18/07/2022 -

Tâm lý

334
Làm thế nào để vượt qua tâm lý tự ti?


Ai trong chúng ta cũng có tâm lý tự ti – một số người đơn giản là biết đối mặt hoặc có thể là che giấu cảm giác tự ti tốt hơn người khác.


Chúng ta lo lắng những gì người khác nghĩ về mình, ta băn khoăn là mình có đủ xinh đẹp hay bảnh bao không, ta lo mình không làm được tất cả những việc nên làm, ta sợ thất bại, sợ mọi người nhận ra rằng ta là kẻ giả tạo. Ta sợ mình quá béo, lo rằng người ấy sẽ thích người khác chứ không thích ta, sợ bản thân không xứng đáng.


Và những trang mạng xã hội, với xu hướng khiến chúng ta muốn được người khác chấp nhận thông qua những lượt like và retweet, đồng thời phô bày những hình ảnh “lung linh” về vẻ đẹp ngoại hình, những chuyến du lịch tuyệt vời và những món ăn ngon…, vốn chỉ khiến ta càng thêm tự ti.


Bạn biết đấy. Câu hỏi được đặt ra: làm sao chúng ta vượt qua tâm lý tự ti?


Làm thế nào chúng ta biết chấp nhận bản thân? Chúng ta học cách tìm kiếm sự thỏa mãn và cảm giác bình an như thế nào? Câu trả lời không hề đơn giản, nhưng nó đòi hỏi ta bắt đầu bằng một thứ: thái độ sẵn sàng đối mặt với những gì ta thường không dám đối mặt. Điều đó đồng nghĩa với việc chúng ta phải can đảm. Bạn có sự can đảm đó không? Nếu có thì hãy bắt đầu nào.


Sau đây là một số chướng ngại vật cản trở chúng ta:


1. Những chỉ trích trong quá khứ


Nếu trong quá trình lớn lên, ta bị cha mẹ hoặc họ hàng chỉ trích, hoặc nếu ta đã từng bị bắt nạt thì chắc hẳn ta sẽ khắc ghi những tổn thương đó. Tôi may mắn vì có mẹ luôn chấp nhận con người, nhưng cha tôi thì không. Ông ấy có sự tự ti của riêng mình, nhưng điều đó thể hiện ra bên ngoài thành những lời chỉ trích nhắm vào tôi. Những lời nói của cha khắc sâu trong tâm trí tôi, nhưng gần đây, nhờ một số việc tôi đã làm mà sự tổn thương đó đã vơi bớt. Nhưng có lẽ nó sẽ không biến mất hoàn toàn.


2. Cách nhìn tiêu cực về bản thân


Sau nhiều năm bị người khác chỉ trích, bạn bắt đầu chỉ trích bản thân mình. Tất cả những sự chỉ trích này, cùng với việc tự so sánh mình với người khác một cách tiêu cực, tạo nên sự tự nhìn nhận không tốt về bản thân. Việc thực tế có khớp với hình ảnh ấy hay không không quan trọng… chúng ta có thể giỏi giang, thông minh và xinh đẹp, nhưng nếu ta nhìn nhận bản thân mình là xấu xí, ngu ngốc và thất bại, ta sẽ hành động theo cách nhìn nhận đó.


3. Muốn được chấp nhận


Thật tuyệt vời khi ai đó chấp nhận chúng ta! Ta thấy mình xứng đáng và tốt đẹp. Nhưng kết quả là ta cần được chấp nhận nhiều hơn để duy trì hình ảnh tốt đẹp này về bản thân. Ta sợ mình không được chấp nhận, vì nếu vậy thì hình ảnh tốt đẹp ấy sẽ biến mất. Ta bị mắc kẹt trong cái vòng lẩn quẩn là muốn người khác luôn chấp nhận mình, và ta sợ bị phản đối. Ta xem xét tất cả lời nói và hành động của mọi người là chấp nhận hay phản đối ta. Điều này trở thành cái vòng lẩn quẩn đáng sợ.


4. Thiếu tin tưởng


Chúng ta học cách không tin tưởng người khác sẽ ở bên ta, chấp nhận ta, thông cảm cho các khía cạnh trong con người ta. Ta quen với lối nghĩ như vậy qua nhiều năm khi người khác làm những điều mà ta cho là phản đối hay bác bỏ. Ta thôi tin tưởng rằng hiện tại sẽ trở nên tốt đẹp.


5. Những hình ảnh trên mạng xã hội và truyền thông


Chúng ta so sánh bản thân với những người nổi tiếng trên Instagram hay những mạng xã hội khác, với những ngôi sao trên phim ảnh, TV, tạp chí. Mục đích của những hình ảnh này là để khiến ta mua hàng, nhưng chính cách tiếp thị đó khiến ta cảm thấy tự ti về bản thân và nảy sinh nhu cầu mua bất cứ thứ gì những người nổi tiếng quảng cáo để trở nên đẹp như họ.


6. Không chấp nhận những gì thuộc về mình


Rốt cuộc, kết quả là chúng ta chối bỏ con người mình. Ta không thích việc mình bị thừa cân, có mấy nốt mụn, hay một điểm nào đó trên cơ thể. Đáng ngạc nhiên thay, thậm chí những người mà bạn nghĩ họ có ngoại hình đáng mơ ước cũng chối bỏ cơ thể của chính họ! Ta cũng chối bỏ những phần bên trong con người mình, như tính vô kỉ luật, thiếu quan tâm, sợ hãi hay lười biếng. Chúng ta chối bỏ những phần mà mình cảm thấy không tự tin.


Đó là những chướng ngại vật ta cần phải vượt qua! Và điều đó nhấn mạnh lý do tại sao chúng ta cần phải can đảm, và tại sao việc khắc phục tâm lý tự ti là không hề đơn giản. Nhưng trước mắt ta vẫn có giải pháp.


Tha thứ cho quá khứ


Nếu tâm lý tự ti hình thành bởi việc bạn bị một người họ hàng hay những người có vai vế lớn hơn chỉ trích, hãy công nhận điều đó và  bắt đầu tha thứ cho họ. Hãy hiểu rằng họ hành động vì sự tự ti của riêng họ. Họ cư xử không vẹn toàn, nhưng tất cả chúng ta đều như vậy. Họ hành xử không đúng, nhưng dù gì thì bạn vẫn có thể hiểu được họ. Và hãy tha thứ cho cách hành xử tiêu cực của họ, bởi vì việc oán hận không giúp ích gì cho bạn. Hãy để quá khứ ngủ yên, từng chút từng chút một.


Chấp nhận tất cả con người bạn


Hãy ngừng lại và tự đánh giá bản thân. Hãy chú ý đến những điểm mà bạn không thích ở con người mình, cả ngoại hình lẫn những phần bên trong. Nhìn vào những phần đó ở con người bạn, và thử nghĩ xem bạn có thể yêu thương nó được hay không. Hãy coi nó là những phần không hoàn hảo của bạn và cũng xứng đáng để bạn yêu thương, như một người bạn không toàn diện nhưng vẫn đáng được thương yêu vậy. Suy nghĩ xem bạn sẽ đối xử với người bạn không vẹn toàn này như thế nào, và hãy đối xử với bản thân mình như vậy. Hãy cho bản thân niềm tin và sự thương cảm. Hãy đón nhận tất cả các phần của con người của bạn, những điểm không hoàn thiện cũng như mọi thứ, và nhìn nhận thấy vẻ đẹp của nó. Đó là những phần làm nên con người bạn, và nó thật tuyệt vời.


 Thực hành tự chấp nhận bản thân


Nếu bạn để ý thấy mình muốn có được người khác chấp nhận, cũng như lời khen và sự quan tâm, những lượt like và retweet… hãy ngừng lại, và hãy tự chấp nhận mình thay vì muốn được người khác chấp nhận. Bạn không cần sự chấp nhận của bất cứ ai ngoài chính bạn. Điều đó không có nghĩa là bạn không muốn kết nối với người khác hay không muốn được yêu thương. Hãy chấp nhận bản thân một cách trọn vẹn. Hãy yêu thương bản thân. Và đó là tất cả những gì bạn cần.


 Không so sánh


So sánh bản thân với người khác về ngoại hình, công việc, nơi họ đi du lịch hay hiện tại họ đang vui vẻ như thế nào… sự so sánh đó không bao giờ hữu ích và trực tiếp làm hại bạn. Thay vì vậy, khi bạn nhìn thấy ai đó, đừng so sánh bản thân mình với họ mà hãy xem cả hai giống như táo với cam, mỗi người một vẻ. Hãy vui vì họ đang vui, hãy mừng vì họ thành công. Con đường họ đi hoàn toàn khác biệt với con đường của bạn. Họ có thể hạnh phúc và có những khoảng thời gian tuyệt vời. Và bạn cũng có thể đạt được những điều đó trên chính con đường của mình. Hãy chúc cho người khác mọi sự tốt lành, nhưng hãy xem hạnh phúc của họ khác với hạnh phúc của bạn.


Đây là một quá trình. Bạn sẽ tìm thấy những vấn đề mình cần phải đối mặt và học cách giải quyết nó. Hãy học cách thay đổi sự nhìn nhận về bản thân. Học cách nhận ra những nguyên nhân khiến bạn phạm sai lầm, và biến những sai lầm đó thành cơ hội để rèn luyện kỹ năng mới.


Đây là một quá trình hữu ích. Nó giúp tôi dần dần chấp nhận và tin vào bản thân hơn, yêu thương bản thân và người khác nhiều hơn.
 

————————————-
Tác giả: Leo Babauta 
Nguồn: tamly.blog

114.864864865135.135135135250