14/10/2022 -

Tản văn

212
Những vị anh hùng

“Ngày xưa đây là trại gà, còn bây giờ thì toàn tinh gà thôi.”

Dì Maria Sophia (cựu BTTQ) - người mà Hội Dòng tôi thường hay gọi với từ thân thương “Ngoại Chuộng” đã kể cho tôi mỗi khi tôi dẫn Ngoại đi lang thang. Vậy là hình ảnh trại gà cứ thế in dấu trong tôi và lòng tôi bừng lên những tâm tình tri ân đến quý Dì tiền bối mà tôi vẫn thích gọi là “những vị anh hùng”.

Khi còn là Thỉnh sinh khu vực miền Bắc, tôi chẳng biết về Hội Dòng, tôi chỉ tìm hiểu về cộng đoàn mà mình đang sống. Rồi một biến cố đến, Hải Phòng chính thức tách khỏi Đa Minh Rosa. Tôi cùng với sáu chị em được đưa vào Sài Gòn tiếp tục theo đuổi ơn gọi Đa Minh Rosa Lima. Ở nơi đây, tôi học, tìm hiểu và biết được những vết thương mà Hội Dòng đã phải gánh chịu, cùng những khó khăn vất vả mà tất cả những vị anh hùng trong lòng tôi đã phải trải qua.

Để từ một trại gà mà trở nên cơ sở khang trang, không biết bao nhiêu mồ hôi nước mắt của quý Dì đã đổ xuống. Sửa nhà ấp trứng thành nhà nguyện, dựng các khu nhà cho quý dì khấn, nhà khách, nhà cơm… Ôi! Bao khó khăn thuở ban đầu, nhưng quý Dì vẫn luôn giữ trong mình một hạnh phúc đời dâng hiến, một niềm vui vì có Chúa. Mặc cho ai khinh thường vì nghèo về cả vật chất lẫn nhân lực, quý Dì vẫn cùng nhau làm việc trong Chúa, cùng nhau xây dựng Hội Dòng. Những con người chẳng du học, chẳng bằng này cấp kia nhưng luôn vui tươi và khiêm nhường. Để lại trong tôi bao bài học, bao kinh nghiệm sống và cả những cách thức luyện tập nhân đức.

Nhớ có lần Ngoại không muốn ăn sáng. Mặc cho chị em tôi năn nỉ thế nào Ngoại cũng không chịu vào bàn. Tôi đành phải nói dối: “Bề trên nói con lấy cho Ngoại đó, Ngoại không ăn con méc Bề trên”. Nghe nói đến Bề trên ngoại liền vào bàn và ăn vui vẻ. Ôi! Một tấm gương vâng phục. Dù cũng đã trải qua thời gian là Bề trên Tổng Quyền, nay đã đến tuổi về hưu nhưng Ngoại vẫn luôn khiêm nhường và vâng phục. Sống bên những vị anh hùng tôi cần phải soi lại chính mình. Cám ơn quý Dì đã dạy con sống vâng phục.

Đời sống đạo đức của quý  Dì không dừng lại ở việc vâng phục. Nó còn được thể hiện ở cách sống hi sinh trong mọi giây phút. “Mỗi bậc thang là một linh hồn con ạ”- đây là câu trả lời của một Dì lớn tuổi khi được hỏi: “Chân dì đau, có thang máy sao dì không đi, mà lại đi thang bộ vậy ạ?”. Quý Dì luôn sống mục đích của Dòng là cứu rỗi các linh hồn. Trong mọi công việc, mọi giây phút quý dì luôn nghĩ và cầu nguyện cho các linh hồn. Một lần kia, tôi thấy Ngoại đang cầu nguyện trước nhà chờ Phục sinh, tiến lại ghé sát tai ngoại tôi hỏi:

- Ngoại đang làm gì đấy?
- Đang cầu nguyện.
- Thế Ngoại có cầu nguyện cho con không ?
- Còn trẻ, còn sống thì lo mà tự cầu nguyện lấy. Các linh hồn mới thực sự khổ vì không còn cơ hội để tự cầu nguyện nữa.

Chỉ với những câu nói ngắn gọn mà đã dạy tôi bao điều. Ôi! Những vị anh hùng chẳng bao giờ nghĩ cho bản thân mà  luôn hướng về người khác, về các linh hồn. Bao gian khổ, khó khăn, bao nước mắt rơi xuống cũng chỉ mong cứu được thật nhiều linh hồn. Đó là những hình ảnh cho tôi phải nhìn lại cách sống dấn thân, hi sinh của chính mình. Cám ơn quý Dì đã day con cách sống quảng đại dâng hiến.

Giờ đây, Ngoại đã hoàn tất cuộc hành trình dương thế, được ở nơi mà cả cuộc đời Ngoại cố gắng hi sinh và khát khao. Những anh hùng còn lại thì cũng đang bước vào ngưỡng cửa của tuổi già. Dù lớn tuổi nhưng nhiệt huyết và ngọn lửa vẫn rực sáng, quý Dì mãi là tấm gương chiếu tỏa hình ảnh của Thiên Chúa. Tôi là hậu thế luôn được ngọn lửa và tâm gương ấy soi chiếu. Cám ơn những vị anh hùng đã dạy con thật nhiều điều bổ ích, đã hun nóng tình yêu của con, đã dẫn dắt Hội Dòng đi qua từng thăng trầm của thời đại mà vẫn luôn có Chúa.

Anna Đỗ Thị Thủy Ngân


 
114.864864865135.135135135250