05/03/2021 -

Tản văn

975
Chuyến Xe Ngày Trở Gió
 
 
 Bầu không khí thơ mộng trong xanh của vùng Đơn Dương- Đà Lạt mấy ngày nay như thu mình lại bởi sự trở mình của cơn bão số 3. Những cơn gió không mấy nhẹ nhàng, những trận mưa ào ạt trút xuống, một thoáng đã làm cho vẻ đẹp thanh bình vốn có của vùng đất hiền hòa bốn mùa hoa màu xanh tốt bỗng trở nên mờ mịt dữ dằn hơn, khiến cho lòng người cũng thổn thức đến kỳ lạ. Ngồi trên chuyến xe bus tuyến đường từ Đà Lạt về Lạc Lâm,  không hiểu sao mắt tôi luôn hướng về phía người đàn ông dị tật với khuôn mặt khắc khổ dắt theo hai đứa con gái nhỏ, trên tay vẫn còn mẩu bánh mì đang ăn dở ngồi hàng ghế bên cạnh.

 Chuyến xe hôm nay chỉ có 4 người, tôi và ba cha con người đàn ông đó. Thoạt tiên, tôi thấy hơi sợ và không dám hỏi thăm, nhưng trong lòng xôn xao đến lạ thường, tôi lấy hết can đảm đến gần, khuôn mặt người đàn ông ấy thoáng chút ngại ngùng và bối rối.

- Tôi hỏi; Chú xuống chỗ nào? Chú ngập ngừng, giọng ngọng ngịu của một người có khuôn mặt khiếm khuyết nhưng vẫn cố gắng diễn tả hết sức có thể.
- Tôi ở Quảng Ngãi, nghe nói trên vùng này có nhiều việc tôi có thể làm được nên đưa con lên để mong có thêm của ăn của uống qua ngày.

Có lẽ những khiếm khuyết trên cơ thể, những lo toan vất vả và cả những tổn thương trong tâm hồn, đã hằn trên khuôn mặt chú, tạo thành những vết đen chai xạm nhìn rất đáng thương. Khuôn mặt khiếm khuyết, nhưng ánh mắt thì chất chứa đầy những nỗi niềm khiến tôi băn khoăn mãi.  Khi được hỏi về gia đình, đôi mắt chú rưng rưng, với bao cảm xúc khôn tả, chú nói:

-  Tôi có gia đình, có vợ và 3 đứa con, tôi bị tai biến nên bị liệt nửa khuôn mặt khiến mặt bị méo và giọng nói không được tròn trịa. Vì gia đình nghèo quá nên vợ tôi nghe bạn bè đi lao động bên Đài Loan, đi được mấy năm thì nghe tin tôi bị bênh, thế là bà ấy không về nữa, từ đó đến nay cũng được 7 năm rồi. Một mình tôi tàn tật nuôi 3 đứa con, đứa con trai lớn năm nay cũng 16 tuổi, ngoan, hiền lành nhưng gia đình nghèo quá, từ nhỏ đã phải gánh vác mọi công việc trong nhà, nhưng cách đây hơn năm, nó nghe bạn bè dụ dỗ tụ tập chơi bời rồi sa vào con đường nghiện ngập, người ta bắt nó đi cải tạo ở trung tâm nào đó ngoài thành phố, còn 2 đứa con gái này, đứa út 9 tuổi thì bị câm điếc bẩm sinh, đứa 13 tuổi thì bị teo một bên chân nên không làm được gì…

Nước mắt chảy dài như cuốn theo những đau khổ, uất ức vì cuộc đời quá nghiệt ngã bấy lâu chôn vùi trong trái tim người cha. Tôi dần dần hiểu câu chuyện, lòng lặng đi vì không biết phải bắt đầu từ đâu để những giọt nước mắt tủi phận đang đọng trên khóe mắt của người cha đáng thương này chảy xuống vai để đau khổ được vơi đi phần nào. Quay sang hai đứa con nhỏ, ú ớ nhận chiếc bánh từ tay tôi như đón nhận một ân huệ, một niềm hạnh phúc lớn lao từ trời rơi xuống. Nhìn chúng ăn, tôi ước chi mình làm được điều gì đó nhiều hơn nữa.

Thế rồi họ xuống xe, xuống nơi mà tối nay họ hy vọng có thể có cái bánh mì để sống qua ngày mưa bão. Từ lúc đó, hình ảnh người cha đau khổ cùng hai con nhỏ tật nguyền cứ hiện lên trong đầu tôi. Bỗng nhiên cái lạnh đổ về làm se sắt cõi lòng, không phải cái lạnh của cơn bão đang hoành hành, nhưng là cái lạnh của tình người,  cái lạnh của những con người  khiếm khuyết đang oằn mình gánh đỡ phần thiệt thòi cho những người khoẻ mạnh, nhưng lại phải sống trong cảnh bất lực, vô vọng trước sự nghiệt ngã của cuộc đời.

 
  Những cái lạnh ấy ai sưởi ấm cho họ được?  Ai sẽ trả lời câu hỏi đó nếu không phải chính bản thân tôi và những người đang mang trên vai sứ mạng “rọi ánh sáng vào nơi tối tăm, đem niềm vui đến chốn u sầu” . Trên suốt quãng đường còn lại, tôi luôn băn khoăn, suy nghĩ và tự chất vấn bản thân. Trong khi có những người chưa một lần nhìn thấy ánh sáng để ngắm được màu xanh của hy vọng thì mình lại dùng đôi mắt Chúa ban để ghim người này người kia trong định kiến khó lay chuyển, có người chưa một lần nghe thấy âm thanh kỳ diệu của cuộc sống thì mình lại bịt tai trước những nỗi lòng của chị em muốn được chia sẻ, có người không còn đôi bàn tay hoặc có đấy nhưng không thể tự nắm lấy những thứ thuộc về mình nữa thì mình lại e dè ngại ngùng khi phải mở tay nâng đỡ dìu dắt những chị em đang lầm đường lạc lối lê lết bước đi trong sự yếu đuối nhọc nhằn, có người không có đôi chân hoặc có đó nhưng chưa một lần có thể tự bước đi, thì mình lại cằn nhằn, do dự trước những quyết định phải lên đường đi xa...

Đây không phải là lần đầu tiên tôi gặp những con mảnh đời khốn cùng, nhưng sao lần này trái tim tôi thổn thức, nhói đau hơn cả. Một nữ tu nhỏ bé như tôi chẳng có gì và chẳng biết làm gì trong hoàn cảnh này để giúp họ. Ngay cả cái tôi có, đó là sự dấn thân, lòng nhiệt thành với ước muốn lên đường để chia sẻ niềm vui có Chúa cho họ cũng mờ nhạt, khi vơi khi đầy, khi nóng khi lạnh. Chính vì thế, nỗi thao thức vẫn cứ dai dẵng, dằn vặt trong tôi, và tôi chỉ có thể nói với Chúa và dâng họ lại cho Ngài.

Đang miên man trong dòng suy nghĩ, đâu đó trong nơi sâu thẳm của cõi lòng bỗng vọng về lời thúc giục “chính anh em hãy cho họ ăn”.  Lời thúc giục đó cũng là lời nhắc nhở cho chúng ta, những người bước theo Chúa chúng ta phải “cho họ ăn” . Cho họ sự dấn thân, lòng quảng đại trong cung cách phục vụ, trong từng nghĩa cử, và sáng kiến yêu thương, và hãy cho họ nhiều hơn thế nữa để một lần cảm, một lần thương và một lần thao thức ít ra là trong lời cầu nguyện. 
 
Tôi thầm tạ ơn Chúa vì trên chuyến xe ngày trở gió, Chúa đã dẫn dắt cho tôi được gặp Ngài nơi những con người đau khổ này. Và tôi nhận ra, trên chuyến xe này, cảnh vật, con người, những trăn trở và những thao thức của người tông đồ được nối nhịp. Một niềm vui ngập tràn dẫn tới đường về nhà bỗng trong xanh, vì khi lòng đã cảm thấy ấm, lạnh giá nào cũng sẽ tan mau. 
 

Sống hy vọng, cuộc đời sẽ khác
 Dù quanh ta còn lắm nỗi đau
Nhưng tình thương sẽ rất ngọt ngào
Khi ta sống trọn tình dâng hiến

 

Nguyễn Thắm
114.864864865135.135135135250