23/12/2021 -

Tản văn

777
Giáng Sinh nghèo

Giáng Sinh không chỉ là niềm vui người Kitô giáo mà còn là niềm vui chung của hết thảy mọi người. Niềm vui ấy được thể hiện trên những cánh thiệp được trao gửi cho nhau, những đèn sao rực rỡ ở các giáo đường hay trên các đường phố, những bản nhạc quen thuộc vang lên... Nhưng sau tất cả những điều đó chúng ta quên rằng, niềm vui chúng ta đang cảm nhận lại là những nỗi buồn của những mảnh đời bất hạnh, những con người nghèo đói đang tần tảo để mưu sinh trong cuộc sống. Trong xã hội ngày nay, còn có quá nhiều những người nghèo, “nghèo xơ xác”, “nghèo rớt mồng tơi”. Chẳng phải Chúa Giêsu đã từng nói: “Người nghèo thì lúc nào các ông chẳng có bên cạnh mình” (Mt 14,7).

Giáng Sinh về, ai cũng muốn làm những hang đá, những ngôi đèn sao lấp lánh đủ mọi màu sắc, kích cỡ, kiểu dáng được trang trí rực rỡ, nhưng dù làm bao nhiêu hang đá, có chiêm ngắm bao nhiêu lần đi chăng nữa mà lòng người vẫn cứ vô cảm trước hình ảnh một “Giêsu nằm trong máng cỏ nghèo hèn đơn sơ với đôi tay dang rộng, đôi mắt rạng ngời, đôi môi nở nụ cười, như muốn chào đón mọi người” thì cũng chẳng có ý nghĩa gì. Thiên Chúa làm người, sinh ra trong hang súc vật, nơi đồng hoang hiu quạnh, giữa mùa đông giá rét nhưng không phải là cung điện cao sang, không có chăn ấm nệm êm cho ta cảm nhận được tình Chúa yêu thương nhân loại biết chừng nào! Đặc biệt, đứng trước hang đá ta cảm nhận được hơi lạnh của mùa đông năm ấy, không chỉ là hơi lạnh của khí trời, mà còn hơi lạnh của lòng người. Ý nghĩa: “Người đến nhà mình, nhưng người nhà chẳng chịu đón nhận” (Ga 1,11) là vậy.

Sinh ra đã nghèo, nên cuộc sống của Đức Giêsu cũng là kiếp nghèo, nghèo đến nỗi không có chỗ tựa đầu: “Con chồn có hang, chim trời có tổ, nhưng Con Người không có chỗ tựa đầu” (Lc 9,58). Số phận của bao mảnh đời nghèo chúng ta thấy khốn khổ, thấy đã bi đát là thế, vậy mà số phận của Ngôi Lời nhập thể còn bi đát hơn, nên cái nghèo của Chúa Giêsu sầu thảm hơn cả. Hình ảnh Giêsu nghèo nàn nơi hang đá làm ta nghĩ đến những người nghèo trong xã hội hôm nay. Khi nhìn vào một đất nước phát triển, người ta cứ ngỡ tưởng rằng kinh tế đang tăng trưởng, đời sống con người được nâng cao, sẽ không còn những người nghèo đói, không còn khái niệm người lang thang, vô gia cư, người ăn xin, nhưng thực tế thì không phải vậy… Khoảng cách giữa con người ngày càng lớn làm cho xã hội ngày càng phân hóa sinh ra nhiều cái nghèo khác nhau.

Trong xã hội ngày nay, bất cứ nơi đâu chúng ta cũng bắt gặp những mảnh đời bất hạnh, những người nghèo. Nghèo về thể lý, nghèo trong tâm hồn. Đó là kiếp sống lam lũ, nhà tranh vách đất, đói ăn đói mặc… Đó là nghèo sự công chính, nghèo tình thương, nghèo sự chia sẻ, nghèo sự quan tâm, nghèo về đạo đức, nghèo về văn hóa, nghèo cách đối nhân xử thế, nghèo nhân bản… Đây chính là những cái nghèo mà chúng ta đáng phải quan tâm hơn hết, bởi không để ý đến những điều đó thì chúng ta  sẽ trở nên vô cảm, lạnh lùng trước sự đau khổ của người khác.

Mừng mầu nhiệm Giáng Sinh phần đông chúng ta bị cuốn vào sự rầm rộ bên ngoài. Ít ai suy nghĩ rằng một Giêsu trở nên nghèo để cho con người trở nên giàu có, và cho con người được thông dự vào Thiên Tính của Người. Đêm thánh năm xưa, niềm vui trọng đại được loan báo cho những con người kém nhất trong xã hội đó là những mục đồng, những người nghèo hèn, không có chút hiểu biết như những bậc thầy Do Thái. Vậy mà họ được Thiên Chúa để ý đến, quan tâm tới. Phải chăng khi người ta nghèo người ta dễ đón nhận nhau hơn. Do đó, Chúa Giêsu Giáng Sinh nơi hang đá như muốn thể hiện cái nghèo để có thể gần gũi, chia sẻ và hướng họ về sự giàu có thiêng liêng trên trời. Ngài chúc phúc cho họ: “Phúc cho những ai có tinh thần nghèo khó vì Nước Trời là của họ” (Mt 5,3).

Giáng Sinh tới, chúng ta cùng nhau đón nhận niềm vui chung, niềm vui Tin Mừng đó là sự xuất hiện của Ngôi Lời: “Này tôi báo cho anh em một tin mừng trọng đại, cũng là tin mừng cho toàn dân : Hôm nay, một Đấng Cứu Độ đã sinh ra cho anh em trong thành vua Đavít” (Lc 2,10b-11a).

Quỳ trước hang đá chiêm ngắm Chúa sinh xuống làm người nghèo khó, hèn mọn, chúng ta xin Chúa ban ơn cho chúng ta biết tôn trọng phẩm giá của mình và phẩm giá tha nhân, vì khi làm người, Ngôi Hai Thiên Chúa đã mang lấy trọn vẹn bản tính con người, để thánh hóa con người và cho con người được chia sẻ vào thần tính của Người. Và chúng ta xin cho được ơn tự do, thanh thoát đối với của cải vật chất, biết sống một cuộc đời đơn sơ, giản dị, thanh bần, biết chia sẻ liên đới và sẵn sàng phục vụ mọi người nghèo khổ vì người nghèo là hiện thân của Đức Kitô…

 

Dấu Chân
 
114.864864865135.135135135250