanh nhạc, rất vui vì sự hợp tác sắp tới, mong bạn giúp đỡ. Mà bạn tên gì nhỉ?

- Cứ gọi tôi là Qúy, K21-Piano… Ờm… cùng cố gắng nhé!

- K21? Vậy là anh rồi, em mới năm ba - Nhiên nở nụ cười thật tươi, giọng em trong veo tựa nước mùa thu.

***

Và thế Là mỗi tuần chúng tôi gặp nhau ba lần sau giờ học để luyện tập. Tôi chưa bao giờ bị lúng túng trước phái nữ, đám bạn thân vẫn gọi tôi là “Qúy Sát Thủ”. Bởi lẽ, tôi chẳng hay cười, cũng chẳng thân thiện mà đám con gái vẫn say như cái cách mà các cô say tiếng đàn của tôi vậy. Gọi là Nam thần của khoa cũng chẳng ngoa. Ấy vậy mà mỗi lần gặp em, tiếng Piano của tôi bắt đầu trệch nhịp, tay tôi bắt đầu biết đổ mồ môi, dấp dính trên phím đàn và phải thật khó tôi mới có thể giữ cho mặt mình thật lạnh lùng. Ôi cái cô bé ăn mặc quê mùa đó, cái làn da đen nhẻm đó thì có gì mà khiến tôi bấn loạn đến thế!? A… thật ra thì khi cười nom em cũng dễ thương ấy chứ…! Lại thật thà nữa, thật thà đến mức ngây ngô!
         
Mỗi lần gặp em, tôi chợt nhận ra cuộc đời này vẫn có những giây phút nhẹ nhàng và bình yên đến thế, thật như tên của em - An Nhiên. Chà! Một cô bé thú vị đấy chứ! Thế là tôi bắt đầu dõi theo em.

***
         
Thật chẳng có loài nào thính hơn lũ bạn thân! Chúng phát hiện ra nơi tôi có gì đó khang khác. Tôi bắt đầu hay ngồi đờ ra, hay cười một mình, bắt đầu đi đường vòng về nhà để giả bộ tiện đường với Nhiên. Rồi tôi cũng bớt lên Bar, bớt Café mà quay qua đi nhà thờ để nhìn trộm em đang vui đùa với tụi nhỏ, chiếc khăn đỏ - vàng trên vai.

***

- Qúy ơi! Chết thật rồi! Thằng bạn thân nhất trong nhóm bỗng từ đâu nhảy bổ tới, ghì chặt lấy cổ tôi, miệng nó dài ra: Tao sắp mất thằng bạn rồi! Ai lấy mất hồn mày rồi!?... Á à! Tao biết rồi nhé, cái con nhỏ đen nhẻm hát hay hôm bữa chớ gì!? Thôi xong rồi! Tiêu rồi Qúy ơi!...
Ngượng chín mặt, tôi vội đẩy nó ra, vừa gắt:

-Mày đừng có mà nói bậy! Diễm My hoa khôi của Khoa tỏ tình còn bị tao từ chối, nhỏ đó còn khuya mới có cửa!

***

Về tới nhà, tôi trằn trọc cả đêm không ngủ nồi. Làm sao tôi lại có thể thích con nhỏ đó được!? Không! Tôi có biết gì về cổ đâu!?... Nhưng mà… cũng… biết đâu ấy! Hay là thử coi…? Tôi xấu hổ với chính mình, trùm chăn lại và dãy lên trên giường. Ôi ngủ không nổi!

Buổi tập hôm sau, tôi chủ động xin số em, nhưng em từ chối. Em nói em ít được dùng điện thoại, với lại cũng không có việc gì quan trọng. Tôi hơi sượng, lần đầu tiên hạ mình xin số một cô gái mà lại… Không sao! Chữa cháy, tôi quay qua hỏi han em những câu vu vu vơ. À, ra thế, cái nhà to to em ở đó không phải là nhà trọ hay khu chung cư như tôi vẫn nghĩ. Đó là một Tu viện! Ôi em đi tu? Tôi bối rối, dù thi thoảng từng thấy các Soeur vài bận khi đi chơi Noel với đám bạn… Nhưng sao em lại đi tu? Sao dại dột thế, em vẫn còn nhỏ vậy mà… Dù ngờ ngợ nhưng tôi vẫn hỏi em một câu mà đến sau này, mỗi khi nhớ lại tôi đều tự cười: “Đi tu có được lấy chồng không?” Em cười duyên và nói tôi khéo đùa. Tôi cũng cười trừ nhưng quyết không bỏ cuộc. Với một kẻ đua xe, đánh nhau, chết chẳng sợ, quỷ không ngán như tôi thì dăm ba ông Chúa cũng không thể cản tôi yêu em được.

Tôi “tấn công” em bằng những ly nước ép, nước dừa mát đầu mỗi buổi tập, một túi cóc, bánh tráng trộn giữa buổi hay cây dù xuất hiện đúng lcs em đang lúng túng trước mái hiên trường và bằng tất cả những dịu dàng vụng về mà tôi cố gom góp lại cho em.

Em cởi mở hơn nhưng vẫn ý nhị, lễ phép. Em bắt đầu kể cho tôi nghe về gia đình của em dưới quê. Mẹ em ít nói, hiền và rất thương em. Ba em thì hài hước, thích chọc cho mẹ cười. Cứ cuối tuần cả nhà lại cùng nhau đi Lễ, sau đó ba sẽ đưa mấy mẹ con đi ăn đêm. Dù chỉ làm nông nhưng ba mẹ không để ba chị em thua thiệt, cũng học Đại học đầy đủ như những gia đình khác… Em say sưa kể, gương mặt sáng lên tự hào và hạnh phúc. Tôi im lặng và chăm chú nghe em với đôi mắt đầy ngưỡng mộ. Bỗng em ngưng lại và quay qua hỏi tôi:

 
- Còn anh Qúy, ba anh thế nào? Chắc là cưng anh lắm nhỉ!?

Tôi cười trừ, quay mặt về phía hoàng hôn bên kia khung cửa sổ:

- Tời sắp tối rồi đó cô nương, không sợ Bề trên la sao?

Rồi mỗi người một xe, tôi tiễn em tới cửa Nhà Dòng, mắt mải nhìn dáng em bước vào và vẫn còn lễ phép cúi chào tôi một cái.

***

Có một lần, tôi tới phòng Piano sớm với vết thương trên tay. Tôi đã tự đấm vào tường khi thấy ba phũ phàng bỏ mẹ một mình mà đi sau khi hai người gây gổ một trận to. Còn tôi, tôi chỉ có thể nhìn bà khóc một cách bất lực. Ba vẫn hay thế, có gì không vừa ý là trút tất cả tội lỗi lên đầu mẹ rồi bỏ đi, dù là đêm hay ngày, ngay cả trong bữa cơm. Mẹ thì chỉ biết khóc và khóc. Bà luôn tin do bản thân kém cỏi, không đủ tốt nên ông mới chán ghét bà. Mẹ cũng tin rằng cái chết của em gái tôi, cô con gái cha cưng chiều nhất, hơn 10 năm về trước cũng tại sự bất cẩn của một mình bà.

Em đến, nhìn thấy tôi đang ngồi thẫn thờ dưới đất, dựa lưng vào cây đàn với vết thương vẫn còn rỉ máu trên tay liền vội sà xuồng bên hỏi han với giọng đầy sốt ruột như thể tôi sắp chết đến nơi vậy. Tôi không nghe thấy gì, chỉ mải nhìn em. Em lo lắng đấy ư? Em lo cho tôi ư? Ngoài mẹ ra vẫn còn có em thương tôi nữa!… Tôi không thể kìm lại được nữa, sống mũi cay xè và nước mắt cứ thế tuôn ra lã chã. Tôi khóc, khóc như một đứa trẻ. Tôi chưa bao giờ khóc trước mặt người khác như thế. Em quýnh lên, bối rối:

 
- Ôi, đau lắm ạ!? Em thắt chặt quá sao..!? Em lúng túng nới lỏng nút thắt vụng về của chiếc khăn tay trắng đang cố làm cho vết thương của tôi thôi chảy máu. Tôi không trả lời, ôm chầm lấy em, vừa khóc vừa nói trong tiếng nấc nghẹn:

- Nhiên, đừng tu nữa, tôi cần em…! Đừng tu… hức!

Em xô tôi ra, đứng phắt dậy:

- Anh Qúy, anh bình tĩnh lại! Hít một hơi thật sâu rồi em tiếp - Hôm nay anh mệt rồi, khi khác ta tập. Em xin… xin phép về trước!

Rồi cứ thế em quay lưng, đi nhanh ra cửa, bỏ lại tập giấy trổng trơ trên đất và tôi. Tôi biết mình sắp mất em.

***

Phải nửa tiếng sau tôi mới đứng lên, rời phòng Piano của khoa. Tầm này chưa đến giờ cao điểm, tôi chẳng buồn nổ xe, cứ thế dắt bộ về. Dù lần này không đi cùng Nhiên nhưng tôi vẫn vô thức đi trên lỗi ngang qua Tu viện. Đang thất thiểu đi như người mất hồn trên đường, tôi bỗng thấy một đám khá đông đang bu lại giữa đường, kế bên tòa chung cư đang xây. Chắc là tai nạn.

Tai nạn…? Khoan! Tim tôi bỗng nhói lên một cái. Vứt chiếc xe máy chỏng chơ giữa đường, tôi lao vào giữa đám người, vừa la lên như gắt: “Ai? Ai tai nạn!? Có chuyện gì vậy!?…” Mấy người đàn ông dạt ra nhường chỗ cho tôi vì nghĩ tôi là người nhà nạn nhân xấu số đó. Tôi len vào, tim vẫn đập loạn xạ, lồng ngực hơi tức.

Đập vào mắt tôi là chiếc xe quen thuộc màu ghi đổ bên đường, tấm bê tông vỡ vụn và… áo sơ mi! Áo sơ mi trắng! Trời đất quay cuồng dưới chân, tôi lảo đảo nhào tới ôm lấy tấm áo trắng đang loang lổ những máu, những đất và bụi bê tông ấy!
         
- An Nhiên! Nhiên! Nhiên ơi! Không…! Đừng mà! Không…!
         
Tôi gào tên em trong bất lực, tay lay lay gương mặt nhỏ bé đang tái đi vì mất máu. Em vẫn còn thở, tạ ơn Chúa của em! Em khó nhọc ghì lấy tay tôi, vết thương từ đầu vẫn chảy máu, có mấy người cản tôi lại vì sợ vết thương của em sẽ nguy kịch hơn trong khi đơi cứu hộ tới. Tôi mặc kệ, càng giữ chặt lấy Nhiên, chỉ còn ánh mắt em yếu ớt nhìn tôi rồi lịm đi…
         
Ca phẫu thuật không thành công, em mất.

Tôi hận Chúa của em! Sao Ngài không cứu em!? Sao Ngài để em chết!? Em đã bỏ mọi sự, bỏ cả tôi để theo Ngài, Ngài trả em vậy sao?  Tai sao Ngài quyết cướp em khỏi tôi như vậy? Ánh nắng của đời tôi, giọng ca thánh thót còn thiếu trong bản hòa tấu của đời tôi… Em chết. Em chết khi lấy thân mình chắn cho một người em không quen khỏi tấm bê tông rơi từ tòa chung cư đang xây! Tại sao em làm thế? Tại sao em phải làm Thiên sứ trong khi em chỉ là một cô gái bé nhỏ? Không… Em là một Thiên sứ thật và đã đến lúc em phải trở về nơi mà em thuộc về. Còn tôi, tôi cần tập chấp nhận điều đó…!

***

Sau khi tốt nghiệp, tôi vẫn thường đi trên con đường ấy và hồi tưởng lại những kỉ niệm với em ngày nào. Tròn một năm sau ngày em mất, tôi quyết định lấy hết dũng khí bước vào ngôi Thánh đường kế bên Tu viện mà khi xưa em thường hay tới. Thật hay, có Thánh lễ, tôi khẽ lặng lẽ quỳ dưới hàng ghế cuối, kế bên cửa sổ. Chính tôi cũng không hiểu mình đang làm gì. Nếu là em ngay lúc này, em sẽ chắp tay lại, mắt đăm đăm hướng về bàn thờ, môi mím lại rồi khẽ mỉm cười… nhỉ? Hình bóng cô gái nhỏ tôi lén nhìn trộm năm nào nay sống động trước mắt tôi. Tôi muốn giống như em, muốn làm những việc em đã từng làm, muốn sống tiếp phần đời còn dang dở với bao ước mơ của em. Đúng thế, nụ cười của tôi trở lại, tôi chăm chú nghe vị linh mục giảng.

Tôi tự hỏi, Đấng mà em yêu say đắm đó, Ngài là ai?

Sau Thánh Lễ, tôi đến gặp vị Linh mục và xin được vào “Đạo.” Cha đón tiếp tôi bằng nụ cười từ tốn và niềm nở, giống như năm đó em gặp tôi lần đầu. Lại là hình bóng em.

***

Mọi chuyện vượt quá dự tính khi chính tôi lại đem lòng yêu vị Thiên Chúa mà từng căm hận, từng coi là “tình địch”! Tôi say mê Ngài, say mê Thánh Kinh. Không chỉ trở thành Kitô hữu, ba năm sau đó tôi còn là một giáo lí viên, một huynh trưởng nhiệt thành phục vụ trong chính giáo xứ ấy, nơi em từng phục vụ. Tấm khăn đỏ - vàng trên vai, tôi biết em đang cười. Hẳn em tự hào về tôi lắm, đó là tất cả những gì tôi có thể dành cho em.

Rồi một năm nữa lại trôi qua với bao hăng say phục vụ, tôi quyết định giấu ba, bỏ dở kế hoạch du học mà ông đã sắp xếp để tôi vào Công ty nối nghiệp.
Tôi muốn trở thành một Linh mục và phải là Linh mục của dòng Đa Minh. Nhất định phải là Đa Minh vì niềm say mê Kinh Thánh của tôi và vì em - Em là Thỉnh sinh Đa Minh.

Ngày vào dòng, tôi chỉ đem theo giấy chứng nhận Rửa tôi, Thêm sức, chút đồ cá nhân và hình bóng em trong tim. Sau hai năm tìm hiểu, tôi thật sự hạnh phúc và bình an. Tôi xác tín đây là con đường Chúa muốn tôi đi. Bỗng một ngày nắng đẹp, Cha Giáo nói muốn tôi hoàn tất hồ sơ để chuẩn bị lên Tập viện. Cha biết lí do khiến tôi chần chừ: Ba. Ông đã nổi cơn tan bành, quyết tâm từ mặt tôi và đe dọa tới Nhà dòng, còn mẹ thì dọa sống dọa chết. Tôi còn đang bối rối và chưa biết nên làm thế nào để có được chữ kí ưng thuận cuả ba mẹ, chỉ cúi mặt xuống thì Cha thở dài rồi nói:

- Thôi thì chí ít chú cũng nên cho Cha giấy giới thiệu và khám sức khỏe đi chứ nhỉ, công tử “mét tám” kia?

Mắt tôi bừng sáng, tràn ngập sự biết ơn và xúc động, liền vâng lời Cha và đi ngay. Nhưng kìa, cuộc đời thật trớ trêu và Thiên Chúa thật thích thử thách những kẻ kiếm tìm Người! Tôi bị tiểu đường Tuyp1! Thật khó tin! Một anh chàng 28 tuổi khỏe mạnh như tôi, không mấy khi ốm vặt, vẫn lao động, học hành như bao anh em khác thế mà lại…! Tôi suy sụp, ngồi phịch xuống ghế, bác sĩ an ủi rằng tôi chỉ bị mới đây thôi, nếu biết ăn uống điều độ, chăm chỉ tập thể dục thì sẽ khỏe mạnh như người bình thường. Tôi không nói gì, chỉ im lặng rời đi.

“Bình thường” ư? Bình thường thế nào được vì tôi biết rõ tôi sẽ phải sống với nó suốt phần đời còn lại… mẹ tôi cũng mắc căn bệnh này…! Nhưng trên tất cả, tôi biết mình không thể đi tiếp con đường mà tôi đã bỏ mọi sự như anh mù năm nào đã bỏ cả chiếc áo choàng duy nhất để chạy đến với Chúa Giêsu.

Tôi nên làm gì đây? Phải đối diện với sự kì vọng từ phía Cha Giáo, tình yêu thương của anh em thế nào đây? “Trở về nhà”? Nhà nào? Đây mới là nhà của tôi, đây mới là gia đình của tôi. Còn về đâu được nữa!?…

Dù Bề trên, Cha Giáo và anh em không nỡ nhưng tôi biết mình không thể và không nên trở thành gánh nặng cho Nhà dòng. Có lẽ Chúa có một kế hoạch khác cho tôi. Tôi cảm tạ Ngài vì ít nhất, tôi cũng đã được trở thành con Chúa, được tìm thấy gia đình thật sự trong Giáo Hội, nơi Nhà dòng. Những tháng ngày quý giá này tôi sẽ cất thật kĩ nơi trái tim, đây sẽ là hành trang cho tôi sống một cuộc sống ý nghĩa hơn, “người” hơn.

***

Giờ đây, khi đã trở thành một Giáo lí viên, ca trưởng và giảng viên Piano một trường Đại học, tôi vẫn thường hay đến các Tu viện, giáo xứ để dạy đàn. Một cuộc sống phục vụ và phục vụ. Không có gì để hối tiếc cả, với tôi, tất cả là hồng ân. Mỗi lần qua Tu viện mà em từng sống để dạy đàn cho các bạn Thỉnh sinh, tôi hay nán lại ít phút trước tượng Đức Mẹ và Thánh Đa Minh bên hông sảnh chính như em vẫn thường làm. Hít một hơi thật sâu cho căng tràn phổi hương nhài thoang thoảng, tôi thấy lòng nhẹ bẫng…

Một bạn Thỉnh sinh chào tôi cách lễ phép và mời tôi lên lớp để bắt đầu buổi học đàn. Vừa đi lên cầu thang, cô bé bỗng quay sang hỏi tôi một câu bâng quơ:

- Thầy Qúy đẹp trai và giỏi như vậy đã có cô nào lọt vào mắt Thầy chưa?

Hơi bất ngờ, tôi mỉm cười đáp:

- Rồi, Soeur ạ. Cô ấy đang ở một nơi rất xa và đang đợi tôi đấy. Nhưng có lẽ cũng phải khá lâu nữa… Thôi, ta mau mau kẻo trễ học nào, chuông rồi kìa!

***

Trên cuộc đời lữ hành này, lắm khi ta phải đi đường vòng mới tới được nơi cần đến như khi xưa Chúa dẫn dân Israel đi vòng vòng trong Sa mạc những 40 năm ròng. Nhưng dù có trắc trở và quanh co thế nào đi chăng nữa, sau cùng ta cũng chỉ có một đích điểm là Quê Trời. Và thật là an ủi làm sao nếu ta có thể bắt gặp những tia nắng vụt sáng đúng khi cuộc đời ta tăm tối nhất. Giống như một chiếc khăn tay trắng đúng lúc vết thương đang rớm máu và bầm dập vậy.

 

Hồng Tro


 
114.864864865135.135135135250