17/01/2021 -

Tâm lý

305
Khía cạnh tâm lý và thực tế trong việc nhận định ơn gọi độc thân thánh hiến
 
KHÍA CẠNH TÂM LÝ VÀ THỰC TẾ TRONG VIỆC NHẬN ĐỊNH ƠN GỌI ĐỘC THÂN THÁNH HIẾN
 
Nữ tu Thecla Trần thị Giồng, Dòng Đức Bà

“Tinh thần thì mạnh mẽ, nhưng xác thịt thì yếu đuối” (Mt 14, 38). Cuộc đời muôn mặt. Đời tu cũng thế, thậm chí còn phức tạp hơn vì dù sống chiều kích siêu nhiên, người tu sĩ vẫn mang phận người với những mỏng dòn, yếu đuối, lầm lỡ. Hơn bao giờ hết, việc phân định ơn gọi trở nên khó khăn hơn. Xin để dành công việc này cho các vị chuyên môn. Trong giới hạn của mình, bản thân mạo muội chia sẻ đôi điều dựa trên những kinh nghiệm thực tế qua hơn 20 năm dạy học, gặp gỡ, đối thoại, đồng hành nhất là tư vấn và chữa trị cho một số anh chị em linh mục, nam nữ tu sĩ.

“Thuốc đắng dã tật, sự thật mất lòng”! Thường ai cũng muốn nghe những gì dễ nghe. Có thể trong phần chia sẻ dưới đây, có một số điều đã rất quen thuộc nhưng cũng có những điều xem ra khó nghe với quý tu sĩ. Sự thật thường nghịch nhĩ nên bản thân thấy khá ngại ngùng. Tuy vậy, với thiện chí muốn góp phần nhỏ bé vào phẩm chất của đời tu nên xin nói thật lòng và mong sự cảm thông của độc giả.

Chất lượng của đầu vào

Công việc phân định ơn gọi không chỉ dừng lại khi nhận ứng sinh vào dòng nhưng vẫn còn tiếp diễn trong những giai đoạn huấn luyện khởi đầu. Việc phân định là câu chuyện dài gồm nhiều yếu tố. Ở đây xin phép được chạm đến một chút “phần người” liên quan đến những ứng sinh tìm đến đời tu. Họ như những hạt mầm, những cây con mong thích ứng và phát triển trong môi trường đời tu. Nuôi dưỡng và làm cho lớn lên là phần việc quan trọng của các vị phụ trách các giai đoạn huấn luyện khởi đầu.

Người nông dân có câu: “nhất nước, nhì phân, tam cần, tứ giống”. Thật ra yếu tố nào cũng cần cả. Tuy nhiên có lẽ “giống” tốt vẫn là cơ bản. Nếu hội đủ ba điều kiện đầu mà giống không tốt thì khó có thể có một vụ mùa bội thu được. Cũng vậy, trong đời tu, có người ví các nhà đào tạo như người nông dân. Điều đầu tiên các nhà đào tạo cần làm là tìm hiểu CON NGƯỜI của ứng sinh trên nhiều góc độ: động lực, gia cảnh, gốc gác, môi trường, quá khứ... nơi họ xuất thân.

Phẩm hay lượng?

Trong bài viết “Đừng vội vui mừng vì có nhiều ơn gọi”, Linh mục Nguyễn Hồng Giáo đã nhắc nhở chúng ta về phẩm chất đời tu. Tuy bài viết không mới nhưng ý nghĩa của nó vẫn còn mang tính thời sự. Chúng ta có nhiều lý do để vui mừng vì số ơn gọi của Việt nam thật đã gây phấn khích và hãnh diện so với các nước Âu châu.

Dẫu biết rằng yếu tố ơn Chúa và con người thường song hành và Thiên Chúa có thể dùng mọi hoàn cảnh để làm công việc của Người. Tuy nhiên, nhìn kỹ vào thực tế, có không ít điều phải băn khoăn suy nghĩ. Sự bùng nổ ơn gọi tu trì ở Việt Nam sau thời gian mở cửa đã kéo dài khá lâu. Mọi sự đều có hai mặt, khi số lượng tăng thì nguy cơ phẩm chất sẽ giảm. Hiện nay, ngay cả một số dòng lâu năm cũng đã và đang đối diện không ít vấn đề “phẩm chất”, hệ quả của việc phân định và đào tạo.

ĐẤU VÀO và HUẤN LUYỆN, hai yếu tố cơ bản không thể lơ là. Vì thế, rất cần có một sự nhận định cẩn thận, sự “biện phân” (discernment) sáng suốt, một nền huấn luyện thật kỹ và thật tốt vì tương lai của các dòng tùy thuộc rất nhiều vào chất lượng của việc huấn luyện cũng như phẩm chất của đầu vào. Coi nhẹ khâu tuyển chọn và đào tạo thì tương lai khó tránh khỏi khó khăn.

Sau đây là một số điều nổi cộm:

1. Yếu tố môi trường xã hội, văn hóa

“Em lớn lên trong thời cách mạng”. Chúng ta không thể phớt lờ những ảnh hưởng của môi trường. Quan điểm, hành vi của một người hình thành dần qua nền giáo dục, môi trường sống. Những gì đã được nghe, được thấy và những kinh nghiệm tuổi thơ thường để dấu ấn rất đậm nét và lâu dài trên đời sống của một người. Cụ thể là có một số “hiện tượng” của tu sĩ hiện nay như: thiếu ý thức về trách nhiệm, về ứng xử, về công bằng, về sự thật... Họ nhập dòng khi đã lớn trong khi thời gian được chính thức huấn luyện trong dòng không đủ xóa đi những tác động tiêu cực của quá khứ và môi trường xã hội lắm vấn đề như hiện nay.

Thời “mở cửa”, có bao nhiêu điều hay đẹp tràn vào, nhưng đồng thời cũng mang theo nhiều “bụi”. Ở đây xin đưa ra một số tác động tiêu cực của môi trường trên ứng sinh sống đời tu thôi. Đừng quên là dù người Miền Nam hay Miền Bắc chúng ta đã sống rất lâu trong chế độ XHCN hay Cộng sản và ta khó tránh khỏi ảnh hưởng về nhiều mặt. Sau đây là một số nét tiêu biểu.

- Đức tin, tu đức và tu thân không được xem trọng vì xã hội thiên về thực dụng, vật chất, tục hóa và vô thần. Sống trong đó, ứng sinh bị cám dỗ tìm tiện nghi, thoải mái và nghiêng chiều theo xu hướng tự nhiên là sự dễ dãi và ham hưởng thụ.

- Giáo dục ít nhấn mạnh đến khía cạnh đạo đức, nhân văn, đời sống tinh thần hay giá trị bản thân mà chú ý đến “bạn, thù” và củng cố phe nhóm, quyền lực. Nền giáo dục xã hội cũng như gia đình chưa trang bị cho người trẻ khả năng ứng phó nên người trẻ lạm dụng sự “tự do” một cách vô tổ chức.

- Xã hội đề cao cái mới mẻ, đẩy người ta tiến tới, phát triển và lên cao mà không chủ trương xây đắp chiều sâu nên người trẻ có nguy cơ sống lệch lạc, hời hợt, nông cạn... dễ gãy đổ.

- Lòng nhân, sự tử tế, khả năng nhạy cảm trước nỗi đau của người khác, cảm nhận vẻ đẹp của thiên nhiên càng ngày càng thiếu nên chúng ta dần mất đi cảm thức về tình người và ích chung. Nhiều người lấy cái “TÔI” làm tâm điểm, đặt quyền lợi và giá trị riêng lên trên tinh thần cộng đồng.

- Thiếu tôn tri trật tự - cá đối bằng đầu, cá mè một lứa, ý thức về kỷ luật kém nên thiếu tinh thần tự chủ, thiếu đức hy sinh, ít khổ chế và khả năng chịu đựng kém.

2. Môi trường gia đình

Có thể nói, hơn 90% các ứng sinh của chúng ta xuất thân từ các vùng nông thôn. Sau 1975, số đông các bậc cha mẹ bước vào đời sống hôn nhân một cách khá đơn giản mà thiếu sự chuẩn bị kỹ lưỡng phần đạo, phần đời. Đa số phụ huynh của ứng sinh khó khăn vất vả vì mưu sinh. Hầu hết thì giờ và sức lực của họ bị cuốn hút vào cuộc sống cơm áo gạo tiền nên không có đủ giờ và cơ hội gần gũi, theo dõi, hay nhắc nhở con đúng lúc, đúng việc. Giáo dục gia đình còn nhiều lỗ hổng, tạo nên một số hệ lụy trên nhân cách con cái. Sau đây là vài nét tiêu biểu:

Thiếu gần gũi con“Trời sinh voi, trời sinh cỏ” nên con cái lớn lên tự khắc sẽ biết mọi sự. Quan điểm này khá phổ biến trong tầng lớp bình dân. Chúng ta không thể phủ nhận nhiều con trẻ cứ thế lớn lên “nhờ trời”. Vì bận rộn nhiều người chỉ lo cho con ăn, học; mọi sự phó mặc cho trường, cho thầy dù nền giáo dục của Việt Nam còn rất nhiều bất cập. Nhiều gia đình Công giáo sốt sắng vẫn thường nhắc nhở con em đi lễ, đọc kinh, học giáo lý, nhưng ít khi đồng hành cùng con trong đời sống đức tin.

Ít nhận được sự quan tâm: Các phụ huynh, nhất là các vị từ vùng nông thôn không có thói quen diễn tả tình cảm với con, Không mấy khi chú ý đến nhu cầu tình cảm của trẻ. Những cử chỉ nồng ấm, lời nói động viên và ngọt ngào thật hiếm hoi trong các gia đình Việt nam. Một nữ tu truyền giáo người Hà Lan rất giỏi tiếng Việt và rất gần gũi giới bình dân đã nhận định: “Người mẹ Việt nam hy sinh cho con quá sức, nhưng lời nói và hành động thì khá cứng cỏi”. Sau nhiều năm làm việc và quan sát tôi thấy những lời ấy khá xác thực. Theo một nghiên cứu với tựa đề “Ai là người dễ sa ngã vào con đường tình dục?” mà tôi đã được đọc (xin lỗi đã quên ghi lại nguồn), “vấn đề sa ngã xảy ra không hệ tại ở giàu hay nghèo, học thức hay không, thành thị hay nông thôn nhưng là do  những con người trong quá trình lớn lên không được nhận những cử chỉ nồng ấm, âu yếm và không được nghe những lời ngọt ngào của cha mẹ hoặc người thân” Có nghĩa là nhu cầu được quan tâm và yêu thương không được đáp ứng đúng mực sẽ khiến người ta dễ sa đà trong các mối quan hệ tình dục ngoài luồng. Sau một thời gian làm việc với nhiều giới và suy nghĩ sâu xa, bản thân thấy điều này khá có lý. Cơn đói của các ngũ quan chưa thỏa mãn sẽ đưa đến sự thèm khát trong vô thức và vì thế có nguy cơ mất đề cao cảnh giác. Nhân gian đã chẳng nói về sự “bị dụ dỗ bởi những lời đường mật” đó sao?

- Việc la mắng đánh đập trẻ, nhất là của các ông bố đối với con trai: Dù không thể hiện rõ nét nhưng một số ứng sinh đã bị tổn thương thể chất lẫn tinh thần từ trong gia đình. Nếu không được quan tâm thỏa đáng, phẩm chất của đời tu sẽ bị ảnh hưởng không ít, đặc biệt về mặt cảm xúc, tự tin và tương quan.

3. Mặc cảm

Thực tế dường như không ít giới tu sĩ trẻ thường bị mặc cảm tự ti. Đâu là nguyên nhân? Có lẽ do hoàn cảnh gia đình vất vả thiếu thốn. Khi còn ở với gia đình điều này không rõ nét nhưng khi lên phố và sống chung trong một tập thể, họ có sự so sánh hơn thua.
Thật ra mặc cảm dù tự tôn hay tự ti đều là cản trở lớn trong cuộc sống cá nhân và cộng đồng. Đặc biệt người tự ti thường khép kín, nhút nhát, dễ chạnh lòng và hay “thu gom” những rác rến vào mình bởi những cái nhìn tiêu cực về bản thân và cuộc đời. Nhiều khi họ che dấu yếu kém bằng cách “nổ” hoặc bù trừ bằng lối sống đòi hỏi hoặc khá “thoải mái”. Mặc cảm sẽ ngăn chặn sự phát triển thực sự, dẫn đưa đến những lệch lạc trong tương quan, tạo nên sự mất quân bình và bất hạnh trong đời tu.

4. Tuổi thơ bị tổn thương

Trong quá trình nhận định ơn gọi của các giai đoạn huấn luyện ban đầu chúng ta cần biết về tuổi thơ của ứng sinh để giúp đỡ kịp thời. Một số bạn trẻ lớn lên đã từng bị tổn thương thế chất và tinh thần cách này hay cách khác.

Thể chất: làm việc quá nặng nhọc, bị đánh, phạt nặng, bị xâm hại tình dục, chơi trò người lớn và ngay cả chứng kiến những cảnh “người lớn”của bố mẹ. (nhà cửa chật chội, bố mẹ không cẩn trọng). Đây là những bóng đen cuộc đời, nếu không được giúp đỡ đúng mực thì những người tu sĩ này phải chịu rất nhiều áp lực tinh thần và thể chất lâu dài trong đời tu.

Tinh thần: bầu khí gia đình căng thẳng. Nếu gia đình thường xuyên bất hòa; bạo lực do bố say xỉn, ứng xử kiểu gia trưởng; trẻ thường bị la mắng, nghe những lời chê bai, hạ giá, dọa nạt hay bị phạt nặng, hoặc bị oan; bố mẹ quá bận rộn nên không có giờ gần gũi con, lớn lên trong sự hững hờ, thiếu quan tâm; những mất mát lớn trong đời như mất cha, mẹ, bà... những người quan trọng. Hệ quả là trẻ dễ trở nên nhút nhát, tự ti, xa cách, khép kín với người khác hoặc trở nên chai lì, bất mãn và chống đối ngầm kể cả với những người có quyền sau này.

Theo kinh nghiệm làm việc với tu sĩ nam, nữ, linh mục, bản thân thấy rằng kể cả những vị có học thức cao hay rất thành đạt về sau cũng còn những vết thương hoặc “vết sẹo” khó lành của đầu đời dưới mái gia đình. Một số trục trặc trong đời tu nếu xét kỹ hầu hết đều là di chứng của những kinh nghiệm tuổi thơ.

Ngoài những gì vừa nêu trên, còn một số dấu ấn khó phai đeo bám cuộc đời của một người, đặc biệt tu sĩ, vì đời tu dễ căng thẳng và có nhiều luật phải giữ. Khi chúng ta bận rộn hay khỏe mạnh, bình an thì những dấu ấn ấy tạm ngủ yên, nhưng nó vẫn còn đó và chờ dịp chỗi dậy. Nếu không có đời sống siêu nhiên hay nội lực hoặc sự giúp đỡ thì không biết những ngày tháng đời tu sẽ ra sao. Chắc chắn mức độ ảnh hưởng rất đa dạng tùy tính nết, tình trạng sức khỏe tinh thần và thể chất, tùy mức độ khó khăn phải đối diện và tùy sự quan tâm nâng đỡ của người thân và những người chung quanh. Dưới đây là những trường hợp tôi đã gặp trong quá trình làm việc với tu sĩ, những người chưa vượt qua được những tổn thương của tuổi thơ.

Bị chọc quê, bị dán nhãn hiệu vì cách ăn mặc, kiểu tóc hay mập, ốm, nói lắp, ghẻ lở, đen ...

Bị ăn hiếp và bị cho ra rìa là trường hợp thường xảy ra ở trường học. Có những điều người lớn chỉ cười, xem là chuyện trẻ con nhưng với trẻ đây là những tổn thương có khi âm hưởng rất lâu dài trên cuộc đời về sau.

Bị cho giả làm con trai hay con gái: Vì gia đình thiếu con trai hay con gái và cha mẹ có thể chọn một em cho đóng vai giới tính mà họ mong chờ, hoặc vì muốn làm vừa lòng ông bà. Bản thân đương sự thấy khổ nhưng không làm gì được. Hệ quả là có sự băn khoăn, lúng túng hoặc lẫn lộn về giới tính của mình. Khi ý thức họ thường bất mãn hay giận hờn bố mẹ...

Bị phân biệt đối xử ngay trong gia đình: Khi trong gia đình cha mẹ có thái độ trọng nam và coi thường nữ hay ngược lại. Có khi có sự phân biệt đối xử rõ rệt giữa hai anh/ chị em kề nhau hay giữa đứa lớn và nhỏ tạo nên những sự buồn tủi hay bất mãn. Những nỗi buồn này thường giữ kín, nhưng lòng ấm ức và sự xa cách chống đối ngầm là điều khó tránh.
Khi phân định hay đào tạo xin chú ý đến tuổi thơ và khung cảnh lớn lên của ứng sinh.

Tại sao họ lại như thế? Tại sao họ làm cái họ đang làm?

Tìm để hiểu, để cảm thông và để giúp đỡ cụ thể, kịp thời. “Lắng nghe để hiểu, nhìn lại để thương”

5. Động lực

Trước khi nhận một người vào dòng, chúng ta thường tìm hiểu những động lực khiến người ấy chọn đời tu. Điều này quan trọng nhưng quan trọng hơn là giúp tu sĩ hiểu ý nghĩa đời tu và điều chỉnh trước khi dấn thân sâu hơn.

Chúng ta phải thừa nhận rằng một số gia đình Công giáo còn sống đạo sốt sắng. Dù nhiều thế hệ trước không được học, được hiểu đạo như chúng ta bây giờ nhưng đức tin của họ rất chân thành, đơn sơ, và vững chắc. Thế hệ con cháu của chúng ta còn thừa hưởng được hoa trái của lòng tin đơn thành nhưng không kém phần sâu sắc ấy. Nhiều tu sĩ chọn đi tu vì phụ huynh của họ quý trọng, khao khát, khuyến khích con vào đời dâng hiến.

Ngoài động lực siêu nhiên, một số ứng sinh không thích lập gia đình vì cảnh sống trong môi trường lớn lên không có gì hấp dẫn thu hút, đôi khi còn ngược lại. Một số sợ hoặc tìm tránh né trách nhiệm hoặc ngại đối diện với thực tế không dễ dàng trong cuộc đời. Có em do kinh nghiệm chứng kiến đau thương trong gia đình mình nên quyết tâm không chọn sống đời gia đình.

Một số khác thấy đời tu có khi là một con đường thăng tiến, thoát nghèo, đỡ vất vả. Nhiều gia đình nông thôn đốc thúc con cháu “tu cho sướng…”, cho “hạnh phúc vì được ở trong nhà Chúa”. Đời tu an toàn, nhẹ nhàng, thanh thoát hoặc hình ảnh uy quyền, đời sống đầy đủ của các linh mục, tu sĩ lôi cuốn họ.

Ngoại lệ, có em nghe theo sự rủ rê của bạn bè hay sự tiếp thị hấp dẫn của một số dòng tu, trong đó có những trường hợp người nhập tu được hứa hẹn trước sẽ được học cao, hay được gởi đi ngoại quốc. Chúng ta cũng không loại trừ nguy cơ là những người xin nhập tu này đi tìm thăng tiến bản thân trước, rồi nếu được thì cũng tìm Chúa luôn thể chăng

6. Yếu tố “lớn tuổi”, trải đời

Không khó để thấy rằng việc huấn luyện hiện nay khó khăn phức tạp hơn trước nhiều. Các ứng viên ngày nay thường lớn tuổi hơn, vì số đông các dòng không còn “đệ tử viện” hay “tiểu chủng viện” nữa. Đây cũng là yếu tố thuận lợi, tuy nhiên có thể có những lỗ hổng về nhân cách gây cản trở cho đời tu.

Khi đến với đời tu, những ứng sinh lớn tuổi đã phần nào định hình về nhân cách rồi, đã tiêm nhiễm nhiều “giá trị” văn hóa của một đất nước theo “Cộng sản chủ nghĩa”. Có người đã học hành xong, xa gia đình, quen sống tự lập. Có người đã đi làm việc một thời gian, Cuộc sống sinh viên và công nhân viên tiếp xúc với bầu khí thiếu lành mạnh của xã hội này làm cho người ta khó tránh khỏi những cám dỗ của tiền bạc, tình cảm và ngay cả kinh nghiệm về tình dục. Vì thế, để thích nghi với cuộc sống và những đòi hỏi của đời tu không phải dễ. Một số nhà chuyên môn cho rằng những ai đã từng có những kinh nghiệm về tình dục thường rất khó vượt qua những cơn cám dỗ về sau, nhất là với khung cảnh mở của các phương tiện truyền thông và sự tự do, vật chất dễ dãi...

7. Yếu tố “ngoan hiền”

Nhiều nơi, khi chọn lọc ứng viên các vị có trách nhiệm hoặc phụ trách huấn luyện dường như có xu hướng thích chọn những người “ngoan hiền” và không thích những em có bản lĩnh hay “ngựa chứng”, khó kham, khó dạy. Họ tìm những em luôn dạ dạ, vâng vâng và không bao giờ dám góp ý dù cũng có ý kiến vì sợ sai, sợ mất lòng; những người mà bề trên hay ai đó “xướng” cũng được, tôi sẽ “tùy” ngay. Chúng ta cần tìm hiểu thêm một chút về các người ngoan hiền.

- Có những người hiền “tự chọn” nghĩa là hiền do tự chủ, do dùng ý chí nghị lực để thắng mình, do muốn từ bỏ những sân si vì Đức Kitô và vì anh em như Thánh Phaolô đã chủ trương: “Vì Đức Kitô tôi đành chịu thua thiệt... và coi mọi sự như rác rến.so với cái lợi tuyệt vời là được biết Đức Kitô...” (Pl 3, 7-9). Với cái Hiền tự nguyện, tôi có thể nhưng không làm, không nói... vì tôi tự nguyện bỏ qua. Cái hiền của nhường, của nhịn vì những giá trị cao hơn. Đây là cái hiền mà Đức Kitô đã dạy “hãy học cùng Ta vì Ta hiền lành và khiêm nhượng trong lòng” (Mt 12, 29).

- Có người hiền theo bản tính tự nhiên, họ chủ trương “dĩ hòa vi quý”, thích sống êm ả, không muốn có sự bất hòa, tranh chấp.

- Có người hiền vì thiếu bản lĩnh không có khả năng đương đầu với khó khăn hay người khác, những người này thường “không dám” đối diện trực tiếp, nhưng lại hay nói sau lưng, khó kiểm chứng, dễ tạo nên những sự hiểu lầm, hoặc vì sợ nên hay đổ lỗi cho người khác, hoặc chối không dám mang trách nhiệm hay thừa nhận một số sai sót, đi vòng vo, có khi nịnh bợ, tìm ô dù...

- Có người hiền vì chậm hiểu (hơi khờ) nên thường không có phản ứng ngay, không biết cách đương đầu khi gặp vấn đề. Đây là một điều có lợi vì họ ít có xung đột, tranh cãi hay tránh được bất hòa trong cộng đồng, nhưng đến khi hiểu ra, họ lại tự trách mình và ngầm trách người., những người này có thể sống trong ấm ức, căng thẳng, bất mãn và ức chế.

Xin được kể một chuyện có thật - một hôm tôi nghe một người thân tính chuyện tương lai cho con họ rằng: “Thằng B… nó hiền, nên cho nó đi tu. Nó hiền, tu được đó…”. Tôi giật mình, buột miệng góp ý ngay: “Con ơi, tu phải có bản lĩnh mới đứng vững.” Tôi cũng ngạc nhiên với chính mình sao lại phản ứng nhanh thế, vì tôi biết thằng bé hơi khờ và yếu thần kinh, và có lẽ sau gần 50 năm trong đời tu và với kinh nghiệm trong nghề nghiệp cũng như trách vụ tôi đã có cái nhìn méo mó chăng?

Thực ra, “ngựa chứng là ngựa hay” nếu biết “thuần phục” chúng. Việc này mất nhiều công sức, nhất là với các vị phụ trách huấn luyện còn “non” về nhiều phương diện tuổi đời, tuổi tu, cũng như kiến thức và kinh nghiệm làm việc với giới trẻ (ví dụ có chị giáo vừa mới khấn xong, trình độ cao đẳng mầm non, trong lúc các ứng sinh thì trình độ cử nhân, thạc sĩ và ngay cả cao hơn). Đó là chỉ dám nói “non” trên phương diện con người chứ chưa kể đến “non” về nhân đức, chiều sâu là những điều chỉ có Thiên Chúa mới biết được.

8. Những dấu hiệu lệch lạc

- Phán đoán lệch lạc

Lệch lạc trong phán đoán là nhìn mọi sự không đúng như sự thật khách quan. Đây là yếu tố tối ưu quan trọng vì hành vi và cảm xúc của chúng ta được điều khiển bởi tư duy. Có thể nói trí phán đoán như bánh lái. Con người có trí khôn để nhận định và phán đoán hầu có thể ứng xử đúng mục, suy tư đúng hướng. Nếu phần này lệch thì không biết cuộc đời sẽ xuôi về hướng nào. Người bảo thủ, tư duy kém thường có thể lệch lạc trong những phán đoán, họ nhìn vấn đề một cách chủ quan, phiến diện và thường cố chấp.

- Ám ảnh và mặc cảm tội lỗi

Một số ứng sinh mang mặc cảm tội lỗi. Có lẽ vì do sự giáo dục quá khắt khe hay bị răn đe doạ nạt thường xuyên, và luôn tự cho mình đã làm một điều gì đó sai trái, đi ngược lại đạo lý, luật đời nên nhiều ứng sinh mang nặng trong mình mặc cảm mình là kẻ có tội, là kẻ xấu xa, đáng nguyền rủa.

Đây chính là tình trạng tâm lý báo động cần được chữa trị ngay và làm một cách nghiêm túc, nếu không, nó sẽ trở thành nguyên nhân dẫn đến bệnh trầm cảm, mất tự tin, suy sụp, luôn cho mình sai phạm nặng nề trong các hành động và rồi nhìn ngoại cảnh qua một lăng kính đen tối và tiêu cực. Người ta gọi tình trạng tâm lý này là mặc cảm tội lỗi bệnh hoạn.

Cảm giác tội lỗi bệnh hoạn thường nhấn sâu các bệnh nhân vào một ảo tưởng nguy hiểm đó là luôn cho mình đã sa phạm các trọng tội đáng phải án phạt trầm luân; mất niềm hy vọng tìm được sự thông cảm và tha thứ của Thiên Chúa cũng như của đồng loại mặc dầu trên thực tế những sai sót của họ chỉ là những điều lầm lỗi nhỏ nhặt mà đa số chúng ta khó ai tránh khỏi.

- Những người “có vấn đề”

Mục này muốn nói đến một số ứng sinh đã có những dấu hiệu lệch lạc hay dấu vết tâm thần. Ở đây chưa có thể gọi là “bệnh” nhưng đã có dấu hiệu rối loạn. Có khi đương sự không biết nhưng cũng có những trường hợp bản thân và cha mẹ họ biết nhưng dấu. Trong thời gian đầu họ có thể cố gắng che đậy, hoặc vượt qua, nhưng đời đâu luôn bằng phẳng, những khi khó khăn, những sự bất thường sẽ làm bộc phát hoặc tái phát. Ở một số nước, thường có những bài trắc nghiệm tâm lý hỗ trợ cho việc phân định. Nước ta phần lớn chưa có thói quen này, nhưng thiết nghĩ, trong những trường hợp những ai có dấu hiệu “lạ” ta cũng cần sự hỗ trợ của phương tiện này. Đừng để khám phá quá trễ, không đem lại lợi ích gì cho cả đôi bên, ứng sinh và nhà dòng.

9. “Quý - thương - tiếc” ơn gọi

Dẫu biết rằng sự khoan dung có sức thuyết phục và giúp biến đổi hơn chứng lý, để phân định một điều liên quan đến một đời người, một hướng đi thì ta nên xem lại quan điểm “thương, tiếc, tội nghiệp..." này.

Đời tu là con đường hẹp, là một quá trình dài “trường kỳ kháng chiến”. Khó khăn là chuyện thường tình. Những người đi trước đã chẳng nói “Chúa gọi thì nhiều nhưng chọn thì ít” đó sao? Thế nhưng trong thực tế có nhiều trường hợp thấy rõ ứng sinh có vấn đề hoặc những điểm cơ bản không thích hợp với đời tu nhưng lại cảm thấy tiếc khi chối từ vì lý do “quý ơn gọi,” “tiếc công đã đào tạo,” “tội nghiệp”, có “thiện chí”, “ứng sinh rất muốn tu”... Đừng quên rằng vấn đề hay khó khăn đầu đời sẽ tạm lắng vì ứng sinh còn trẻ, còn có sức để cố gắng và tạm vượt qua. Khi lớn tuổi hơn, nhiều việc hơn, nhiều thử thách hơn hay khi tinh thần trở nên yếu đuối, khi gặp khủng hoảng thì những vấn đề trước kia thường “hiện nguyên hình” và có khi còn trầm trọng hơn trước. Vì thế, hãy coi chừng việc xét ơn gọi, viêc quý ơn gọi, “thương người.” Hệ quả là nhà dòng sẽ bị ảnh hưởng. Có khi một người bệnh tâm trí làm xáo trộn đời sống cộng đoàn gấp nhiều lần những người bệnh về thể lý. Còn đương sự thì khó có thể tìm thấy an bình và hạnh phúc trong đời tu.

10. Yếu tố dòng “Tây” và dòng “mới”

Dòng “mới” là những nhà dòng đến VN sau 1975, đặc biệt là khoảng 20 năm trở lại đây. Con số này không ít và phát triển khá nhanh. Đây là một niềm vui, một ơn huệ, nhưng cũng là một nỗi bận tâm vì con số ứng sinh dường như không ít. Thật ra dòng tây hay dòng ta, dòng xưa hay dòng mới đều có những vấn đề và những trăn trở. Dòng nào cũng có khó khăn cách này hay cách khác nhất là những lấn cấn trong đời sống cộng đoàn và vấn đề huấn luyện, cũng như tìm người phụ trách huấn luyện.

Có lẽ vì “sốt ruột” ổn định nên đầu vào của một số dòng có vẻ nới lỏng chăng. Khi đến với dòng mới có mặt tại Việt Nam, các ứng sinh thiếu khung cảnh và môi trường quy củ vì nhà dòng còn phải xây dựng từ từ. Những thành phần nòng cốt của dòng đôi lúc là các vị người Việt. Vì con số này rất giới hạn nên sự chọn lựa thành viên về nước để mở nhà mới cũng khó khăn. Đây là một trong những nguyên nhân lấn cấn buổi đầu cho một số dòng mới đến vì khi “cấp trên” chưa ổn thì khó khăn nội bộ và việc huấn luyện cũng bị ảnh hưởng. Các dòng không có người Việt thì còn thêm rào cản của ngôn ngữ và văn hóa ảnh hưởng không ít đến việc nhận định. Việc hiểu cho thấu đáo về nhau và hiểu nội dung các bài học, bài giảng khi dùng ngoại ngữ thật khó đi vào chiều sâu (rất xin lỗi nếu tôi quá chủ quan).

Mặt khác, các em lại có những đặc quyền đặc lợi khác như: được chăm sóc về đời sống vật chất, được học ngoại ngữ, công việc ít và còn viễn cảnh được xuất ngoại. Vì thế, động cơ thực của đời tu có khi chưa sáng đủ. Dường như một số ứng sinh đến tìm hiểu dòng mới lập là người đã rời dòng khác một hay vài lần. Những trường hợp này cần tham khảo thêm nhà dòng họ đã ở trước đây.

11. Yếu tố bản thân ứng sinh

Nhân đây xin được góp đôi điều với các bạn trẻ đang băn khoăn trước chọn lựa dâng hiến của mình. Trước hết mong các bạn nhìn lại:

Động lực: các bạn thành thật nhìn vào nội tâm, xem xét lý do nào hình thành hay thúc đẩy đến việc muốn dâng hiến đời mình. Vì muốn rời gia đình, muốn một cuộc sống an bình, ổn định, ít sóng gió, muốn được học thêm, muốn thuộc về Chúa hoặc muốn tu... chỉ đơn giản vậy thôi?

Mức độ ước muốn và quyết tâm: Ước muốn là một sức mạnh, một lực đẩy giúp chúng ta vượt nhanh hay có thể vượt qua khó khăn. Nhiều bạn trẻ còn phân vân nên đi tu hay không. Các bạn nên xem lại lòng mình khoảng bao nhiêu phần trăm muốn tu và bao nhiêu phần trăm e ngại... Sự quyết tâm là yếu tố quan trọng trước khi lấy quyết định. Người Pháp có câu: “muốn là được” điều này không phải là vô căn cứ. Mặt khác có nhiều bạn trước khi vào tu mà cái “sợ” cứ đeo đuổi mình trong quá trình tìm hiểu. Những ai “chưa tu mà sợ ra”, “chưa thi mà sợ rớt” thì mầm thất bại có vẻ như đang chực sẵn. Không ai tự mình dám cho rằng mình có đủ sức nhưng nếu các bạn đầy lòng khao khát và có sự quyết tâm cao thì đây là hai yếu tố tích cực trong việc chọn lựa.

- Lòng tin và lòng cậy trông. Có thể nói niềm tin vững chắc và hy vọng cao độ là hai cột trụ giúp chúng ta an tâm chọn lựa.

 
“Con luôn trông cậy Chúa,
lòng con tin tưởng nơi Ngài.”

Dù yếu đuối và còn nhiều khiếm khuyết, nhưng với lòng xác tín vào lời Chúa đã hứa: “Ơn Ta đủ cho con” (2Cr 12, 9) và “Ta sẽ ở cùng các con mọi ngày cho đến tận thế”(Mt 28, 20) nhất là vững tin rằng: “Với Thiên Chúa, mọi sự đều có thể” (Mt 19, 26)
Điều này không loại trừ sự nỗ lực của bản thân và kiên trì tập luyện.

- Mối tương quan với Chúa. Đây là yếu tố then chốt.

Đi tu không phải là chọn một nếp sống, nhưng là chọn đáp trả lời mời gọi, đi theo và dâng mình cho một Đấng, một “Người”. Nếu không biết, không tin, không mến hay không có tương quan thân tình với Đấng ấy thì việc đi theo đó sẽ vô nghĩa và khi khó khăn đến, nguy cơ gãy đổ sẽ khó tránh. Chúng ta có thể ví tình trạng này như “hôn nhân không có tình yêu”. Vì thế, đi đôi với ước muốn dâng hiến, các bạn trẻ cần cố gắng tập sống thân tình với Chúa. Thiết lập mối tương quan sâu đậm với Ngài. Độ bền và độ sâu của mối tương quan này là điều không thể thiếu khi chọn dấn thân vào sống đời dâng hiến.

Thiết lập mối tương quan thân tình với Chúa phải là điều ưu tiên của ứng sinh và các vị trách nhiệm trong việc giúp các em trong thời kỳ tìm hiểu và trong các giai đoạn huấn luyện khởi đầu.

Tóm lại

Việc phân định ơn gọi có phải là lời mời gọi của Chúa hay không là việc của các vị đồng hành thiêng liêng. Những gì vừa nêu trên chỉ là những yếu tố tâm lý và thực tế mong soi sáng thêm cho việc phân định, huấn luyện và đồng hành trong giai đoạn đầu của đời tu. Những góp ý chắc chắn còn khiếm khuyết và khó tránh khỏi chủ quan. Tác giả chỉ mong muốn giúp người trẻ tìm ra đúng con đường mà Chúa muốn cho họ, hoặc giúp điều chỉnh hay thay đổi một số “lấn cấn” mà người trẻ phải đối diện hay kinh nghiệm tiêu cực trong môi trường gia đình và xã hội mà họ lớn lên. Ngoài những yếu tố siêu nhiên, phần “con người” cũng cần được quan tâm để tu sĩ sống triển nở, hạnh phúc vì đó là điều đẹp ý Chúa: “Ta đến để chiên Ta được sống và sống dồi dào...'' (Ga 10, 1-10).

Trích Tập san Hiệp Thông / HĐGM VN, Số 103 (Tháng 11 & 12 năm 2017)

 
114.864864865135.135135135250