08/04/2020 -

Tản văn

1317
Chút tâm tình trước ngưỡng cửa Tuần Thánh năm 2020

Bước vào Tuần Thánh năm nay dường như ai trong chúng ta cũng cảm thấy ngỡ ngàng trước sự khác biệt rất lớn so với bao Tuần Thánh trước đây. Toàn thể Giáo Hội đang chuẩn bị tâm hồn để bước vào một Tuần Thánh lịch sử, Tuần Thánh mà Giáo Hội cùng với con cái mình bước đi theo Chúa Giêsu trên hành trình lên đồi sọ trong sự hoang mang, lo âu, sợ hãi... bởi một con virus corona vô cùng nhỏ bé nhưng lại đầy sức mạnh đến nỗi nó có thể xâm nhập vào trong cơ thể mình bất kỳ lúc nào. Nó đang làm đảo lộn cuộc sống của cả nhân loại.

Đỉnh cao của Mùa Chay là Tuần Thánh mà đỉnh cao của Tuần Thánh là Tam Nhật Thánh và trong ngày Thứ 6 tới đây chúng ta được chiêm ngắm và tuyên xưng: Chính cây thập giá của Đức Giêsu tha thứ tội lỗi cho con người và mang đến sự sống bất tử cho nhân loại. Chính vì thế, tâm tình để mỗi người trong chúng ta bước vào tuần thánh năm nay được mời gọi đi sâu vào tâm tình của sự thinh lặng giữa những cái tưởng chừng như tuyệt vọng, để học được bài học nơi Đức Giêsu của sự khiêm nhường và vâng phục, đến nỗi tự hủy để hiến thân mình cách trọn vẹn cho Chúa Cha, ngõ hầu nhân loại được đón nhận ơn cứu độ.

Nơi Đức Giêsu Kitô, Con Thiên Chúa xuống thế làm người, đã cam lòng chịu chết và chịu đựng tất cả chỉ vì Tình Yêu đối với con người và vâng phục thánh ý Chúa Cha, cho đến tận cùng là cái chết trần trụi trên cây thập giá. Đó là một minh chứng hùng hồn cho một tình yêu và yêu cho đến cùng: cuối cùng cũng chết chỉ vì yêu. Đúng như điều mà tác giả trong lá thư gửi tín hữu Do thái đã viết: “Dầu là Con Thiên Chúa, Người cũng đã phải trải qua nhiều đau khổ mới học được thế nào là vâng phục, và khi chính bản thân đã tới mức thập toàn. Chính Người cũng trở nên nguồn ơn cứu độ vĩnh cửu cho tất cả những ai tùng phục Người” (Dt 5,7-9).

Bước vào Tuần Thánh, Giáo Hội mời gọi chúng ta hãy cùng đồng hành với Đức Giêsu trên lộ trình đường dài của đau khổ để đến với vinh quang, bởi chính Người đã vác lấy nhân loại trong đau khổ để gánh lấy tội lỗi của mọi người và tẩy rửa trong máu châu báu của Người. Là tín hữu hay là tu sĩ chúng ta đều được mời gọi làm sao để thấy được khi Đức Giêsu vác trên vai cây Thập giá chính là lúc Người đang phải lội ngược dòng để trở thành người tiên phong. Nhờ đó thấu hiểu, cảm thông, đồng hành, nâng đỡ thánh giá cuộc đời của cả nhân loại. Chứng kiến biến cố đau thương của cả nhân loại hôm nay đang phải đối diện với con virus nhỏ bé nhưng lại có sức mạnh để hủy diệt sự sống con người. Câu hỏi đặt ra là: Chúa Giêsu nghĩ gì? Và Ngài dự định sẽ làm gì? Khi con người đang phải đối diện với lo âu, sợ hãi, đánh mất niềm tin vào Chúa, luôn cho rằng: Chúa đang làm ngơ, dửng dưng hay Chúa vẫn nằm ngủ mê mà không nhìn đến cảnh con cái mình đang khổ đau khiến nhân loại gào thét kêu la thảm thiết: “Chúa ơi, Chúa ơi sao Chúa bỏ con.” Nhưng thực ra Chúa không dửng dưng cũng không ngủ quên và chính Chúa cũng không sống một cách thụ động trong tình thương, dẫn đến sự hy sinh của bao người vô tội hoặc như một định mệnh không thể tránh được như nhiều người nghĩ thế. Tin mừng kể lại nhiều lần Người cũng không thể che giấu được sự sao xuyến sâu xa của một con người đầy lòng trắc ẩn khi đối diện với đau khổ và cái chết của người đồng loại.

Chính những bất công, đau khổ của mình đang phải chịu và sẽ phải chịu ghê gớm tới mức nào nhưng Người hoàn toàn phó thác cho Chúa Cha: “Lạy Cha con xin phó thác hồn con trong tay Cha.” Nhờ đó mà Chúa Giêsu muốn tỏ tình thương của Thiên Chúa cho nhân loại. Điều mà thánh Phaolô đã cảm nghiệm được nơi thập giá Đức Giêsu là: “Người đã yêu tôi và hiến mạng vì tôi.” Hơn bao giờ hết, chính là lúc này đây cả nhân loại chúng ta hãy cùng thưa lên rằng: “Chúa Giêsu đã yêu tôi và Người cũng đã hiến mạng vì tôi.”

Sống tích cực tâm tình của Tuần Thánh là điều vô cùng quan trọng. Vì đây là thời gian giúp chúng ta sống kết hiệp mật thiết với Chúa Giêsu trong thinh lặng để một lần nữa chúng ta khám phá ra được nơi Người đã sống trọn vẹn Tình yêu với Thiên Chúa và nhân loại, khi đón nhận tất cả tội lỗi của nhận loại qua cuộc thương khó của Người. Từ đó chúng ta cần cảm nghiệm rằng, chính trong đau khổ mà nhân loại chúng ta gặp phải lại là cơ hội giúp chúng ta nhìn lại đời sống của mình ngang qua bài học về sự vâng phục và khiêm nhường để thấy mình chẳng là gì trước hồng ân bao la của Chúa, vì "chẳng có Chúa chúng ta sẽ chẳng làm được gì."

Nhìn theo hướng tích cực có thể chúng ta phải cảm ơn Chúa vì con virus corona này. Có lẽ chưa bao giờ chúng ta cảm nhận được câu nói: “lá lành đùm lá rách” đúng như lúc này. Dường như cả nhân loại lại cảm thấy gần nhau hơn, gắn chặt với nhau để cùng chung sức vượt qua số phận: nếu không có khả năng tương trợ, gánh vác để sống cùng nhau, cho nhau và vì nhau thì chỉ có thể đẩy nhau vào thảm hoạ mà thôi. Cả nhân loại đang cần tình người, tình anh em được biểu lộ hơn bao giờ hết, cần quay trở về với sự dịu dàng như tấm lòng bao dung của người mẹ để bao bọc, chăm sóc và hy sinh cho nhau và cũng cần phải có được tấm lòng của người cha để đưa ra những quyết định dứt khoát trong cơn đại dịch corona này. Có lẽ đó cũng là bài học lớn mà Thiên Chúa muốn con người rút ra như một phần ý nghĩa của đau khổ. Vì vậy, chúng ta có chung trong lời cầu cho các nạn nhân và cho thế giới trong cơn đại dịch qua lời kinh lòng Chúa thương xót, chúng ta cũng cầu mong cho nhau biết quay lại với nền tảng lòng nhân hậu nơi Đức Kitô trong một niềm tin, để xây dựng một thế giới thật sự nhân bản hơn trong tình yêu thương, cảm thông và chia sẻ. Đó là giải pháp căn bản nhất, không phải chỉ đối với cơn dịch này, mà đối với toàn thể đời sống xã hội tương lai của nhân loại. Mỗi người chung tay, cùng nhau hướng về Chúa, tin tưởng và phó thác để xác tín và hy vọng chính Chúa chữa lành cho cơn dịch bệnh sớm chấm dứt. Cầu nguyện và thinh lặng giúp cho mỗi người chúng con giữ vững đức tin cũng là hành động đẹp để giúp nhau phòng chống dịch cũng là điều cần thiết. Và trên hết, mỗi người chúng ta đừng bao giờ để con virus corona nhỏ bé lại làm tê liệt đi “đường hô hấp đức tin” của chúng ta. Bởi khi chúng ta đẩy Chúa ra khỏi mình và làm mất đi đời sống đức tin, mất niềm tin tưởng trông cậy vào ơn Chúa là chính chúng ta đang tự mình đánh mất đi tất cả.

Tóm lại, sống tâm tình của Tuần Thánh như Giáo Hội mời gọi chúng ta: chiêm ngắm Mầu Nhiệm Vượt Qua để tưởng nhớ cái chết và sự phục sinh của Đức Giêsu, để thấy được sức mạnh của Mầu Nhiệm Vượt Qua. Chân lý quan trọng này được toàn thể Giáo hội công bố cho cả nhân loại biết qua lời nói và việc làm của con cái mình. Cuộc sống của người Kitô hữu phải diễn tả chân lý : “Chính Chúa Giêsu Kitô là Chúa để Thiên Chúa Cha được tôn vinh.” Và để cùng với Mẹ Maria là Đấng đã bước đi theo Chúa Giêsu con Mẹ trong suốt chặng đường dài tiến về canve trong chính đời sống đức tin của Mẹ thì giờ đây đứng trước cơn đại dịch đầy hiểm nguy này, xin Mẹ cũng giúp chúng ta vác lấy thánh giá đời mình để trong sự hy sinh phó thác vào Con Mẹ cơn đại dịch sớm đi qua mang lại niềm vui, sự bình an, sự sống mới cho toàn thể con cái khắp nơi của Mẹ.

Lạy Chúa Giêsu, có lẽ đây là lần đầu tiên chúng con sống tâm tình của Tuần Thánh, lại cảm thấy có một cái gì đó làm chúng con đang bị thiếu hụt về đời sống thiêng liêng như: một thánh lễ bình thường, các việc cử hành thiêng liêng trong Tuần Thánh và việc chúng con rước Mình Thánh Chúa. Nhưng chính trong cái sự thiếu hụt này khiến chúng con lại cảm thấy mình cần đến Chúa nhiều hơn. Xin giúp chúng con sống trọn vẹn Tuần Thánh trong sự thinh lặng thẳm sâu nơi tâm hồn, để lắng nghe được điều Chúa muốn chúng con làm cho Chúa và điều Chúa muốn làm cho chúng con trong thời gian này. Bởi chúng con luôn xác tín rằng mình là người được Chúa yêu nên Chúa sẽ luôn che chở và gìn giữ chúng con trong vòng tay của Ngài.

 
Mai Tigon






 
114.864864865135.135135135250