08/03/2016 -

Tài liệu

941
Thư Cha BTTQ Bruno Cadoré về quản trị

THÁN ĐA MINH

quản trị, linh đạo và tự do

“Nếu anh em ở lại trong lời của Thầy, thì anh em thật là môn đệ của Thầy; anh em sẽ biết sự thật, và sự thật sẽ giải phóng (liberabit) anh em (Ga 8,31-32); Chính để chúng ta được tự do (libertas) mà Đức Kitô đã giải thoát (liberavit) chúng ta.” (Gl 5,1).

Được giải thoát để đi theo Đức Giêsu mà rao giảng Nước Thiên Chúa

Chân lý sẽ giải thoát anh em! Theo âm hưởng từ lời hứa của Đức Giêsu, xuất hiện trong tôi hình ảnh của một nhóm người đã cùng đi với Người để loan báo Nước Thiên Chúa, đi từ thành thị đến thôn quê. Được giải thoát, mỗi người nam cũng như nữ, theo cách của riêng mình, cũng đã đi theo Đức Giêsu. Họ được giải thoát khỏi gánh nặng do lầm lỗi của mình, khỏi những bế tắc của những dối trá, những gánh nặng của cuộc đời mình, khỏi những chia rẽ gây vong thân… Mang trong mình khao khát của Vị Thầy, cũng là Đức Chúa, muốn họ đi xa hơn, đến các thành phố khác nữa, nên họ đi theo Người, đầy an tâm cùng với Người vững bước trong Thần Khí, Đấng làm cho họ mỗi ngày trở nên tự do hơn, tự do để được dâng hiến cho tình bằng hữu mà Thiên Chúa ban tặng trong Con của Người, tự do để được sai đi. Khi họ đã được tự do để trở nên môn đệ của Đức Kitô, thì đến lượt mình, họ lại mời gọi những người khác gia nhập cùng với họ. Chính Thần Khí rao giảng của Đức Giêsu làm cho họ được tự do, ngay cả lúc chính họ chưa thể hiểu rõ vì sao mình đã dấn thân khi đáp lại lời mời gọi bước theo Người, hoặc khi đi theo Người do những khởi xướng của bản thân như một cách thức đáp lại lòng thương xót Người đã ban cho họ. Khi cùng với Người dấn thân trong hành trình loan báo Nước Thiên Chúa, họ khám phá ra rằng họ được tự do hơn cả điều họ dám mong ước. Họ là những con người tự do bởi chính lời của người Bạn, cũng là Đức Chúa của họ: “Nếu anh em ở lại trong lời Thầy, anh em sẽ hiểu biết sự thật, và sự thật sẽ giải thoát anh em.” Họ được tự do nhờ Lời sự thật!

Thiết nghĩ chính sự tự do như thế của người giảng thuyết là điểm quy chiếu cho đề tài trong Năm Thánh của Dòng. Thánh Đa Minh: quản trị, linh đạo và tự do. Chúng ta nhớ lại những bản văn quan trọng mà chúng ta đã có trong những thập niên vừa qua liên quan đến những chủ đề này (việc quản trị trong Dòng, đức tuân phục, tự do và trách nhiệm,…), và chúng ta sẽ rất vui khi đọc lại những bản văn đó. Khởi đi từ tầm nhìn trong các bản văn đó, đối với tôi, dường như đề tài của năm nay mời gọi chúng ta chú tâm đến điều được xem như cốt lõi trong linh đạo của Dòng: đón nhận tính quả cảm tự do của nhà giảng thuyết qua việc học biết trở nên môn đệ của Chúa. Và đó là định hướng cho việc quản trị trong Dòng.

Người ta luôn nhấn mạnh đến vị trí nền tảng, độc đáo của sự tuân phục trong lời khấn Dòng để trở thành nhà giảng thuyết: “Tôi xin hứa tuân phục Thiên Chúa…”. Theo các sử gia, Thánh Đa Minh đã yêu cầu các anh em tiên khởi hứa với ngàivâng phục và sống chung.” Hai nẻo đường để trở nên người môn đệ là lắng nghe Lời và đặt mình trong trường học của Lời, qua việc cùng với những người khác đi theo Người, như cộng đoàn đầu tiên gồm những người bạn cùng đi với Đức Giêsu từ thành thị đến thôn quê, để học nơi Người cách thức trở thành nhà giảng thuyết. Lắng nghe và sống chung, như thế chúng ta đã biến việc bước đi theo Lời thành nguồn mạch đem lại sự đồng tâm nhất trí.

Được thánh hiến trong việc giảng thuyết: được sai đi rao giảng Tin Mừng

Trong năm Đời Sống Thánh Hiến, tôi nghĩ rằng chúng ta được mời gọi một lần nữa kín múc không ngừng nguồn mạch này trong đời sống của chúng ta: được thánh hiến để loan báo lời Thiên Chúa, được thánh hiến để rao giảng Lời,“ở lại trong Lời”. “Nếu anh em ở trong Lời Thầy, anh em thật là môn đệ của Thầy.” Đối với Thánh Đa Minh, quản trị hệ tại việc nâng đỡ khát vọng - của cá nhân cũng như cộng đoàn - “trở nên những môn đệ đích thực”. Điều này có nghĩa là họ trở thành người canh gác cho việc “ở lại trong Lời.” Lại nữa, chính tiêu chí về sứ vụ là trọng tâm. Trong thực tế, “Lời” này là gì? Chúng ta biết rằng Lời này đến với chúng ta qua cuộc đối thoại giữa Chúa Con và Chúa Cha trong Thần Khí: “Những người Cha đã ban cho con…”, “con ở đâu, những người Cha đã ban cho con cũng ở đó với con…!” Mối thân thiết đầy tình thảo hiếu này là nguồn cội cho sứ vụ: “Như Cha đã sai con, thì con cũng sai họ…”. Việc ở lại trong Lời không nói lên một điều gì đó “theo chủ nghĩa bất động tự thân tập trung vào chiêm niệm. Nó cũng không phải là một sự “nhiệm nhặt mang tính luân lý” vốn tạo nên (hay tìm kiếm) một “tình trạng hoàn hảo” nào đó rõ ràng. Đúng hơn, tại trường học của Thánh Đa Minh, ở lại trong Lời là đi vào hoạt động của Ngôi Lời, Đấng đến với nhân loại và cư ngụ tại đó, Đấng làm cho chúng ta được tự do nhờ sức mạnh Thánh Thần. Đó là đặt mình trong Thần Khí của sứ vụ nơi Chúa Con. Đó là chính mình trở nên môn đệ, thành cộng đoàn môn đệ, dựa theo sự thân thiết đầy tình bằng hữu và huynh đệ với Chúa con. Dựa theo lối diễn tả của Thánh Tôma Aquinô khi nói về verbum spirans amorem” -lời phát xuất tình yêu, thực tế người ta có thể nghĩ rằng ở lại trong Lời là ở lại trong Lời “hun đúc” tình yêu, tức là tạo nên tình bằng hữu, tình huynh đệ và sự hiệp thông nơi chúng ta và giữa chúng ta; đó là Hơi Thở của Thần Khí, Lời của sự thật và của tự do.

Một trong những quyết định đầu tiên của Thánh Đa Minh, được lịch sử Dòng thuật lại như một trong những điều quan trọng nhất, đó là sai các anh em đang ở Saint Romain lên đường, để hạt giống không bị chất đống một chỗ. Thánh nhân đã cho thấy rằng việc quản trị trong Dòng thiết yếu phải hướng tới việc rao giảng. Theo nhãn quan này, việc quản trị nhắm đến tính năng động trong đời sống thiêng liêng, bằng cách cổ võ và phục vụ tự do của mỗi người, bắt nguồn từ Lời Thiên Chúa. Như Đức Giêsu đã thực hiện nơi các môn đệ của Người, thánh Đa Minh cũng sai từng hai người một đi rao giảng. Thật vậy, Cha thánh sai các anh em đi vừa để học hành vừa để giảng thuyết; chính nhờ quyết định sai các anh em lên đường như vậy mà Dòng sẽ phát triển, được gieo trồng, có nền tảng và đón nhận những ơn gọi mới. Việc sai các anh em đi như thế hình thành nên tiến trình kiểu mẫu cho việc “trở thành môn đệ”, qua việc mời gọi các nhà giảng thuyết hãy để đời mình được ghi dấu bởi những cuộc gặp gỡ mà họ có được trong hành trình đến giữa đời, với tư cách là “những người anh em huynh đệ”. Việc sai các anh em đi như thế cũng đưa họ đến với những đại học đầu tiên, và như thế, làm cho việc tìm kiếm chân lý của Lời bén rễ trong việc đối thoại với những nhà thông thái đương thời; đồng thời cũng làm sâu lắng niềm tôn trọng của họ đối với năng lực của con người trong việc hiểu biết mầu nhiệm mạc khải của Thiên Chúa, Đấng Sáng Tạo và Đấng Cứu Thế. Ở lại trong Lời của Người, đó là ngày càng tự dấn thân trong cuộc đối thoại của Thiên Chúa với nhân loại, mà Đức Giêsu là vị Thầy đầu tiên và duy nhất trong việc loan báo Nước Thiên Chúa, một cuộc đối thoại đã được thể hiện cách hữu hình trước mắt chúng ta.

“Thiên Chúa đã bày tỏ lòng quý mến và nhân tính Con của Người nơi Thánh Đa Minh, xin Người biến đổi anh em theo hình ảnh Con của Người”. Lời nguyện chúc lành này trong ngày lễ kính Thánh Đa Minh nhắc đến chọn lựa của Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II khi suy tư về “Đời Sống Thánh Hiến” dưới ánh sáng của mầu nhiệm Hiển Dung (VC 14[1]). Theo nhãn quan này - và vì có nhiệm vụ kêu gọi, hướng dẫn và nâng đỡ các anh em trên hành trình “trở thành môn đệ”, để trở nên những nhà giảng thuyết - việc quản trị Đa Minh không ngừng nhắm tới việc cổ võ những điều kiện cho “nhiệm cục biến hình này. Việc rao giảng Nước Thiên Chúa là mẫu thức theo đó Dòng đề nghị các anh chị em hãy để mình được Thánh Thần làm cho nên đồng hình với Đức Kitô. Việc chiêm ngắm hình ảnh Hiển Dung nêu lên những chiều kích thiết yếu của cuộc phiêu lưu này. Trên hành trình đi rao giảng, Đức Giêsu dẫn ba môn đệ đi với mình và cho các ông tham dự vào biến cố Hiển Dung: chiêm ngắm mầu nhiệm Chúa Con là trọng tâm trong sứ vụ của nhà giảng thuyết. Từ việc chiêm ngắm này, nhà giảng thuyết nhận được điều mà họ có sứ mạng thông truyền: đó chính là thực tại của mầu nhiệm Con Thiên Chúa, cũng như mạc khải về nhiệm cục cứu độ. Thực vậy, chúng ta nhớ lại trình thuật về biến cố Hiển Dung: “Chúng con xin dựng ba cái lều, một cho Ngài, một cho ông Môsê, và một cho ông Êlia…” Và ngay sau đó là câu trả lời của Đức Giêsu: một cái lều cũng sẽ sớm được dựng lên, nhưng là trên đồi Gôngôtha ở Giêrusalem. Lúc đó, Người sẽ có hai kẻ đồng hành; nhưng, đó lại là những tên trộm bị kết án và gạt ra bên lề xã hội, bị tử hình cùng với Người.

Trong ánh sáng rực rỡ trên núi trong biến cố Chúa hiển dung, một tia sáng xé toang bầu trời như để bảo đảm trước về việc Con Thiên Chúa đi xuống âm phủ, và từ đó Người được cho trỗi dậy, hằng sống, vĩnh viễn lật đổ mọi bóng tối sự chết, đồng thời đưa lên tới Chúa Cha tất cả những ai từ nay sống với Người. Cuối cùng, trên núi biến hình, các môn đệ nhận lãnh sứ mạng, cũng là niềm vui của các ông: cùng đi với Đức Giêsu cho đến Giêrusalem. Tại đó, Lời sự thật được tỏ bày trọn vẹn. Tại đó, sự sống do Đức Kitô trao ban là nguồn mạch cho tự do của chúng ta.

Đặt mình dưới dấu chỉ Hiển Dung, đó là bước vào con đường mà trên đó niềm khát vọng trở nên môn đệ nơi chúng ta được chín mùi, bằng cách ở trong Lời của Người, để Lời dạy chúng ta về sự tuân phục và về tình yêu mà Chúa Con mạc khải trên đồi Gôngôtha cũng như vào buổi sáng Phục Sinh, bằng cách nhận từ Thần Khí của Người sứ vụ như vào ngày lễ Ngũ Tuần.

Ở lại trong Lời của Thầy

Trong tông thư gửi những người sống đời thánh hiến, Đức Giáo Hoàng Phanxicô mời gọi các tu sĩ hãy “đánh thức thế giới”, bằng cách tạo nên những “nơi chốn khác, nơi mà người ta sống lối lý luận Tin Mừng về sự trao tặng, tình huynh đệ, đón nhận sự khác biệt tình yêu thương lẫn nhau”. Những nơi chốn này phải trở nên men cho một xã hội được gợi hứng dựa theo Tin Mừng, “đô thị xây trên núi” nói lên sự thật và sức mạnh nơi những lời của Đức Giêsu”. Những nơi chốn ấy chính là các cộng đoàn của chúng ta, nơi mà chúng ta hứa học hỏi để trở thành những “chuyên viên hiệp thông” như Đức Giáo Hoàng nói đến trong tông thư này.

Trong Dòng chúng ta, thật là ý nghĩa và thiết yếu khi vai trò của bề trên được đặt vào ngay điểm giao kết giữa hai hướng của lời tuyên khấn: vâng phục và đời sống chung. “Tuân phục tông đồ” như Thánh Đa Minh mong muốn đưa nhà giảng thuyết trở nên anh em của những người mà họ được sai đến loan báo Tin Mừng trong hành trình khất thực, để mình được hoán cải và nhào nặn trong tình huynh đệ khi sống đời sống chung. Tình huynh đệ tông đồ này, do lời khấn tuân phục mà chúng ta cam kết dấn thân, là khởi xướng mà Thánh Đa Minh đề ra để đón nhận trọn vẹn sự tự do của chúng ta. Tuân phục và đời sống chung là hai cách thức để hướng đến sự hiệp thông cánh chung mà theo đó thế giới được hướng đến sau khi được tạo thành “với tính có khả năng”, như người ta nói rằng thế giới được tạo thành “với tính năng là có thể nhận biết Thiên Chúa”. Hai cách thức đó làm cho chúng ta dấn thân“usque ad mortem” (cho đến chết) trong sự tự do của chúng ta, với trọn vẹn ý nghĩa của nó. Một lần nữa, các bề trên được mời gọi chọn con đường này để tự đặt mình dưới sức mạnh của Lời, biến mình trở thành tôi tớ cho cuộc đối thoại giữa Thiên Chúa và con người, và chính vì thế mà Ngôi Lời Thiên Chúa đã đến để hiện thực hóa việc cư ngụ giữa con người. Tuân phục và đời sống chung là để cho việc giảng thuyết được bén rễ, vừa trong cộng đoàn các môn đệ đang lắng nghe Lời sự sống, vừa trong cộng đoàn của những người hy vọng vào sự hiệp thông cánh chung, được ngôn sứ loan báo và chính Con Thiên Chúa đóng ấn bằng đời sống của Người.

Điều có thể làm cho một“cây giảng thuyết” đơm bông kết trái từ lời hứa sống Tin Mừng và tông đồ, đó là được bén rễ trong ba mẫu thức truyền thống của Dòng để“ở lại trong Lời Chúa”: hiệp thông huynh đệ, cử hành Lời và cầu nguyện, học hỏi. Chính nhiệm vụ rõ ràng này của việc quản trị trong Dòng - có lẽ cũng là trách nhiệm ưu tiên - làm nảy sinh tinh thần cổ võ nơi anh em, chị em và các tín hữu phẩm tính của ba nguồn cội đó, vốn là bảo đảm và động lực thúc đẩy tính tự do trong tông đồ.

Sự hiệp thông huynh đệ là nơi các anh chị em có được kinh nghiệm về khả năng của ngôn từ mà con người dùng trong việc tìm kiếm chân lý, vốn là điều làm cho họ được tự do. Chính nhờ đời sống cộng đoàn mà chúng ta có cơ hội đạt đến sự tự do khi góp phần vào việc xây dựng tình hiệp thông. Vì lẽ đó, dạng thức “tôn giáo công hội” của chúng ta là điểm thiết yếu trong linh đạo chúng ta: mỗi thành viên trong cộng đoàn có tiếng nói của mình, và trong khi dấn thân vào việc cùng nhau tìm kiếm thiện ích chung phù hợp với sứ mạng là tôi tớ của Lời, họ tham dự trọn vẹn vào việc quản trị của Dòng. Việc quản trị này có tính dân chủ, không hệ tại việc nêu rõ quyền bính của đa số, nhưng đúng hơn, hệ tại ở việc tìm kiếm sự đồng tâm nhất trí theo đường lối dân chủ. Như chúng ta biết, thực hành đời sống chung là điều khẩn thiết, vì nó mời gọi mỗi người không bao giờ được né tránh việc tham gia của mình vào sự đối thoại trong công cuộc tìm kiếm này. Việc sống chung cũng mang tính khẩn thiết vì nó thôi thúc phải giải thích cách chân thật nhất các quan điểm và lý lẽ của mình, tránh thể hiện những mối bất đồng giữa anh em, nhưng trong tin tưởng rằng không gì có thể chỉ giản lược vào một ý kiến hoặc một quan điểm được bày tỏ; trái lại, trước tiên luôn là việc được đón nhận và được yêu mến như một người anh em. Thêm nữa, việc sống cộng đoàn có tính khẩn thiết vì nó thôi thúc mọi thành viên trong cộng đoàn, khi kiên trì đi tìm kiếm điểm gần gũi nhất đem lại sự đồng tâm nhất trí, xác định phận vụ của mình trong việc thi hành quyết định chung mà mọi người đã đưa ra. Chính nhờ giá trị này mà mỗi người được tất cả đón tiếp, chân nhận và nâng đỡ trong khung cảnh chung của lòng quảng đại và nét sáng tạo tông đồ. Có lẽ vì việc thực hiện này gặp nhiều khó khăn nên chúng ta rất thường bỏ quên chiều kích sau: bén rễ trong Lời qua đời sống cộng đoàn.

Cầu nguyện là mẫu thức thứ hai để “cây giảng thuyết” được bén rễ trong Lời. Việc cầu nguyện cá nhân và cộng đoàn có lẽ không nên được coi như một thực hành mà người ta phải đạt đến để phù hợp với việc dấn thân trong đời tu. Đó là cách thức mà theo đó chúng ta lựa chọn, theo tính cách cá nhân cũng như cộng đoàn, để đánh dấu thời điểm của lịch sử con người chúng ta qua việc chiêm niệm mầu nhiệm Thiên Chúa ở với loài người. Điều đó bao gồm việc “làm cho lịch sử mạc khải trở nên gần gũi”, qua việc đáp lại điều Thiên Chúa đã đến ở giữa nhân loại trong Con của Người, Đấng đã “trở nên gần gũi” nơi mỗi người chúng ta. Đó là việc, mà trong lời cầu nguyện, chúng ta để Chúa Thánh Thần “thổi đến nơi nào Người muốn. Về điều này, đời sống cầu nguyện đến từ thái độ lắng nghe Lời, và sau đó lại đưa chúng ta trở về với việc lắng nghe Lời, bằng cách thiết lập điểm trọng tâm của đời sống cá nhân cũng như cộng đoàn nơi việc chiêm ngắm mầu nhiệm mạc khải, mà điểm quy chiếu được tìm thấy nơi các trình thuật Kinh Thánh. Việc cử hành Lời trong phụng vụ, chiêm ngắm Lời trong suy niệm các Mầu Nhiệm Mân Côi, kiên trì cầu nguyện trong thinh lặng giúp chúng ta xác định việc thánh hiến đời mình cho sứ vụ giảng thuyết diễn ra giữa chiêm niệm và học hành, là hai hình thức truy tìm chân lý của Lời, mà chúng ta muốn dành cho những người chúng ta được sai đến khả năng cảm nếm được hương vị của Lời. “Nếu anh em ở lại trong Lời Thầy, anh em thật là môn đệ Thầy”. Như thế, đối với chúng ta, ở lại trong Lời trở thành cơ hội, giống như trường hợp những bạn hữu đầu tiên của Đức Giêsu đi rao giảng Nước Trời, để chúng ta khám phá ra rằng mình được tự do vì được vực dậy nhờ lời Người kêu gọi, được củng cố nhờ tình yêu và lòng thương xót của Người, được thúc đẩy và được sai đi nhờ ân sủng của Người, để đưa lời chân lý vang xa hơn. Khi ấy, ở lại trong Lời dẫn đến việc chúng ta mang theo nơi mình, trong thinh lặng của việc lắng nghe và chờ đợi, tất cả những người mà chúng ta được sai đến với; họ là những người được đặt vào trong lời cầu nguyện của chúng ta, được Thiên Chúa ban cho chúng ta, ngõ hầu chúng ta chấp nhận rằng, một cách huyền nhiệm, Người liên kết số phận của họ với số phận của chúng ta trong cùng một ân sủng cứu độ. Trong lãnh vực này, việc quản trị trong Dòng là một người canh gác: canh gác xem tự do của cá nhân và của cộng đoàn có thực sự bắt nguồn trong chiêm ngắm mầu nhiệm hay không. Qua mầu nhiệm này, chính Chúa Con, nhờ nhân tính của Người, đã đem ơn cứu độ đến cho thế giới bằng cách hòa hợp tự do của Người với tự do của Chúa Cha.

Việc cầu nguyện đặt chúng ta vào trường học của Nữ Vương các Nhà Giảng Thuyết. Với Đức Mẹ, các Anh Em Giảng Thuyết có thể khám phá và không ngừng ngạc nhiên về khả năng của cuộc sống con người, đó là có thể trở nên “một đời vì Thiên Chúa.” Cùng với Mẹ, khi hát những đoạn Thánh Vịnh diễn tả việc chiêm ngắm của mình trong lịch sử mạc khải, những ngôn từ của nhân loại nơi các nhà giảng thuyết được bám chặt trong hiểu biết thân tình của cuộc đối thoại, mà qua đó Thiên Chúa đón nhận nhân loại làm nghĩa tử. Hơn nữa, với Mẹ, Dòng thiết lập ở trung tâm việc giảng thuyết của mình dấu chỉ ngôn sứ về sự hoán cải trong cộng đoàn huynh đệ, Lời loan báo đầy tin tưởng việc thực hiện hoàn toàn lời hứa giao ước nơi Đấng là sự thật. Nơi trường học của Nữ Vương các Nhà Giảng Thuyết, linh đạo về sự tuân phục trong đời sống chung kết nối cách sâu xa Dòng với mầu nhiệm Giáo Hội, nhờ tình yêu được chia sẻ của Đức Kitô, nhờ việc được đón nhận trong Thần Khí sự sống của Người, nhờ sự trao tặng cho thế giới.

Học hành là cách thức thứ ba để nối kết giảng thuyết với việc “ở lại trong Lời.” Đó là nơi chốn của hành vi kiếm tìm và chiêm niệm sự thật, và chính vì danh hiệu này mà học hành tạo nên điều nhiệm nhặt rất đặc biệt trong truyền thống của chúng ta. Học hành nghiên cứu trong Dòng luôn được neo chắc chắn trong việc lắng nghe Kinh Thánh, trong lòng trung tín với Giáo lý và giảng dạy của Giáo Hội; thế nên, học hành là cách thức đặc biệt để duy trì cuộc đàm thoại của chúng ta với Thiên Chúa, đồng thời cũng thực hiện một cuộc đối thoại thân tình và huynh đệ với rất nhiều hệ tư tưởng vốn kiến tạo thế giới, và tìm kiếm chân lý theo cách của mình. Nhờ việc học, Dòng thôi thúc chúng ta lớn lên không ngừng trong tự do, không phải bằng cách đánh giá theo kiểu thế gian mức độ những kiến thức thủ đắc, nhưng đúng hơn là bằng cách thúc đẩy chúng ta tiến bước trên nẻo đường “lòng khiêm tốn của sự thật”. Đưa hiểu biết của con người vào trong cuộc phiêu lưu này tức là dám dùng từ ngữ và quan niệm do con người tạo nên để làm cho mầu nhiệm có thể hiểu được. Đó vừa là tạ ơn Thiên Chúa tạo thành, Đấng đã ban cho lý trí con người có thể “hiểu được về Thiên Chúa”, mặc dù lý trí thật giới hạn; đằng khác, vừa là để mình vượt qua lý trí nhờ hy vọng vào sự viên mãn mà không một quan niệm nào có thể thực sự hiểu được. Điều đã xảy ra cho thấy tầm mức đích thực của tự do chúng ta. Trong Dòng, việc quản trị có nhiệm vụ là không để chúng ta trở nên khô cằn trong lãnh vực học hỏi, đồng thời thúc đẩy óc sáng tạo của chúng ta để không ngừng tìm kiếm những phương thế thích hợp hơn, để đề nghị với những người khác tham dự vào một cuộc phiêu lưu của việc Tin Mừng hóa lý trí của con người.         

Quản trị và linh đạo?

Viễn cảnh này đem lại cho linh đạo của Dòng - ở lại trong Lời để biết chân lý giải thoát – có thể nhận diện một vài nguyên tắc chính của việc quản trị trong Dòng. Chúng ta đã thấy việc quản trị thực chất được trao cho sứ vụ giảng thuyết và tìm cách thăng tiến lối sống đặc trưng của truyền thống Đa minh, truyền thống này cung cấp cho anh em những điều kiện để làm cho sứ vụ của mình bén rễ vào lời Chúa.

Nguyên tắc thứ nhấtkhông ngừng khích lệ việc cử hành các công hội để cắt đặt anh em vào những trách vụ tông đồ chung. Trong bức tông thư gần đây, Đức thánh cha Phanxicô diễn tả lời khấn mà những người sống đời thánh hiến tự chất vấn về những đòi hỏi của Thiên Chúa và con người. Trong truyền thống của chúng ta, điều này nhấn mạnh tầm quan trọng của việc canh tân mà chúng ta cần đem lại cho thực tại các công hội của mình. Thật vậy, các công hội - tu viện hội, tỉnh hội và tổng hội - có nhiệm vụ đưa ra những quyết định rõ ràng về việc tổ chức và hành pháp của đời sống cũng như sứ vụ của chúng ta. Và, như đã nhấn mạnh, các công hội, với tính cách nói trên, là những thời điểm ưu tiên để khiêm tốn đặt mình vào trường chân lý mà chúng ta cùng tìm kiếm trong tình huynh đệ. Những suy tư quý giá từ các vị tiền nhiệm của tôi đã giúp chúng ta hiểu tính dân chủ trong Dòng là một thể thức không phải là để thực thi quyền bính theo đa số, nhưng đúng hơn là cách thức tìm kiếm sự đồng thuận cao nhất có thể. Sở dĩ việc đối thoại và tranh luận giữa các anh em là điều rất quan trọng trong truyền thống của chúng ta, đó là để mỗi người có thể tham gia bày tỏ, cách tự do và tin tưởng, thiện ích chung cho tất cả mọi người, mà vì lợi ích đó mỗi người sẽ cam kết góp phần của mình. Một cuộc đối thoại huynh đệ như vậy có thể thực hiện trong sự tôn trọng mang tính huynh đệ, sự cởi mở và tự do diễn tả suy nghĩ của mình mà chúng ta thể hiện với nhau.

Một trong những mục tiêu chính yếu của những cuộc tranh luận này là phải lưu ý đến những dấu chỉ của thời đại, cũng như sự hiểu biết những nhu cầu và lời mời gọi nhắm đến đặc sủng của Dòng : đó là giữa lòng Giáo Hội, chúng ta cưu mang một ký ức của việc loan báo Tin mừng. Trong lá thư sắp tới đây, tôi sẽ đề cập - nhằm đáp ứng yêu cầu của Tổng hội Trogir - đến đề tài dự phóng cộng đoàn mà theo tôi, việc phác thảo chính là điểm tựa của việc quản trị trong Dòng. Đó là mức độ mà tất cả mọi người đều tham gia vào việc phác thảo dự phóng mà chúng ta có thể thực sự lượng giá và định hướng sứ vụ giảng thuyết của chúng ta giữa lòng Giáo hội và thế giới. Sự hiệp thông huynh đệ được xây dựng từ mối bận tâm chung về sứ vụ, vốn không chỉ là việc xác định những gì chúng ta muốn “làm”, nhưng còn là việc đặt làm của chung “những mối đồng cảm của chúng ta dành cho thế giới”, mà khởi đi từ đó chúng ta muốn chia sẻ điều thiện quý giá về sự giải thoát nhờ Lời sự thật này.

Dựa trên trách nhiệm tông đồ chung đó, và bởi vì vai trò của việc quản trị trong Dòng nhằm bảo đảm việc bén rễ trong chân lý của Lời, nguyên tắc thứ hai của việc quản trị là sai đi rao giảng. Để đáp lại “sứ vụ” này, thánh Đa Minh đã muốn sứ vụ của Dòng mang tính lữ hành và khất thực, ngõ hầu việc rao giảng của Dòng kéo dài nhiệm cục của Lời trong Đức Giêsu, Đấng đã đến thế gian như một người bạn và là một người anh em, khất thực lòng hiếu khách của những người nam và nữ mà Người muốn mời gọi họ tham gia vào cuộc đối thoại với Chúa Cha. Những “lần bổ nhiệm” mà các bề trên tiến hành phải luôn được thực hiện trong viễn cảnh lữ hành khất thực vì sứ vụ. Nói đúng hơn, chính viễn cảnh của tính lữ hành tông đồ, “tính không cố định” là dạng thức để “trở thành người môn đệ”. Khi nghe một môn đệ nói “con sẽ theo Thầy đến bất cứ nơi nào Thầy đến…”, Đức Giêsu trả lời : “Con chim có tổ, con chồn có hang, Con người không có nơi gối đầu…” Thánh Đa Minh coi những lời này là điều quan trọng, chính vì vậy, các anh em của ngài có cơ may lặp lại câu hỏi của các môn đệ thánh Gioan Tẩy Giả : Thưa Thầy, Thầy ở đâu ? Hãy đến rồi anh sẽ thấy… Đó chính là điều mà việc quản trị trong Dòng cần phải giúp chúng ta hiểu rõ hơn. Từ việc hiểu và lắng nghe giữa lòng cuộc sống, từ các tác vụ và những bổn phận riêng của mỗi người : giữa lòng những thực tại vững chãi nhất, đôi khi là những thành công hay những “nghề nghiệp” sáng giá nhất, những chức vụ quan trọng nhất, có một lời mời gọi phải từ bỏ để dám hội nhập cách xa hơn, tự do hơn vào một chiều kích khác trong sứ vụ chung của Dòng, vì Giáo hội. Tính di động này - đôi khi rất đau đớn, nhưng thường lại rất phong phú - có những tiêu chí vốn không ngừng được nhắc đến trong cuộc đời của thánh Đa Minh : lòng thương cảm, biên cương giữa sự sống và cái chết, giữa nhân bản và phi nhân bản, giữa thách đố của công lý và hòa bình, tính khẩn thiết của việc đối thoại giữa các tôn giáo và các nền văn hóa - bấy nhiêu thực tại làm vang vọng đến tận “những vùng ven của kiếp nhân sinh” mà Đức Thánh Cha Phanxicô nói đến trong tông thư của ngài. Cần có lòng thương cảm đối với tội nhân, hơn là cứ chấp đến những tội riêng của mình vốn làm cho chúng ta quy ngã. Nhấn mạnh đến sự phục vụ hiệp thông của Giáo hội và phát triển Giáo hội, hơn là chỉ quan trọng hóa về những căn tính vốn làm cho chúng ta yên tâm và gắng sức quy về chính mình. Ở lại trong Lời, đó là đứng vững trong sự tràn đầy của Thần Khí cho sứ vụ rao giảng Lời Chúa của chính Ngôi Lời, mà chúng ta mong muốn trở thành môn đệ của Người. Tính lưu động của việc giảng thuyết cũng là con đường “giải thoát để được tự do”.

Chính vì quản trị trong Dòng hướng đến việc sai đi mà chúng ta cần đặc biệt lưu ý đến từng người một, với những ơn riêng, tính sáng tạo độc đáo của họ, sao cho mọi người phát huy một cách tốt nhất sự tự do của mình vì công ích và sứ vụ của tất cả. Trong sự quan tâm đó, nhân danh việc tìm kiếm chân lý của Lời Chúa, các bề trên cần phải lưu tâm đến những yêu sách của lòng thương xót và công bằng. Lòng thương xót, vốn rất quý giá trong truyền thống của chúng ta, hình thành tiên vàn mối quan tâm đến con người. Chính vì vậy mà những tương quan huynh đệ liên nhân vị, chẳng hạn như những tương quan trong một cộng đoàn, phải luôn là điểm tựa để nhắc nhở mỗi người rằng mình không bị lược bỏ bởi những yếu kém và khuyết phạp của mình. Tình huynh đệ được hình thành cách đích thực khi mỗi người khám phá ra, qua tình cảm này và qua lời mời gọi không ngừng quên mình để được giải thoát, phẩm giá trọn vẹn của mình, được nâng dậy và được cứu chuộc nhờ lòng thương xót của Chúa Kitô. Nhưng đồng thời, phẩm giá này luôn phải được nhìn nhận trong khả năng trách nhiệm của mình. Trong viễn cảnh của Lời sự thật có sức giải thoát, không có chỗ cho một tự do cá nhân nào đó muốn mình là một hòn đảo, cũng không thể là trung tâm của một “trưởng ban nghiêm trọng” cho đời sống của tất cả những người khác. Nói cách chính xác hơn, tình huynh đệ như Chúa Kitô thực hiện dạy chúng ta cách làm sao để đón nhận tự do đích thực của mình trong thái độ sẵn sàng với sự tương tác, nơi mà người khác luôn được lợi hơn ta. Chính vì vậy, việc quản trị có trách nhiệm đòi hỏi phải cùng nhau lưu tâm đến lòng thương xót và trách vụ của đức công bằng. Việc tham chiếu chính xác và khách quan vào Hiến pháp của chúng ta, vì công ích, với những quyết định của các công hội, cho phép bảo vệ công ích dành cho mọi người, tránh những tùy tiện của những yêu sách tự do mang tính cá nhân. Nhiệm vụ này đôi khi có vẻ cứng cỏi và bạc bẽo, nhưng chính nhờ cái giá của tính cân bằng có tính đòi hỏi này mà chúng ta tránh được sự quy chiếu quá dễ dàng vào lòng thương xót, đưa đến thái đội buông thả, vô trách nhiệm hay dửng dưng; đồng thời mỗi người có thể đón nhận ân huệ mà mình đã đến tìm kiếm trong Dòng : được mời gọi để Lời sự thật giải thoát.

Để kết luận bản diễn giải đề tài Năm thánh, tôi muốn gợi lên một nguyên tắc tâm linh cuối cùng của việc quản trị trong Dòng, đó là tính hiệp nhất và hiệp thông. Đây cũng là tiêu chí của sứ vụ mà qua đó chúng ta có thể áp dụng. Chính trong chiều kích này mà chúng ta dùng những phương thế bàn thảo cộng đoàn, với sự kiên nhẫn, để định hướng sứ vụ giảng thuyết mà các cá nhân, cộng đoàn, tỉnh dòng và tất cả các thực thể của gia đình Đa Minh tham gia, với tính năng động tổng hoà, trong một thực thể duy nhất. Dĩ nhiên là mỗi đơn vị này được mời và kêu gọi đóng góp vào công ích căn tính cá nhân, văn hóa, tôn giáo của mình. Nhưng, do quy chiếu chung về sự nhiệt thành của đấng sáng lập, người đã thánh hiến toàn bộ chúng ta cho việc giảng thuyết, ước muốn của chúng ta là đáp lại việc sai đi. Hay đúng hơn, điều khẩn thiết hơn là chúng ta cầu xin Chúa Thánh Thần đặt chúng ta vào sự hiệp thông giảng thuyết. Đồng thời, chúng ta diễn tả yêu cầu này bằng lời cầu nguyện liên lỉ nài van Thánh Thần hiệp thông mở ra chân trời cứu độ cho thế giới này, và đặt vào tâm hồn chúng ta niềm hy vọng về cuộc tạo dưng mới. Bên trên cửa vào thánh đường Santa Sabina, có bức tranh ghép do đức thánh cha Honoriô III ban tặng cho thánh Đa Minh, bức tranh diễn tả hình ảnh Giáo hội của dân Do Thái và Giáo hội của muôn dân, nhắc chúng ta triển vọng đầu tiên của việc giảng thuyết trong Dòng : Lời sự thật truyền chúng ta phải phục vụ sự hiệp thông được hứa ban bằng lời rao giảng và bằng chứng tá. Chính vì vậy mà chúng ta được sai đi. Và cũng trên cửa của thánh đường này còn có cây thánh giá nhắc nhở rằng việc giảng thuyết sẽ dẫn đưa chúng ta trở thành môn đệ của Đấng đã tự nguyện dâng hiến mạng sống của mình, ngõ hầu tất cả được quy tụ trong tình hiệp nhất.

Chân lý sẽ giải thoát anh em !

fr. Bruno Cadoré, op


[1] Để nắm bắt được những nét cốt yếu của ơn gọi này trong một cái nhìn tổng quát, nên chiêm ngắm dung nhan rạng rỡ của Đức Kitô trong mầu nhiệm hiển dung. Có cả một truyền thống thiêng liêng cổ xưa quy về bức hoạ này, truyền thống nối kết đời sống chiêm niệm với việc Đức Giêsu cầu nguyện "ở trên núi". Ngoài ra, các chiều kích "hoạt động" của đời sống thánh hiến cũng được hàm chứa trong đó, bởi vì cuộc biến hình không chỉ mạc khải vinh quang của Đức Kitô, nhưng còn chuẩn bị chấp nhận thập giá của Người. Biến cố này giả thiết một cuộc "lên núi" và một cuộc "xuống núi" : các môn đệ đã từng hưởng tình nghĩa thiết của Thầy, trong khoảnh khắc được bao trùm trong ánh huy hoàng của đời sống Ba Ngôi và bởi sự hiệp thông các thánh, cảm thấy như được đưa vào thế giới vĩnh cửu. Thế rồi bất chợt họ phải trở lại với thực tế thường nhật ; họ chỉ còn thấy một mình Đức Giêsu trong tình trạng khiêm nhường của bản tính nhân loại và họ được mời trở xuống thung lũng, để chia sẻ những nỗ lực của Người trong việc thực hiện chương trình của Thiên Chúa và can đảm đi vào con đường thập giá.

114.864864865135.135135135250