10/10/2020 -

Tản văn

1867

Giữa một xã hội đầy rẫy sự toan tính thiệt hơn, người ta không ngần ngại nói với nhau rằng: “chẳng ai cho không ai thứ gì bao giờ” câu nói thực tế đến phũ phàng, nhưng đó là sự thật, càng thật hơn đối với con người trong xã hội hiện đại hôm nay.

Thế nên, câu chuyện về tình bạn đẹp như cổ tích của cặp học trò Hiếu – Minh ở Thanh Hóa, suốt 10 năm liền cõng nhau đến trường bất chấp nắng mưa, không ngại giông bão, sao quá đỗi kỳ diệu và phi thường. Người ta một lần nữa lại cùng nhau đi tìm nguyên nhân để lý giải, tại sao lại có một câu chuyện cổ tích giữa xã hội đầy sự bon chen, toan tính, vụ lợi như hiện nay?

Và rồi những câu hỏi đó cũng có được câu trả lời thật trọn vẹn, khi các thông tin về câu chuyện trên được lan truyền trên MXH, trong đó có đoạn ghi lại những chia sẻ của em Hiếu về lý do đồng hành với bạn mình trong suốt quãng thời gian qua: "Dù Minh sinh ra khiếm khuyết nhưng chưa bao giờ bạn buồn hay oán trách số phận với ai. Nhìn mình và các bạn tay chân lành lặn còn bạn thì phải ở nhà, mình thấy thương bạn lắm nên quyết tâm phải làm điều gì đó để đưa bạn đến trường cùng." Và  “Em không cần Minh nói câu cảm ơn, hay làm hành động báo đáp mà chỉ cần chúng em chơi với nhau được ngày nào thì quý ngày đó.” (https://kenh14.vn/hanh-trinh-10-nam-cong-ban-khuyet-tat-den-truong)

Rồi người ta cũng lại ngạc nhiên to nhỏ với nhau rằng: hóa ra có những thứ không cần phải “hòn đất ném đi, hòn chì ném lại.” Có những điều phi thường lại đến từ những con người bình thường nhất. Sau cùng người ta cũng nhận ra rằng: chỉ đơn giản, đến một lúc đó trong cuộc sống, ta gặp được một người có thể thay đổi cuộc sống của ta dù chỉ một phần nhỏ, họ không chỉ đến bên ta khi vui, khi thành công mà còn là người không rời bỏ ta khi buồn, lúc lâm nguy hay khi thất bại, và ta gọi đó là một tình bạn, một người bạn thật sự.

Đối với Hiếu, động lực duy nhất để em tự nguyện làm đôi chân cho Minh trong suốt 10 năm qua chính là tình thương của một tình bạn thực sự. Thật vậy, chỉ có tình thương và lòng nhân ái mới thôi thúc ta nghĩ điều hay, nói điều đẹp và làm điều lành cho tha nhân. Tình thương mới làm cho người ta biết hy sinh chính mình để người khác được lớn lên, và tình thương mới làm cho người ta biết hòa đồng với anh em đồng loại để lắng nghe và xoa dịu, để nâng đỡ và chia sẻ gánh nặng cuộc sống với họ. Và ta gọi đó là nét đẹp của một tình bạn đẹp.

Đến đây, tôi chợt nhớ trong một ca khúc nổi tiếng của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn có câu:“Xin hãy cho mưa qua miền đất rộng. Ngày sau sỏi đá cũng cần có nhau Sỏi đá kia chỉ là những vật vô tri vô giác, dẫu có xô nhau đến sứt cạnh, mẻ góc mà sao nó không thể sống một mình đơn độc nhưng lại “cần phải có nhau?” Sống trong cuộc đời, chúng ta là những con người, liệu chúng ta còn cần đến nhau để tồn tại và thăng tiến bản thân?

Nhà văn Nôđar Đumbatzê đã viết trong tác phẩm QUY LUẬT CUẢ MUÔN ĐỜI rằng:“Tâm hồn con người nặng gấp trăm lần thể xác, nó nặng đến nỗi một người không mang nổi. Bởi thế, con người chúng ta khi còn sống hãy cố gắng giúp nhau trở nên bất tử. Ông giúp cho tâm hồn tôi sống mãi, tôi giúp cho người khác, người ấy lại giúp cho người khác nữa và cứ như thế cho đến vô cùng…”

Chắn chắn từ câu chuyện cổ tích giữa đời thường này, lòng nhân ái sẽ được viết tiếp, tình thương và tình bạn đẹp sẽ được nhân lên mãi. Cổ tích không chỉ có trong sách, nhưng sẽ hiện diện ngay trong cuộc đời này nhờ nét đẹp của một tình bạn đẹp luôn cần có nhau, luôn sống vì nhau và cho nhau.

 
Tham Nguyen
114.864864865135.135135135250