29/09/2022 -

Tâm lý

177
Sử dụng siêu ý thức

Có khi nào chúng ta nghe qua về sự huyền nhiệm của bộ não. Đó là quà tặng tuyệt vời nhất mà Thiên Chúa ban cho mỗi người để chúng ta sống sung mãn và triển nở hơn mỗi ngày. Chắc có ai đó trong chúng ta đã xem phần thi siêu trí tuệ và tự hỏi tại sao các thí sinh lại thông minh xuất chúng như thế! Nhờ đâu mà họ có được năng lực như vậy! Còn tôi thì sao…? Cũng giống như nhiều người, tôi chưa bao giờ nghĩ đến việc tìm hiểu và sử dụng phần siêu ý thức cho đến khi tôi được học hỏi về môn khám phá chính mình.

Câu hỏi đặt ra là có khi nào chúng ta tự vấn: từ khi còn trong lòng mẹ cho đến bây giờ mình đã 20, 30, 40, 50, thậm chí 60, 70 tuổi đời… có biết bao nhiêu điều mình đã suy nghĩ, biết bao nhiêu lời mình đã nói, biết bao nhiêu việc đã làm, biết bao nhiêu kiến thức đã học, biết bao kinh nghiệm đã trải qua… Vậy thì chúng đi đâu hết rồi mà bây giờ mình chẳng còn nhớ được là bao. Xin trả lời là chúng đi vào phần vô thức (unconscious mind) của chúng ta và đặc biệt là đi vào phần siêu ý thức (supraconscious/superconscious mind) của ta. Quả thật, bộ não của chúng ta gồm có 3 phần chính: phần ý thức (conscious mind), phần vô thức và phần siêu ý thức. Ở đây, người viết chỉ chú trọng đến phần siêu ý thức/ siêu trí tuệ.

Trước hết, chúng ta cùng tìm hiểu những nguyên tắc thu tập dữ liệu của phần siêu ý thức. Bất kỳ suy nghĩ nào cho dù là tích cực hay tiêu cực diễn ra liên tục trong phần ý thức chắc chắn sẽ được đưa vào thực tế bởi siêu ý thức. Phần siêu ý thức có mối liên hệ mật thiết với phần ý thức. Nó giống như một người đầy tớ trung thành. Những gì chúng ta mong muốn, những gì chúng ta cần giải quyết trong phần ý thức thì có thể ra lệnh cho phần siêu ý thức vì nó rất đặc biệt và nối kết một cách kỳ diệu với trí tuệ của vũ trụ. Tuy nhiên nhiều khi chúng ta không biết là mình có năng lực siêu nhiên này. Và cần để ý rằng khi phần ý thức của chúng ta thả lỏng và hướng sự tập trung vào điều khác thì lúc đó phần siêu ý thức sẽ hoạt động.

Ví dụ sau một ngày làm việc bạn cảm thấy bực bội vì xung đột với người chị em cùng lớp do bất đồng quan điểm, bạn thấy chị phụ trách có vẻ không hài lòng về kế hoạch bạn đề ra, đồng hồ báo thức của bạn bị hỏng. Bây giờ đã là 10 giờ đêm và bạn cảm thấy mệt mỏi. Vậy thì phải làm sao? Lời khuyên cho bạn là hãy ra lệnh cho phần siêu thức bằng cách lập đi lập lại 5 lần: “Sáng mai, tôi muốn thức dậy lúc 4 giờ để kịp giờ kinh sáng và Thánh lễ. Hãy giúp tôi giải gỡ xung đột với người chị em, hãy giúp tôi phát triển kế hoạch của mình…”, rồi thanh thản chìm vào giấc ngủ. Hôm sau hoặc hôm sau nữa, nếu bạn kiên trì thực hành, bạn sẽ thấy điều kỳ diệu mà phần siêu ý thức làm cho bạn.

Một ví dụ khác, một cô gái trẻ có giọng hát rất hay nhưng đi thi nhiều lần đều không đoạt giải bởi cô mắc chứng sợ đứng trước đám đông, cứ thấy đông người là cô cảm thấy hồi hộp và khó thở vì thế cô không thể biểu diễn cho khán giản thấy được giọng ca của mình. Cô đến gặp nhà tâm lý và cũng là vị linh hướng chia sẻ nỗi sợ hãi của mình. Vị linh hướng hỏi cô: Cô có muốn đoạt giải lần thi sắp tới không? Cô trả lời: có. Vị linh hướng hỏi tiếp: Cô có muốn mọi người tán thưởng giọng hát của cô không? Cô trả lời: có. Và thế là vị linh hướng chỉ cho cô cách tập luyện để vượt qua nỗi sợ hãi trước đám đông: Mỗi ngày cô dành 5-10 phút, ngồi thả lỏng, lặp lại 5 lần câu: Tôi muốn đoạt giải. Tôi muốn mọi người tán thưởng giọng hát của tôi. Trước ngày cô dự thi, vị linh hướng nhắc cô phải luôn nhẩm hai câu đó trong đầu, không để cho những tư tưởng tiêu cực xen vào. Và cuối cùng cô đã chiến thắng trong cuộc thi giọng hát vàng. Quả vậy, phần siêu ý thức đã giúp cô tự tin và làm những điều cô mong muốn.

Thật thế, ở phần ý thức khi bạn chủ động lập lại những mệnh lệnh tức là những điều bạn muốn thì phần siêu ý thức sẽ ghi lại những lệnh đó. Và khi phần ý thức ở trạng thái không hoạt động thì phần siêu ý thức sẽ làm việc vì nó có tính sáng tạo và tìm ra cách thức để giải quyết những vấn đề mà phần ý thức yêu cầu. Một điều cần chú ý là phần siêu ý thức chỉ hoạt động khi phần ý thức thư giãn hay tạm quên về vấn đề đó để tập trung vào công việc khác.

Chúng ta sẽ thấy dễ hiểu hơn khi có nhiều học sinh và sinh viên than thở là đã học thuộc hết nhưng khi vào phòng thi thì không nhớ gì cả. Bởi cơ chế của bộ não là khi chúng ta tiếp cận nhiều dữ liệu, chúng sẽ được tích trữ trong phần vô thức và chìm sâu trong siêu thức. Các phần đó nối kết với nhau qua cánh cửa tinh thần. Khi muốn lấy dữ liệu từ phần vô thức thì trạng thái tinh thần phải relax để cho cánh cửa mở ra và nguồi dữ liệu sẽ xuất hiện trên phần ý thức. Còn nếu chúng ta căng thẳng và lo lắng, thì cánh cửa đóng lại và không cách nào để dữ liệu xuất hiện trong ý thức được. Khoa học và đời sống cho thấy mỗi người chúng ta có một kho tàng phong phú tiềm ẩn trong phần siêu ý thức, điều quan trọng là chúng ta có biết sử dụng nó hay không.

 Đào Phượng 



 
114.864864865135.135135135250