17/03/2020 -

Tâm lý

399
Bí quyết 10/90 – Ứng xử tích cực

Một tâm lý gia sau khi điều tra về các nguyên nhân gây đổ vỡ gia đình đã nêu ra bí quyết xây dựng hạnh phúc như sau: Gia đình của bạn được hạnh phúc hay bất hạnh nguyên nhân là do 10% sự cố tự nhiên, và 90% dựa vào phản ứng của bạn trước những sự cố đó.

Chẳng hạn: Bạn là một ông bố trẻ đang ăn sáng với gia đình, ly cà phê được vợ pha sẵn để trên bàn, đột nhiên cô con gái nhỏ đứng lên và chạm tay vào ly cà phê làm đổ ra bàn, cà phê bắn ra quần áo của bạn. Đó là sự cố xảy ra ngoài tầm kiểm soát của bạn và không cố tình của cô con gái nhỏ, sự cố này chiếm 10 phần trăm hệ quả của sự việc. Sau đó hạnh phúc hay bất hạnh lại chiếm 90 phần trăm còn lại, tùy theo cách phản ứng của bạn.


Cách thứ nhất:

Phản ứng tiêu cực: Bạn mắng con khiến nó òa khóc. Bạn còn trách luôn sang cả bà vợ do đã để tách cà phê gần mép bàn ăn. Hai vợ chồng bạn bắt đầu tranh cãi. Sau đó bạn đùng đùng rảo bước lên lầu thay quần áo. Khi xuống dưới nhà thì con gái bạn vẫn khóc rấm rức chưa kịp ăn sáng để đi học. Cháu đã bị lỡ chuyến xe đưa rước học sinh đậu trước cổng nhà. Vợ bạn hối hả đi làm cho kịp giờ. Còn bạn vội lấy xe ra sân chở con đến trường cho kịp nhưng lòng vẫn còn hậm hực với con gái và với vợ. Bạn chạy xe trong khi tinh thần căng thẳng nên đã vượt quá tốc độ cho phép và sau khi bị cảnh sát giao thông thổi phạt, bạn đưa con tới trường trễ 15 phút. Con bạn chạy vội vào lớp mà không kịp chào bạn như mọi khi. Rồi bạn đến văn phòng trễ 20 phút và phát hiện đã bỏ quên chiếc cặp tài liệu ở nhà. Ngày của bạn đã bắt đầu tồi tệ như thế đó…Buổi chiều bạn chán nản về nhà và vợ con bạn không vui vẻ chào đón bạn như mọi khi. Vậy nguyên nhân một ngày thảm hại như trên là gì?
Tại vợ để ly cà phê không đúng chỗ chăng?
Tại con gái bạn vụng về chăng?
Tại viên cảnh sát giao thông phạt bạn sai chăng?
Hay bạn là nguyên nhân chính đã gây ra một chuỗi sự kiện tồi tệ đó?
Đáp án đúng là D. Bạn đã không làm chủ cái 90% kia là phản ứng của mình. Cách phản ứng chỉ trong năm đến mười giây của bạn đã tạo nên một ngày đầy những sự bất hạnh như thế đó.


Cách thứ hai:

Ứng xử tích cực: Khi tách cà phê đổ, con gái bạn gần khóc hoặc khóc òa lên vì sợ bị mắng, bạn đã có thể bình tĩnh trấn an con: “Không sao đâu con ạ. Lần sau con cần ý tứ hơn một chút nhé.” Sau đó bạn nhẹ nhàng lên lầu thay áo và mang theo chiếc cặp trong khi vợ bạn giúp lau dọn “chiến trường”.  Bạn xuống nhà có thể tiếp tục dùng cho xong bữa sáng và kịp vẫy tay chào cháu bé trước khi bé bước lên chiếc xe đưa rước trước cổng nhà. Vợ chồng bạn chào nhau rồi cùng đi làm. Bạn đến văn phòng sớm năm phút và vui vẻ chào buổi sáng các bạn đồng nghiệp. Có lẽ sếp cũng khen bạn về một ngày làm việc vui vẻ và hiệu quả.

Về bí quyết 10/90

Bạn thân mến, hãy luôn nhớ rằng cách phản ứng của bạn rất quan trọng. Chuyện bất ngờ xảy ra chỉ chiếm 10% hệ quả. Trong khi cách phản ứng của bạn lại chiếm tới 90% hệ quả của sự việc. Tùy bạn phản ứng tích cực hay tiêu cực để có hệ quả tốt hoặc xấu. Phần lớn chúng ta cũng hay ứng xử một cách vội vàng và nóng nảy như ông bố trong cách thứ nhất và chúng ta thường phải hứng chịu những hệ quả không mong chờ. Tính nóng nảy, theo Mẹ Teresa Calcuta là nguyên nhân chia rẽ trong các mối tương quan nhiều nhất. Trong đời sống tập thể, chúng ta cần tập kềm chế và trì hoãn tính nóng nảy, trì hoãn chứ không lờ/ bỏ đi. Chỉ cần phản ứng chậm lại một chút, một chút thôi khi “cơn thịnh nộ” đang bừng bừng thì ta cũng có thể biến sự việc trở nên tốt hơn.

Có câu chuyện vui như sau: Có bà kia đi gặp bác sĩ tâm lý. Bà ào vô tới phòng là la lối om sòm: Nhà tôi và tôi cãi nhau miết, ngày nào cũng cãi, không cãi không chịu được, làm tôi tăng xông….Bà xin thuốc uống để hết cãi nhau…Ông bác sĩ cũng lấy thuốc cho bà và ghi “thuốc chữa cãi nhau,” và dặn dò cẩn thận cách sử dụng. Bác sĩ dặn: mỗi lần ông chồng nói gì ngứa tai, làm gì ngứa mắt hay chọc tức bà, thay vì bà nói lại xối xả thì hãy lấy thuốc ra pha vào ly nước, khuấy thật chậm và đều tay cho tan thuốc, và tuyệt đối không được nói tiếng nào khi khuấy. Sau đó từ từ uống hết ly thuốc. Phải uống chậm thì thuốc mới có hiệu nghiệm…Bạn thân mến, chỉ cần bà kia không đáp trả tiếng nào trong thời gian khuấy và uống thuốc cũng đủ để sự việc trở nên khá hơn. Bạn có tin điều đó không?

 – Mỗi người đều tự chọn hạnh phúc hay bất hạnh cho mình:

Trong cuộc sống hằng ngày, chúng ta đều gặp phải những sự cố vui buồn đan xen nhau. Trong bất cứ hoàn cảnh nào, chúng ta cũng có thể cười hay khóc, hạnh phúc hay bất hạnh, an lành hay tai họa tùy theo thái độ ứng xử tích cực lạc quan hay tiêu cực bi quan của chúng ta.

Chính cái nhìn tích cực lạc quan sẽ ảnh hưởng đến suy nghĩ, hành động vui tươi và sẽ giúp hoà hợp với mọi người và thích nghi với mọi hoàn cảnh. Nhờ đó chúng ta sẽ chọn đúng phương pháp để thành công. Trái lại, cái nhìn tiêu cực bi quan sẽ tạo ra một thế giới buồn chán thất bại và sẽ dẫn đến hệ quả tất yếu là nỗi bất hạnh.

Cần nuôi dưỡng tinh thần lạc quan bằng cách suy nghĩ về những điều tốt đẹp Chúa ban và nhớ lại khi bị những tư tưởng tiêu cực bi quan ập đến.

Nên nhớ rằng: Thiên Chúa có thể biến từ sự dữ ra sự lành, rút từ thất bại ra thành công, đổi từ bất hạnh ra hạnh phúc. Tất cả đều là hồng ân của Chúa ban nhằm giúp chúng ta đạt tới ơn cứu độ. Thánh Phaolô cũng khuyên các tín hữu hãy có lối sống tích cực lạc quan như sau: “Anh em hãy vui luôn trong niềm vui của Chúa. Tôi nhắc lại: vui lên anh em! (Pl 4,4)

Mến chúc các bạn luôn sống vui và lạc quan mỗi ngày. Điều cần ghi nhớ là áp dụng bí quyết 10/90 cho mọi việc xảy ra hằng ngày bạn nhé.  Bạn sẽ thấy cuộc đời của bạn tốt hơn nhiều đấy. Chúc bạn thành công!

 
Mai Đệ Liên

 
114.864864865135.135135135250