14/04/2021 -

Tản văn

692
Chuyện trên trời, chuyện dưới đất

CHUYỆN TRÊN TRỜI, CHUYỆN DƯỚI ĐẤT

- Đôi mắt ơi, sao trông chị phờ phạc thế?
- Ồ, vậy à? Có thể vì em mới đi ra ngoài về.
- Chị vẫn đi ra ngoài mà, nhưng em chưa thấy chị như thế này bao giờ.
- Có lẽ tại trên đường đi, tay thì lái xe, mà đầu thì nghĩ lung tung quá suốt quãng đường.
- Đầu của chúng mình Chúa ban cho để nghĩ ngợi mà; nhưng chị nghĩ gì vậy? Có phải lại nghĩ chuyện trên trời dưới đất linh tinh như mọi khi không? Hi hi… em chọc chị thôi.
- Hôm nay em đi đường, suýt chút nữa bị mấy xe máy tay ga phía sâu đâm vô, nên vừa hồi hộp, vừa sợ, rồi sau đó lại nghĩ lung tung: Tại sao người ta ngày càng sống vội vã như vậy? Xưa nay mỗi ngày đều gồm 24 giờ 1,440 phút và 86,400 giây, tại sao con người thời nay lại quáng quàng gấy rút như vậy? Mục đích của những phút giây vội vàng là gì, có phải để xong công việc, để kiếm được nhiều tiền, để sau đó có giờ thảnh thơi bấm điện thoại thông minh?

 
Từ khi đại dịch covid bùng phát, đã thức tỉnh nhiều người biết trân trọng những giây phút đoàn tụ của gia đình, bớt đi “những phút xiêu dạt” không cần thiết ngoài đường và ở những nơi không lành mạnh khác, thế nhưng, con số những người thức tỉnh, có lẽ đa phần là những người đã trải nghiệm những vui buồn cuộc sống, họ nhận ra sự mỏng manh của thân phận con người, nên đã dành cho mình một chút thời gian nhìn lại cuộc đời; trong khi đó, còn biết bao người trẻ, ngoài những giây phút làm việc hối hả trong công ty, sau khi trở về gia đình, họ có được bao nhiêu phút bên cạnh những người thân của mình, trò chuyện với nhau, chia sẻ vui buồn cho nhau, cùng nhau thưởng thức những chương trình truyền hình cùng nhau, cùng trao đổi những giá trị đời sống? Có chăng, những người trẻ sau khi cuồng say với công việc, với tốc độ di chuyển trên đường phố, họ trở về nhà, nơi họ có một chỗ trú thân… và lặng lẽ tìm một góc nhà với chiếc điện thoại thông minh của họ… những người trẻ ngày càng mất đi nhu cầu giao tiếp trong gia đình, bớt đi cả tính liên đới trách nhiệm và mất dần nhận thức về việc nhận trao ân tình trong kiếp nhân sinh...

Để có thể gặp gỡ, trao đổi, thì cần phải có nhu cầu tương giao từ hai người khác nhau, nhưng nếu hai người chỉ nói về bản thân của riêng mình thì sẽ được gọi là “cuộc độc thoại”, dẫu họ đang ngồi đối diện với nhau. Những tất bật của cuộc sống, nhìn bên ngoài như là dấu chỉ rất tốt, vì người ta mau chóng xong bổn phận ngoài xã hội, để trở về chốn yên vui là gia đình của mình, nhưng thật ra khi trở về gia đình, họ lại trở nên người xa lạ với nhau ngay chính nơi họ có thể sống thật nhất với chính bản thân họ mà không sợ bị nhạo cười, thất bại, vì tất cả những nhận xét của những người yêu thương mình, cho dù là tiêu cực, cũng là phát xuất từ lòng tốt, từ tình yêu thương muốn cho người mình đang quan tâm nói tới được trở nên tốt hơn, có chăng là phương pháp của họ không phù hợp mà thôi. Còn trong dòng chảy bao la của nhịp sống ngoài xã hội, người ta vì lợi nhuận, vì thành công, vì danh tiếng… có thể trao cho nhau những lời lẽ cay đắng có, mềm mỏng có, ngon ngọt có… Nhưng vì lợi ích của chính họ trước tiên, chứ không phải vì người đang hiện diện trước mặt họ.

Những chuyện đôi mắt vừa nói với chị là chuyện dưới đất hôm nay, nó đã làm cho đôi mắt em suy nghĩ đến chuyện trên trời, chị à.

Chuyện trên trời hôm nay có vội vã vậy không? - Không ai có câu trả lời chính xác; nhưng với những người luôn “hướng lòng trí về thượng giới” (x. Cl 3,1-2), cho dẫu chân còn đạp đất, có lẽ cũng cần có một chút dừng lại để tự hỏi xem “tôi phải làm gì, phải sống sao trong một xã hội quá quá quá… vội vã như thời nay?”-  Đức Giêsu trong Tin Mừng hôm nay đã hỏi ông Nicôđêmô: “Ông là bậc thầy trong dân Ítraen, mà lại không biết những chuyện ấy!” (Ga 3,10) làm cho đôi mắt nghĩ ngợi quá. Nếu bản thân đôi mắt không trả lời được đâu là những giá trị “thượng giới” để người ta phải quay quắt, say mê, và vội vã kiếm tìm như người kia tìm được kho báu hay viên ngọc quý (x. Mt 13,44-46), thì làm sao nó có thể trao ban cho người khác? Hổng lẽ người ta vội rồi mình cũng vội? Người ta vội về nhà chơi điện thoại hay chát chùm với nhau những nội dung chỉ làm tô màu cho bản thân, hay lòe loẹt với người khác khi kể lể với nhau mới đi chơi chỗ nọ chỗ kia về, mới mua sản phẩm nọ sản phẩm kia đẹp, bền, rẻ… v.v, mình cũng làm giống họ sao? Có khác chăng là mình tự “làm bóng bản thân” bằng những kiến thức này nọ, kỹ thuật này, khả năng kia…  và cứ hết lớp này rồi lớp khác, nhiều quá rồi thì cái này chôn vùi cái kia đi để có chỗ cho cái mới, phải chăng là vậy?

“Trên hết mọi đức tính, anh (chị) em phải có lòng bác ái” (Cl 3,14), đây là câu Lời Chúa làm cho đôi mắt tháo được nút thắt trong lòng. Dẫu cho nhịp sống nhẹ nhàng, nhịp điệu êm dịu trôi đi như cảm nghiệm của một người cao niên ngồi ung dung đong đưa võng trong nhà, hay ồn ào, cuồng quay của người trẻ hôm nay, thì trong mỗi phút giây, khi người đó đặt vào mỗi hành vi của mình lòng bác ái, hay nói cách khác, khi người ta đặt lợi ích, sự quan tâm của người khác trên những ích lợi của bản thân, thì người ta sẽ hạnh phúc.

Đôi mắt em nhận một ra một điều chị à: Khi cùng xuôi dòng với sự vội vã của mọi người ngoài đường, đôi mắt sẽ hạnh phút khi cảm nghiệm mình cũng đang chung chia tâm tình của biết bao người trong dòng chảy này: có người đi xe máy thay vì được chở một người người thân phía sau đang, thì phải vất vả vì phải chở biết bao hàng hóa và chất chồng cao ngất (đến nỗi đôi mắt sợ họ đổ vào mình…); có những người ngồi trong xe hơi nhưng khuôn mặt cũng chẳng hạnh phút hơn người đi xe máy kia, cũng đầy ưu tư và bất an; có những người tưởng như đang an nhàn thưởng thức bữa ăn nơi hàng quán bên đường, thì khuôn mặt cũng mang nhiều dấu hỏi, trong đó có thể đọc ra một câu hỏi rằng: nhiều xe thế này thì lát mình sẽ phải chọn đường nào mà đi cho đỡ kẹt xe đây? – Nhưng, trên dòng chảy xe cộ, cũng có những gương mặt rất ngời sáng của trẻ em, chúng hân hoan vì mới được dùng bữa đúng khẩu vị, được ngồi đàng sau xe ba mẹ để đến trường gặp bạn bè và thầy cô. Cũng cùng xuôi một giòng đi, nhưng cảm nghiệm của mỗi người khác nhau: những người lớn ưu tư vì họ phải đương đầu với khó khăn, nhưng trẻ em hạnh phúc vì tin tưởng vững vàng nơi bờ vai nương tựa của chúng là cha mẹ. Đôi mắt nhìn xem mọi người, vui buồn với mọi người, và cầu nguyện cho họ được bình an, được sớm nhận ra giá trị của cuộc đời: kiếp sống lữ khách gian trần cho dẫu vui hay buồn, bình an hay lo phiền, thành công hay thất bại của họ hôm nay… tất cả sẽ mau qua, thế nên đừng vội vã vì những giá trị trần gian, mà hãy vội vã vì những gì vĩnh cửu, vì yêu thương, vì bác ái, và vì mục tiêu này, thì dù chạy xe có chậm một giây so với người khác, thì vẫn là người vượt thắng trong hạnh phúc đích thực. Thế nên, đừng ai tìm giá trị trần gian nào khác ngoài tình mến, vì chỉ yêu thương thì mới hạnh phúc thôi.

Có những lời của Đức Hồng Y Phanxicô Nguyễn Văn Thuận mà đôi mắt rất thích: Chấm mỗi chấm cho đúng, đường sẽ đẹp, sống mỗi phút cho tốt, đời sẽ thánh” (ĐHV 978), nhưng đôi mắt cũng tự thêm vào cho bản thân một câu tiếp theo: “Sống mỗi phút yêu thương, đời hạnh phúc”. Đôi mắt cảm nghiệm rằng: Khi nó vui, buồn cùng mọi người, và biết dâng trọn những vui buồn đó cho Người Cha quyền năng và nhân từ của nó là Thiên Chúa, thì ngay khi chân còn chạm đất nó sẽ cảm nghiệm được phần nào bầu khí của “thượng giới”, nơi mà mọi người chỉ còn sống vì tình yêu và ngập tràn trong tình yêu vì có Thiên Chúa hiện diện, bởi vì “Thiên Chúa là tình yêu: ai ở lại trong tình yêu thì ở lại trong Thiên Chúa, và Thiên Chúa ở lại trong người ấy” (Ga 4,16).
Đôi mắt cầu chúc chị và tất cả mọi người sống nhiều phút yêu thương trong mỗi ngày, để ai cũng cảm nghiệm hạnh phúc và có thể trao ban hạnh phúc cho những người đang vất vả và khao khát tìm hạnh phúc hôm nay.

 
Song Thị

 
114.864864865135.135135135250