03/02/2020 -

Tản văn

469
Ba Lời Khấn trong mắt tôi

Trong một buổi học, cha giáo yêu cầu học trò: “Viết vào giấy những người mà em cho rằng đã sống đúng Tinh thần dòng.” Kết quả thu được là một danh sách dài những người mà các em mến mộ. Cha giáo ngạc nhiên và nói rằng: “Chúc mừng Hội dòng các chị. Khi nhìn vào những cái tên được liệt kê ra, tôi biết được Hội dòng các chị đang đi đúng hướng. Và thật may mắn là những người chị em nhắc đến nhiều lần lại là những người nắm giữ chức vụ quan trọng, đó là điều rất tuyệt vời!.” Hôm nay con đã rời xa lớp học đó, nhưng những gương mặt thân quen mà con ngưỡng mộ thì vẫn luôn bên con. Con muốn kể câu chuyện về việc thực hành ba Lời khuyên Phúc âm mà con gặp thấy trong đời thường như những bông hoa điểm tô cho đời tu thêm đẹp tươi và ý nghĩa.

Lời khấn VÂNG PHỤC

Con viết về Dì - người mà con ngưỡng mộ về Đức Vâng Phục. Dì không được học chuyên môn, không ăn nói khéo léo như những người khác, không bao giờ nổi bật trong các cuộc hội họp, rất lặng lẽ, mộc mạc, chân chất. Dì bình thường nhưng lại không giống những người bình thường khác!

Con được chứng kiến những lần thuyên chuyển cộng đoàn - thuyên chuyển công tác của Dì. Bất cứ nơi nào không ai muốn đến, khi Bề trên sai đi, Dì sẽ mau mắn vâng lời; bất cứ công việc gì chị em khác e ngại, Dì đều vui vẻ nhận lấy. Từ vùng thành thị cho đến vùng truyền giáo, từ làm việc tại Nhà thuốc cho đến việc ở nhà chăm bệnh nhân tai biến, từ việc bốc thuốc đông y cho đến rửa thùng rác… Dì chẳng từ khước và tỏ ra bức xúc với công việc hay với Bề trên. Khi chúng con tỏ ra ái ngại cho Dì, Dì vẫn vui vẻ nói: “Bề trên bảo thì mình cứ vâng lời, rồi Chúa sẽ thêm sức cho.” Dì chia sẻ: Sự vâng phục của Dì xuất phát từ sự thông cảm cho nhưng người có trách nhiệm, ý thức rõ nghĩa vụ của một tu sĩ và noi gương quý dì cao niên. Có lần chúng con phì cười vì một dì hưu dưỡng sốt ruột đi ra đi vào chờ Bề trên về để xin phép đi ra làng. Chúng con bảo nhau: “Bà có công tác gì đâu, rảnh thì đi chơi cho khuây khỏa lại còn đi xin phép y như phải sắp xếp công tác vậy!.” Dì liền nhắc chúng con: “Đức Vâng phục là như vậy đó các em, vấn đề nằm ở chỗ sự tôn trọng quyền bính của Bề trên. Cho dù trước đây các dì cao niên từng giữ những chức vụ lớn trong Hội dòng, nhưng khi không còn tại vị, vẫn khiêm tốn vâng lời. Các dì coi ý Bề trên là ý Chúa, dù chuyện lớn hay nhỏ đều phải xin phép Bề trên mới dám làm, các em cũng phải tập như vậy.” - Chúng con nhún vai, ái ngại thật sự!

Ai cũng nói lời khấn vâng phục là khó giữ nhất, vì nó đụng đến những điều thâm sâu cố đế của con người đó là “cái tôi” một “cái tôi” không muốn thỏa hiệp bởi bị “cái sân si” chi phối. Dòng Đa Minh lại đề cao sự dân chủ, nên lắm khi người tu sĩ Đa Minh bị nhập nhằng giữa dân chủ và bất tuân. Phải có đức tin vững vàng thì lời khấn vâng phục mới bớt nhiêu khê vì tin rằng Bề trên thay quyền Chúa để điều khiển Hội dòng và Chúa biết cách sử dụng những khí cụ Người đã chọn để sinh ích nhất cho Hội dòng.

Ở nơi Dì, con nhận thấy một ĐỨC TIN vững vàng thể hiện qua cuộc sống nhẹ nhàng, không so đo tính toán, không tự ái tự tôn. Ai muốn phàn nàn, chê bai Dì chẳng mấy để tâm. Dì vui vẻ với việc bổn phận trong niềm vui và sự bình an. Dì giống như cây bút chì của Chúa, để Chúa vẽ gì tùy ý qua tay Bề trên.

Nhìn cung cách sống của Dì, con ước mong sao cho lớp trẻ chúng con cũng có tinh thần xả thân và vâng phục như thế. Chúng con dù có giỏi giang đến đâu nhưng không có đức tuân phục thì cũng chẳng để làm gì. Cuối cùng cũng ôm đống bằng cấp và hư danh mà chẳng sinh ích cho ai. Và dù cho chúng con có bất tài, nhưng chúng con sẽ không vô dụng, vì ít nhất chúng con tin rằng Chúa sẽ chọn cho chúng con một vị trí phù hợp với khả năng qua tay của Bề trên, nếu chúng con có Đức Tuân Phục.

Lời khấn KHIẾT TỊNH

Con viết về Bà như mẫu gương của Đức Khiết Tịnh. Nhiều người sẽ bật cười vì bà cao niên như thế “giai” nào nhòm ngó nữa. Nhưng không, con viết về một khía cạnh khác trong lời khấn khiết tịnh: ĐỨC MẾN trong cộng đoàn. Bà là cây cổ thụ của Hội dòng. Nhiều công trình ghi dấu chân và thấm đẫm mồ hôi của Bà. Nhưng đó không phải là điều khiến hậu bối chúng con nể phục.

Con còn nhớ như in những lời khuyên răn - nặng có, nhẹ có - mỗi khi chúng con chệch hướng ơn gọi. Những ngày đầu đời tu, con đã thầm trách bà vì những lần mắng như thế. Nhưng khi trưởng thành hơn, con tự hiểu mình đã ấu trĩ như thế nào!... Em nào hoàn cảnh khó khăn Bà luôn để tâm giúp đỡ; những chị em chuyển hướng ơn gọi Bà không bỏ mặc, nhưng tìm cách nâng đỡ vật chất lẫn tinh thần để hòa nhập với cuộc sống mới. Đâu đó ở những Tu viện lớn luôn thấp thoáng hình ảnh Bà tắm rửa, giặt giũ, chăm sóc các dì cao niên - yếu liệt. Từng người về với Chúa đều qua bàn tay bà tắm xác, chuẩn bị phần xác - phần hồn chu đáo, phần mộ của chị em Bà ra thăm viếng, nhang khói mỗi chiều. Với bà, hình như niềm vui hàng ngày là đọc kinh, tắm rửa, đút cơm cho chị em và cuốc xới miếng vườn cuối tu viện. Thậm chí khi chuyển đi một cộng đoàn xa, Bà vẫn xin đưa theo một dì đau yếu để tiện chăm sóc. Có thể nói những việc mà người khác muốn né tránh bà lại ghé vai gánh lấy bằng tất cả lòng vị tha và tình yêu thương. Chính vì thế mà chị em nào cũng mang ơn bà và dành cho bà sự kính trọng, yêu mến đặc biệt. Có thể nói tình yêu Bà dành cho Đức Kitô bao nhiêu bà cũng đổ tràn trên chị em bấy nhiêu. Bà vác lấy Hội dòng, vác lấy chị em với tình thương của một người mẹ, người chị… vác cả niềm vui lẫn nỗi đau! Bây giờ Bà đã bắt đầu những ngày “Như hoa rã cánh rơi không tiếng. Chẳng hái mà hoa cũng hết dần.”(Xuân Diệu).

Dáng bà cụp xuống trong nhà nguyện, lời kinh trầm đục thường đi kèm với sự mệt mỏi rã rời - dấu hiệu của tuổi tác và lo toan. Bao nhiêu căn bệnh cư trú thường trực trong thân xác, nhưng chẳng thấy Bà than thở vì còn bận quan tâm, lo lắng cho người khác. Kỳ lạ thay, bóng dáng xiêu vẹo đó lại là biểu tượng của sự bình an. Khi có bà, mọi người tự hiểu sẽ chẳng có gì trục trặc diễn ra mà không được giải quyết. Chúng con lại yên tâm ngẩng cao đầu, vút cao tiếng hát trong niềm vui hoan lạc. Bà luôn nhắc đi nhắc lại mãi điệp khúc: “Chúng con phải yêu mến Chúa, yêu mến Hội dòng.” Chúng con dạ vâng, nhưng chưa thấu được hết lý lẽ ẩn đằng sau câu nói đó. Có chăng phải trải qua những ngày tháng thâm trầm cùng Hội dòng như thế hệ của Bà, chúng con mới hiểu được.

Người ta thường nghĩ đức khiết tịnh chỉ bao hàm việc dành trọn cho Thiên Chúa một trái tim không chia sẻ. Có lẽ như thế chưa đủ. Một chị em quanh năm sống trong bốn bức tường tu viện, chuyên chăm nguyện gẫm chưa hẳn đã giữ trọn vẹn lời khấn khiết tịnh nếu chị cũng khép kín và hà tiện tình yêu dành cho chị em mình. Thánh Gioan đã chỉ ra: “Nếu ai nói: ‘Tôi yêu mến Thiên Chúa’ mà lại ghét chị em mình, người ấy là kẻ nói dối; vì ai không yêu thương người chị em mà họ trông thấy, thì không thể yêu mến Thiên Chúa mà họ không trông thấy” (1 Ga4,20). Với Bà, con nghĩ Bà đã không nói dối và những lời Bà dạy chúng con là những thực tế mà Bà đã kinh qua trong cuộc đời.

Lời khấn KHÓ NGHÈO

Em viết về chị với niềm tự hào và lòng yêu mến. Tuy thời gian sống chung cộng đoàn với chị không nhiều, nhưng chị đã giúp em thoát được sự day dứt khi có một quyết định quan trọng, hiểu được giá trị của ơn gọi và có sự lựa chọn chắc chắn hơn trong bước ngoặc cuộc đời. Chị là một trong những người tài năng- là niềm hãnh diện của Hội dòng, là giáo sư ngoài đời lẫn trong đạo, được nhiều người yêu mến và xem như vị linh hướng… nhưng đó cũng không phải là lý do em nể phục và kính trọng chị. Em kính phục chị hơn bởi qua những ngày tháng chống chọi với căn bệnh ung thư quái ác, chị đã cho em thấy mẫu gương tuyệt vời của Đức Khó Nghèo.

Em thích cách giải thích lời khấn khó nghèo của cha giảng phòng hôm tết vừa rồi - đơn giản và dễ hiểu: “Khó nghèo là: Có không tham, mất không tiếc.” Bản thân em thì “mất không tiếc” là phải rồi, vì em nghèo theo đúng nghĩa đen nhưng với chị lại khác, chị có quá nhiều: điều kiện, tài năng, tương quan… đủ tiêu chuẩn của một người luôn nổi trội, vẹn toàn. Thế nhưng, Chúa lại không muốn như vậy, Chúa đã rẽ chị sang một lối đường khác, và muốn chị thực hiện lời khấn khó nghèo cách triệt để: Mái tóc dài thay bằng một chiếc mũ len sau những lần hóa trị, trên thân thể đầy vết thương vì những cuộc phẫu thuật loại bỏ những khối u không ngừng di căn, công việc yêu thích phải gác lại, tiền bạc ra đi… Và Chị đón nhận điều đó như thế nào? Nếu nói chị không buồn là sai. Có lẽ chị cũng trải qua những buồn phiền trong âm thầm, nhưng chắc một điều chị không bao giờ tuyệt vọng. Lúc nào chán quá chị chỉ nói: “Con giờ hết ‘đát’ rồi!” kèm theo một nụ cười không bao giờ tắt. Mọi người đều ngạc nhiên khi chị luôn xuất hiện với khuông mặt rạng rỡ, có người bán tính bán nghi không biết bệnh thật hay giả!  Những lần văn nghệ, nếu không bị đau quá, chị sẵn sàng lên sân khấu, phấn khởi với nhạc cụ đơn giản nhất có thể, khiến khán giả miệng cười mà sóng mũi cay cay. Khi đau đớn và mệt rũ, chị thường nằm trong phòng, giấu đi sự suy kiệt của mình, chị không muốn mọi người phải lo lắng. Và khi xuất hiện, thì chị luôn là người rạng rỡ và hiểu ý chị em nhất. Chỉ cần nhìn ánh mắt của các em là chị biết nó đang cần chai tương ớt hoặc đang thiếu cơm và nhanh nhẹn mang đến tận tay em mình.

Em vẫn nghĩ những người đang trên đỉnh cao của sự thành công khi bị sụp xuống vực thẳm của bệnh tật sẽ không thể nào gượng dậy nổi. Nhưng chị không như thế. Có lần chị tâm sự: Nếu không có biến cố này, có thể chị đã rất khác. Có thể chị vẫn còn mãi mê chạy theo con đường công danh. Khi Chúa dừng cuộc đua của chị, chị mới tìm thấy những giá trị cao quý khác, mà nếu không có biến cố này, chị sẽ mất đi cơ hội đó… Vâng, lúc cần, Chúa ban cho chị khả năng, sức khỏe để học hành, phục vụ, khi Ngài muốn Ngài lại cất đi. Thời gian Chúa ban cho mỗi người Chúa ban cho dài ngắn khác nhau, khi cần Ngài sẽ thu hẹp lại. Em cảm tưởng khi đối diện với bệnh tật, chính lúc mà mọi thứ giá trị đối với thế gian trở nên vô nghĩa thì chị đã chiếm được một phần thưởng trên trời, bởi khi tâm hồn thanh thoát với sức nặng của thế gian thì tâm hồn bám chặt vào Thiên Chúa - đó cũng là điểm đến mà mọi người tu sĩ đều mong đạt tới…

Chị thương mến! Em không biết chính xác khoảng thời gian chị chịu đựng bệnh tật trong bao lâu, cũng không thể cảm thấu những đau đớn, day dứt, muộn phiền trong tâm hồn chị nhưng em biết chính xác chị đã - đang và sẽ là nguồn động viên, là mẫu gương tuyệt vời mà người trẻ chúng em noi theo. Và mỗi khi chúng em than vãn, hay không muốn buông bỏ điều gì, chúng em lại nhìn chị để can đảm sống thanh thoát hơn, bớt ghen tương, đố kị… Em không dám mong giống chị, vì em biết mình quá yếu đuối, em sẽ dễ dàng gục ngã. Em chỉ xin cho mình luôn biết giữ đức Khó nghèo trong sự thanh thoát: “Có không tham, mất không tiếc” với ĐỨC CẬY vững vàng và biết sống như đóa hoa mặt trời luôn nhìn về phía Ánh Sáng trong niềm lạc quan, đầy sức sống.

 
M. Goretti Ốc Tiêu
 
114.864864865135.135135135250