05/03/2023 -

Tản văn

212
Nữ tu -

“Ơn gọi là một huyền nhiệm…”

Thật vậy, thật khó để có thể giải thích tại sao rất đông những người trẻ, cả nam lẫn nữ (trong đó có tôi) lại sẵn sàng từ bỏ một tương lai sáng lạn và đầy triển vọng để bước vào một đời sống kỷ  luật, khổ chế và hy sinh – là đời sống thánh hiến.

Trong một cuộc phỏng vấn Đức Thánh Cha Phanxicô, nhà báo Fernando Prado (CMF) đã đưa ra câu hỏi: Đức Thánh Cha suy nghĩ và cảm tưởng gì về đời sống thánh hiến?” Đức Thánh Cha trả lời: “Cha nghĩ về các linh mục, những nam nữ tu sĩ đang ở đó đây, tại nơi làm việc, hay ở vùng ngoại biên nào đó. Những người thánh hiến này không tham vọng, không gây ồn ào, họ làm việc nhưng không cho mình là quan trọng. Họ là những người làm thần học về đời sống thánh hiến bằng cách sống đời sống ấy và cầu nguyện. Chính những người này có một sự khiêm nhường thẳm sâu, họ chăm chỉ và nghiêm túc sống đời thánh hiến của mình, dù là trong việc dạy học, hay trong giáo xứ, trong bệnh viện, trong các sứ vụ hay bất cứ nơi nào để phục vụ người khác. Họ thực sự là những người từ bỏ, không sống vì mình. Họ cho đi tất cả mọi thứ họ có trong tay.” ( Sức mạnh của ơn gọi – Đời thánh hiến ngày nay, Đức Thánh Cha Phanxicô trò chuyện với Fernando Prado, CMF)

Những lời phát biểu của Đức Thánh Cha hẳn là niềm hãnh diện của rất nhiều người sống trong đời sống thánh hiến, nhưng đối với tôi, những lời đó như tiếng chuông thức tỉnh và mời gọi tôi nhìn lại đời sống và cách sống của mình trong ơn gọi thánh hiến.

Với sự tự nguyện và tự do, tôi chọn đời sống thánh hiến. Bước vào đời sống thánh hiến, tôi ý thức mình là người của Chúa, tôi thuộc về Chúa và tôi sẽ trở thành một nữ tu của Chúa suốt đời. Ý thức là thế, nhưng dường như tôi chưa sống đúng với những gì mà tôi ý thức được, lắm khi tôi lại sống như một “nữ tú” hay “nữ tù” hơn là một nữ tu.

Anh em hãy từ bỏ mọi sự mà theo Thầy”. Đi tu là từ bỏ mọi sự. Nhìn bên ngoài, xem ra tôi đã từ bỏ mọi sự để theo Chúa: gia đình, bạn bè, sự nghiệp, những bộ trang phục đẹp mắt với những kiểu dáng đầy cá tính, những cuộc vui chơi náo nhiệt và ồn ào, những đam mê, ước muốn đang dang dở. Sâu xa hơn là từ bỏ những sự tự do, thoải mái để đưa mình vào nếp sống kỷ luật và vâng phục… Nhưng, khi nhìn lại, dường như tôi lại đang thu lượm cho mình những “kho tàng thế tục” mà có khi chính tôi cũng không ý thức được điều đó. Thay vì dùng những khả năng Chúa ban để phục vụ và làm vinh danh Chúa, tôi lại dùng chúng như những nén bạc mua lấy những lời khen, những câu “like” hay những sự vinh danh ngắn ngủi và chóng qua cho bản thân mình. Như một bà hoàng với cái mác “tu sĩ”, tôi muốn và thích khi được người ta gọi và chào một tiếng “sơ”, hai tiếng “dì”, được nhường bước, nhường chỗ khi đến nhà thờ, được giảm giá khi mua hàng, được ưu tiên điều này điều kia, mà đáng lẽ tôi phải là người cho đi những gì mình có và có thể cho đi. Hay như một “nữ tú”, khoác trên mình bộ tu phục, thay vì cho mọi người thấy được vẻ đẹp của sự đơn sơ, thanh thoát và thánh thiện của một người thuộc về Chúa, tôi lại tự hãnh diện, có khi là tự kiêu trong dáng vẻ lịch thiệp, nhưng sâu xa lại đang thể hiện mình và nhằm thu hút sự chú ý. Hoặc, thay vì trở nên một người phục vụ theo gương Chúa Giêsu, tôi lại xem thường những công việc thấp hèn, tìm nhẹ lánh nặng, tìm dễ lánh khó, tránh né những việc đòi hỏi sự hy sinh, ngại dấn thân và muốn được người khác phục vụ hơn là phục vụ người khác…

Tiền tài, quyền lực, danh vọng, sắc đẹp… Là con người, ai mà chẳng ham thích những điều ấy. Nói đúng hơn là những cái gọi là “thế tục” đó đã ăn sâu vào trong mỗi con người. Để sống đúng với căn tính của đời tu, cần phải loại bỏ đi cái “kho tàng thế tục” đó trong mình. Vậy làm sao để có thể loại bỏ dược chúng? Đức Thánh Cha Phanxicô đã chỉ giáo: “Để không đầu hàng cái gọi là “thế tục”, phải rất khổ hạnh, phát xuất từ tình yêu và việc chiêm ngắm Chúa Giêsu.” Một đời sống khổ hạnh sẽ giúp ta kìm hãm và giảm thiểu đi những ham muốn hay đòi hỏi của lục quan - nơi sinh của “kho tàng thế tục”. Một đời tu đúng nghĩa thì không thể không có sự khổ hạnh.

Nếp sống khổ hạnh của các tu sĩ vào thời trước Công đồng Vaticano II thường được thể hiện qua việc phạt xác, hay còn gọi là đánh tội. Những sự khổ hạnh đầy máu me và thương tích, đầy đau đớn về thể xác, có khi nguy hiểm đến cả tính mạng. Ngày nay thì ngược lại, thân xác phải được tôn trọng và bảo vệ, bởi thân xác là đền thờ Chúa Thánh Thần. Ngày nay, sự khổ hạnh thường được chú trọng về đời sống bên trong nhiều hơn, đòi hỏi người tu sĩ phải chiến đấu nhiều hơn và tất nhiên sẽ khó khăn hơn rất nhiều. Khổ hạnh về các giác quan đã khó, nhưng khó hơn và cần hơn là sự khổ hạnh trong trí (bao gồm cả trí hiểu, suy nghĩ, óc tưởng tượng).

Nhiều người và ngay cả bản thân tôi cho rằng: cứ ép mình vào kỷ luật thì sẽ sống tốt trong đời tu. Giữ kỷ luật là tốt, nhưng giữ thế nào để sống tốt trong đời tu là cả một vấn đề. Giữ kỷ luật mà khiến bản thân phải áp lực, mất bình an, mất niềm vui, sống khép kín, không hòa mình được với mọi người trong cộng đoàn… Hay giữ kỷ luật mà phải cố gắng ép buộc bản thân để lấy lòng người này, người kia, khiến bản thân mệt mỏi, đau khổ và mất tự do… như vậy chẳng khác gì sống như một “nữ tù” trong trại cải tạo, chỉ cần tuân giữ các luật lệ cứng nhắc thì được cho là người cải tạo tốt. Đó không phải là đời sống thánh hiến. Đời sống thánh hiến, “tất cả phải phát xuất từ tình yêu và việc chiêm ngắm Chúa Giêsu”, như lời Đức Thánh Cha Phanxicô đã nói, và ngài còn nói thêm: “Tình yêu đích thực thì không bao giờ cứng nhắc”.

Tôi muốn nhắc lại và nhấn mạnh về câu nói của Đức Thánh Cha: Tất cả phải phát xuất từ tình yêu và việc chiêm ngắm Chúa Giêsu”. Đây là cốt lõi, là gốc rễ để đời sống thánh hiến được phát triển bền vững. Không có lòng say mê đầy yêu thương với Đức Giêsu, đời thánh hiến sẽ chẳng có tương lai. Và để đời thánh hiến có một tương lai kéo dài bền vững, từng người sống trong đời thánh hiến cần phải nuôi dưỡng sức mạnh của ơn gọi này, và sức mạnh của ơn gọi này luôn được diễn tả qua niềm vui. Như lời Đức Thánh Cha nói: “Ở đâu có tu sĩ, ở đó có niềm vui”. Thật thế, niềm vui thật sự sẽ là liều thuốc kéo dài tuổi thọ của đời dâng hiến.

Xã hội càng tân tiến, càng hiện đại, thì đời sống thánh hiến càng gặp nhiều khó khăn, thách đố bởi sự phát sinh các nhu cầu ngày càng gia tăng, văn hóa hưởng thụ càng được đẩy mạnh, đời tu dẫu có khổ hạnh nhưng chắc chắn vẫn sẽ bị ảnh hưởng. Tuy vậy, không có vấn đề nào là không có cách giải quyết. Với sự quyết tâm dâng mình cho Chúa, với một ý chí mạnh mẽ không chịu khuất phục trước những cám dỗ, nhất là với một tình yêu chân thành, sâu sắc dành cho ơn gọi dâng hiến, đặc biệt đối với Thầy Giêsu Chí Thánh, và tất nhiên không thể thiếu ơn Chúa, tôi tin bạn, tôi và tất cả những ai đang khao khát dâng hiến đời mình cho Chúa đều có thể trở nên một tu sĩ tốt lành của Chúa.

Trở nên một nữ tu hay trở thành một “nữ tú”, “nữ tù”, điều đó phụ thuộc vào sự chọn lựa của chúng ta.

_Têrêsa N.H_
114.864864865135.135135135250