23/03/2020 -

Tâm lý

567
Cô Vy Cô Vít Chi bằng hãy ít nổi khùng

Đợt nghỉ học kéo dài và tránh tụ tập đông người để phòng chống dịch coVid-19 khiến nhiều gia đình “quay mòng mòng” trong việc “chăn” lũ trẻ: thầy cô nghỉ dạy vào vai phụ huynh cùng học với con, cha mẹ phân công nhau nghỉ làm để vào vai thầy cô kèm cặp con. Lắm lúc nhà cửa như cái chợ vỡ khiến người lớn phát khùng.

Trẻ bắt chước những lời nói, hành động của những người xung quanh ngay từ khi bắt đầu biết nhận thức, một trong những điều dễ học nhất là nổi giận, thậm chí văng tục chửi thề. Nhiều phụ huynh cho rằng con bức xúc quá mới thốt ra những lời này nên bỏ qua. Ngược lại, có bậc cha mẹ rất bất ngờ nên phản ứng gay gắt, thậm chí đánh đập con. Một số bất lực buông tay thở dài “cha mẹ sinh con, Trời sinh tính”.

Liệu có sửa được tính cáu “Trời sinh”?

 
Được! Gia đình là nơi giáo huấn đầu tiên, trước khi trẻ tiếp nhận sự giáo dục của nhà trường và chịu ảnh hưởng phức tạp từ xã hội. Môi trường nuôi dạy con rất quan trọng. Khó có thể dạy dỗ một đứa trẻ nên người trong một gia đình hay xung đột, một trường học nhiều trẻ hư hay một khu phố có tệ nạn.
Tất cả trẻ nhỏ đều biết phản ứng trước những điều không thích ví như tỏ thái độ buồn bực, giận dữ, la hét, khóc lóc ăn vạ. Cha mẹ chính là người kiểm soát, kiềm chế sự tức giận của con từ lúc mới manh nha.

Có nên bỏ qua?

Cổ nhân có câu “Thói quen lúc đầu như mạng nhện, càng về sau nó trở nên như cuộn dây thừng”. Dấu hiệu đầu tiên cho thấy bé có thể thành đứa trẻ hư là thường xuyên cáu giận từ nhỏ. Kết quả một cuộc điều tra xã hội học cho thấy, tỉ lệ nói tục chửi bậy và nối dối cha mẹ ở học sinh cấp 1 là 22%, cấp 2 là 50%, cấp 3 là 64% và sinh viên là 80%.

Trẻ cho rằng mình có quyền gây chú ý và không thể tự nguôi ngoai khi yêu cầu không được đáp ứng, tính nết hung hăng, dễ nổi cáu, không biết nhường nhịn, bất trị. Nếu phụ huynh lờ đi, coi “con còn bé đã biết gì” thì khi lớn lên con sẽ trở thành người thô lỗ, thách thức, ngang ngạnh, mất kiểm soát, thiếu tôn trọng bạn bè, thầy cô giáo và người lớn khác.

Ngay lúc đó, cha mẹ phải lập tức ngăn con lại, rồi giải thích để con không bắt chước thói xấu của người khác, sau đó đặt ra một số nguyên tắc trong nhà và nhắc nhở thường xuyên để con hiểu được mình được làm gì và không được làm gì. Không bao giờ thỏa hiệp với con, điều đó chỉ khiến kết quả tồi tệ hơn. Đừng vì lợi ích ngắn hạn mà hình thành thói quen xấu cho con. Chẳng hạn, khi con cáu kỉnh “nhỡ miệng” nói tục, phụ huynh lờ đi giả vờ như không nghe thấy hoặc thanh minh, chữa thẹn với người khác trước mặt con trẻ.

Roi vọt có trị được tật xấu?

Giống như nhiều hành vi khác, thường người ta đã làm một lần thì làm thêm lần nữa cũng chả sao. Dần dần, nóng giận trở thành một hành vi mất kiểm soát: mỗi khi gặp ức chế, bất mãn thì cáu, mà không gặp chuyện gì cũng… cáu.

Để giúp con bỏ được tật xấu này, trừng phạt chỉ càng khiến nó nổi khùng và “leo thang”. Đánh đập chứng tỏ phụ huynh đã hết cách, “bó tay”, chịu thua con mình, chỉ làm cho trẻ sợ và đề phòng chứ không giúp nó nhận ra lỗi lầm và muốn sửa chữa. Trái lại có thể khiến trẻ hung hăng hoặc trở nên chai lì, khó bảo hơn.


“Tiên trách kỷ, hậu trách… kỷ”

Tác động của gia đình diễn ra thường xuyên và liên tục từ lúc đứa con tượng hình trong bụng mẹ cho đến suốt đời nên gia đình có ảnh hưởng sâu sắc đến sự phát triển nhân cách của mỗi người. Bên cạnh những tác động giáo dục có chủ đích, cha mẹ còn có những tác động tự phát thông qua lối sống và cách ứng xử với con trong sinh hoạt hàng ngày.

Các thói tật của con có khi bắt nguồn từ cách ứng xử của cha mẹ hoặc những người lớn khác chứ không phải do ngẫu nhiên hoặc “Trời sinh”. Những học sinh có hành vi lệch chuẩn (nói tục, chửi thề, xả rác bừa bãi hoặc có thái độ ngông nghênh, ngược ngạo, thích đua đòi, sống buông thả, không nỗ lực học hành, rèn luyện) thường lớn lên trong gia đình mà cha mẹ có lối sống thiếu chuẩn mực hoặc có những tác động sai lầm đối với con. Cha mẹ mực thước thì con cái lễ độ, khiêm tốn. Cha mẹ xô bồ, bỗ bã, nóng nảy sẽ khó mà dạy được con hai chữ từ tốn. Vì vậy, người lớn nên nhận lỗi và tự trách mình khi con trẻ sai trái hơn là cho mình cái quyền được nóng giận và tìm cách đổ lỗi.


Mùa Cô Vy Cô Vít, con ở nhà mãi “cuồng cẳng”, cha mẹ nên giải tỏa nỗi tù túng của con bằng cách: Tôn trọng cảm xúc của con. Không đùa dai, mỉa mai, chọc giận con. Kể chuyện và dạy con thói quen đọc sách. Tìm bạn tốt cho con (học thầy không tầy học bạn). Khen ngợi mỗi khi con nói lời hay làm việc tốt.


 
Bs. Nguyễn Lan Hải
(Bài đăng trên tuần san Công giáo & Dân tộc).

 
114.864864865135.135135135250