12/01/2020 -

Tâm lý

407
Cộng đoàn trong tôi


Thời gian thấm thoát thoi đưa! Mới ngày nào đó nó còn chập chững giữa các lựa chọn, nó còn phân vân về những ngã rẽ trong cuộc đời, mà giờ đây, nó đã chính thức trở thành một cô Thỉnh Sinh của Hội dòng Đaminh Rosa Lima. Nó đã bước vào một con đường mà chẳng mấy ai muốn bước vào, con đường mang tên “Giêsu”. Quả thực, nó đã rất thích khi nghe các Dì gọi nó với một tên gọi rất thân thương: “Các con là những mầm non ơn gọi của nhà dòng”. Đó là những động lực to lớn cho nó tiến lên trong đời tu.

5 tháng – Thời gian không quá dài nhưng cũng đủ để cho nó cảm nghiệm được thế nào là đời tu, hiểu được những cái rất thực trong đời tu. Trong đời tu, ngoài đời sống thiêng liêng, nếp sống kỉ luật và việc học hành, một yếu tố rất quan trọng không thể không nhắc tới đó chính là đời sống cộng đoàn. Đời sống cộng đoàn được hiểu là tập thể những người được Chúa chọn hiệp thông với nhau trong việc sống ba lời khuyên phúc âm theo một đường hướng chung trong một môi trường, hoàn cảnh và dưới một vị phụ trách trực tiếp để cùng sống ơn gọi đời này cách xứng đáng (Theo Linh mục Đaminh Chu Quang Đương,O.P).

Quả thật, đời sống cộng đoàn là cốt yếu cho bất kỳ hình thức đời tu nào trong Hội Thánh Công Giáo. Trong Tông huấn về Đời Sống Thánh Hiến, số 41, Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã khẳng định: “Bằng việc liên tục thúc đẩy tình yêu huynh đệ, dưới hình thức đời sống chung, đời thánh hiến cho thấy sự tham dự vào sự hiệp thông Ba Ngôi có thể thay đổi các tương quan con người và tạo ra những kiểu liên đới mới. Bằng cách đó, đời thánh hiến nói cho con người về vẻ đẹp của hiệp thông huynh đệ cũng như về những con đường dẫn tới sự hiệp thông ấy”. Như vậy, đời sống cộng đoàn tu trì diễn tả tương quan Ba Ngôi và thông dự vào đời sống của Ba Ngôi. Chính chiều kích tương quan thần linh này làm cho cộng đoàn tu trì có được vị trí ưu tiên so với cá nhân trong suốt truyền thống lịch sử văn hóa của đời thánh hiến. Như Ba Ngôi là một thế nào, các thành viên trong cộng đoàn cũng là một với nhau như thế. Dĩ nhiên, họ không thể là một trên bình diện bản thể như Ba Ngôi, nhưng là một lòng, một ý, một khao khát, một lý tưởng tông đồ.

Sống cộng đoàn cũng là một kiểu phản ánh bản chất con người là loài có tương quan, được mời gọi mở ra để đến với người khác, sống trong sự hiệp nhất với họ. Tất cả những điều này đến từ hình ảnh của Ba Ngôi, một cộng đoàn hoàn hảo. Thánh Phaolô đã quả quyết với các tín hữu: “Không còn chuyện phân biệt Do thái hay Hy lạp, nô lệ hay tự do, đàn ông hay đàn bà; nhưng tất cả anh em chỉ là một trong Đức Kitô” (Gl 3,28).

Hơn nữa, đời sống cộng đoàn là một sáng kiến tuyệt vời của Thiên Chúa dành cho những ai muốn hiến dâng trọn vẹn cuộc sống cho Ngài.  Người ta không thể tự mình lập nên cộng đoàn dòng tu theo ý thích. Đó là một sự xác chuẩn của Thiên Chúa ngang qua Giáo Hội và những vị được trao quyền để chăn dẫn dân Chúa. Một hội dòng không chỉ đơn thuần là một tổ chức hay một nơi người ta quy tụ lại rồi sống chung với nhau. Nó có xương sườn là linh đạo của Đấng đáng lập, có bộ khung là trật tự cấu trúc, các thành viên làm nên thịt da và có Thánh Thần là nguồn sống. Đức Thánh Cha Phanxicô đã nhấn mạnh đến nếp sống tu trì với tinh thần của một linh đạo hiệp thông, mà chính Đức Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã khai triển trước đó: “Sống hiện tại cách say mê có nghĩa là trở nên "những chuyên viên hiệp thông", "những kẻ làm chứng và kiến tạo "dự án hiệp thông" là chóp đỉnh của lịch sử loài người theo ý định của Thiên Chúa”.

Khi nói đến đời sống cộng đoàn, mỗi người đều có những cảm nhận khác nhau: có người yêu thích và cảm thấy phù hợp, có người cảm thấy gò bó, tù túng. Đối với nó, đời sống cộng đoàn là đời sống của sự chia sẻ, của sự cảm thông, là nơi mà nó cảm nhận được tình yêu, sự nâng đỡ và sống thật với chính mình. Còn nhớ, thời gian đầu khi mới vào nhà dòng, có quá nhiều thứ lạ lẫm với nó: từ giờ giấc, nếp sống kỉ luật, công việc và học hành…tất cả đều rất mới, rất lạ với nó. Những ngày đầu tiên, nó thấy ôi sao khó khăn thế! Chắc hẳn lối sống tự do, phóng khoáng khi còn là một cô sinh viên đã chi phối nó quá nhiều, chắc hẳn sự nuông chiều của những người thân yêu đã gây cản trở cho nó. Chưa thích nghi được với nếp sống nhà tu, nên nó suốt ngày đau bệnh, ốm lên ốm xuống, đợt ốm này chưa hết thì đợt ốm kia lại tiếp tục, đã có lúc làm nó chán nản. Nhưng nhờ sự cảm thông, giúp đỡ của quý Dì giáo và của chị em đã giúp nó vượt qua tất cả. Nó đã tập thích nghi được với nếp sống của đời tu, nó đã dần quen với công việc của nhà dòng và dần dần đã hình thành cho nó sự yêu mến cộng đoàn.

Cộng đoàn là một môi trường rất tốt để giúp nó học hỏi những tinh hoa từ những chị em khác. Có những công việc chưa bao giờ nó đụng tay thì bây giờ bắt buộc nó phải thuần thục. Nó còn học hỏi rất nhiều nền văn hóa từ những chị em đến từ những vùng miền khác nhau. Nó đã dần thấm thía câu nói: “Nếu có lòng mến thì sẽ làm được tất cả”.

Hơn nữa, đời sống cộng đoàn là nơi giúp nó bào mòn đi những góc cạnh trong đời sống của riêng mình, giúp nó thay đổi những tư tưởng riêng của bản thân. Cộng đoàn là nơi giúp nó lớn lên trong tinh thần “đức ái trọn hảo”. Vì chính nơi này đã giúp nó biết nghĩ cho người khác, biết vì ích chung nhiều hơn.  Và nhất là, cộng đoàn là nơi nó có thể tìm được Thánh ý Thiên Chúa. Cộng đoàn trở nên chiếc nôi, là môi trường giúp nó lớn lên và trưởng thành hơn về đời sống nhân bản và đời sống tâm linh. Như cành nho muốn sinh hoa trái thì phải chịu cắt tỉa. Nếu lúc trước nó thường hành động theo cảm tính, thích gì làm nấy, yêu quý ai thì chơi với người đấy. Nhưng bây giờ thì không, nó được mời gọi sống yêu thương tất cả mọi người. Vì Thánh Augustino đã khẳng định: “Nếu bạn không thể yêu thương người anh em ngay trước mặt bạn, bạn cũng không thể yêu mến Thiên Chúa - Đấng mà bạn không nhìn thấy”. Hơn thế, nó làm gì nó cũng phải nghĩ đến lợi ích cho cộng đoàn, nó đi đâu nó cũng phải ý thức nó là bộ mặt của hội dòng. Điều đó đã giúp nó lớn lên mỗi ngày.

Bên cạnh những điều tốt đẹp đó, đời sống cộng đoàn cũng đang tồn tại những bất cập như những vết thương lòng. Mỗi người mỗi vẻ, với những đức tính tốt đẹp pha với những lầm lỗi, những quảng đại xen lẫn những ích kỷ, thương yêu xen lẫn ghen tỵ giận hờn. Cho nên, có lúc vui có lúc buồn, có lúc cởi mở chân thành mà đôi khi cũng thật căng thẳng và ngột ngạt. Nói như JEAN VANIER: “Cộng đoàn là nơi có những kinh nghiệm đau thương về những giới hạn yếu đuối, tăm tối”. Quả vậy, đến cả chén bát còn va chạm và gây ra tiếng động, thì huống chi là con người. Năm mươi con người – mỗi người mỗi tính cách, mỗi người một khả năng, mỗi người mỗi cách giáo dục. Nhưng những bất cập đó không phải là tất cả! Những khác biệt đó đã giúp nó nhận ra rằng, để đời sống cộng đoàn có sự thăng tiến và hợp nhất, bản thân nó phải tôn trọng sự khác biệt của những chị em khác. Và để có được sự hòa hợp, nó phải tập sống chấp nhận, khiêm tốn và vị tha.

Như đã đề cập ở trên, đối với nó, nó ý thức được sự hữu hạn của phận người, nên dù có xảy ra sự va chạm nào: có lúc đó là một sự hiểu lầm, có lúc là sự oan ức…nhưng khi nó ý thức được sự hạn hẹp của phận người thì nó thật dễ cảm thông cho chị em. Thật sự nó rất tâm đắc với câu nói của Cha giảng tĩnh tâm: “Các con là những người có chung lý tưởng, các con đã từ bỏ mọi sự và để đến và chung sống dưới một mái nhà theo tiếng gọi tình yêu Giêsu. Vậy nên nếu không đem lại hạnh phúc, niềm vui cho người khác, thì chí ít, các con cũng đừng tạo thêm đau khổ cho họ”. Thật là thấm thía biết là chừng nào, và dường như câu nói đó đã trở thành kim chỉ nam cho nó. 

 Không ai là một hòn đảo và nó chỉ thực sự là người nếu nó sống với chị em nó. Có người từng nói với nó: “Chỉ khi nào cảm thức thuộc về ở trong con thì lúc ấy con mới cảm nếm được đời tu, con mới cảm thấy nơi này thuộc về con”. Ngẫm nghĩ thật lâu, nó mới thấy được giá trị của câu nhắn nhủ ấy. Qủa vậy, khi cảm thức thuộc về tồn tại trong nó, khi nó thấy rằng cộng đoàn là “nhà” của nó, chắc chắn nó phải cố gắng từng ngày mỗi ngày để làm cho gia đình của nó hạnh phúc hơn. Và trong tiềm thức của nó, nếu muốn cộng đoàn của mình tốt lên, thì chính nó, nó phải cố gắng tốt lên trước đã.

Trong đời sống ơn gọi Đaminh, 4 chiều kích: đời sống thiêng liêng, nếp sống kỉ luật, học hành và đời sống cộng đoàn được ví như là 4 cột trụ của chiếc bàn, và mặt bàn là việc rao giảng Tin Mừng. Vì thế, 4 cái chân không được cái chân nào khập khễnh. Và để thăng tiến trong ơn gọi và để 4 cái chân luôn vững chắc, ngoài sự trợ giúp từ Thiên Chúa, nó rất cần sự đồng hành và trợ giúp của quý Dì và của chị em nó. Vì “trong đời sống ơn gọi Thánh hiến, sẽ không có ai đi một mình” (ĐTC Phanxico).

Lạy Chúa, Chúa đã thương chọn gọi và quy tụ chị em chúng con, để chúng con được gặp gỡ nhau nơi mái nhà Thỉnh Sinh. Xin Chúa luôn gìn giữ từng chị, từng em. Xin giúp chúng con luôn nhìn mọi người như chính Chúa, để mỗi ngày sống, chúng con đều thốt lên rằng: “Thiên đường là ở đây!”

 
Anna Nguyễn Thị Nga






 
114.864864865135.135135135250