04/03/2021 -

Tài liệu

7654
Ba lời khấn  dựa trên nền tảng Thánh Kinh- (Lời Khấn Vâng Phục)

Ba lời khấn

dựa trên nền tảng Kinh Thánh

 Catarina Thùy Dung

 

LTS – Trong bài này, BBT xin trích đăng một phần trong số ba lời khấn – Lời khấn vâng phục.
 

LỜI KHẤN VÂNG PHỤC

I.     Dẫn nhập

Ơn gọi nên thánh là ơn gọi chung của mọi Kitô hữu, tất cả đều được kêu gọi nên thánh tuỳ theo địa vị, bậc sống của mình[1]. Nên thánh là mục đích mà mọi người phải đạt đến, vậy người thánh hiến có gì đặc biệt ? Việc nên thánh bao hàm sự thực hành đức ái, cách riêng là thi hành các lời khuyên Phúc Âm dưới một hình thức nào đó[2].

Người thánh hiến nên thánh cách riêng bằng việc sống ba lời khuyên Phúc Âm[3], đó là muốn trở nên giống Chúa Kitô, hoà hợp cuộc đời của ta với tinh thần của các mối phúc, nhất là muốn đạt tới đức ái, để nó thấm nhập vào các yếu tố của đời tận hiến và liên kết chúng trở thành các mối dây ràng buộc của sự trọn lành (x. Cl 3,14).

Những lời khuyên này có nền tảng trong Kinh Thánh, đó là điểm quy chiếu tuyệt vời mà chúng ta dựa vào đó để sống và thi hành sứ vụ. Chúng ta có mẫu gương là Chúa Giêsu, Ngài thực hiện ý muốn của Chúa Cha, là người được Chúa Cha Thánh hiến và sai đến trong trần gian (Ga 10,36). Việc thánh hiến mà Chúa Giêsu nói đây, là mầu nhiệm nhập thể: nhân tính được thánh hiến khi kết hợp với thiên tính.

Như Chúa Cha sai Chúa Con đến trần gian, Chúa Con cũng sai chúng ta. Như thế, sự thánh hiến của Chúa Giêsu là nguồn gốc mọi đời thánh hiến “Con xin hiến thánh chính mình Con cho họ, để nhờ sự thật, họ cũng được thánh hiến” (Ga 17,19).

Không phải anh em đã chọn Thầy nhưng chính Thầy đã chọn anh em (Ga 15,16).

Việc tuyển chọn không ngừng lặp lại trong Kinh Thánh, không phải con người có công trạng gì, nhưng Thiên Chúa chọn chỉ vì yêu thương: không phải các ngươi đông... nhưng vì yêu thương anh em và để giữ lời thề hứa với cha ông anh em (Đnl 7,6-7). Toàn bộ sáng kiến tuyển chọn đến từ Chúa; Ngài chọn ai là muốn họ cộng tác trong công trình cứu độ. Người thánh hiến thực hiện nhiệm vụ trong Hội Thánh cũng phát xuất từ sáng kiến của Chúa và để thi hành sứ vụ, vậy họ phải đáp lại lời mời gọi này bằng tình yêu đến tận căn.

Chúa Giêsu nhập thể làm người như chúng ta, Ngài có cách thể hiện riêng và chúng ta hoạ theo cách sống đó nơi các lời khuyên Phúc Âm. Người sống bậc gia đình cũng sống ba lời khuyên này, nhưng cách thể hiện thì khác. Còn người thánh hiến được kêu gọi cách đặc biệt để tương giao với Chúa như người bạn thân thiết. Mặc dù Chúa yêu thương mọi người và kêu gọi hết thảy đến lãnh nhận ơn cứu độ, nhưng Ngài cũng gọi một số người cách đặc biệt: Người lên núi và gọi đến với Người những kẻ Người muốn...Chúa lập nhóm Mười Hai để các ông ở với Người và để Người sai các ông đi rao giảng, với quyền trừ quỷ (Mc 3, 13-15).

Có nhiều cách khai triển các lời khấn, nhưng trong giới hạn bài này, chúng ta chỉ tìm lại nguồn gốc của ba lời khấn nơi một số đoạn Kinh Thánh tiêu biểu trong Cựu Ước và Tân Ước.

Nội dung

A.Khái niệm về các hạn từ

1.Phân biệt lệnh truyền và lời khuyên

Lệnh truyền: minh định bổn phận mà mọi người phải thi hành, ví dụ: các giới răn; nếu không tuân hành sẽ có lỗi hay có tội, tuỳ mức độ mà điều khoản quy định.

Lời khuyên: hướng về sự trọn lành của đức ái, gồm những điều mà con người không buộc phải tuân theo, nhưng muốn tự vâng giữ để hoàn thiện chính mình, ví dụ: vâng phục, khó nghèo và  khiết tịnh.

Lời khấn nói chung

-  Giáo luật định nghĩa: Lời khấn là lời hứa cách ý thức và tự do, nói lên cùng Thiên Chúa, về một điều thiện tốt hơn và có thể thi hành được. Xét vì thuộc đức thờ phượng, lời khấn buộc phải được chu toàn[4].

Ba lời khuyên Phúc Âm nói riêng, là những lời đề nghị giúp chúng ta:

-Xa rời nguồn gốc tội lỗi và những con đường lệch lạc.

-Dẫn tới đức ái hoàn hảo.

Việc sống ba lời khuyên Phúc Âm, người tu sĩ muốn được giải thoát khỏi những gì có thể ngăn trở họ không nhiệt tâm yêu mến và tôn thờ Thiên Chúa cách hoàn hảo, và để họ được thánh hiến cho việc phụng sự Thiên Chúa cách mật thiết hơn[5].

Công Đồng Vat II cho thấy mối liên hệ giữa ba lời khuyên Phúc Âm với Chúa Giêsu, các điều này mô phỏng đời sống của Chúa và thông dự vào sự khó nghèo, trinh khiết và tuân phục của Ngài[6].

2.Bản Chất của lời khấn

Lời khấn Dòng là khấn tuyên giữ ba lời khuyên Phúc Âm. Các lời khấn này được gọi là “các lời khấn thờ phượng”, vì làm cho đời người tu sĩ trở thành của lễ thờ phượng dâng lên Thiên Chúa, khấn để theo sát Đức Kitô. Theo sát Đức Kitô là:

-       đi sau, học và sống theo gương Ngài (x. Mc 2,15; 7,5 );

-       tin vào Ngài và được hưởng sự sống: ai theo tôi sẽ đi trong ánh sáng (Ga 8,12; 10,4);

-       chia sẻ số phận với Ngài: ai phục vụ Thầy hãy theo Thầy, Thầy ở đâu kẻ phục vụ cũng ở đó, Thầy đi đâu người ấy cũng đi theo đó (Ga 12,26);

-       theo vết chân Ngài, là từ bỏ chính mình, vác thập giá mà theo (x. Mc 8,34; Lc 14,27);

-       làm môn đệ Chúa và dẫn đưa những người khác trở thành môn đệ: các anh hãy theo tôi, tôi sẽ làm cho các anh lưới người như lưới cá (x. Mc 1,16-20; Ga 1,40.43t);

-       sống vâng phục và dâng hiến: anh em được kêu gọi để sống như thế…Đức Kitô đã chịu đau khổ vì anh em, để lại một gương mẫu cho anh em dõi bước theo Người (1Pr 2,21).

B.Ba lời khuyên Phúc Âm

1.Vâng phục

Đức Giêsu Kitô vốn dĩ là Thiên Chúa...đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang...vâng lời cho đến nỗi bằng lòng chịu chết, chết trên cây thập tự (Pl 2, 6-7). Đây là mẫu gương hoàn hảo nhất cho người tu sĩ noi theo. Ngài là đỉnh cao của mặc khải, tất cả những gì đã được loan báo trong Cựu Ước sẽ được hoàn trọn nơi Ngài. Những người được gọi là “cha của niềm tin” như Abraham; là “bạn của Thiên Chúa” như Môsê đều là những người đã vâng phục Thiên Chúa, làm theo sứ mệnh của Ngài và hoàn tất cuộc đời trong tình yêu Thiên Chúa, đó là những người có thể nói loan báo về một mẫu người hoàn hảo là chính Đức Kitô. Chúng ta cùng nhìn lại trong Kinh Thánh xem những người này sống như thế nào về sự vâng phục, để từ đó là kim chỉ nam cho đời sống thánh hiến của chúng ta.

1.1.Vâng phục trong Cựu Ước

*Abraham: Cha của lòng tin[7] (St 12-22)

Cả ba tôn giáo lớn (Do Thái Giáo, Hồi Giáo và Kitô Giáo) đều nhận Abraham là tổ phụ của mình, tại sao ? Vì có đời sống đạo đức ? Vì sự giàu sang hay dòng dõi đông đúc?

Trên tất cả là sự vâng phục của Abraham: Từ khởi đầu ông nghe tiếng Chúa, đã hoàn toàn tuyệt đối tin vào Ngài là bỏ xứ sở, nhà cửa, gia đình, của cải... đến nơi vô định mà Thiên Chúa muốn (x.St 12,1).

Tiếp đến, sự vâng phục lên đến đỉnh điểm, đưa tới việc xác minh lời hứa đó là việc hiến tế Isaac: vì ngươi đã không tiếc con của ngươi, con một của ngươi, nên Ta sẽ thi ân giáng phúc cho ngươi, Ta sẽ cho dòng dõi ngươi nên như sao trên trời như cát bãi biển (St 22,16t) mà ông trông thấy chớm được thực hiện “YHWH chúc lành cho Abraham trong mọi sự” (St 24,1); sách Huấn ca khen ngợi: Abraham là người cha vĩ đại của muôn dân tộc, vinh quang của ông không ai sánh bằng (Hc 44,19). Ơn gọi của Abraham là thiên phúc làm cha, vinh quang của ông nằm trong dòng dõi con cháu; vậy mà Chúa đòi ông hiến tế đứa con duy nhất. Trong niềm tin và sự vâng phục, Chúa thực hiện lời hứa và đổi tên từ Abram thành Abraham, tên mới mang nghĩa “Cha của số đông” (St 17,5). Nhờ việc vâng phục mà ông trở thành “Cha của số đông”. Không phải ngẫu nhiên mà Mátthêu giới thiệu gia phả của Đức Giêsu bắt đầu từ Abraham (không từ Ađam như Luca). Vì sự vâng phục mà ông được coi như người sinh ra cả dân tộc Israel trong niềm tin.

Abraham là người được Chúa chọn, đóng vài trò là người Cha của mọi dân tộc trong niềm tin (x. Gl 3,16), nơi ông không còn phân biệt Do Thái hay dân ngoại (Ep 3,6), cắt bì hay không. Khi tự nhận theo đức tin của Abraham, mọi người đều trở nên con cái của vị tổ phụ và được thừa hưởng lời chúc phúc mà Chúa hứa ban (Gl 3,7t; Rm 4,11.18).

Phép rửa khai sinh một chủng tộc mới, thiêng liêng gồm con cái Abraham theo lời hứa (Gl 3,27t), chủng tộc mà những vị đại diện đầu tiên sớm được gọi là cha (2 Pr 3,4).

Cuộc đời của Abraham hoàn toàn diễn tiến trong sáng kiến tự do của Thiên Chúa. Ngài chọn Abraham trong một gia đình “thờ những thần khác” (Gs 24,2), dẫn ra khỏi đất Ur (St 11,31) và đưa đến một sứ sở xa lạ (Hr 11,8). Đây là một sáng kiến yêu thương, ngay từ đầu Thiên Chúa tỏ ra vô cùng độ lượng với ông, lời hứa của Chúa vạch ra cho Abraham một tương lai huy hoàng, Chúa nói nhiều lần: Ta sẽ ban cho, Ngài sẽ cho ông một giải đất  (x. St 12,7) được sung mãn vì dòng dõi đông đúc (St 12,2). Dù thực tế hoàn toàn trái ngược với viễn ảnh kia: Abraham là người du mục, Sara thì đã quá tuổi sinh con. Do đó tính cách nhưng không của Thiên Chúa lại càng rõ rệt: tương lai của Abraham hoàn toàn dựa vào quyền năng của Chúa. Như vậy Abraham cưu mang trong mình cả một dân tộc của Thiên Chúa, dân được chọn không vì một công nghiệp nào. Ngài chỉ đòi hỏi ở nơi Abraham một niềm tin tuyệt đối và lòng dũng cảm, một sự sẵn sàng đón nhận thánh ý Ngài, hoàn toàn vâng phục Thiên Chúa trong sứ mệnh.

Chúng ta khởi đi từ sự vâng phục của Abraham, nhưng cần quay trở lại những trang đầu của lịch sử cứu độ, đó là việc con người bất tuân Thiên Chúa như trong St 3, 1-7, đó là tội đầu tiên con người phạm, vì vậy lời khấn vâng phục được đặt lên hàng đầu xét theo tầm quan trọng, như Thánh Phaolô nói: Bởi một người duy nhất đã không vâng lời Thiên Chúa mà muôn người thành tội nhân, giờ nhờ một người duy nhất đã vâng lời Thiên Chúa mà muôn người trở nên công chính (Rm 5,19). Sự công chính trọn vẹn nhờ sự vâng phục của Đức Kitô, vậy lời khấn vâng phục mang chiều kích cứu độ. 

Chúng ta xét điểm này dưới hai khía cạnh:

1.2.Vâng phục trong Tân Ước

1.1.1.Đức Kitô- mẫu gương vâng phục 

Chúng ta có mẫu gương vâng phục là Đức Kitô: Giữa anh em với nhau, anh em hãy có những tâm tình như chính Đức Kitô. Đấng vốn dĩ là Thiên Chúa, mà không nghĩ phải nhất quyết duy trì địa vị ngang hàng với Thiên Chúa, nhưng đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang, mặc lấy thân nô lệ… (Pl 2,5-7).

Với Đức Giêsu, vâng phục không phải là từ bỏ ý muốn riêng của mình, nhưng là dành tất cả ý muốn và tự do của mình cho ý muốn Chúa Cha và chương trình của Ngài. Đó là nền tảng cho việc sống lời khấn vâng phục. Tuân phục ở nơi Đức Giêsu, không phải là khước từ tự do, nhưng là đặt tất cả tự do của mình trong kế hoạch của Thiên Chúa.

Chúa Kitô đã chọn sống vâng phục, đó là điều duy nhất Ngài quan tâm, thi hành sứ vụ trong tự do và trách nhiệm: Lạy Chúa, này con đây, con đến để thực thi ý Ngài, như sách đã chép về con  (Hr 10,7).

Sự tự huỷ của Đức Giêsu là vâng phục Chúa Cha đến nỗi chết trên thập giá (Pl 2,6-11).

Người Kitô hữu sống cách cương quyết, đón nhận những thái độ của Chúa làm của mình. Hãy sống những tâm tình như Đức Kitô đã có hoặc sống tâm tình mà người ta phải có, nghĩa là sống vâng phục như Chúa đã sống (x. Pl 2,5).

Yêu mến Thiên Chúa không phải bằng tình cảm uỷ mị, cảm xúc lâng lâng, huyền bí... nhưng là vâng phục và phục vụ như Đức Giêsu: Lạy Cha, nếu có thể xin cất chén này xa con, nhưng đừng theo ý con một vâng ý Cha (Lc 22,42).

Vâng phục là tìm kiếm điều Thiên Chúa chờ đợi nơi con người; xét xem đâu là điều Chúa muốn thực hiện nơi chúng ta và say mê theo đuổi ước mong đó. Chúa Giêsu cũng chỉ có ước muốn thi hành trọn vẹn thánh ý Chúa Cha: này con đến để làm theo ý Cha. Sự vâng phục của Đức Kitô đạt đến đỉnh cao bằng những lời nói và hành động:

Lương thực của Thầy là thi hành ý muốn của Chúa Cha (Ga 4, 34). Vâng phục như vậy diễn tả hai điều: vừa là sự cần thiết vừa là nguồn mạch nuôi sống và phát triển con người.

Vâng phục cách trọn vẹn. Chúa Kitô vâng phục cho đến chết và chết trên thập giá (Pl 2,8).

Đức vâng phục phải học mới có, mặc dù là con Thiên Chúa, Đức Giêsu cũng phải học để vâng phục, bởi điều này đòi hỏi từ bỏ và hiến dâng chính bản thân mình (x. Hr 5,8).

Khi Đức Mẹ và Thánh Giuse tìm được con trẻ Giêsu trong đền thờ, hai vị hỏi tại sao để các ngài tìm kiếm như vậy ? Trẻ Giêsu trả lời : Cha mẹ không biết con còn phải ở trong nhà Cha con sao ? Ở nhà Cha là thi hành ý muốn của Cha, nghĩa là vâng phục Cha và thi hành sứ vụ, vì thế mối tương quan với Chúa Cha phải đặt lên hàng đầu, trên cả tình cha mẹ nhân loại (x. Lc 2,49t).

Trong suốt cuộc đời, Đức Giêsu đã vâng lời cha mẹ (Lc 2,51), tuân thủ lề luật hợp pháp (Mt 17,27). Trong cuộc khổ nạn, Ngài vâng phục Chúa Cha đến cùng, thực tập vâng phục qua các đau khổ, chết để làm hy lễ quý trọng nhất dâng Thiên Chúa, vì vâng phục thì tốt hơn là hy lễ, lắng nghe thì tốt hơn là dâng mỡ cừu (1 Sm 15,22; x. Hr 10,5-10).

Nhờ vâng phục, Đức Kitô được tôn vinh làm Đức Chúa (Ph 2,11), được ban mọi quyền trên trời dưới đất (Mt 28,18).

1.1.2.Con người vâng phục Thiên Chúa và các thể chế xã hội

Lời khấn vâng lời được chấp nhận trong tinh thần tin yêu để theo Đức Kitô vâng lời cho đến chết. Buộc ý chí phải tùng phục các Bề trên hợp pháp, khi họ thay mặt Chúa truyền khiến hợp theo Hiến Pháp riêng[8].

Như thế, tu sĩ khấn vâng phục theo Tu Luật và Hiến Pháp của Hội Dòng. Hiến Luật qui định rõ, tu sĩ phải:

-vâng lời những người nào,

-trong những trường hợp nào,

-theo cách thức nào…

Nhờ sự vâng phục Tin Mừng và lời giảng dạy mà con người đạt đến Thiên Chúa trong đức tin (Cv 6,7; Rm 1,5). Vâng phục Thiên Chúa vì Ngài là luật duy nhất để người Kitô hữu quy chiếu (1Cr 9,21), luật ấy bao gồm sự vâng phục thế quyền hợp pháp:

-người chồng (Cl 3,18),

-người làm cha mẹ (Cl 3,20),

-những chủ nhân (Cl3 ,22),

-chính quyền, đây cũng bởi Thiên Chúa mà có, chống đối quyền bính là chống lại trật tự Thiên Chúa đặt ra (Rm 13,1-7).

Nhưng trên tất cả, mọi người phải vâng phục Thiên Chúa (Cv 4,19).

Trên đây là những thể chế mà mọi Kitô hữu phải thực hiện, còn người thánh hiến có gì đặc biệt ?

Vâng phục là đặc điểm của người thánh hiến, theo gương Chúa Giêsu vâng phục Chúa Cha, trong ý nghĩa này vâng phục và tự do không mâu thuẫn nhau. Chúa Giêsu cho ta thấy mầu nhiệm về sự tự do của con người là con đường vâng phục ý muốn Chúa Cha, mầu nhiệm của vâng phục là một con đường chinh phục từng bước sự tự do chân thật[9].

Vâng phục của người tu sĩ là:

Nhu cầu thiết yếu: Người tu sĩ đón nhận ý Chúa như lương thực hằng ngày để nuôi sống và phát triển chính họ (x. Ga 4,34).

Để lớn lên trong sự thật toàn diện : Vâng theo thiên ý giúp họ được bình an, không phải lo lắng việc gì khác để chú tâm vào sứ vụ rao giảng: kẻ yêu luật Chúa hưởng an bình thư thái, chắng còn lo gặp chướng ngại nào (Tv 119, 165).

Mang chiều kích cộng đoàn: Người tu sĩ không chỉ vâng phục theo tính cách cá nhân nhưng còn mang tính cộng đoàn. Mọi người cùng nhau tìm thánh ý Chúa và giúp nhau thi hành, cùng giúp nhau nhận mối phúc từ nơi Chúa: Phúc cho những ai lắng nghe và thi hành Lời Chúa (Lc 11, 26). Người vâng phục thì chắc chắn mình đang thi hành sứ mạng theo chân Chúa, không bị những ước muốn, khát vọng riêng tư lôi cuốn.

1.3.Vâng phục như thế nào và vâng phục ai ?

Trên hết mọi sự, chúng ta phải vâng lời Thiên Chúa cách tuyệt đối, vì chúng ta là tạo vật, đón nhận mọi sự từ Ngài, và sau đó vâng phục con người và các thể chế, cụ thể qua việc:

Lắng nghe Lời Chúa, vì Lời Chúa nuôi dưỡng đời sống cá nhân với Chúa, các cộng đoàn, đặc biệt là các đan sĩ phải chú trọng hết sức đến việc đọc Lời Chúa (Lectio Divina) để lời Ngài thấm nhuần vào cuộc sống và là kim chỉ nam giúp họ tiến bước, vâng theo ý Ngài.

Các việc cử hành: Thánh Lễ, các giờ Kinh Phụng Vụ, các Bí tích, các việc đạo đức (đọc Kinh Mân Côi, viếng Thánh Thể...) đó là những cách thế giúp tìm ý Chúa và vâng phục Ngài.

Sự vâng phục của mỗi người tuỳ thuộc ở việc vâng phục Tin Mừng và rao giảng đức tin: nhờ Người, chúng tôi đã nhận được đặc ân và chức vụ Tông đồ, làm cho hết thảy dân ngoại vâng phục Tin Mừng (Rm 1,5).

Vâng phục xét về công việc cụ thể không là điều gì khác ngoài việc thực thi công bằng bác ái, lòng quý yêu người khác và đối xử nhân nghĩa giữa những con người  (x. Mk 6,8).

Vâng phục là gắn bó với Chúa qua một loạt trung gian: các nhân vật, biến cố, định chế, công vụ của con người, các quyền bính cách hợp pháp. Vậy, vâng phục Thiên Chúa xem ra dễ hơn vâng phục con người và các thể chế do họ làm nên; vì khó nên Chúa cũng phải học mới biết vâng phục, chỉ có một điều giúp chúng ta vâng phục đó là lấy  mẫu gương của Chúa Giêsu, Ngài đến không phải để thi hành ý Ngài mà là ý Chúa Cha (x. Ga 6,38).

Thư Hipri khuyên: hãy vâng phục những người lãnh đạo... vì họ chăm sóc linh hồn anh em, như những kẻ phải trả lẽ  trước mặt Thiên Chúa. Như thế họ sẽ vui vẻ thi hành phận sự của mình mà không than thở, vì điều ấy chẳng ích gì cho anh em (Hr 13,17). Bề dưới vâng phục Bề trên, nhưng những người hữu trách phải nhớ lấy tinh thần phục vụ mà thi hành quyền bính, các Bề trên cũng phải nghe anh chị em của mình để phân định rành mạch những gì Chúa chờ đợi nơi mỗi người trong họ,[10] đồng thời thi hành quyền bính cũng là phục vụ như Chúa, là hiến mạng sống mình vì anh chị em (x. Mt 20,28).

Chúng ta vâng phục các vị hữu trách như việc chúng ta mang gánh nặng cho nhau và như thế đã là chu toàn lề luật (x. Gl 6,2) vì yêu thương là chu toàn lề luật (Rm 13, 10b).

Sự vâng phục trọn vẹn có sự tự do nội tâm, cũng như tự do theo Chúa, Ngài là mẫu gương cho chúng ta: tôi tự hiến mạng sống của tôi và tôi có quyền lấy lại (Ga 10,17-18).

1.4.Ý nghĩa của đời sống vâng phục

1.4.1.Vâng phục là cứu độ

Theo Đức Kitô, Đấng đã hoàn toàn hiến dâng cho Chúa Cha trong chương trình cứu độ của Thiên Chúa, người tu sĩ cần học nơi Đấng đã học vâng phục bằng đau khổ và trở nên tôi tớ của anh em mình: Đức Kitô tuy là Thiên Chúa... hoàn toàn trút bỏ vinh quang, trở nên giống phàm nhân, sống như người trần thế, vâng phục cho đến chết và chết trên thập giá (Pl 2,6-7). Đức Kitô từ một vị Thiên Chúa đã chọn làm người, giữa con người chọn làm nô lệ, giữa nô lệ chọn cái chết đau khổ trên thập giá. Đây không phải là «khổ nhục kế»  (đau khổ tự nó không có giá trị cứu độ) nhưng là một sự vâng phục Chúa Cha, hành động này chỉ có giá trị khi thực hiện với tình yêu, trong sự tự do và trách nhiệm.

Sự vâng phục của Đức Kitô là yếu tố đầu tiên làm nên công trình cứu chuộc. Vì một người không vâng phục mà tội đã nhập vào thế gian, nhờ sự vâng phục của một người, nhiều người được nên công chính (Rm 5,19). Con người muốn thống trị, muốn «bằng Thiên Chúa», vậy sống vâng phục là loại bỏ ý muốn tự nhiên, quyết tâm biến đổi để nên giống Chúa Kitô, Đấng luôn  chu toàn thiên ý như Tv 40,8-9: Con liền thưa: này con xin đến ! Trong sách có lời chép về con rằng con thích làm theo thánh ý và ấp ủ luật Chúa trong lòng. Đức Giêsu vâng phục trong niềm vui vì khởi xuất từ tình yêu. 

Người tận hiến quyết tâm theo Chúa trong vâng phục trọn vẹn, lời khấn này đặc biệt đặt để nơi tâm hồn mỗi người một quy chiếu về Đức Kitô: vâng lời cho đến chết. Vâng phục của Đức Kitô là trọng tâm của công cuộc cứu chuộc. Trước hết vâng phục Thiên Chúa và sau đó là những người hữu trách, đó là sự phục tùng trong đời tu, khi vâng phục các Bề trên hợp pháp cũng cần có cái nhìn đức tin (có khi là những sai trái của con người, nhưng cần tin rằng: Chúa làm mọi sự hữu ích cho mọi người).

1.4.2.Vâng phục là sáng tạo

Thiên Chúa kêu gọi mọi vật và chúng liền xuất hiện (x. St 1,2), mọi vật vâng phục Thiên Chúa và Ngài cho cộng tác vào chương trình sáng tạo cùng cai quản với Ngài: Hãy sinh sôi nảy nở cho đầy mặt đất và thống trị mặt đất, làm chủ cá biển chim trời và mọi sinh vật trên đất (St 1,28).

Chúa ra lệnh cho mọi vật phục tùng con người (St 1,28). Khi con người không còn vâng phục Thiên Chúa, vạn vật cũng không vâng nghe con người (St 3,17-19 ; Rm 8,19-22).

Sau khi phục sinh, Chúa cho các người tin và đón nhận Tin Mừng làm được các điềm thiêng, dấu lạ và trừ quỷ. Phép lạ mà các tín hữu làm không phải để củng cố đức tin cũng không diễn tả uy quyền, nhưng như là cách Thiên Chúa chuẩn nhận cho những ai trở thành tín hữu (dấu lạ đi theo những ai có lòng tin). Các phép lạ này chỉ xảy ra cho những ai nhân danh Chúa mà làm, vâng phục Ngài và thi hành sứ vụ loan báo Tin Mừng. Vâng theo ý Chúa, con người được cộng tác vào việc sáng tạo và tái tạo với Ngài.

Tạm kết

Người Kitô hữu là người được Chúa Cha tuyển chọn, được Thánh Thần thánh hoá và được Chúa Con sai đi, vì vậy họ được gọi là những người con biết vâng phục (1 Pr 1,14). Người tu sĩ còn muốn theo sát Chúa Kitô hơn người tín hữu nói chung, vì vậy họ dành trọn con người của họ cho Thiên Chúa, vâng phục Ngài trong những gì Ngài muốn qua việc lắng nghe Lời Chúa, vâng phục các thể chế Giáo Hội, xã hội và những con người thay mặt Chúa để hướng dẫn họ.

(Còn tiếp)

tài liệu tham khảo

1.Công Đồng Vativcan II, Lumen Gentium, Hiến Chế Tín Lý về Giáo Hội, Nxb Tôn Giáo, 2012

2.Emile Besson, La Diaché et l’Église primitive, Ed: Des Presses de l’Imprimerie Corbière et Jugain, Alencon, 1977.

3.Eric Fuchs, Comment faire pour bien faire ? Ed: Labor et Fides, Genève, 1995.

4.Felix Podimattam, OFM Cap., Canh tân đời sống Thánh Hiến, Nguyễn Ngọc Kính chuyền ngữ, NXB Đông Phương, 2014

5.Gioan Phaolo II, Vita Consecrata, Tông Huấn đời sống Thánh Hiến, Roma, 1996.

6.Philomena Agudo, I chose you, Ta đã chọn con, Nguyễn Ngọc Kính chuyển ngữ, NXB: Đông Phương, 2011.

7.René Latourelle (sous la direction ), Dictionnaire de Théologie Fondamentale, Ed Bellarmin/Cerf, Montréal et Paris, 1992.

8.Gruson P., (sous la direction), Les Évangiles. Textes et commentaires, Ed : Bayard Compact, Paris, 2007.

9.Văn kiện Đời Tu, Theo Chúa Kitô, Nxb: không, 2002.

 

[1] X. LG 41

[2] LG 42

[3] Tại sao chỉ khấn ba lời khuyên Phúc Âm mà không phải là hai hay bốn ? Có nhiều câu trả lời khác nhau theo Tu đức, Xã hội học, Thần học...ta thấy có điểm chung: tất cả nền luân lý của các tôn giáo và xã hội, xét về mặt mục đích: luật nhằm bảo vệ con người khỏi sự tấn công của người khác và được bình an.Ý tưởng này cũng được lấy từ: Comment faire pour bien faire?

Vậy con người cần được bảo vệ trong 3 lãnh vực: - Thân xác (khiết tịnh), - Ngôn ngữ (vâng phục), -Sản phẩm lao động (khó nghèo)

Vì con người dễ bị tấn công trong 3 lãnh vực này nên có quy luật để bảo vệ họ. Khiết tịnh: bảo vệ người tu sĩ không bị tấn công và không tấn công người khác, diễn tả ngôi vị; Vâng phục: qua ngôn ngữ, tôn trọng ngôn ngữ của người khác; Khó nghèo: lời được chuyển thành sản phẩm lao động.

[4] GL 1191§1

[5] GH 44

[6]. X. GH 42

[7] Chúng ta có nhiều mẫu gương như: Môsê, Grêrêmia, Isaia... nhưng trong giới hạn bài viết này, tác giả chỉ chọn Abraham như nhân vật tiêu biểu về sự vâng phục.

[8] GL 601

[9] Gioan Phaolô II, Vita Consecrata, Tông huấn Đời Sống Thánh Hiến, tr. 175.

[10] Văn Kiện Đời Tu, Theo Chúa Kitô, tr. 101.

114.864864865135.135135135250