23/10/2020 -

Tản văn

564
Vị cha già

“Sao cha xứ mình keo thế!” “Cha keo thế thì thầy nào ở cũng khổ!” Chuyện cha xứ hà tiện lại được các bà đem ra bàn tán. “Chả bao giờ thấy cha mua sắm gì cả, chắc có cả trăm triệu để dành.” Một bà khác: “Có một thân một mình tiền để đâu cho hết.”

Ngài là Tổng Đại diện của Giáo phận nhưng căn phòng không có gì đáng giá cả. Một chiếc bàn gỗ bên cạnh cửa sổ, cái tủ sắt để đồ đã rỉ sét, đôi giày cất dưới tủ chỉ đi vào dịp lễ trọng. Những cuốn sách cũ kĩ. Thứ đáng giá nhất là chiếc xe hơi mà đám nhỏ hay nói đùa với nhau “Cha có cho con cũng không thèm.

Ở phòng khách: Cái bàn dài mỗi bên ngồi được năm người. Vào ngày tết có thêm bình trà nóng, hết tết lại cất đi. Chỉ có tấm hình Đức Giáo Hoàng và Đức cha Giáo phận là còn mới.

Cái hà tiện mà mấy bà hay nói với nhau là những bữa ăn của ngài. Chẳng phải chuyện của các bà, ấy vậy mà các bà cũng bực mình: “Sao cha có tiền mà ăn uống khổ sở đến vây?” Nói thì nói vậy nhưng các bà cũng thương cha lắm, chẳng ai chê trách được điều gì ở ngài. Cha là người trách nhiệm, nguyên tắc, nhân đức, chẳng làm mất lòng ai bao giờ.

Không hôm nào cửa sổ nhà nguyện không mở từ hai giờ đến bốn giờ. Giờ cha cầu nguyện. Nó như cái đồng hồ chạy không bao giờ hết pin suốt hơn hai mươi năm qua.

Bắt đầu bàn chuyện xây nhà giáo lý cũng là thời điểm cha sắp về hưu. Sau hơn hai mươi năm giáo xứ chẳng có được một nhà giáo lý đàng hoàng cho các em đến tìm hiểu về Thiên Chúa. Hơn ba năm quyên góp cũng chẳng đi đến đâu. Nhiều người bắt đầu phàn nàn: “Sao cha không nhờ những ân nhân từng giúp cha khi ngài kêu gọi xây dựng giáo phận.” Đáp lại cha chỉ nói: “Giáo xứ của chúng con, chúng con phải tự xây dựng.” Tiền thu thì không đủ nhưng cha vẫn quyết định khởi công. Chẳng ai phấn khởi nổi vì chẳng biết ngày nào sẽ hoàn thành. Sau hơn một tháng cái nền nhà giáo lý cũng đã hoàn thành. Kiến tha lâu đầy tổ, cả giáo xứ làm nhân công. Tường bắt đầu xây nhưng rồi nguyên liệu cũng cạn dần. Dang dở. Hy vọng mong manh cũng vụt mất.

Thế rồi, một ngày kia mọi người lại xúm lại bàn tán: “Các bà ơi, có ân nhân giúp giáo xứ mình rồi!” “Chuyện gì đó?” “Ra mà xem bao nhiêu xe chở nguyên liệu đến.” “Đấy đã bảo từ đầu rồi, nhờ những người ấy có phải là xong lâu rồi không.” “Cha bày đặt tự ái không thèm xin.” Vật liệu tiếp tục được chở về bàn tay nối kết bàn tay. Nhà giáo lý bắt đầu hình thành. Đối với người Kitô hữu nhà giáo lý là nơi vun đắp đức tin cho con người. Không có nhà giáo lý, đức tin làm sao phát triển. Nhìn nhà giáo lý nghiêng thành bóng lúc về chiều, lòng người rộng mênh mông chờ ngày khánh thành.

Rồi chuyện ly biệt cũng đến. Tình cảm nào, yêu thương hay ghét bỏ thì cũng có ngày trôi theo làn gió. Sau khi khánh thành nhà giáo lý được một tuần, cha chia tay đoàn chiên để về hưu. Người ta không biết trân quý cái mình có, khi mất rồi mới thấy tiếc nuối. Hơn hai mươi năm sống bên nhau, cái tình cái nghĩa ấy chẳng phải một sớm một chiều mà phai nhạt được. Ngày cha đi, cha dặn lớp dự tu của chúng tôi: “Cha già rồi, chẳng còn làm được gì cho Giáo hội nữa. Cha trao lại sứ mạng ấy vào tay những người trẻ chúng con.” Hôm ấy trên sân nhà thờ đã có những giọt nước mắt rơi xuống - nước mắt của những kẻ hối hận vì không làm tròn bổn phận của mình.

Cha ra đi để lại một giáo xứ khang trang và một câu chuyện không phải ai cũng rõ. Chuyện là có lần, ông trùm hỏi cha ai là người đã giúp giáo xứ vì ông biết rõ tiền quyên góp trong xứ không đủ để chi trả tất cả. Cha ôn tồn nói:

Chẳng có ân nhân nào cả. Tất cả là sự quan phòng của Chúa. Đó là tiền của các con cho cha, tiền xin lễ. Hơn hai mươi năm qua, sống chung với các con, cha coi số tiền ấy là tiền các con gửi cha giữ giùm. Số tiền ấy vừa đủ để xây dựng xong mọi sự.

Hôm ấy ông trùm đã khóc. Im lặng. Khi ta im lặng nhìn lại cuộc đời, mới thấy có những thứ xót thương nó thấm vào lòng. Cả cuộc đời làm việc chăm chỉ cho Chúa để rồi ra đi không mang theo thứ gì giá trị cả.

Cho đến bây giờ chúng con cũng không hiểu được. Đời cha là một nhiệm lạ với chúng con. Khi chúng con biết thì đã quá muộn cho một lời tri ân. Hơn hai mươi năm bên cha, chúng con khâm phục mọi nhân đức của cha, nhưng chúng con từng ước cha đừng keo kiệt đến thế, cha đừng mê tiền đến thế thì cha toàn vẹn quá! Nhưng hôm nay chúng con đã biết những đồng tiền ấy, cha cất ở đâu, cha dùng làm gì thì đã quá muộn cho một lời xin lỗi, một lời tạ ơn đến cha.

Ter Vũ
 
114.864864865135.135135135250