16/07/2022 -

Tản văn

414
Ai phải nên thánh?
 
“Ai phải nên Thánh? Tất cả mọi người không có luật trừ.
      Khởi sự từ chính mình con, vì Chúa mời gọi tất cả”.
(ĐHY Phanxicô Xavie Nguyễn Văn Thuận – Đường Hy Vọng số 92)
 
  
Bạn thân mến,
 
Có bao giờ bạn đã từng suy nghĩ và tự hỏi như tôi trong lúc này? Phải chăng các thánh là những người học rộng tài cao? Là những người thuộc giới thượng lưu “hoàng gia quý tộc”, những người có địa vị cao trong xã hội? Hay các thánh chỉ là những người sống bình thường chung quanh ta. Thật là khó để có thể tìm được câu trả lời thỏa mãn cho câu hỏi này phải không bạn?

Tôi chỉ thực sự biết và hiểu hơn về các thánh khi tôi gia nhập đời sống dâng hiến trong Hội dòng Đa Minh Rosa-Lima. Chính ở trong môi trường này, tôi được học hỏi về các thánh qua môn thánh khoa và qua tài liệu sách vở. Bây giờ bạn hỏi tôi: các thánh là ai? Tôi sẽ trả lời: các thánh là những người có đức độ trổi vượt trong đời sống. Khi Giáo Hội phong thánh cho một tín hữu, nghĩa là long trọng tuyên bố họ là những người đã sống trung thành với ân sủng Chúa và thực hành một cách anh dũng các nhân đức của Người. Đồng thời khi phong thánh, Giáo Hội cũng mời gọi mọi tín hữu hãy học hỏi nơi các ngài(Từ điển Công Giáo).

Như lời Chúa mời gọi: “Các người phải thánh thiện vì Ta là Đấng Thánh” (Lv 19, 2).  Ngay từ khi chập chững bước trên con đường theo Chúa, tôi khám phá ra rằng: tất cả mọi người đều được mời gọi nên thánh, đặc biệt là những ai sống đời tận hiến cho Chúa. Theo lẽ tự nhiên, mỗi người chúng ta thường tự chọn cho mình những mẫu gương nên thánh để học hỏi. Thế nhưng, hàng loạt những câu hỏi trong đầu được đặt ra: Tôi sẽ chọn con đường nên thánh nào làm mẫu gương cho đời sống mình đây? Thánh Phanxico Assisi ư? - tôi đâu có một người cha giàu có như thánh nhân. Tôi bắt đầu đổ lỗi cho hoàn cảnh để từ chối con đường nên thánh này. Hay tập nên thánh giống chị Thánh Teresa Hài Đồng Giêsu? Tôi đâu có được hấp thụ nền giáo dục đạo đức như của chị thánh. Tôi lại biện hộ cho mình. Hay là tôi cần phải noi gương thánh Rosa-Lima? ...nhưng tôi đâu có lòng đạo đức ngay từ thuở bé và tôi đâu có thể tìm kiếm những hy sinh phạt thân xác như thánh nữ. Lại một lần nữa tôi từ chối lựa chọn con đường nên thánh cho mình. Và cuối cùng ... tôi đã thất bại trong việc tìm ra một hướng đi cho lý tưởng sống.

Vậy phải làm sao ? Làm sao tôi có được ơn giảng thuyết hùng hồn như thánh Đa Minh? Làm sao tôi có được tri thức trổi vượt như thánh Tôma Aquino và thánh Catarina? Xã hội tôi đang sống đâu có người nghèo khổ vô gia cư như nơi thánh Têrêsa Calcutta đã từng sống? Ngày nay đâu còn bách hại đạo ở mức phải đổ máu như các thánh tử đạo xưa kia?... Còn rất nhiều lý do khác khiến tôi nản trí và cảm thấy mơ hồ về con đường nên thánh của mình. Có lúc tôi cứ nghĩ rằng nên thánh là ơn gọi dành cho một ai đó chứ không phải tôi, không phải ở đất nước Việt Nam này. Có lẽ, đó là một nơi xa rất xa với tôi về không gian và thời gian, về lòng đạo đức, về hoàn cảnh và về môi trường sống.

Thế nhưng, trên thực tế sau những ngày tháng dò dẫm tìm kiếm con đường nên thánh, tôi đã bị chinh phục hoàn toàn. Chính Chúa đã gửi đến cho tôi một tấm gương sáng để tôi chiêm ngắm và noi theo. Thật ngỡ ngàng, mẫu gương mà Chúa đã dành cho tôi lại là một người Việt Nam giống như tôi, đó chính là Đức Hồng Y Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận. Ngài lớn lên trong lòng đất Việt, ngài cũng ăn cơm và uống nước Việt Nam như tôi và như bao người Việt khác, nhưng ngài có đời sống trổi vượt với Chúa và với tha nhân, đó là điều khác, khác tôi, khác bao người Việt Nam. Ngài là một bằng chứng sống động cho tôi thấy, không phải cứ điều kiện này hay môi trường kia mới giúp ta sống tốt, mà chính là thực thi Lời Chúa và sống theo thánh ý Ngài trong giây phút hiện tại, mới là con đường đích thực để nên Thánh. Chính điều này, tôi nhận ra: “chúng ta có thể sống tốt và nên thánh ở mọi nơi, mọi lúc, và trong mọi hoàn cảnh với những gì mình đang là và mình đang có, nghĩa là giây phút hiện tại”. Từ đó giúp tôi thay đổi “tận căn” lối suy nghĩ của mình về ý niệm nên thánh. Thật vậy: “Các thánh không nên thánh vì nói tiên tri hay làm phép lạ. Các ngài đâu làm gì lạ! Họ chỉ chu toàn bổn phận” (ĐHV số 25). Tuy đức Hồng Y Phanxicô Nguyễn Văn Thuận mới chỉ đang trong quá trình phong thánh, nhưng đối với tôi Ngài đã là một vị Thánh lớn, Ngài để lại trong tôi những bài học thực tế, thật quý giá và sâu sắc.

Đức Hồng Y Phanxicô Nguyễn Văn Thuận – một con người luôn sống trọn vẹn với giây phút hiện tại. Ngài đã viết trong sách Đường Hy Vọng: “Con chỉ có một giây phút đẹp nhất, giây phút hiện tại” (ĐHV Số 31). Thật vậy, cả cuộc đời ngài đã sống và chứng minh cho điều đó. Là một người hăng say nhiệt tình trong công việc tông đồ, ngài đã làm tất cả những gì có thể để củng cố và phát triển Giáo Hội trong giáo phận của mình với thiên chức là Giám Mục. Đang hoạt động trên đà thành công rực rỡ thì một bước ngoặc mới đã chấm dứt mọi hoạt động của Ngài. Những bước đi mới trong giai đoạn đầu của chặng đường thánh giá đời ngài được khai mở bằng con đường ngục tù.

Theo tính tự nhiên, chúng ta thường hay chán nản, thất vọng, thậm chí là bỏ cuộc và sống bất cần khi gặp phải những khó khăn thử thách trong cuộc sống. Nếu chúng ta gặp phải hoàn cảnh tù ngục như Ngài thì chắc chắn chúng ta sẽ u sầu, buồn chán và mong chờ đến giây phút tự do để thực hiện tiếp những công việc của mình. Thế nhưng, nơi Đức Hồng Y lại khác, tuy sống trong cảnh tù ngục suốt mười ba năm trường, nhưng Ngài vẫn hăng say hoạt động tông đồ với sự nhiệt tình và lòng mến yêu tha thiết. Ngài không chờ đợi đến giây phút tự do, mà Ngài sống trọn vẹn với giây phút hiện tại và làm cho nó triển nở, chan chứa tình yêu thương ngay trong cảnh tù đày. Thay vì làm giám mục coi sóc một giáo phận rộng lớn thì giờ đây, Ngài coi nhà tù chính là ngôi nhà thờ chính tòa của mình và anh em bạn tù là những con chiên mà Ngài cần chăm sóc. Ngài ý thức: đây chính là dân Chúa, là giáo phận Chúa đã trao cho Ngài trong giây phút này. Thay vì Ngài trực tiếp giảng dạy ở đâu đó thì giờ đây Ngài giảng dạy bằng cách viết sách, viết thư cho các con chiên của mình. Đó là lý do những cuốn sách: Đường Hy Vọng ; Đường Hy Vọng Dưới Ánh Sáng Lời Chúa & Công Đồng Vaticano II ; Người Lữ Hành Trên Đường Hy Vọng... đã được ra đời. Những tác phẩm này là món quà quý giá và ý nghĩa, mang đầy kinh nghiệm sống của ngài dành tặng mỗi người tín hữu. Đối với ngài: “Bổn phận chính là Thánh Ý Chúa trong giây phút hiện tại” (ĐHV Số 17). Chỉ cần làm tốt bổn phận trong giây phút hiện tại như vậy là nên Thánh.

Dù hoàn cảnh sống khó khăn trong suốt mười ba năm, Đức Hồng Y Thuận vẫn là một chứng nhân sống động phản chiếu hình ảnh của Chúa ngay chính môi trường tù đày. Những năm tháng trong trại cải tạo, ngài đã cảm hóa được biết bao tâm hồn từ những anh cán bộ “lớn nhỏ” cho đến anh em cùng cảnh ngộ như ngài.

Thật vậy, giây phút hiện tại mới là của chúng ta, là giây phút quan trọng mà Chúa ban để chúng ta có cơ hôi lập công trước mặt Ngài. Chúng ta cần phải sống tốt mỗi ngày, mỗi giờ và mỗi phút như là giờ phút cuối cùng của đời mình. Nếu chúng ta cứ mất giờ chờ đợi để làm việc gì đó trong tượng lai, biết đâu những điều chúng ta chờ đợi sẽ không bao giờ đến,và như thế cơ hội để làm việc mà chúng ta mong muốn sẽ không thực hiện được. Vậy nên, chúng ta cần quý yêu và sống tốt giây phút hiện tại bằng cách chu toàn bổn phận của mình trong giây phút hiện tại. Khi sống đúng bổn phận như vậy là chúng ta đã thực thi Thánh ý Chúa cách tròn đầy và chúng ta sẽ được phần thưởng là Nước Trời mai sau: “Bổn phận là giấy để vào được Nước Trời” (ĐHV Số 27).

Bởi đâu Đức Hồng Y sống tốt một đời sống chứng nhân trong môi trường khó khăn như vậy? Thưa, bởi Đức Hồng Y luôn gắn bó mật thiết với Chúa và Mẹ Maria trong đời sống mình. Đức Hồng Y đã đáp trả lời mời gọi của Chúa Giêsu năm xưa “Hãy Theo Thầy” bằng chính đời sống mình, ngài đã noi theo gương Chúa Giêsu đến với mọi người bằng một tình yêu thương vô vị lợi, yêu cả những người không thương mình, thậm chí là người muốn hãm hại mình. Trong những ngày tháng tù đày, nhất là chín năm biệt giam, Đức Hồng Y cho rằng đó là cơ hội là thời gian và là dịp Chúa cho ngài được hiểu rõ sự yếu đuối của mình để Ngài cần bám chặt vào Thiên Chúa và Mẹ Maria hơn. Có những lúc không còn đủ sức để đọc nổi một kinh thì Ngài luôn hướng lòng lên Chúa và nguyện bằng lời nguyện vắn tắt như: “Lạy Chúa! Con yêu mến Chúa”, “Lạy Chúa! Có Thuận đây”, “Linh hồn tôi ngợi khen Chúa”, để dục lòng cậy trông và tin tưởng vào Chúa. Chính đời sống cầu nguyện đã nuôi dưỡng và nâng đỡ tâm hồn, để Ngài luôn có sức mạnh để vượt qua mọi khó khăn thử thách và sống một đời sống bình an trong Chúa.

Quả thật, nên thánh không phải là dành riêng cho một ai đó mà lời mời gọi dành cho tất cả mọi người, cho bạn và cho tôi. Bất cứ ai cũng cần phải sống tốt, cần phải nên thánh dù ở địa vị hay hoàn cảnh nào: “Thợ nên thánh ở công xưởng, lính nên thánh ở bộ đội, bệnh nhân nên thánh ở bênh viện, học sinh nên thánh ở học đường, nông phu nên thánh ở ruộng rẫy, linh mục nên thánh trong mục vụ, công chức nên thánh ở công sở....mỗi bước tiến là một bước hy sinh trong bổn phận” (Đường Hy Vọng, số 24). Sống tốt bổn phận của mình trong giây phút hiện tại, như vậy là chúng ta đang tiến tới con đường hoàn thiện chính mình.

Đúng như vậy, ơn gọi nên thánh không loại trừ ai, mà nó dành cho tất cả mọi người, mọi thời đại và mọi hoàn cảnh sống...“Ai phải nên Thánh? Tất cả mọi người không có luật trừ. Khởi sự từ chính mình con, vì Chúa mời gọi tất cả.” (Đường Hy Vọng số 92). Không phải như lối suy nghĩ nhiều người chúng ta thường nghĩ “Giáo dân nghĩ: Thánh là sốt sắng kinh nguyện, giảng giải, xa lánh thế gian: họ hóa ra giáo sĩ, tu sĩ thời xưa. Tu sĩ nghĩ: thánh là dấn thân giúp việc xã hội, hoạt động chính trị, tranh đua với giáo dân mà nhập thế. Loạn xà ngầu!” (ĐHV  Số 22). Ơn gọi nên thánh mời gọi tất cả mọi người hãy sống tốt bổn phận của mình ngay trong giây phút hiện tại, trong hoàn cảnh hiện tại; chứ không phải chờ đợi đến tương lai và nuối tiếc quá khứ để rồi lãng quên giây phút quan trọng nhất đời mình là giây phút hiện tại. Mời bạn, mời tôi, mời mỗi người chúng ta cùng nhau đáp trả lời mời gọi của Chúa là “Hãy Theo Thầy” bằng cách thực hiện con đường nên thánh này, để mỗi ngày chúng ta được gần Chúa và nên giống Chúa hơn.
 

Mary Nhỏ
114.864864865135.135135135250