29/07/2021 -

Tác phẩm mới

690
Truyện ngắn - Sứ vụ của tôi ở Bệnh viện

Đại dịch Corona bắt đầu từ Vũ Hán Trung Quốc, giờ đã lan tỏa trên khắp thế giới. Bắt đầu 0 giờ ngày 1/4/2020, mọi người dân trên quê hương tôi phải cách ly toàn xã hội, thực hiện hạn chế ra đường, không được tụ tập trên 2 người nơi công cộng, đứng cách xa 2m, tạm ngưng các sinh hoạt tôn giáo tập trung. Cuộc sống con người thật mong manh và nhiều giới hạn. Con người cần phải xác tín niềm tin vào Thiên Chúa đang hiện diện, Ngài vẫn luôn trung tín với giao ước của tình yêu. Nhân loại có đau khổ đấy, có hoảng loạn, sợ hãi, cô đơn, ngay cả khi chết chóc đang len lỏi vào từng trái tim, thớ thịt thì ân sủng của Ngài vẫn bao phủ cuộc sống của con người, sự bình an và tình thương vẫn ngang qua cuộc sống của chúng ta. Lúc này đây, nhiều người hoang mang. Tôi tự hỏi, ơn cứu độ của Thiên Chúa đã được thể hiện trong con cái của Ngài như thế nào?

Trước tình hình đại dịch gia tăng, số người nhiễm và người chết tăng nhanh, tối hôm qua, chúng tôi có cuộc họp để bàn thảo về việc tuân giữ các chỉ định của Đức Tổng, của bộ y tế cũng như của chính quyền. Xung quanh các chỉ thị có các ý kiến trái chiều:

- Chúng ta sẽ không đọc kinh chung  mà các chị tự đọc riêng.

- Các chị em đều ở trong nhà, không ra ngoài, chị quản lý và các chị nào ra ngoài đeo khẩu trang, về nhà rửa tay bằng nước khử trùng và cách ly. Không ra ngoài, cứ ở trong nhà thì chúng ta nên đọc kinh chung cộng đoàn, vì virut Corona không có cánh, không bay lơ lửng trong không khí, mà chúng ta không tiếp xúc với người nhiễm bệnh thì cũng không bị nhiễm bệnh.

- Hiện tại COVID-19 diễn biến phức tạp, chúng ta phải nghe theo sự chỉ dẫn của những người trách nhiệm trong xã hội cũng như trong Giáo hội. Tu viện của chúng ta nên chia nhau thành những nhóm nhỏ.

- Ngày 26/3/2020, hướng dẫn của cha đặc trách tu sĩ của giáo phận có nói như sau: Các tu sĩ trong một nhà có thể cùng nhau đọc kinh Thần vụ theo thông lệ, nhưng không cho người ngoài vào tham dự. Khi cùng nhau đọc kinh chung, nên tuân theo các khuyến cáo về y tế như khử trùng, giữ khoảng cách, mang khẩu trang v.v. Cha đã giải thích để chúng ta thực hiện đúng theo quyết định của Đức Tổng về việc tạm ngưng thánh lễ và các sinh hoạt Công giáo.

- Thân phận con người của chúng ta thật yếu đuối vả mỏng dòn, đau khổ và hạnh phúc, ân sủng và tội lỗi, ai cũng phải chết, ai cũng có một thời để sống, để làm việc, để yêu thương, để chia sẻ, để ra đi về với chính Thiên Chúa mà Ngài đã tạo dựng. Nhưng chính Thiên Chúa đã tạo dựng con người một cách đặc biệt và cho chúng ta quyền làm chủ mảnh đất này để chúng ta sinh sống và phát triển. Thế mà, trên thế giới này, bao nhiêu người đã nhận biết Thiên Chúa? Chúng ta đã truyền giáo và cách chúng ta yêu thương họ như thế nào? Đó là trách nhiệm của mỗi người.

- Thế giới của chúng ta, từ xa xưa cũng xảy ra những đau khổ, sự tàn phá, những trận đại dịch, lốc xoáy, cháy rừng, đói, chiến tranh… Em xin liệt kê các trận đại dịch: Đại dịch đầu tiên xảy ra vào triều đại vua Justinian I (483-565 sau công nguyên. Do điều kiện vệ sinh kém, dân trí thấp, giết chết khoảng 50 triệu người. Cái chết đen (1347-1351) dịch hạch ký sinh trùng trên loài chuột, dịch lan rộng khắp Châu Âu, giết chết khoảng 25 triệu người. Bệnh đậu mùa cướp đi sinh mạng của khoảng 20 triệu người, gần 90% dân số ở Châu Mỹ lúc đó. Dịch tả giết chết hàng triệu người ở Ấn Độ. Cúm Tây Ban Nha - đại dịch cúm năm 1918, hơn 50 triệu người trên toàn thế giới, vì dịch cúm này, các hành động phòng ngừa vào tháng 8/1918, bao gồm bắt buộc khai báo về các trường hợp nghi ngờ và sự giám sát các cơ sở như trường học, doanh trại, đóng cửa, dọn dẹp vệ sinh các địa điểm họp công cộng như nhà hát, và tạm dừng các cuộc họp đông người. Vì khi ấy chưa có vacxin nên chính phủ các nước thực hiện cách ly những đối tượng bị cúm và cách này đạt hiệu quả cao. Em xin nói thêm về nạn đói năm Ất Dậu là thảm họa miền Bắc Việt Nam, trong khoảng từ tháng 10/1944-05/1945 từ 400000 đến 2 triệu người chết. Từ cách nhìn xuyên suốt sinh lão bệnh tử, mỗi người chết mỗi cách, rồi chiến tranh, dịch hạch, nạn đói…, chúng ta có nhìn ra dấu chỉ của thời đại, con người có thấy được tình thương của Thiên Chúa, có loại bỏ Thiên Chúa và các đường lối của Thiên Chúa cũng như cách con người tương quan như thế nào với nhau?

- Chúng ta có niềm tin, hy vọng vào Thiên Chúa, chỉ có Thiên Chúa mới làm chủ thời gian, lịch sử và vận mạng của nhân loại. Trận dịch này sẽ qua nhanh thôi, số người chết cũng sẽ ít hơn, khoa học phát triển, tình liên đới, chia sẻ hy sinh phục vụ, thông tin toàn cầu cũng phát triển, đặc biệt là lời cầu nguyện, hy sinh của chúng ta và của các tôn giáo trên toàn thế giới... nhiều hoạt động từ thiện, bác ái, để ngăn ngừa trận dịch, nhưng bên cạnh ngăn ngừa dịch bệnh vẫn còn có một số người bưng bít thông tin, ích kỷ, lợi nhuận… đó là sự dữ.

- Trong nhà của chúng ta có 4 chị là bác sĩ trẻ, trong đó có 3 chị làm tại phòng khám của Hội Dòng, 1 chị làm việc tại bệnh viện, bây giờ phòng khám tạm ngưng, các chị muốn đi ra ngoài để phục vụ bệnh nhân bị dịch, cũng như một số các chị hoạt động tông đồ muốn chia sẻ những khó khăn với những người nghèo, bán vé số, gánh hàng rong…

Cuộc họp căng thẳng. Chị Phụ trách nói: - Xin mời giải lao

Sau giờ giải lao, thêm một số các ý kiến: - Các chị không được được đi ra ngoài, vì các chị đi ra ngoài làm việc, về tới nhà lây nhiễm cho chị em.

- Chúng ta cần phải xét lại hoạt động tông đồ của chúng ta trong dịch này là gì? Ngoài việc hy sinh và cầu nguyện.

- Chuyên môn và trách nhiệm sứ vụ là điều kiện để các chị phục vụ.

- Chúng ta cần phải xem xét những ai được ở nhà và những ai phải ra ngoài. Các chị lý luận quá, trong 4 chị về y tế, 1 chị đã đi làm bệnh viện thì cứ ở trong bệnh viện mà làm, một chị giúp cho người phong cùi, một chị chăm sóc cho các chị đau bệnh trong nhà, đề nghị chỉ một mình chị Thư đi ra ngoài làm và ở lại tại nơi đó, các chị bên tông đồ ra ngoài về nhà tự cách ly. Cách ly cũng là việc làm bác ái cho chị em.

Tổng kết lại sau 2 tiếng đồng hồ trao đổi và đi đến kết luận: Các nhóm đọc kinh riêng, chị Thư sẽ đến bệnh viện để phục vụ, các chị  y tế khác sẵn sàng lên đường khi cần, nếu  số người chết quá đông, thiếu nhân viên y tế, chị Thư sẽ liên hệ và thông báo cho các chị em. Các chị hoạt động tông đồ liên hệ với những người khó khăn và giúp đỡ họ, khi phải ra ngoài các chị tự động cách ly.

Kết thúc buổi họp, tôi vui vẻ đứng lên.

- Các chị ở nhà cầu nguyện cho chúng em, xin cho chúng em có nhiệt tâm tông đồ, sức khỏe cũng như sự bình an của Chúa. Em rất vui khi được ra ngoài làm việc đúng với sứ vụ của em. Em tin rằng Chúa luôn đồng hành với em trong mọi hoàn cảnh.

- Em chào các chị, 4 giờ sáng mai em sẽ lên đường.

Sáng mai, tôi sẽ lên đường, có thể là tôi sẽ không trở về nữa, và có thể tôi sẽ trở về. Không biết được ngày mai rồi sẽ ra sao. Có những lúc, tôi cũng rất sợ hãi khi nghĩ về sự dữ và mỗi lần như thế tôi lại kêu lên Lạy Chúa Giê- su, xin thương xót con cùng và hình ảnh của Chúa luôn đứng cạnh tôi “Thầy đây! đừng sợ” và cơn sợ hãi cũng biến mất.
Đêm nay, tôi ngủ chừng 5 tiếng, còn một tiếng, xe mới khởi hành, tôi đến quỳ trước tượng Đức Mẹ đặt tại cuối hành lang, tôi dâng sự khốn cùng của nhân loại xin Mẹ che chở, cầu bầu. Tâm hồn tôi bình an, nhẹ nhàng thanh thoát, giờ này ánh trăng 18 lung linh xuyên qua hàng cây đầu lân cuối nguyện đường, bầu trời trong xanh, thanh tĩnh, những kỷ niệm thủơ ban đầu tập tu, luyện tu ùa vào, tôi nhớ lại, những con đường huyền nhiệm mà Chúa đã dẫn tôi đi, có đau khổ có niềm vui, những mỗi lần đau khổ, tôi lại so sánh cây thập giá đời tôi với thập giá của Chúa, Người đã gánh và đỡ nâng thập giá đời tôi.

Tôi đứng dậy đi vào nhà nguyện, một vài chị cao niên dậy sớm cũng đang quỳ trước Chúa Giê-su Thánh Thể, tôi cũng quỳ như các chị, tôi cầu nguyện: Xin tình yêu của Chúa Giê-su tỏa xuống trên con cũng như nhân loại đang phải đối phó với dịch bệnh, Ngài là suối nguồn an ủi, là sức mạnh nâng đỡ chúng con, xin cho mọi người trên thế giới này nhận biết Ngài là Đấng cứu độ trần gian và chỉ có Chúa là gia nghiệp đời con, là Đức Chúa duy nhất, thánh thiện và trường tồn.

Tôi đứng lên, chào các chị và lên đường. Có cái gì mát lạnh trên sóng mũi và cay cay trên khóe mắt. Tôi quay lại nhà nguyện và thầm thỉ, con cũng là nữ tì yếu đuối của Chúa, xin nâng đỡ con. Tôi làm dấu và lên xe.

Hôm nay, tôi được phân công tại phòng cấp cứu chống độc, bệnh nhân là những người đang đứng bên bờ giữa sự sống và sự chết. Tôi mặc đồ bảo hộ, mồ hôi nhễ nhãi và khát nước:

Lạy Chúa là mạch nước trường sinh, xin dòng nước ngọt ngào của Chúa giải thoát con khỏi cơn khát thể lý và cơn khát thiêng liêng.

- Bác sĩ ơi! Tôi muốn về nhà, tôi muốn về nhà để ra đi trong sự quây quần của con cháu, để đứa con trai trưởng của tôi vuốt mắt cho tôi khi toàn thân tôi không còn cử động được nữa.

Tôi tiến lại gần giường của bệnh nhân số 49 rồi nói.

- Bệnh của bác cũng sẽ qua mau, khi nào khỏe, bác sẽ về với con cháu, với mái nhà thân thương, bác cứ coi mọi người ở đây là con cháu của bác, bác sẽ thấy vui hơn. Bác nằm nghỉ cho khỏe nhé.

- Tôi không thấy đứa con nào vào thăm tôi.

Tôi đứng cách xa bác và nói.

- Phòng này đặc biệt chỉ có bệnh nhân và các bác sĩ, điều dưỡng chăm sóc thôi à.

- Bác sĩ ơi! Tôi mệt… mệt… quá.

Tôi vội vàng tiến lại cuối phòng, bệnh nhân số 50, nhìn vào bệnh án, ngày đầu tiên, sốt 38 độ, tràn dịch phổi, suy thận nặng, đã vào đây 5 ngày. Hôm nay, nhiệt độ bình thường, đã chạy thận.

- Em đo huyết áp và cho thở oxy. Tôi nói với em điều dưỡng.

- Bác sĩ ơi, ngày mai cho tôi về.

Tôi đến chỗ bệnh nhân đầu phòng số 1 và nói

- Chú đã khỏe chưa mà muốn về nhà?

- Tôi thấy vẫn còn đỡ mệt, nhưng tôi muốn đi làm, vì tôi là lao động chính trong nhà.

- Nhà chú ở đâu? Tôi hỏi.

- Tôi ở tận ngoài Bắc, vào đây ở nhà trọ, thời gian đầu, tôi và vợ đi làm thợ hồ, cách đây 2 năm tôi bị té từ dàn giáo, giờ tôi không đi làm thợ hồ mà đi bán vé số, vợ tôi cũng đi bán vé số nhưng lại bị thoát vị đĩa đệm, ngày bán, ngày không bán.

- Các công ty sổ xố tạm ngừng rồi chú ạ. Tôi nói tiếp.

- Hiện tại thì mọi người đều phải cách ly, hạn chế ra ngoài, ai ra ngoài không có lý do chính đáng phải bị phạt tiền.

- Tôi muốn về nhà để kiếm tiền.

- Chú đừng lo nghĩ nhiều ảnh hưởng đến sức khỏe, cũng có nhiều đoàn thể, nhiều người đến giúp những hoàn cảnh khó khăn.

Nói xong, tôi nhìn hồ sơ bệnh và ghi địa chỉ.

- Chúa ơi! cứu con.

Tôi nghe tiếng kêu từ giường bên cạnh, bệnh nhân số 2. Tôi quay sang.

- Bác có mệt và đau lắm không?

- Tôi… m…uốn … gặp … một l…inh m…ục.

Tôi nắm bàn tay bệnh nhân và bắt mạch, mạch hơi yếu. Tôi hỏi

- Giờ này cũng khuya rồi, bác muốn gặp linh mục để chiều mai được không ạ.

- Kh…ôn..g. bàn tay của bệnh nhân rời khỏi tay tôi.

Cấp cứu cho bệnh nhân này xong, tôi trở về phòng nghỉ, giờ này khuya rồi, cầm một số địa chỉ và điện thoại của bệnh nhân, tôi cần phải gọi điện thoại cho một số người, có thể họ khó chịu nhưng đành vậy.

- Xin chào Chị

Giọng của một người phụ nữ trung niên.

- Xin lỗi ai ở đầu dây đấy?

- Tôi là Bác sĩ … ở bệnh viện.

- Mẹ tôi thế nào rồi?

- Bác gái hơi mệt, bác gái muốn gặp một linh mục, chị là gì của Bác?

- Tôi là con gái.

Tôi hỏi tiếp.

Gia đình chị thuộc giáo xứ nào?

- Gia đình tôi theo đạo Phật, nghe Mẹ tôi nói rằng, trước khi Mẹ tôi lấy Ba tôi, Mẹ vẫn đi lễ ở nhà thờ, từ lúc về ở với Ba tôi, Mẹ không còn đến nhà thờ nữa.

- Chị có thể cho tôi biết lý do vì sao Mẹ không đến nhà thờ nữa.

- Vì Ba là đảng viên, sau khi lấy Ba, Mẹ cũng vào đảng viên. Nhưng sinh hoạt đảng viên được mấy năm, Mẹ sinh tôi và không đi sinh hoạt nữa, mấy năm sau đó Mẹ đã làm đơn ra khỏi đảng, bà nội theo Đạo Phật nên cũng không muốn cho Mẹ đến nhà thờ và các con của mẹ cũng không ai theo đạo. Sau khi ba chết, Bà nội cũng chết, có lần, vào buổi trưa, tôi thấy mẹ đứng ở cuối nhà thờ và khóc.

- Bây giờ, Mẹ muốn gặp linh mục, chị nghĩ sao?

- Từ lúc tôi nhìn thấy mẹ khóc, hình ảnh này tôi không quên được, nhưng gia đình bên nội, nhất là ông chú không muốn cho Mẹ theo đạo Công giáo?

- Còn những người khác trong gia đình thì sao?

- Ông chú lo kinh tế cho cả gia đình, ông mới nghỉ hưu. Còn các người khác không có ý kiến gì.

- Mai chị nói chuyện với ông Chú về việc Mẹ chị xin gặp linh mục, rồi chị nói luôn là chị đã chứng kiến Mẹ chị đứng cuối nhà thờ khóc nhé. Nhưng tôi thấy quan trọng là Mẹ chị muốn gì trong lúc này. Có thể tôi sẽ thực hiện yêu cầu của Mẹ chị.

- Bác sĩ có thể giúp Mẹ tôi được điều gì, xin cảm ơn Bác sĩ.

Tôi đi thăm các bệnh nhân một lượt và về phòng nghỉ lúc 1 giờ đêm và tôi cầu nguyện: Chúa ơi thêm sức cho con và cứu giúp các bệnh nhân mà con đang phục vụ. Xin Chúa chúc lành cho ước nguyện của họ. Lạy Chúa Giêsu nhân từ và khoan dung, hôm nay chúng con đang bước vào tuần thánh, nhưng được tham dự trực tiếp thánh lễ và các nghi thức, con tự vấn lương tâm con đã làm gì để làm cho vinh danh Chúa được tỏa sáng, con đã làm gì cho những người con gặp hàng ngày, con còn nhiều thiếu xót, xin Chúa thương xót và chữa lành con. Lạy Chúa, vào thời các vua Minh mạng, Thiệu Trị, Tự Đức bách hại đạo, người tín hữu không được tham dự thánh lễ, nhưng họ can đảm tuyên xưng đức tin của họ bằng nhiều hình thức, bằng cái chết, bây giờ một con vi rút nhỏ đã làm đảo lộn thế giới, chúng con không được trực tiếp tham dự thánh lễ cũng như các nghi thức tuần thánh vì bác ái sợ gần nhau bị lây nhiễm. Chúng con tuyên xưng Chúa bằng cách nào, xin Ngài hướng dẫn. Ôi Giêsu đau thương và nhục nhã trên đồi Canve vì con, vì nhân loại tội lỗi và khổ đau. Trong tay Ngài, Lạy Chúa con xin phó thác hồn con. Tôi ngủ thiếp đi

- Bác sĩ ơi! Bệnh nhân số, tay chân lạnh giá, thoi thóp. Cô điều dưỡng giọng hốt hoảng

Tôi vừa đi vừa nói

- Mang máy trợ thở vào, huyết áp bao nhiêu?

- Không đo được huyết áp?

- Bị lâu chưa?

- Khoảng 30 phút.

Sau khi khám và viết toa thuốc xong, tôi rời khỏi phòng lúc 7 giờ sáng, chuẩn bị giao ban. Tôi nghĩ, giờ này các chị ở nhà đã ăn sáng xong, bắt đầu các công việc. Tôi gọi cho chị trưởng ban tông đồ.

- Chị ơi, trong ngày hôm nay, chị cố gắng đến Giáo xứ Châu Bình, khu nhà trọ, chạy dọc theo Chùa Vạn Đức, hỏi thăm gia đình bán vé số, có 4 người, vợ bị thoát vị đĩa đệm, con trai 26 tuổi liệt từ lúc còn nhỏ, con gái đang học lớp 12, nhà có máy vi tính cũ, chị thưa với chị trưởng để giúp em học trên mạng nhé, chồng đang nằm bệnh, chị giúp gia đình họ gạo hoặc tiền. Họ khó khăn lắm đấy.

- Đã bảo là không ra khỏi nhà mà.

- Đã bảo là được ra khỏi nhà trong thời gian này là hạnh phúc vì sứ vụ mà, Chúa Giê su trong ngày thứ năm tuần thánh nhắc nhở đấy,  khi về nhớ cách ly và làm các thứ thủ tục về y tế nhé.

- Chào tạm biệt chị, em còn phải gặp cha xứ có việc đấy.

Tôi gọi điện thoại cho cha xứ.

- Alô. Chào soeur, soeur đang ở đâu đấy,...

- Con đang ở bệnh viện, một bệnh nhân muốn gặp Cha.

- Cha vào bệnh viện cũng được phải không soeur.

- Cha cứ vào, có con ở đấy mà.

- Lát nữa con gọi điện cho cha

Tôi liều lĩnh trả lời và vội vàng đi gặp bác sĩ trưởng khoa.

Sau khi gặp bác sĩ trưởng khoa. Tôi gọi cho Cha

- Cha ơi! Cha vào giải tội, trao Mình Thánh Chúa, xức dầu bệnh nhân.

- Vào bệnh viện có mặc đồ bảo hộ không đấy.

- Con làm ở phòng cấp cứu chống độc, thành phố có bệnh viện riêng để chữa bệnh nhân bị nhiễm COVTD- 19, chỗ con cũng mặc bảo hộ, nhưng bệnh nhân nào sốt, có biểu hiện, xét nghiệm dương tính sẽ chuyển đi. Nếu cha muốn mặc đồ bảo hộ, con cũng có.

- 30 phút nữa tôi sẽ tới.

Cha xứ tới được 1 tiếng, ước nguyện của bệnh nhân đã thực hiện. Mấy ngày sau, bệnh nhân đã ra đi, gia đình đến đón bà về để hỏa táng. Tôi xuống tiễn bà tại hành lang, nghe họ nói phải coi giờ để đi hỏa táng. Tôi gọi cho Cha xứ để Ngài đến nhà làm các nghi thức an táng.

Tôi lại gọi điện thoại về nhà Dòng và được biết các chị bên tông đồ đã nhiệt tình đến nhà bệnh nhân ở nhà trọ và mọi sự diễn ra tốt đẹp theo như tôi đã đề nghị. Tôi hỏi chị phụ trách.

- Tối thứ bảy tuần thánh em về có được không? Em muốn tham dự thánh lễ Mừng Chúa Phục sinh với cộng đoàn. Chết và sống lại là một mầu nhiệm và là niềm hy vọng của chúng ta.

- Em không được về, phải cách ly.

- Em đâu có bị nhiễm mà cách ly. Em đã thử không có vấn đề gì.

- Em cứ ở bệnh viện cho tới khi nào không còn đại dịch mới về em nhé!

- Em nghĩ sẽ về sớm, vì trên đất nước mình, theo báo cáo thì chưa có người nào chết vì dịch, người lây nhiễm cũng được thực hiện theo ý tế hướng dẫn. Hy vọng mọi sự đều tốt đẹp.

- Đất nước mình còn rất nhiều phương án chống dịch, chỉ khi nào chính phủ thông báo thì cứ thế mà thực hành.

- Mình phải biết phân định và tiên liệu chứ.

- Đi ra ngoài làm em cũng phải chu toàn bổn phận thiêng liêng của một người sống đời thánh hiến nhé.

- Cám ơn chị.

Tôi nói tiếp

- Có một Cha đã viết trên bài báo của mình mà em đọc được: “Hy vọng chính của tôi là chúng ta đang tận dụng sức mạnh toàn cầu để chống lại đại dịch này với tài năng khéo léo và kiên cường của loài người. Với sự ân sủng của Chúa, chúng ta sẽ thắng.”

- Thưa bác sĩ, bệnh nhân số 50 tình hình rất xấu.

Cô điều dưỡng nói.

Tôi nhìn các máy đang hoạt động trên người bệnh nhân lắc đầu: Lạy Chúa, Chúa đã khóc thương anh Lazaro và cũng làm cho anh ấy được sống lại, xin Chúa thương xót người bệnh nhân này cho họ được về nhà trong bình an của Chúa.

Tôi gọi cho người nhà, anh con trai trưởng đến đón mẹ.

Lúc anh vào, bà mở mắt và nói:

- Cho mẹ về, để mẹ còn đi gặp ba của con.

Tôi nhìn bà, tạm biệt bà và cúi đầu.

Lạy Chúa, những việc của Chúa có khi cũng đau khổ rất nhiều, xin cho những người con gặp gỡ, những bệnh nhân, đặc biệt những bệnh nhân đang bị nhiễm bệnh do COVID-19 xin thêm sức cho họ để họ nhận ra Chúa là nguồn sức mạnh, những người chết được về hưởng tôn nhan Chúa, các bác sĩ, nhân viên y tế, những người đang nghiên cứu thuốc, Đức thánh cha Phanxico, các Đức giám mục, linh mục, tu sĩ cũng như tất cả mọi người trên thế giới này, cả con nữa được mạnh mẽ, can đảm yêu thương, hiệp thông để sáng danh Chúa… và cả những gì con chưa nhớ ra.

Mấy tháng sau, chị phụ trách gọi điện thoại cho tôi

- Này! Dịch bệnh đã hết gần 2 tháng mà em vẫn chưa về. Lại còn  không gọi điện thoại.

-  Có một số công việc mà trên điện thoại nói ra không tiện. Khi về nhà Dòng em sẽ nói cho chị, chị thông cảm nhé. Khoảng 1 tuần nữa, em về.

Tôi trở về nhà Dòng trong ngày lễ khấn trọn đời của các em. Tay cầm tượng Chúa Phục sinh, tôi giơ cao và hát:  Tạ ơn Chúa, con đã về. Tạ ơn Chúa, con đã về. Đau khổ, chết và sống lại mà Chúa Giê su đã đi qua và tôi là nữ tì của Chúa, tôi cũng trải qua như vậy. 

Tôi cùng các chị lên nguyện đường trong tiếng hát trào dâng. “Không phải con đã chọn Ngài, nhưng chính Ngài đã chọn con...”


 
Ngày 06/4/2020
LIM KIM (Đaminh Rosa Lima)


Tài liệu tham khảo
Báo tuổi trè Việt Nam- liệt kê đại dịch trên thế giới và cách chống địa dịch

 
114.864864865135.135135135250