09/06/2017 -

Tản văn

2770
Truyện ngắn - Bình minh lúc nửa đêm (St)

BÌNH MINH LÚC NỬA ĐÊM

 

Lần đầu tiên tôi gặp anh, anh đang nằm trong phòng chăm sóc đặc biệt. Hai mắt mở to thao láo nhìn tôi không một chút cảm xúc. Cửa miệng lở loét, môi bong ra những lớp thịt đỏ lòm. Hơi thở khò khè, đứt quãng. Thân hình khô quắt lại chỉ còn da bọc xương, như thể một thân cây khô héo rỗng ruột chỉ chờ một cơn gío nhẹ là đổ ập xuống.

Tôi nhẹ nhàng bước đến bên anh không một tiếng động. Cũng chẳng một lời hỏi thăm. Mà biết hỏi gì bây giờ! Bỡi lẽ phần lớn những người nằm ở đây đều có một quá khứ vẫy vùng. Họ đều mang trong mình một mặc cảm khó diễn tả, khó có thể nói cho ai nghe. Tôi cũng không khuyên anh ráng  chịu đau đớn bằng những lời động viên suông. Tôi lặng lẽ lấy dao gọt trái táo để trên bàn, cắt ra làm bốn miếng. Với cử chỉ ân cần, tôi đưa cho anh một miếng. Anh giơ cánh tay khẳng khiu đầy sẹo ra đón lấy, dấu chứng của không biết bao nhiêu lần tự mình cầm cây tim chích đâm vào. Aùnh mắt bớt phần vô hồn. Tôi ra dấu bảo anh  đưa các miếng táo còn lại cho những bệnh nhân nằm bên cạnh. Thoáng chút ngạc nhiên rồi khe khẽ anh gật đầu.

Lần sau gặp lại sức khoẻ anh có vẻ khá hơn nhờ sự chăm sóc ân cần của các sour. Tôi nghĩ rằng anh đã quên tôi, vì người ta sao có thể nhớ điều gì lúc chập chờn giữa cái sống và cái chết. Bây giờ anh có thể tự mình đi lại được dù những bước chân còn rất mệt nhọc.

Tôi bước đến dìu anh ngồi xuống ghế đá, nở một nụ cười, tôi hỏi: “Anh còn nhớ tôi không?” Một thoáng nhìn tôi anh đáp: “Có phải hôm đó anh là người gọt táo cho tôi ăn?” Tôi vui khi nghe anh nói vậy. Nhưng  vui hơn vì trong ánh mắt anh nhìn tôi không còn ác cảm thay vào đó là một chút le lói của lửa niềm tin.

Tôi quay sang hỏi anh: “Anh sinh năm nào?” Anh đáp: “1977”. Tôi reo lên: “Ồ chúng mình cùng tuổi!” Nghe tôi reo to như vậy anh chỉ cười nhẹ. Nhưng  trong cái cười nhẹ ấy tôi biết khoảng cách giữa chúng tôi đã rút lại rất gần. Tôi và anh có một dĩ vãng quá khác biệt nhau. Tôi đắm chìm trong câu kinh tiếng hát, anh say nồng trong men rượu lả lơi. Nhưng giờ đây những điều đó không còn là điều trở ngại để chúng tôi có thể nói chuyện và cảm thông nhau. Thiên Chúa có muôn vàn cách để đưa con cái trở về với mình. Người thợ thứ mười một vẫn xứng đáng lãnh nhận phần thưởng như người thợ thứ nhất. Tôi gặp anh vào thời điểm muộn màng như buổi hoàng hôn. Nhưng mặt trời trước khi lặn vẫn rực sáng lên trên nền trời một vừng sáng lung linh kia mà. Ngọn nến trước khi tắt vẫn phực cháy lên một ánh lửa rạng ngời. Trong cái lung linh của ánh sáng cuối ngày, trong cái rạng ngời của ánh lửa trước lúc tắt, ẩn chứa một sức sống mãnh liệt sâu xa. Cái trương độ đó là điều mà Thiên Chúa gieo vào lòng con người để con người thấy rằng trở về với Ngài không bao giờ là điều quá trễ. Để con người không mặc cảm vì biết rằng mình có thể dâng lên Ngài phần quý giá của sự sống.

Những lần sau tôi và anh nói chuyện với nhau thường xuyên hơn. Vừa sinh ra đời anh đã không biết cha mẹ mình là ai. Người ta bỏ anh vào trong một cô nhi viện. Tuổi thơ của anh ở trong cô nhi viện quá khắt nghiệt. Thiếu tình thương thừa thủ thế. Không chịu nỗi sự lạnh lùng của bức tường cô nhi, 9 tuổi đầu anh đã vượt tường ra ngoài. Dĩ  nhiên là gia nhập vào nhóm bụi đời lang thang hè phố. Những trò móc túi, cướp giật anh thành thạo như bà nội trợ lựa bó rau, con cá. Tội lỗi của anh cứ lớn dần và nguy hiểm theo tuổi đời và sự từng trải. Lần đầu tiên được đưa vào trong bốn bức tường xám xịt, khô  khốc hơn cả bức tường cô nhi ngày xưa, anh có phần sợ hãi. Nhưng vào nhiều quá lại đâm ra thường. Thiếu nó lại cảm thấy nhớ. Vì mỗi lần vào lại thêm chiến tích giang hồ của mình. Chiến tích đó được đánh dấu bằng một hình xăm. Xăm càng nhiều, “số má” giang hồ càng lớn. Sau khi ra tù lại có nhiều đất để dung thân. Giờ đây trên người anh đầy những hình xăm. Tôi chú ý một hình xăm có phần biểu tượng. Nó được xăm bằng các dấu: “+ ? X : ?” . Tôi hỏi anh: “hình đó mang ý nghĩa gì vậy?”. Anh hăng hái đọc cho tôi nghe một bài thơ:

Cộng với đời muôn vạn niềm tin

Trừ đi những gì ta đã mất

Nhân lên với tình yêu chân thật

Chia đều cho hạnh phúc mai sau

Hỏi cuộc đời có phải vậy không?

Nghe anh đọc xong tôi tấm tắc khen anh làm thơ hay. Anh cười đáp: “Không phải của tôi nhưng thấy nó hay nên học lại từ người bạn tù”. Hoá ra trong cái vẻ ngoài “dao búa” của giới giang hồ vẫn có những lúc dành cho phần lãng mạn. Chính lúc đó họ trở về với con người hiền lành chân thật của mình mà cuộc đời đen tối nhiều lúc đã che lấp đi. Một lúc nào đó trong con người của họ cũng tràn đầy niềm tin với cuộc đời này. Một lúc nào đó họ cũng khát khao một tình yêu chân thật. Nhưng hỡi ôi! Trần gian vốn là mộng, say mộng hay tỉnh mộng cũng là mộng mà thôi! Vì là mộng nên không bao giờ là trọn vẹn. Nó cứ vỡ vụn ra. Một chút niềm tin vừa được thắp lên trong đời đã bị những nhác búa man trá bổ cho tan nát. Một chút tình yêu chân thật vừa mới được nhen nhúm đã bị sự băng giá của con tim dập tắt. Mọi nẻo rẽ vào cuộc đời của họ dường như bị đóng kín bởi lòng người quá chật hẹp. Cuối cùng là một câu hỏi hiện sinh được thốt lên như một tiếng thở dài buồn thảm: “Hỏi cuộc đời có phải vậy không?” Câu hỏi đó vẫn chưa được người phàm nào trả lời, vẫn cứ còn treo lơ lửng trên đầu con người như một sự thách thức trước những số phận mong manh.

Anh lại trầm buồn kể cho tôi nghe tiếp về cuộc đời của mình. “Anh có biết không, khi đã nghiện ma tuý rồi bằng mọi cách phải có thuốc để chích dù làm bất cứ việc gì”. Tôi ái ngại hỏi anh: “Có khi nào anh hối hận về việc làm của mình chưa?” Anh cúi đầu trả lời: “Có lần chúng tôi lừa lấy chiếc xe đạp của một anh sinh viên đang ngồi trên ghế đá công viên học bài. Khi chúng tôi đi xa, anh ta mới phát hiện, rồi chạy theo cầu cứu. Chúng tôi thấy một chân của anh ta bị bại liệt. Nếu biết anh ta bị bại liệt mình đâu nỡ lấy.” Tôi tiếp tục hỏi anh: “Vậy anh có biết mình bị nhiễm HIV lúc nào không?” Anh bình thản trả lời: “Lúc đó chúng tôi chơi chung với nhau. Năm người chung một ống. Trên ống có mười đốt (mỗi đốt cao 1cm), mỗi người chích hai đốt. Chích xong còn dấu cây kim đi để lần sau quay lại lấy ra chích tiếp. Nhiều khi quay lại đã thấy mũi kim đã bị rỉ sét, nhưng vẫn cứ lấy chích. Rồi cũng không biết thằng nào lây cho thằng nào.”

Rồi đến lúc không còn sức để mà trộm cướp, anh nằm ngoài đường vật vã chờ cái chết đến trong nỗi cô đơn và tuyệt vọng. Nhờ sự yêu thương của các soeur, anh được đưa vào đây để chờ cái chết cho xứng với nhân phẩm. Nhưng từ từ sức khoẻ của anh được hồi phục lại. Anh thấy cuộc đời này còn có một ý nghĩa gì đó hơn là cây kim tiêm. Anh thấy phía sau vẻ hiền hậu, phục vụ ân cần của các sour có một sức mạnh nào đó thúc đẩy đến nỗi các sour hy sinh cả tuổi xuân của mình để lo cho những người không đáng được yêu thương như anh. Và anh đã nhận ra được bóng dáng của một vị Thiên Chúa từ nhân hằng yêu thương và chờ đợi anh quay về với Ngài. Những ngày gặp tôi, anh mong mỏi tôi nói cho anh nghe về một vị Thiên Chúa mà anh đã thoáng mường tượng ra trong trí não. Tôi không nói với anh gì nhiều về Ngài, đơn giản tôi chỉ nói: “Thiên Chúa rất yêu thương anh, Ngài đang chờ đợi lời đáp trả của anh đó.” Ánh mắt anh sáng hẳn lên: “Khi nào thì tôi được rửa tội?” Tôi mỉn cười đáp trả: “Anh sắp được rồi đó.”

Thánh lễ đêm vọng Phục sinh ở đây diễn ra thật trang nghiêm, cảm động. Mỗi người trên tay cầm nến Phục sinh rước từ phòng hài cốt đến nhà nguyện. Con đường như lung linh ấm áp hẳn lên so với cái lạnh lẽo của ngày thường. Trên bầu trời những vì sao đang nhảy múa như hoà chung lời hát: “Đêm cực thánh”. Đêm nay anh mặc một chiếc áo trắng rất đẹp, trên tay lại cầm một ngọn nến sáng như một cuộc đời mới đang mở ra đối với anh. Đêm nay cũng là đêm anh chịu phép thánh tẩy. Mặc dù sức khoẻ anh lúc này rất yếu nhưng niềm vui tràn ngập trong tâm hồn đã làm lu mờ đi nỗi đau của thể xác. Thánh lễ dài nhưng anh tham dự rất sốt sắng như thể dồn hết sức của mình để tham dự một thánh lễ sẽ  đưa anh vào cõi vĩnh hằng. Bỗng nhiên tôi chợt nghĩ, đêm nay có một mặt trời đang mọc lên.

Thời gian sau, bận công việc tôi không ghé thăm anh. Xong việc, tôi lên thăm thì nghe tin anh đã ra đi. Tôi đi xuống phòng hài cốt thắp cho anh nén nhang. Bất giác tôi nhớ lại con đường này, con đường mà ngày nào tôi và anh cùng rước nến Phục sinh. Cũng qua con đường này mà anh đã đi vào một con đường đưa anh về Nước Thiên Chúa. Giờ này chắc anh đang vui vầy với các thần thánh trên Thiên đàng. Riêng tôi, tôi vẫn còn phải đi trên con đường của riêng mình. Nhưng tôi biết, tôi sẽ không lạc lối vì có Chúa cùng đồng hành với tôi và có anh nữa, mặt trời mọc giữa đêm soi đường cho tôi.

114.864864865135.135135135250