17/04/2023 -

Tản văn

136
Phục sinh

Đức Kitô đã Phục sinh! Ngài đã Phục sinh để cho những ai tin vào Ngài cũng sẽ được “phục sinh” như Ngài.

Ngài đã “phục sinh” đôi mắt tôi. Đôi mắt là cửa sổ của tâm hồn, nên mọi chuyển động của thế giới bên ngoài đều được ghi nhận vào tâm trí ta thông qua cái nhìn. Mọi tội phúc của ta cũng từ đôi mắt mà ra. Xưa kia, biết bao người đã được cảm hóa, “bị thu phục” bởi cái nhìn đầy tình thương mến của Chúa Giêsu. Ngài đã phục sinh và Ngài đã mời gọi tôi thay đổi để cùng được phục sinh với Ngài. Đôi mắt, cái nhìn của tôi đôi khi còn pha lẫn giữa những âu yếm, nhân từ và khinh khi, xét đoán và cả làm ngơ. Chúa mời gọi tôi thay đổi cách nhìn trước là hướng cái nhìn lên Chúa (Tv 123), sau là hướng cái nhìn tới tha nhân. “Hành động cao quý nhất của tình yêu không phải là phục vụ mà là cách nhìn. Khi phục vụ người khác, bạn đang giúp đỡ, nâng đỡ, an ủi hay xoa dịu đau khổ. Còn khi nhìn thấy vẻ đẹp và lòng tốt của họ, bạn đang giúp họ biến đổi và được tạo dựng” (Anthony de Mello).

Chúa phục sinh đã biến đổi đôi tai tôi. Nhờ lắng nghe Đức Giêsu đã luôn nghe được tiếng của Chúa Cha (Ga 34), cũng như chú ý đến những nhu cầu của những người xung quanh. Thánh Phaolô tông đồ đã từng quả quyết. “Có đức tin là nhờ lắng nghe” (Rm10,17). Nhưng tôi đã thực biết lắng nghe? Động cơ nào thúc đẩy trong những cuộc đối thoại của tôi? Liệu tôi đã biết quay đi khi nghe những điều không hay, những điều kém tích cực? Chính vì vậy tôi cần được “phục sinh đôi tai” để có thể nghe được những lay động của Chúa trong tâm hồn.

Chúa phục sinh cũng đã phục sinh miệng lưỡi tôi. Suốt cả một đời dương thế Chúa Giêsu đã dùng lời nói để mang lại sự bình an. Chúa cũng mời gọi tôi “phục sinh trong lời nói” như lời thánh Augustinô đã nói về bà thánh Monica “mẹ chỉ dùng lời nói để đem lại sự bình an.” Nhưng miệng lưỡi đâu chỉ để nói, Chúa mời gọi tôi “phục sinh trong cách thưởng nếm.” “Hãy nếm thử mà xem, cho biết Chúa bao la tốt lành.” Chính vì thế, Thiên Chúa là nguồn vui bất tận của con người. Người ban cho ta có nhiều cơ hội để tận hưởng: tâm lý, thể lý và cả tâm linh nhưng chỉ khi kết hiệp với Chúa tôi mới thực thưởng nếm được sự bình an và niềm vui đích thực. Khi có Chúa cách thưởng nếm của tôi cũng sẽ khác, sẽ dễ dàng đón nhận một điều trái ý, dễ chấp nhận một điều không ưa, dễ cảm thông hơn với một điều không hài lòng…

Khứu giác của tôi cũng được Chúa Phục sinh biến đổi. Khứu giác giúp tôi phân biệt được các mùi hương. Nhưng bấy lâu nay, tôi đã chỉ để ý đến những mùi hương một các “thể lý.” Tôi đã để cho khứu giác của mình “ngủ quên trong mồ.” Bởi đâu chỉ những đồ vật mới phát ra mùi, con người cũng thu hút nhau bởi “mùi hương.” “Hữu xạ tự nhiên hương.” Hương thơm đó không gì khác là “hương nhân đức.” “Tạ ơn Chúa là Đấng đã dùng chúng tôi mà làm cho sự nhận biết Đức Kitô như hương thơm lan tỏa khắp nơi. Vì chúng tôi là hương thơm của Đức Kitô dâng kính Thiên Chúa tỏa ra giữa những người được cứu độ cũng như những kẻ bị hư mất” (2Cr 2,14-15).

“Bạn làm việc với đôi bàn tay nhưng lại hay quên chúng.” Bàn tay không chỉ giúp tôi làm việc nhưng còn để sờ chạm. Tôi đã được “phục sinh đôi bàn tay”- xúc giác. Lúc tại thế, Đức Giêsu đã dùng đôi bàn tay để lao động, để đón tiếp, để ban phát, để chữa bệnh, để nâng đỡ… Bàn tay Ngài đã luôn mở rộng để đụng chạm vào kiếp sống con người… Ngài đã phục sinh và mời gọi tôi cũng phục sinh với Ngài qua đôi bàn tay bởi “những định hướng căn bản chúng ta đang chọn lựa được khắc ghi trong bàn tay, chúng biểu lộ ra những quan tâm và lòng quảng đại của chúng ta… Chúng là hình ảnh bên ngoài của trái tim bên trong: nó đang chai cứng hay nhạy cảm” (Isabel Gomez Acebo).

Chúa phục sinh đã không “hồi sinh” con người tôi bằng việc cho tôi được nên trẻ trong hơn hay xinh đẹp hơn, nhưng Người đã chỉ cho tôi thấy những cái đẹp, cái tinh khôi trong tôi, trong mọi người, ngang qua các giác quan. Sự sống vẫn không ngừng triển nở trong con người tôi nhưng bởi tôi đã sống quá vội vàng, quá lơ đãng nên tôi đã không thể nhận ra những sự tuyệt diệu ngay trên chính con người mình.

NHT
 
114.864864865135.135135135250