19/09/2020 -

Tản văn

636
Mạng - cản lối sứ mạng

PEACE

Hình ảnh thánh Đa Minh đi chân không tay cầm quyển sách, vai mang cây gậy buộc đôi giày đánh động tôi mỗi khi nghĩ đến sứ vụ. Người đã dùng chính lối sống giản dị, thanh thoát khi đi rao giảng Tin Mừng. Lệnh truyền “anh em hãy đi làm cho muôn dân trở thành môn đệ”(Mt28, 19) luôn là lời kêu gọi cấp bách trong mọi thời đại dù là trung cổ hay hiện đại. Mỗi thời đại đều cần đến những phương tiện hỗ trợ để sứ mạng sớm đạt được kết quả một cách hữu hiệu nhất.

Ta có thanh thoát để thi hành sứ mạng như Cha Thánh, hay ta thốt lên: ô đó là Cha Thánh và chỉ phù hợp với thời của Ngài. Ngày nay không thể như thế, trên cánh đồng truyền giáo có lẽ ta thấy một tu sĩ tay cầm smarphone, tay ôm laptop, vai mang balo và ta nói: đó là những phương tiện cần thiết cho sứ vụ loan báo Tin Mừng! Với những công nghệ hiện đại, đường truyền internet tốc độ cao, hình ảnh minh họa bắt mắt...hẳn nó phục vụ cho sứ vụ của ta một cách hữu hiệu.

Một ngày không biết bao nhiêu tin tức từ các báo mạng, các cổng thông tin điện tử, mạng xã hội... Tin tức không ngừng cập nhật, số liệu tử vong, số ca nhiễm mới của đại dịch virus corona, chiến tranh biển Đông, vũ khí hạt nhân...ta phải sắp xếp thời gian để xem tin mới nhất, tình hình cấp bách nhất...Làm được cái gì đó ta cũng vội ghi lại khoảnh khắc để chia sẻ cho mọi người cùng biết. Tin tức làm ta nhiễu sóng. Khi bước chân vào nhà nguyện liệu ta có “không mang theo những tin tức từ mạng xã hội”. Chẳng may mạng wifi chập chờn thì ta bối rối sợ không biết tin tức gì từ bên ngoài. Thực tế mà nói, dường như ta dành nhiều thời gian để xem tin tức, để cập nhật thông tin như thể không có thông tin ta không còn sống.

Ta tự hỏi có nhất thiết phải có mạng internet? Có phải giải trí sau một ngày làm việc căng thẳng? Có phải cập nhật tin thế giới làm chất liệu suy tư cầu nguyện? Có để tìm tài liệu học hỏi?...Rất nhiều lý do để ta trả lời cho câu hỏi có nhất thiết phải có mạng internet. Vào những ngày tĩnh tâm ta thấy bình an và ngày dài đủ để ta có thời gian cầu nguyện lâu giờ, có giờ để tản bộ, có giờ để suy gẫm, có đủ giờ để đọc sách, thậm chí có người bảo dư giờ để ngủ. Nói chung ta có giờ để ngắm những bông hoa đẹp trong nắng sớm thay vì xem một cách vội vã trên mạng trong những ngày thường.

Liệu ta có sẵn sàng cho sứ vụ của hội Dòng? Khi nhận bài sai ta có thốt lên: đúng là bài .... sai! Ta có sẵn sàng đến bất cứ nơi nào Hội dòng muốn mà không nghĩ thoáng qua: ở đó có ổn không? Có tiện nghi không?.. Hay ta nói sẵn sàng cho sứ vụ, ta đi đâu cũng được miễn là ở đó có internet! Phải chăng ta sợ nếu đến nơi nào đó không có mạng, thì ta mất mạng do không cập nhật, không nhạy bén, không thức thời.

Thông tin trên mạng không khác gì mạng nhện. Khi một từ khóa được gõ lên thì ngay lập tức có vô vàn kết quả cùng những thứ liên quan đến từ khóa mà ta gõ. Và chỉ xem một kết quả thì không bao giờ là đủ. Ngay cả khi ta gõ 1+1=? Thì nó cũng cho ra những kết quả khác nhau[1]!

Đương nhiên mạng internet cần trong bối cảnh hiện đại liên quan đến những thông tin, tài liệu, cuộc họp, kết nối do ngăn trở địa lý, không gian thời gian...Nhưng phải ý thức đủ để không lệ thuộc vào mạng. Nếu ta bị lệ thuộc thì chẳng khác nào MẠNG - CẢN TRỞ SỨ MẠNG.

Hằng ngày ta đọc rất nhiều thông tin, chị em cũng gửi cho ta những thông tin cảnh báo tình trạng lừa đảo, nhiều người giả đói khổ để lừa người khác, nó làm ta khựng lại khi muốn thực thi bác ái cho người nghèo khổ: Họ có thật sự nghèo khổ? Họ có đang lừa mình không? Họ có dùng tiền của mình giúp để uống rượu hút xì ke ma túy không?...Quá lo lắng làm sao ta đến được với tha nhân?

Dòng chúng ta được biết đến với cụm từ “hoạt động và chiêm niệm.” Hoạt động là gì nếu không phải là đi làm cho muôn dân trở thành môn đệ Chúa, hay chúng ta lầm tưởng hoạt động để có đủ vật chất sinh sống. Chiêm niệm là gì nếu không phải là cắm rễ sâu vào trong Thiên Chúa để người giúp ta nhận thức sâu xa về tình yêu của Ngài đối với nhân loại và thế giới.

 Khi chiêm niệm chúng ta có được thúc đẩy tham gia vào hoạt động của Thiên Chúa là trao ban tình yêu? Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolo II đã viết: “Một nhà truyền giáo mà không có kinh nghiệm sâu sắc về Thiên Chúa qua kinh nghiệm cầu nguyện và chiêm niệm thì sẽ có ít ảnh hưởng thiêng liêng hay thành công về mặt truyền giáo” (Ecclesia in Asia,n23). Liệu chúng ta có thực sự tham dự vào sứ vụ của Thiên Chúa bằng việc trở thành cầu nối cho hành động yêu thương của Ngài trong thế giới? Hẳn nhiên những việc làm thiết thực của đức ái Kitô giáo như đi thăm người nghèo, chia sẻ những món quà, những bữa ăn tình thương, những phần thực phẩm, những chiếc khẩu trang miễn phí...là những cầu nối cho hành động yêu thương của Thiên Chúa. Nhưng khi share những hình ảnh, những thông tin đó lên mạng xã hội chúng ta có manh nha xem lượt wiew? Tìm lượt like?

Chúng ta được kêu mời đi vào sứ vụ của Thiên Chúa là trở thành những con người biết yêu thương. Chỉ khi biết yêu thương ta mới có thể chia sẻ một cách có hiệu quả tình yêu Thiên Chúa cho tha nhân. Và kinh nghiệm đó chỉ có thể cảm nhận được khi chiêm ngắm Giêsu trên thập giá. Làm sao có thể chiêm ngắm được nếu trong tâm trí ta có quá nhiều hình ảnh thông tin của mạng xã hội. Khi còn là tập sinh, một Linh mục nói: “các con phải cảm thấy vui và hạnh phúc vì đây là thời gian các con xa rời những tin tạp, những tin không cần thiết làm các con bị nhiễu, để chỉ chiêm ngắm Chúa, trò chuyện kết hiệp với Chúa. Nó là hành trang cho những sứ vụ của các con về sau.”

Nhưng nói đi thì cũng phải nói lại, nếu một hình ảnh người nghèo bên vệ đường không chạm đến trái tim ta thì rất có thể ta chỉ yêu trong trí tưởng chứ chưa thật sự đi đến với người khác. Ngày nay, chúng ta không cần cất bước nhưng vẫn có thể “đến mà xem” nhờ vào các phương tiện hỗ trợ. Các phương tiện có thể làm ta xa Chúa, nhưng cũng có thể nối kết chúng ta với nhau và với Chúa. Được ly thoát khỏi mạng là điều khó khăn trong thời đại Covid. Và sự khó khăn đó mời gọi ta nhìn nó với một đôi mắt khác để thấy “việc Thiên Chúa làm.”

Có lẽ đã đến lúc chúng ta không chỉ xem lễ qua mạng mà còn tĩnh tâm, thực thi bác ái qua mạng. Đôi chân của chúng ta có lẽ đã đến lúc được thay thế bởi sự truyền tải qua không khí mà ta gọi là WIFI (không phải là Covid).

Có lẽ đã đến lúc chúng ta phải nói tới một nền linh đạo của mạng internet, về những cách thế mới để loan báo và sống Tin Mừng. Bởi lẽ, nếu như trước đây chúng ta thường nhấn mạnh trên việc thu hẹp các khoảng cách địa lý, địa vị, giai cấp, và giới, thì giờ chúng ta đang nói đến việc giữ và giản các khoảng cách đó. Phải có một con đường mới để đáp ứng cho một tiêu chí mới trong xã hội, phải có một cách thế mới để loan báo Tin Mừng khi không thể ra khỏi nhà, một cách thế không làm chúng ta xa cách anh chị em mình, nhưng cũng không vì nó mà xa cách Thiên Chúa.

 
[1] Giáo Hội: 1+1=1
Toán học: 1+1=2
Ủy ban dân số: 1+1=2+n

 
114.864864865135.135135135250