25/02/2023 -

Tản văn

288
Bình luận trên mạng
BÌNH LUẬN TRÊN MẠNG

Gần 20 năm nay, Internet đã thay đổi cách chúng ta phản ứng với những gì xảy ra xung quanh mình. Một trong số đó là không gian bình luận trên mạng. Tuy nhiên, liệu có thực sự cần thiết duy trì không gian này không? Để trả lời cho câu hỏi này, tôi sẽ phân tích các ảnh hưởng của nó đến người đọc, tác giả và xã hội.

 
  1. Bình luận và người đọc

Để lại bình luận “nóng” chỉ nhờ một cú nhấp chuột thực sự là một sự phát triển lớn trong cách chúng ta tiếp cận tin tức. Trước đây, mỗi khi độc giả muốn phản hồi về một chi tiết nào hay phản biện một ý tưởng, quan điểm cho tác giả bài viết, họ cần phải viết thư và chờ tác giả trả lời. Hình thức phản ánh này làm mất khá nhiều thời gian cho cả hai bên. Ngày nay, mọi chuyện trở nên đơn giản hơn nhiều. Chỉ với một chiếc điện thoại hay máy tính có kết nối Internet, ta có thể nói bất cứ thứ gì về bài viết được đăng. Đây thực sự là một phương tiện hữu hiệu giúp phát triển tư duy phản biện và tính dân chủ ở mỗi người.
 
  1. Bình luận và tác giả

Các tác giả thời nay có nhiều cơ hội để giao tiếp với độc giả của mình hơn. Thật vậy, họ nhận phản hồi nhanh hơn và có thể trả lời độc giả gần như ngay lập tức. Tuy nhiên, nếu khán giả phản ứng tiêu cực, thậm chí có dấu hiệu bạo lực hay công kích cá nhân, cảm xúc của các tác giả có thể bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Có rất nhiều nạn nhân của bắt nạt trên mạng bị căng thẳng, trầm cảm, nghiêm trọng hơn, một số người đã đi đến quyết định tự tử. Hiệu ứng của các bình luận khiến chúng ta đặt câu hỏi về sự cần thiết của sự tồn tại của chúng.
 
  1. Bình luận và xã hội

Về lý thuyết, không gian bình luận trên mạng đem lại nhiều lợi ích cho cả tác giả và độc giả, như khả năng tiếp cận thông tin, phản hồi và lắng nghe từ nhiều phía. Đi xa hơn, việc bình luận giúp xây dựng một xã hội có tư duy phản biện và phát triển tinh thần dân chủ. Thúc đẩy tư duy phản biện và dân chủ sẽ rất lý tưởng nếu chúng ta kiểm soát những gì chúng ta nói, cách chúng ta phản ứng... trước là với bài viết, sau là đến các tác giả. Trong một chừng mực nhất định, cuộc trao đổi giữa tác giả - độc giả và giữa các độc giả với nhau có thể tạo ra một cuộc tranh luận lô-gíc, có ý nghĩa và ta có thể học được nhiều thứ hay ho từ cuộc tranh luận này. Ngược lại, với trường hợp bạo lực trên Internet, ý tưởng tuyệt vời này sẽ trở nên một trò hề khi các bên hùa vào cãi nhau mà chẳng đi đến kết quả, lại còn sinh ra lý sự cùn, “nói càng”, “nói quấy”, thậm chí là công kích nhau trên mạng, .

Thực ra, mọi sự trên đời đều có hai mặt đối lập, không gian bình luận trên mạng cũng không phải ngoại lệ. Dù vậy, ta dễ dàng nhận ra rằng những điểm tiêu cực của nó phụ thuộc vào cách con người khai thác và sử dụng. Bạn biết mình đang nói gì và có thể kiểm soát tốt sự nóng nảy của mình ra sao. Thật tốt nếu ai cũng vậy! Nhưng làm sao để bảo đảm sự tuyệt đối ấy? Chỉ giáo dục người trẻ cách ứng xử đúng đắn và phù hợp trên mạng thôi là chưa đủ, cần phải đi với hành động làm gương của người lớn và các biện pháp xử phạt nghiêm khắc với những người vi phạm.

Tóm lại, giữ không gian cho các bình luận của độc giả là một cách tốt để thúc đẩy không chỉ sự dân chủ của khán giả mà còn cả sự giao tiếp giữa tác giả và người hâm mộ. Người dùng cần có ý thức về hành vi, lời nói của mình để tránh gây ra những hậu quả đáng tiếc.

 
Thiên Ý – Thính Sinh
 

 
114.864864865135.135135135250