11/12/2019 -

HỘI DÒNG

1503
Cảm Thức Nghèo
 
Vừa qua, khi có dịp về thăm gia đình, tôi cảm nhận được nỗi cơ cực, vất vả của những người nông dân chân lấm tay bùn, cuộc sống lam lũ của những người lao động nghèo. Họ phải làm đủ mọi công việc, phải cố gắng phấn đấu để lo cái ăn cái mặc, lo mưu sinh, lo kinh tế cho gia đình… Phải chăng ai sinh ra trong cõi hồng trần đều mang trong mình nỗi ưu tư của phận người trong kiếp nhân sinh. Nó khiến tôi chợt bừng tỉnh, nghiệm xét lại chính mình. Tôi đã đón nhận lời mời gọi của Chúa để tự nguyện sống khó nghèo. Tôi đã sống đúng giá trị của cái nghèo mà tôi đã tự nguyện cam kết khi tuyên khấn với Chúa qua Hội dòng hay chưa? Để hiểu rõ hơn, người viết xin mượn những vần thơ rất ngắn trong bài thơ “Không đề” của Văn Cao để nói lên những băn khoăn, thao thức của riêng mình:
 
“Con thuyền đi qua
để lại sóng
Đoàn tàu đi qua
để lại tiếng
Đoàn người đi qua
để lại bóng
Tôi không đi qua tôi
để lại gì?”

 
Theo ông, bản thân mình cần đi qua mình, dám vượt qua chính mình và nhận biết chính mình, người đó mới thực sự để lại cái gì cho cuộc đời như Đức Giêsu. Trong phạm vi bài viết này, người viết chỉ giới hạn những suy tư ngắn gọn của mình về cái nghèo nơi cuộc đời của Đức Giêsu và lối sống của người tu sĩ hôm nay với lời khấn khó nghèo.

1. 
Ý nghĩa của lời khấn KHÓ NGHÈO
 
Giáo luật 1983, điều 600 nhấn mạnh: “Lời khuyên Phúc Âm về đức khó nghèo để bắt chước Đức Kitô, Đấng tuy giàu sang nhưng đã trở nên nghèo vì chúng ta, ngoài một nếp sống nghèo cả về thực chất lẫn tinh thần, cần cù và thanh đạm, không dính bén tài sản thế tục, còn mang kèm theo sự lệ thuộc và hạn chế trong việc sử dụng và định đoạt tài sản chiếu theo quy tắc luật riêng của từng Hội dòng.”[1]

Ý nghĩa đầu tiên của khó nghèo là làm chứng cho tình yêu của Đức Kitô đối với người nghèo.[2] Thứ đến, chúng ta học được nơi Đức Giêsu “ý nghĩa đích thực của sự nghèo khó theo Phúc Âm” và sự cao cả của Người trên con đường khó nghèo, sống như một người nghèo và sống vì người nghèo. Tiếp theo, Người mời gọi những ai dấn thân theo Người cần thanh thoát với của cải trần thế: “Sống nghèo như là tham dự vào sự nghèo khó của Đức Kitô.” Cuối cùng, theo lời khuyên của Công Đồng, người tu sĩ hãy lao động hầu có phương tiện để mưu sinh và hoạt động.[3]
Cả cuộc đời của Đức Giêsu nơi trần thế là một lời mời gọi những ai theo Người sống cuộc sống nghèo khó, từ bỏ mọi sự để trở nên giống như Người và tự do đón lấy Nước Trời. Đức Giêsu đã chứng thực điều này qua biến cố Giáng Sinh, Người chọn cho mình một cuộc sống cơ hàn đến tột cùng. Người chọn sinh ra trong máng ăn của súc vật chứ không chọn cho mình một cung điện nguy nga lộng lẫy, không chọn làm con một gia đình cao sang quyền quý. Người hài lòng làm con của một người phụ nữ nghèo và chấp nhận hạ sinh nơi máng cỏ (Lc 2,12).

Đời sống khó nghèo của Đức Giêsu còn được biểu lộ qua biến cố chịu phép rửa bên bờ sông Giođan. Người hòa mình vào nhân loại tội lỗi, coi tội lỗi của thế nhân là tội lỗi của Người. Người từ bỏ ngôi vị Thiên Chúa, chấp nhận một cuộc sống bấp bênh, Người chọn cách sống nghèo và muốn những ai theo Người cũng sống như Người đã sống: “Con chồn có hang, chim trời có tổ, Con Người không có chỗ tựa đầu” (Lc 9,57-62). Đức Giêsu không bao giờ lấy của cải trần gian làm nơi nương tựa cho mình, điểm tựa duy nhất của Ngài là tình yêu của Cha và khát mong thi hành Thánh ý Cha (Ga 3,34).

Như thế, sự nghèo khó thật nơi Đức Giêsu là sự nghèo khó của một con người không có gia đình, “không có chỗ tựa đầu” (Lc 9,58), một con người không có chỗ tựa nương vì không thân với bất kỳ quyền lực chính trị, kinh tế hay tôn giáo nào, một người đứng “ở giữa” (Lc 22,27) các anh em mình trong cộng đoàn chứ không cậy dựa vào tiền tài, không có thái độ trưởng giả và trịch thượng nhưng luôn chia sẻ những gì mình có vì Nước Trời và vì anh em. Đó là sự nghèo khó đích thực của Kitô giáo, là mẫu gương cho tất cả mọi người.

Chúng ta càng thấm thía sự khó nghèo của Người khi nhìn vào cuộc khổ nạn của Người trên thập giá. Sự nghèo khó trong khiêm hạ của Người càng rõ hơn qua việc an táng, phải chôn trong một ngôi mộ đi mượn: “Hạ xác Người xuống, lấy tấm vải gai mà liệm, rồi đặt Người vào ngôi mộ đục sẵn trong núi đá nơi chưa chôn cất ai bao giờ” (Lc 23,54).
Như vậy, Đức Giêsu đã là một người nghèo, đúng hơn, một người nghèo theo lý tưởng, không vì nghèo theo xã hội, nhưng là cái nghèo của một “anawim,” “hiền lành và khiêm nhường trong lòng” (Mt 11,29), biết chia sẻ và hiệp thông.[4]

 
3.1. ​​​​​Cảm thức “NGHÈO”
 
Căn tính của đời tu chính là “hiến thân trọn vẹn để sống tin mừng một cách triệt để.” Thế nên, khi khấn khó nghèo người tu sĩ chấp nhận sự bấp bênh về những giá trị trần thế để hướng tới và làm chứng cho những giá trị cao cả vững bền. Mặt khác, trong một thế giới mà vấn đề phân phối tài nguyên thiên nhiên không đồng đều và việc chia sẻ của cải vật chất đang có tính phong trào, thì qua việc khấn khó nghèo, chúng ta có cơ hội dấn thân phục vụ và chia sẻ của cải với mọi người như Hiến pháp của dòng hướng dẫn: “Chúng ta sống nghèo không phải để tích trữ nhưng là để chia sẻ với những nhu cầu của Hội thánh, và nâng đỡ những người nghèo mà chúng ta phải yêu thương với  tâm tình của Chúa Kitô.”[5]

Như vậy, với sự thăng tiến của xã hội, người tu sĩ phải sống đức khó nghèo như thế nào để trở nên dấu chỉ cho con người thời đại. Lẽ nào người tu sĩ phải chọn cho mình một cuộc sống cơ cực hay bần cùng. Không, Thiên Chúa không muốn chúng ta sống một cuộc sống như thế. Ngài muốn chúng ta có một lối sống thanh thoát, tự do với mọi ràng buộc vật chất để hoàn toàn thuộc về Chúa trong mọi hoàn cảnh.

Tôi thiết nghĩ để sống lời khấn khó nghèo triệt để, chúng ta cần có một thái độ sống đúng đắn và ý thức ngay từ trong những chuyện nhỏ nhặt nhất. Chẳng hạn, ta cần khôn ngoan trong việc chi tiêu và sử dụng những vật dụng của nhà dòng, sử dụng tiết kiệm điện, nước, bột giặt, giấy, bút, sách, vở và những đồ dùng cá nhân của mình… Ngay cả việc phân loại rác trong sinh hoạt hằng ngày, có những loại còn sử dụng được, ta nên gom lại để cho những người thu mua ve chai hay những người thu gom rác hoặc những loại rác có thể đốt thì ta nên đem vào bếp… Nếu ta không có cảm thức nghèo trong “việc nhỏ” thì khó lòng “nghèo” trong những việc cao cả, vĩ đại. Bởi vì lối sống hưởng thụ, an nhàn và tiêu thụ ít nhiều đã len lỏi vào trong môi trường tu của chúng ta. Chúng ta luôn mong muốn có đầy đủ tiện nghi với ý hướng là để việc học hành và phục vụ tốt hơn… Nhưng ta lại sợ mất giờ và tỏ ra khó chịu khi có ai đó nhờ ta làm một việc gì và họ cần sự giúp đỡ của ta, thành thử ta trở nên “nghèo lòng bác ái,” nghèo tình yêu thương, sự khoan dung tha thứ, sự quan tâm, nhạy bén… trước nhu cầu của tha nhân.

Cũng vậy, tôi còn “nghèo” cả sự công bằng đối với chị em. Mỗi khi làm công tác chung, tôi thường là người xuất hiện sau cùng, bao giờ các chị em bắt tay vào làm việc từ rất lâu, lúc đó, tôi mới đủng đỉnh “ra quân.” Có khi tôi còn “nghèo” một lời nói cảm thông với chị em, khi tôi lên án chỉ trích hay nói xấu chị em. Bởi lẽ, tôi thiếu cảm thức thuộc về nhà dòng, thuộc về cộng đoàn, thuộc về chị em. Tôi cho mình cái quyền tự do muốn làm gì thì làm, ngại dấn thân, sợ khó, sợ khổ, cha chung không cần phải khóc, tôi chỉ cần làm xong bổn phận của tôi là đủ rồi… Tôi thiếu sự tự quyết trong công việc, chỉ biết sống dựa dẫm, lệ thuộc vào người khác, ai bảo sao thì làm vậy, không nói thì chẳng nhìn thấy việc gì để làm… Vì tôi sợ sẽ làm hỏng việc đó, tôi sợ bị khiển trách,…

 
  1. 3.2. Sống “NGHÈO” vì yêu
  2.  
Bên cạnh đó, có lẽ ở Việt Nam, người giáo dân còn quý trọng những người đi tu. Họ nghĩ rằng người nhà tu luôn đạo đức, thánh thiện và không có tiền. Cho nên họ thường “biếu xén” và dành tặng cho người tu sĩ quà này, cáp nọ. Nếu ta không khôn ngoan trong cách sử dụng của cải trần thế, thì ta sẽ lợi dụng lòng tốt của họ để mưu cầu lợi ích cho bản thân. Hơn thế nữa, nếu ta không đủ quyết đoán để phân định cái gì cần thiết ta nên có và cái gì ta muốn có, thì điều đó có thể là con dao hai lưỡi nguy hiểm mưu hại cho lời khấn khó nghèo của ta, vì “mưa dầm thấm lâu,” “thuốc bắc ngấm dần.” Cho dẫu những vật dụng đó vẫn còn sử dụng được nhưng ta vẫn muốn nhận cái sang hơn, xịn hơn… Điều này ngược hẳn với cách sống của Đức Giêsu: “Con Người đến không phải để được người ta phục vụ, nhưng là để phục vụ” (Mt 22,28; Mc 10,45).

Có lẽ, một số tu sĩ nghĩ rằng, đi tu không cần phải lao động để mưu sinh, mọi thứ nhà dòng đã mua sắm đầy đủ. Tuy nhiên, không phải tự dưng ta có thức ăn, nước uống hay những nhu cầu yếu phẩm dùng trong sinh hoạt hằng ngày. Do đó, người sống đời thánh hiến phải là những con người của phục vụ và bằng lòng với những gì mình có, không cho phép mình trở thành “chủ sở hữu tuyệt đối” của bất cứ điều gì. Hơn nữa, người tu sĩ phải mang trong mình tâm thức và tư thế sẵn sàng, dám khước từ của cải vật chất, danh vọng, lạc thú và sống khó nghèo như Chúa Giêsu, với một tình yêu vô vị lợi để đạt được hạnh phúc Nước Trời.

Khi nói đến đây, tôi nhận ra rằng chính tôi, vẫn chưa ý thức đủ về điều này. Thiết nghĩ, vì tôi đang sống trong môi trường cộng đoàn, được bao bọc bởi một cơ cấu, tổ chức hết sức chặt chẽ. Tất cả mọi việc đã có “Bề trên coi sóc,” “dì Giáo chăm nom”“quản lý đảm trách”[6]Tôi chỉ cần chu toàn công việc của mình, còn vấn đề kinh tế, tài chính đã có người đảm nhiệm. Do vậy, tôi thường thiếu “ý thức thuộc về,” thiếu trách nhiệm với việc chung. Vì tôi nghĩ rằng, điều đó không can hệ gì đến tôi, đó là bổn phận của những vị hữu trách.
Thật không có gì lạ vì đại đa số người tu sĩ sống trong nhà dòng, mọi thứ phương tiện cần thiết đã được nhà dòng chu cấp khá đầy đủ, có khi hơn cả ở gia đình,[7] nên có lẽ ta mất đi “cảm thức nghèo” của những con người sống trong xã hội. Vì thế, Cha Nguyễn Hồng Giáo, OFM nhận định: có một số tu sĩ sống với phong cách như “trưởng giả,” “sống amateur” (nghĩa là tài tử), xài của chung không phải mất đồng nào.[8] Hễ ai thiếu cái gì, chỉ việc đến xin Bề trên, dì Giáo hay Quản lý liền có ngay. Còn những người trong xã hội, họ phải đầu tắt mặt tối, bươn chải để giải bài toán kinh tế cho gia đình. Vì lẽ đó, người tu sĩ chẳng phải bận tâm lo lắng về vấn đề tài chính, thiếu trước hụt sau mà một số gia đình nghèo đang phải đối diện.

Dường như, đây không phải là điều mà Con Thiên Chúa mong muốn, khi Người từ bỏ địa vị cao sang, hạ cố xuống trần gian này. Tuy nhiên, sứ vụ ưu tiên của Người nơi trần gian là ưu tiên cho những người nghèo khổ, bị áp bức, những người thấp cổ bé miệng nhất trong xã hội… Chính vì thế, Đức Giêsu đã chọn lối sống giản đơn, đồng thời còn tìm cách giúp đỡ người khác: Người cho họ ăn, chữa bệnh, dạy dỗ, bênh vực những người cô thế cô thân… (Mt 14,13-21).

Hơn nữa, lời khấn khó nghèo về phương diện trần thế là sự tiết chế trong ăn uống, trong may mặc và mọi sinh hoạt hằng ngày. Nhưng đúng hơn, lời khấn khó nghèo hướng chúng ta đến gần Đức Giêsu hơn. Vì Người chính là sự giàu có đích thực mà mỗi người chúng ta luôn theo đuổi và mong muốn được theo sát Người. Sự giàu có của Người chính là tình yêu nhưng không, mà Người tặng ban cho nhân loại khi trao hiến chính bản thân mình, hóa mình ra không: “Đấng vốn dĩ là Thiên Chúa” mà đã hạ mình xuống, đã tự hủy mình ra không (Pl 2,6-11). Đây chính là cái nghèo tuyệt đối mà mỗi người thánh hiến tìm cách hướng đời mình đi tới trên con đường khiêm tốn, nghèo khó để thanh thoát theo sát Đức Giêsu và được nên một với Người.

Dĩ nhiên, khi cam kết sống nghèo khó, chúng ta dứt mình ra khỏi những ảnh hưởng của sức mạnh trần thế đang từng giây phút tác động trên cuộc sống, để đời dâng hiến của chúng ta thực sự minh chứng cho mọi người thấy những giá trị Tin Mừng trổi vượt hơn, thanh cao, tốt đẹp và đáng mơ ước hơn mọi giá trị trần gian. Điều này mỗi người chúng ta cần nghiệm xét nơi chính bản thân mình. Đời dâng hiến nếu không nêu cao được những giá trị đích thực của Tin Mừng, nhưng lại bị cuốn hút vào những giá trị trần thế thì đời sống dâng hiến của chúng ta chẳng còn gì để đáng sống nữa.

Nói như thế, không phải lời khấn khó nghèo diệt hết mọi giá trị trần thế, nhưng là đi theo hướng tích cực hơn, nghĩa là làm triển nở các giá trị Tin mừng trong cuộc sống và hướng dẫn mọi cung cách sống của chúng ta. Là tu sĩ, không phải chúng ta có khả năng để thực hiện, sở hữu hay chinh phục các giá trị trần thế, nhưng chúng ta tự nguyện sống nghèo khó bởi vì giá trị của nghèo khó không chỉ dừng lại ở sự hạn chế, mà chính là làm cho cuộc sống của chúng ta được phong phú và tròn đầy hơn nơi chính cuộc sống của Đức Kitô và để làm chứng về sự khó nghèo của Người Thầy chí thánh và tình yêu của Người đối với người nghèo nơi trần gian.


4. Thay lời kết
 
Chính vì vậy, lời khấn khó nghèo như là một thách đố, giúp tôi nỗ lực nên hoàn thiện mỗi ngày theo gương của Đức Giêsu. Qua đó, tôi nhận biết được chính mình và vượt qua con người yếu đuối giới hạn của mình, nhất là dám để cho Chúa Thánh Thần hướng dẫn. Từ đó, tôi có thể thắng vượt chính mình và sống niềm vui khó nghèo hầu làm triển nở đời sống dâng hiến của chính mình trên con đường nên thánh. Để làm được điều này, tôi phải biết tự đào luyện chính mình và cần có được sự tự do thẳm sâu trong tâm hồn. Nhờ đó, tôi sẽ can đảm, quảng đại và nhiệt thành hăng say dấn thân theo Chúa, luôn biết tin tưởng phó thác đời mình trong tình yêu quan phòng của Người. Đặc biệt, với lời khấn khó nghèo tôi tự nguyện sống nếp sống nghèo khó theo “quy luật và chuẩn mực”[9] của Đức Giêsu nghĩa là sống “lời khấn yêu thương”[10] và dấn thân phục vụ tha nhân giống như Đức Giêsu.
Đây chỉ là những cảm nghiệm rất riêng tư của người viết, để nói lên tâm tình cảm tạ tình thương mà Thiên Chúa đã ban cho tôi trong suốt hành trình dâng hiến và cũng là để tri ân Hội dòng đã thương đón nhận tôi. Nhất là tôi có cơ hội nhìn lại đời dâng hiến của mình, trong việc hoán cải và canh tân việc tuân giữ ba lời khấn và kỷ luật tu trì. Từ đó, tôi sẽ sống sung mãn và tròn đầy hơn trong đời tu, tôi dám sẵn sàng dấn thân phục vụ mọi người vì yêu mến Thiên Chúa và yêu thương tha nhân.

(chuyện vui) - vùng truyền giáo - ĐỨC GIÊSU LÀ AI? - Thi
 
[1] Học Viện Đa Minh, Những Văn Kiện Đời Tu, Theo Chúa Kitô, tập 1, 2006, tr 311.
[2] Ibid, tập 2, 2006, tr. 52.
[3] Ibid, tr. 54-55.
[4] José Cristorey and Garcia Paredes, cmf, Teologia de la Vida Religiosa, (Đời Tu: Các lời khuyên Phúc Âm, Dg. Giuse Đỗ Ngọc Bảo O.P., 2007, tr 121).
[5] Hiến Pháp Chị Em Đa Minh Việt Nam, số 21/3.
[6] X. Lm Nguyễn Hồng Giáo OFM, Chúa Gọi Tôi Đi Theo Người, Nxb Phương Đông, 2009, trang 174.
[7] Ibid, trang 173.
[8] Ibid, trang 174.
[9] X. José Cristorey and Garcia Paredes, cmf, Teologia de la Vida Religiosa, (Đời Tu: Các Lời Khuyên Phúc Âm, Dg. Giuse Đỗ Ngọc Bảo OP, 2007, trang 158).
[10] Ibid, trang 156.
 
   Sương Đêm
 
114.864864865135.135135135250