27/08/2022 -

Tâm lý

137
Thông điệp từ những bệnh nhân ung thư

 

 

Tôi học tập và làm việc tại một bệnh viện ung bướu của thành phố Melboune, nước Úc. Khoa tôi làm việc là khoa dành cho những bệnh nhân ung thu giai đoạn cuối. Ngoài giờ học trong nhóm với hai vị hướng dẫn, mỗi ngày tôi có cơ hội thăm viếng các bệnh nhân từ hai đến bốn giờ đồng hồ. Độ tuổi các bệnh nhân từ khoảng 20 đến 80 tuổi, với đủ các loại bệnh ung thư.


Ban đầu, viếng thăm các bệnh nhân mỗi ngày là một thách thức cho tôi, vì không phải ai cũng vui vẻ đón nhận sự thăm viếng, và ngôn ngữ tiếng Anh cũng là một cản trở lớn. Nhưng tôi đã vượt qua tất cả mọi thách thức để đến với họ bằng cả tấm lòng. Được lắng nghe những tâm sự cuối cùng của cuộc đời họ, những người tôi chưa bao giờ gặp trước đây, là một niềm vinh dự cho tôi. Vì khi đối diện với cái chết, con người thường để lại những thông điệp khôn ngoan xuất phát từ con tim của họ. Điều này đã được Đức Thánh Cha Phanxicô nói trong Tông Huấn Christus Vivit rằng:
 

 

Trong ba tháng làm việc tôi chứng kiến nhiều bệnh nhân qua đời, trẻ có, già có. Một cảm giác hụt hẫng khi nghe tin ai đó qua đời. Một sự cảm thương đối với những người ra đi khi tuổi còn thanh xuân. Một nỗi buồn cùng với người nhà của bệnh nhân khi phải nói lời tiễn biệt. Sự chết là điều tất yếu đến với tất cả con người, mỗi người đều phải “ra đi” theo cách mà chúng ta có thể không hiểu và ngờ tới, như chính Chúa Giê-su đã nói rằng:
 

 

Trong đức tin, tôi tin rằng họ đã trở về với Thiên Chúa, là cõi phúc và bình an muôn đời. Trong phận người, tôi cũng bình an phần nào khi nghĩ về các bệnh nhân đã ra đi một cách thanh thản. Họ được chăm sóc những ngày cuối cùng với sự chăm sóc chuyên nghiệp, tận tình, chu đáo bởi các bác sĩ, y tá, chuyên gia tâm lý, nhà xã hội học, những người chăm sóc về tinh thần, thiêng liêng… Có thể nói, họ được an bình ra đi, tạm biệt những nỗi đau trần đời để đến một nơi bình an vĩnh cửu.
 

Vậy điều gì có thể nói là giá trị sống của các bệnh nhân ung thư giai đoạn cuối? Một điểm chung tôi nhận thấy nơi các bệnh nhân và người nhà của họ, đó là: Tình yêu và tương quan.
 

 

 

Tôi nhớ về Camila, một bà mẹ trẻ 42 tuổi với hai đứa con. Chị không nghĩ về nỗi đau hàng ngày chị trải qua, cho bằng con tim chị luôn hướng về hai đứa con nhỏ ở nhà. Chị gọi facetime với chúng mỗi ngày và luôn động viên chúng học giỏi chăm ngoan. Người chồng của chị vừa đi làm, vừa đến chăm sóc chị mỗi ngày, vừa đưa đón con đi học. Anh đóng vai vừa là bố vừa là mẹ. Mỗi lần nhắc đến con cái, chị lại đăm đăm một nỗi niềm sâu thẳm, lo lắng cho tương lai của chúng. Chị còn nghĩ tới mẹ già ở nhà. Chị mong được xuất viện và về nhà ở gần mẹ, được mẹ nấu những món ăn ưa thích.
 

Tôi nhớ về Sofia, một người mẹ trẻ 35 tuổi, một người di cư từ Ấn Độ. Mỗi lần đến thăm, chị với với thân xác gầy gòm ốm yếu, luôn nhắc về người con nhỏ ở nhà với ánh mắt yêu thương và xúc động. Chị mong sớm được về để ẵm đứa con thơ vào lòng. Nó còn quá nhỏ để hiểu được cuộc đời đầy những khó khăn, đau khổ mà chị đang trải qua. Người bố của chị phải bay từ Ấn Độ qua Úc để gặp con gái trong giai đoạn cuối cùng của cuộc đời chị.


Tôi nhớ về Michael, một luật sư về hưu. Ông không có nhiều người thân bên cạnh. Họ đều bận rộn công việc riêng và chỉ có thể thăm ông vào dịp cuối tuần. Trong tuần, mỗi lần tôi đến, ông đều tươi cười hớn hở vì có người lắng nghe câu chuyện của ông. Ông luôn nhắc tôi trở lại với ông vào ngày kế tiếp. Dường như ông cần có một người để sẻ chia.
 

Tôi nhớ đến Lucy, một cô gái gốc Việt, chỉ mới 27 tuổi. Chị bị ung thư khi mới lên 6 tuổi. Thời gian điều trị quá dài, cuộc đời chị đã nếm trải đủ mọi thương đau. Trước đây, chị là một y tá, chăm sóc các bệnh nhân ung thư. Giờ đây, đến lượt chị lại được chăm sóc bởi người khác. Mẹ chị qua đời cũng vì bệnh ung thư khi chị còn bé. Bố chị, một người Việt gầy gòm, tần tảo nuôi ba đứa con gái ăn học trưởng thành. Hằng ngày, ông đến chăm sóc con gái, mang theo những ổ bánh mì Việt Nam, pha cốc sữa cho con, ngồi trò chuyện cùng con. Ông rất hay cười, nhưng ẩn sau nụ cười có thể là nỗi đau khi chứng kiến người con gái yêu của mình đau đớn trong vô vọng. Về phần Lucy, tuy chịu đau đớn về ung thư đã di căn, nhưng chị không bao giờ than phiền về chính mình. Chị có tài vẽ tranh và luôn tự hào về chúng. Chị đã biếu tặng tranh của chị cho rất nhiều người để nâng đỡ tinh thần của họ.


Và tôi còn nhớ về Luke, một chàng trai 30 tuổi, người gốc New Zealand. Anh đã trải qua 13 năm chiến đấu với bệnh ung thư cùng rất nhiều ca phẫu thuật nguy hiểm. Nhưng anh vẫn mạnh mẽ chiến đấu mỗi ngày. Anh còn giúp đỡ tinh thần cho biết bao nhiêu người đồng cảnh ngộ như anh, đặc biệt là các em nhỏ mang căn bệnh này. Một điều khiến tôi khâm phục là người bạn gái của anh vẫn chung thủy đồng hành với anh trong suốt 13 năm nay. Quả là một tình yêu chung thủy hiếm thấy.


Và có rất nhiều người khác nữa tôi không thể kể hết, họ đã in dấu cuộc đời họ vào tâm trí và con tim tôi. Điều quan trọng cuối đời của những bệnh nhân ung thư không phải là tiền bạc, giàu sang, danh vọng mà là tình yêu và tương quan. Họ trân trọng từng phút giây bên người thân của họ, là vợ chồng, con cái, anh chị em, bạn bè, đồng nghiệp và cả những người chăm sóc họ hằng ngày. Họ cảm nhận thời gian còn lại của họ trên đời này rất ngắn ngủi, nên họ nâng niu và trân quý tất cả những người xung quanh họ, những người luôn đồng hành và yêu thương họ.


Nhìn lại cuộc đời của chúng ta, khi còn khỏe, chúng ta phải chạy đua với cơm áo gạo tiền, chạy đua để có một công việc và vị trí ổn định trong xã hội. Đó là những nhu cầu cần thiết và quan trọng. Nhưng cũng hy vọng rằng, chúng ta đừng đánh mất tương quan và tình yêu với những người gần gũi trong gia đình, với bạn bè, đồng nghiệp hay bất cứ người nào chúng ta gặp gỡ mỗi ngày. Hy vọng thông điệp mà những bệnh nhân ung thư để lại cho mỗi người chúng ta: hãy trân quý tình yêu và tương quan với những người đi ngang qua trong cuộc đời bạn. Vì những gì bên ngoài có thể qua đi, nhưng những gì đã đọng lại trong tim thì in dấu không phai mờ.


Tên nhân vật trong bài viết đã được tác giả thay đổi, để tôn trọng quyền riêng tư của họ.


Hy vọng nếu ai đọc được dòng tâm sự này, sẽ bớt chút thời gian viếng thăm và chia sẻ với các bệnh nhân ung bướu, đặc biệt là những em nhỏ mắc căn bệnh này.

 

Antôn Nguyễn Văn Nam
Dòng Chúa Cứu Thế
Nguồn: Trang Tin Uỷ ban Mục Vụ Giới Trẻ

114.864864865135.135135135250