21/11/2021 -

Tản văn

563
Ngày về

Triết gia Nietzsche từng nói “Thiên Chúa đã chết.” Nếu như câu nói này của ông được chứng thực thì niềm tin của chúng ta, những người Kitô hữu đang đặt vào đâu. Như thánh Phaolô đã từng viết: “Nếu Đức Kitô đã không trỗi dậy thì niềm tin của anh em thật hão huyền” (1 Cr 15,17).

Tháng 11 luôn đưa ra cho chúng ta những suy tư về: sự chết, cuộc sống mai hậu, hay là một tinh thần tỉnh thức. Sự chết luôn đặt ra cho chúng ta những câu hỏi: “Chết rồi sẽ đi đâu; có sự sống sau khi chấm dứt cuộc đời hay không?” Hơn nữa, đại dịch vừa rồi, chúng ta đã có cái nhìn rõ hơn về số phận con người. Cuộc sống sinh - lão - bệnh - tử, ai cũng phải đi qua những giai đoạn này. Nhưng trận đại dịch vừa qua, với sức mạnh vô hình của một con virus đã lấy đi sinh mạng của hàng triệu con người trên thế giới, không phân biệt tuổi tác, ai cũng có thể là đối tượng để nó xâm nhập. Có thể đến một lúc nào đó chúng ta cũng là nạn nhân của nó. Vậy chúng ta đã chuẩn bị cho mình những gì?

Tôi còn nhớ rất rõ hình ảnh của những bệnh nhân ngồi cô đơn trên những giường bệnh. Tôi nghĩ họ cũng đã có một gia đình ấm êm, một gia đình hạnh phúc, nhưng giờ đây họ phải chịu đựng sự cô đơn. Có những bệnh nhân chia sẻ trong nước mắt “Nhớ nhà, nhớ vợ con, chỉ mong được thấy mặt.” Mong ước thật nhỏ bé, nhưng đối với họ là một niềm ước ao rất lớn, hoặc có những người rất giàu có chỉ mong được sống. Lúc này, tôi nhận ra được giới hạn rất mong manh giữa sự sống và cái chết chỉ cách nhau trong gang tấc. Một điều nữa có lẽ ai cũng nhìn thấy và đau lòng trong những ngày đại dịch là người thân của họ ra đi không được trọn vẹn. Có thể, những bệnh nhân bên ngoài may mắn hơn, họ còn được tẩm liệm trong quan tài. Còn những bệnh nhân qua đời trong bệnh viện, đa phần họ ra đi chỉ với bộ quần áo trên người và được đặt gọn gàng vào túi đựng tử thi.

Phận người là thế. Ai trong chúng ta cũng chết, nhưng mỗi người sẽ chết một cách khác nhau. Đứng trước cái chết, ai cũng bàng hoàng. Không ai biết được mình sẽ chết lúc nào, và chết như thế nào? Chính vì vậy, Đức Giêsu luôn mời gọi chúng ta phải tỉnh thức. Là một người Kitô hữu, với niềm tin vào Đức Kitô, chúng ta vẫn tin rằng chỉ Thiên Chúa mới là nguồn sống đích thực. Chết không có nghĩa là hết nhưng là chấm dứt cuộc sống này, để đi đến cùng Thiên Chúa. Vậy chúng ta đã chuẩn bị hành trang như thế nào?

Chắc hẳn ai trong chúng ta cũng còn nhớ câu chuyện của Vua Alexander Đại đế trước khi chết đã căn dặn các cận thần 3 điều:

Thứ nhất, thầy thuốc giỏi đến thế nào cũng không thể thực sự chữa khỏi bệnh cho chúng ta. Khi đối diện với cái chết, họ cũng đành bất lực. Vì vậy, hãy biết trân quý sinh mệnh của mình.

Thứ hai, tiền bạc, của cải dù nhiều đến đâu, khi chết đi cũng trở thành vô nghĩa, chỉ có thể dùng để lót đường mà thôi.
Thứ ba, khi giã từ cõi đời, thứ con người thực sự còn lại chỉ là hai bàn tay trắng. Ta đến và đi đều là như vậy, cớ sao phải ôm giữ quá nhiều?

Những ước nguyện đơn giản của ông cho chúng ta nhân ra được rằng: ta vào đời với hai bàn tay trắng thì cũng sẽ ra đi với hai bàn tay trắng. Sẽ chẳng mang theo được gì ngoài những việc lành mà ta đã làm được khi còn sống. Và ta cũng sẽ tự hỏi không biết lúc đấy có ai còn nhớ đến để cầu nguyện cho tôi.

Tháng các linh hồn giục mỗi người Kitô hữu hãy năng nhớ và cầu nguyện cho các linh hồn còn đang trong nơi thanh luyện. Đó có thể là linh hồn của ông, bà, cha, mẹ những người thân yêu của chúng ta. Nhớ đến các linh hồn nhắc nhở chúng ta cũng phải chuẩn bị cho sự ra đi của chính mình. Xin Chúa cho chúng ta luôn biết sẵn sàng để lúc nào cũng có thể cất lên lời hát:

Khi Chúa thương gọi tôi về,
hồn tôi hân hoan như trong một giấc mơ.
Miệng tôi nức vui tiếng cười,
lưỡi tôi vang lời ca hát.
Ngàn dân tung hô, tôi thật vinh phúc.” (Ngày Về: Kim Long)
114.864864865135.135135135250