25/11/2021 -

Tản văn

266
Cộng đoàn nơi tôi đến

Sau những năm học hành, chúng tôi bước vào một hành trình mới, một bước ngoặt mới trong cuộc đời. Đó là hành trình sứ vụ, chúng tôi được gởi tới các cộng đoàn để thực tập, trước tiên là thi hành sứ vụ sau là sống đời sống cộng đoàn.

Như những sinh viên vừa mới ra trường, nhiệt huyết còn nóng bỏng với những háo hức và hăng say cho chuyến hành trình mới này. Chúng tôi rộn ràng đóng đồ đạc và những thứ cần thiết cho hành trình mới của mình. Ai ai cũng lo lắng mình sẽ phải làm gì? Sống như thế nào? Với những nơi mà mình được gửi đến. Rồi cũng đến ngày chúng tôi chia tay nhau để lên đường, tiếng cười nói chúc nhau lên đường bình an rộn vang cả nhà.

Trong chuyến hành trình này, tôi không đi một mình mà bên cạnh tôi còn có một người chị em nữa, nên tôi cũng an tâm. Chị em chúng tôi được đi lên miền cao nguyên Lâm Đồng. Chiếc xe lăn bánh di chuyển đưa chị em chúng tôi rời xa thành phố, rời xa cộng đoàn huấn luyện, và mái trường thân yêu. Sau một chặng đường dài chúng tôi cũng đến nơi, đặt chân xuống xe, tôi nhìn chung quanh thấy những ngọn núi cao và những rừng thông thật đẹp, hơi lạnh của những làn sương mai làm tan biến cái nắng nóng của Sài Gòn. Dì Giáo đưa chị em chúng tôi đi chào Bề trên và cộng đoàn. Chúng tôi được biết đến từng khu vực của cộng đoàn, các nơi làm việc của chị em. Mọi thứ đều mới mẻ và ngỡ ngàng đối với chị em chúng tôi, cộng đoàn nơi chúng tôi đến là một tu viện lớn, có các dì già hưu, có các chị em tận hiến nữa. Sau khi trao gởi chị em chúng tôi cho cộng đoàn, Dì Giáo chúng tôi lên đường trở về thành phố và cũng chính giây phút này chị em chúng tôi bắt đầu cuộc hành trình mới.

Bắt đầu một năm làm việc mới, tôi được giao nhiệm vụ trông coi các em ca đoàn thiếu nhi và một khối giáo lý, vì nơi đây công việc mục vụ cũng khá nhiều mà chị em trẻ chúng tôi  được đếm trên đầu ngón tay. Khởi đầu công việc, tôi cảm thấy lo lắng vì bài học và thực tế thì khác nhau rất xa. Một chị lớn đi trước có nhiều kinh nghiệm đã động viên tôi, không sao đâu em rồi mọi sự sẽ tốt thôi, có gì cần thì cứ nói chị, chị sẽ giúp cho đừng lo. Tôi cảm thấy bình an và hạnh phúc biết bao. Tôi đâu có phải làm một mình mà bên cạnh tôi luôn có các chị em chung quanh giúp đỡ, động viên tôi mỗi khi tôi cần hay những lúc gặp thử thách gian nan. Các dì cao niên thì chỉ cho tôi những kinh nghiệm mà mình đã trải qua và luôn đồng hành với chúng tôi trong những lời cầu nguyện.

Hình ảnh những dì cao niên dắt nhau đi đọc kinh, người khoẻ đút cho người yếu hay người đi lại được ngồi kể chuyện cho người không nhìn thấy và không đi lại được nghe. Hình ảnh đó đọng lại trong tôi. Có những lúc tôi thấy hai dì cao niên đuổi nhau chạy, tôi lại gần và hỏi sao hai dì lại đuổi nhau thế. Một chị trả lời em trêu chị đó thế là chị đó đuổi và đánh em hi... hi... Niềm hạnh phúc giản dị làm cho các chị trở nên trẻ hơn, vui hơn, hạnh phúc hơn. Và cũng làm cho những người trẻ như chúng tôi có động lực hơn. Có khi đi làm mục vụ về người mệt mỏi vì công việc, thì tôi lại được nghe một lời khen hay một lời động viên từ một dì lớn, thế là mọi mệt mỏi đều tan biến hết. Một lần tôi nhờ một cô tận hiến quét dùm tôi cái sân, cô cầm chổi quét và nói với tôi, mai nói với bề trên chặt cây này đi để khỏi phải quét lá nữa. Câu nói thật dễ thương đã làm cho chị em chúng tôi quên hết đi sự vất vả. Với tuổi đời 80 tôi thấy cô trở nên trẻ hơn và còn dí dỏm hơn chúng tôi. Một dì già còn nói với tôi, con xin phép Bề trên đi Bà sẽ dạy đàn cho, niềm hăng say truyền đạt kiến thức cho các em trẻ luôn là niềm vui và hạnh phúc của các dì.

Thật vậy, trong cuộc sống không phải hạnh phúc lúc nào cũng hiện diện, mà bên cạnh đó còn có những tiếng to nhỏ. Điều đó không loại trừ ai … nhưng cho dù thế nào thì khi người này bệnh người khác vẫn luôn chăm sóc chu đáo tận tình. Những lúc như thế tôi thấy niềm hạnh phúc luôn hiện diện trên khuôn mặt của họ. Với tuổi của các dì như ở ngoài đời thì các dì đã được an nhàn hưởng hạnh phúc tuổi già, nhưng đối với các dì thì khác, các dì không tìm sự an nhàn cho bản thân mà luôn tìm cho mình một công việc để làm, không phải vì sợ người ta nói mình này nọ mà làm để quên đi sự đau đớn của bệnh tật và cao cả hơn là cùng chung chia công việc với chị em. Nhiều lúc, thấy dì đau, tôi nói: “Dì nghỉ đi để chúng con làm” nhưng dì nói dì còn làm được không sao đâu. Sự hy sinh cao cả của các dì luôn là tấm gương sáng và là hành trang quý giá cho chúng tôi mang theo sau này.

Với tuổi già sức yếu và bệnh tật luôn theo đuổi các dì, nhưng các dì luôn chăm chú tham dự mọi giờ giấc chung của cộng đoàn. Các giờ kinh, giờ cơm ngay cả giờ chơi chung các dì luôn luôn hiện diện, cho dù mắt mờ, tai điếc các dì ngồi đó xem chúng tôi chơi và còn chơi cùng chúng tôi. Khi nào bệnh quá thì lúc đó các dì xin phép bề trên vắng mặt... Khi nhìn vào những tấm gương sáng này tôi thấy mình thật xấu xí, mình luôn bỏ qua mọi cơ hội để cố gắng, luôn biện lý do này, lý do kia để có thể bỏ những giờ chung của cộng đoàn. Thật vậy, đời sống cộng đoàn có mạnh và chắc không phải chỉ nhờ vào kinh tế mạnh mà còn dựa vào những con người hiện diện nơi đó nữa, những người luôn chu toàn tốt những công việc trong tinh thần yêu thương và trách nhiệm.

Đời sống cộng đoàn luôn gắn kết chị em với nhau qua cầu nguyện, qua những công việc hằng ngày kể cả những lúc đau bệnh. Đời sống cộng đoàn là thế nhưng bên cạnh đó vẫn luôn có sự va chạm không thể tránh khỏi, nhưng sự va chạm đó sẽ làm ta lớn hơn, ý thức hơn trong cuộc đời của mỗi người. Hình ảnh các dì già hưu sẽ luôn theo tôi trên mọi nẻo đường tôi đi, cuộc sống của các dì là một bài học sống động mà tôi không bao giờ quên được. Một cộng đoàn tưởng chừng như là già nhưng lại không già trong cách sống, cách ứng xử của các dì. Cộng đoàn là một “lời giảng” qua đời sống của chị em và đây cũng là một sợi dây liên kết mọi người với nhau.

 

Anna Ngọc Điệp
114.864864865135.135135135250