23/03/2017 -

Tâm lý

1063
Hãy khóc...

HÃY KHÓC!

“Nước mắt là một thứ ngôn ngữ không lời”. Người ta có thể nhìn thấy người khác rơi nước mắt và hiểu được phần nào tâm trạng của họ trong hoàn cảnh hiện tại. Nước mắt có thể là ngôn ngữ của niềm vui, vì quá vui, quá xúc động đến nỗi rơi nước mắt; Có những giọt nước mắt rơi trong âm thầm vì những nỗi buồn mất mát; Có nước mắt rơi trong ngày chia li, và cũng có nước mắt của ngày đoàn tụ. Nhưng có thể thấy, khi nhắc đến nước mắt, chúng ta thường chỉ hiểu nước mắt là những nỗi buồn, những niềm đau hơn là niềm vui. Vậy, nước mắt có đem lại giá trị hay ý nghĩa gì khi mà người ta dùng nước mắt để lấp đầy những khoảng trống của tâm hồn, để xóa nhòa đi bao kí ức, hay nước mắt chỉ là một phản ứng tự nhiên khi cảm xúc của con người vượt quá giới hạn cho phép, nước mắt đó chẳng đem lại một sự thay đổi gì…

Phải chăng vũ trụ đã dan díu với nước mắt ngay từ thuở ban đầu tạo dựng, sao đi đâu chúng ta cũng nhìn thấy nước mắt. Sẽ chẳng có ai dám tự tin cho rằng “Tôi là một người mạnh mẽ vì không bao giờ rơi nước mắt cho dù trong lòng xúc động”. Họ đã quên mất ai cũng có một tuổi thơ dữ dội trong ngày chào đời bằng tiếng khóc. Vậy thì chắc chắn trong cuộc sống của họ ít nhiều cũng có những lúc rơi nước mắt, nhưng có thể họ giấu đi những giọt nước mắt đó vì sợ người khác cho mình là người yếu đuối. Thiết nghĩ rằng, sức mạnh của một con người không được đánh giá bởi những giọt nước mắt đổ xuống, nhưng giá trị ở chỗ những giọt nước mắt ấy rơi vì cái gì? Một nhà hiền triết nói: “Nước mắt là nguồn phân bón tốt nhất cho bộ rễ của đời sống chúng ta. Tiếc thay, chúng ta thường lãng phí nó, ta dễ đổ nước mắt xuống những nơi nào đó, thay vì làm thấm ướt mảnh đất đời người của chúng ta, tức là không làm cho nó đem lại giá trị trong thực tế”.

Mùa Chay là khoảng thời gian để chúng ta nhìn lại đời sống của mình, hoán cải và canh tân đời sống cho nên giống với Đấng mà chúng ta tôn thờ, thông qua việc chiêm ngắm cuộc khổ nạn của Chúa Giê-su. Đã có bài thánh ca: “Hãy thật lòng trở về với Chúa, trong chay tịnh, trong nước mắt và than van…”. Như vậy, nước mắt cũng là một yếu tố vô cùng quan trọng trong cuộc trở về của tâm hồn. Nhìn lại những trang Tin Mừng, không ít lần nói về nước mắt. Trong suốt hành trình rao giảng của Chúa Giê-su, Ngài đã nhiều lần bắt gặp những giọt nước mắt đau thương, kêu xin Ngài cứu chữa trong cơn nguy khốn, và chính Ngài cũng đã có lần rơi nước mắt trước những hoàn cảnh đáng thương đó: nước mắt của những người mẹ khóc thương cho những đứa con bé bỏng đã chết thay cho Hài Nhi Giê-su dưới lưỡi gươm gian ác của Hê-rô-đê (Mt 2, 13 – 18); bà góa thành Nain có đứa con trai duy nhất chết đi và được Chúa Giê-su chạnh lòng thương cho sống lại khi nhìn thấy bà khóc lóc thảm thiết (Lc 7, 13 -17); Cô Maria khóc thương cho em mình là Ladaro đã chết, chính Chúa Giê-su cũng khóc vì thương người bạn này và Ngài cũng cho anh ta sống lại (Ga 11, 32-44); nhiều người phụ nữ khóc thương Chúa Giê-su trên đường lên núi Sọ và Ngài đã đứng lại để an ủi họ (Lc 23, 27-28)… và còn nhiều chi tiết khác trong Tin Mừng có nhắc đến nước mắt. Tuy nhiên, có một nhân vật trong Tin Mừng được nhắc đến hai lần, và cả hai lần đó đều có hình bóng của nước mắt. Maria Madalena – người phụ nữ tội lỗi- đã xuất hiện trong nhà của người Phariseu với một bình bạch ngọc đựng dầu thơm, trước sự chứng kiến ngỡ ngàng của nhiều người, những giọt nước mắt của chị rơi xuống hòa với bình dầu quý như muốn rửa sạch bao lỗi lầm của quá khứ, những giọt nước mắt ăn năn không cần diễn tả bằng lời. Chúa Giê-su nhận những giọt nước mắt ấy nhu một món quà của ân tình. Ngài không ngăn cản chị khóc, cũng không thúc dục chị nói lên lời nào, vậy mà Chúa đã tha tội cho chị (Lc 7, 48). Ấy vậy mà, cũng người phụ nữ ấy – Madalena – chị lại khóc một lần nữa khi sáng sớm ngày thứ nhất trong tuần chạy ra mộ Thầy mà không thấy xác Thầy đâu, chị đã khóc. Lần trước Chúa không cần hỏi gì cũng bùi ngùi yêu thương chị, nhưng lần này Chúa lại hỏi: “Này bà, sao bà khóc?”. Một câu hỏi có vẻ hơi “thừa” vì người chết mà còn bị mất xác thì làm sao không khóc được, vì sao Chúa lại hỏi? Câu hỏi của Chúa Giê-su có ý nghĩa nào khác chăng, hay là hai lần khóc của Madalena là hai lần có ý nghĩa khác nhau.

Như đã nói ở trên, giá trị của nước mắt là ở chỗ nó rơi xuống vì điều gì. Chúa Giê-su đã để cho Madalena khóc mà không thắc mắc vì đó là giọt nước mắt của ăn năn, bà nhận ra tội lỗi của mình, nhận ra thân phận yếu đuối với một quá khứ sống trong u mê của dục vọng, giọt nước mắt giờ đây như vỡ òa bao nhiêu dồn nén bấy lâu nay đã sống trong tội lỗi, giọt nước mắt là nguồn nước tưới gội một tâm hồn khô cằn trở nên có sức sống, giọt nước mắt như một dấu chỉ cho sự đứng lên để làm lại cuộc đời, như vậy nước mắt đó không làm cho bà trở nên yếu đuối nhưng mạnh mẽ hơn. Còn nước mắt của ngày bà không thấy xác Thầy là nước  mắt của sợ hãi, vô ích, vì bà không biết rằng Thầy của mình đã sống lại. Trong cuộc sống có những lúc chúng ta khóc vì mất mát, thất bại, và chúng ta tưởng rằng khóc là cách giải quyết những nỗi đau đó, nhưng thực tế nước mắt đó chỉ là làm cho chúng ta vơi đi nỗi đau nhưng không thay đổi được gì. Chỉ có nước mắt của sự thống hối, nhận ra thân phận yếu đuối của mình mới làm thay đổi được cuộc đời chúng ta.

Nhưng cũng đã nhiều lần chúng ta đặt câu hỏi, vì sao những lần chúng ta ăn năn xét mình, đã bao nhiêu lần trong đời đến tòa giải tội nhưng vẫn “đường xưa lối cũ”, chúng ta lại tìm về với những tội đó. Rõ ràng chúng ta giục lòng ăn năn nhưng khó có thể khóc cho tội lỗi của mình như Madalena năm xưa. Vậy thì làm sao mới có thể thật sự khóc cho tội của mình, mà không phải là “nước mắt cá sấu”. Hãy thử hình dung một người làm vườn khi dồn hết công sức, thời gian, tâm huyết cho khu vườn của mình, chỉ mong tới ngày thu hoạch, vậy mà khi phát hiện ra sâu đã tàn phá hết hoa lá lúc nào không hay và người làm vườn cảm thấy xót xa, đến mức đau lòng rơi nước mắt vì những thiệt hại do sâu đã gây ra. Cũng  vậy, linh hồn chúng ta cũng đã bị tội lỗi làm cho ra hư mất, nếu chúng ta thử nhìn lại những thiệt hại do tội gây ra so với lúc chúng ta còn là một tâm hồn đơn sơ trong trắng, có lẽ chúng ta sẽ đau lòng và sẽ rơi nước mắt. Để khóc được thì tâm hồn cần có nỗi đau, và có lẽ chúng ta cũng nên cầu xin cho có được nỗi đau đó. Phải có hối hận quá khứ thì mới hướng đến tương lai. Không phải nhìn lại quá khứ để gặm nhấm nỗi đau, để xét đoán lẫn nhau, nhưng nhìn lại quá khứ để như một đòn bẩy đẩy ta hướng về phía trước.

Màu tím của mùa Chay không phải là màu tím của sự lãng mạn, màu tím của sự thủy chung trong tình yêu, nhưng màu tìm đó nhắc chúng ta luôn biết đau khổ vì tội lỗi của mình, màu tím cũng không hẳn là màu sắc của sự chết chóc nhưng là màu của ăn năn thống hối. Nhìn màu tím để chúng ta biết dùng nước mắt của tâm hồn, khóc cho chính mình, khóc với chính mình, nhưng khóc trước mặt Chúa,  để nhờ nước mắt đó tưới gội tâm hồn khô khan cằn cỗi của chúng ta trở nên màu mỡ và tươi mới hơn. Hãy biết dùng nước mắt như một công cụ Chúa ban để làm cho đời chúng ta nên thay đổi, đừng phí nước mắt bởi những chuyện vô ích, vì nước mắt chỉ có giá trị khi làm thay đổi cuộc đời.

-         Hoa Thiêng -

114.864864865135.135135135250