18/05/2016 -

Tiền Tập Viện

1038
Chúa gọi- con thưa

 
(Thánh sử Matthêu)
Maria Nguyễn Thái
 
 
Thánh sử Matthêu là một người Do Thái, con ông Anphê (Mc 2,14). Ngài còn có tên khác là Lêvi, là quan viên thu thuế  tại Capharnaum. Ngài đã được Chúa Giêsu gọi cách lạ thường (Mc 2,13; Mt 9,9 ; Lc 5,27). Mỗi khi nói về thánh sử Matthêu lại hiện lên trong tôi một thái độ sẵn sàng từ bỏ để đi theo Chúa.

            Cuộc đời của thánh nhân là việc đáp lại lời mời gọi của Chúa. Với ánh mắt yêu thương của Chúa đã làm cho thánh nhân có một thái độ từ bỏ dứt khoát, thánh sử Luca kể lại: “Ông bỏ tất cả, đứng dậy đi theo Người ” (Lc 5,28). Đúng thế, thánh Matthêu đã bỏ một nghề thu cho mình nhiều lợi nhuận, những người làm nghề thu thuế như Matthêu bị đồng bào ghét bỏ, vì họ đã cộng tác với chính quyền ngoại xâm, đàn áp, bóc lột dân lành, nhất là họ dùng những thủ đoạn gian dối để làm giàu trên mồ hôi, nước mắt của người khác, vì thế mà những người thu thuế thời Chúa Giêsu được coi như những người phản bội, kẻ bán nước và họ được xếp vào hàng người tội lỗi, cần tránh. Còn trong con mắt của những kinh sư và những người biệt phái, những người thu thuế được coi là hạng người “nhơ uế” và bị loại ra khỏi xã hội; họ bị mọi người khinh bỉ, ghét bỏ, kết án và loại trừ...

            Thế nhưng, với Chúa Giêsu, Ngài không nhìn theo cái nhìn bên ngoài; Ngài đã gọi thánh nhân từ chính con tim, từ lòng xót thương bên trong. Sau khi được Chúa gọi trở nên môn đệ của Chúa, thánh nhân đã tổ chức một bữa tiệc “chia tay” tại nhà mình, qua thái độ này giúp tôi hiểu rằng : đây có thể là bữa tiệc chia tay với con người cũ, với công việc cũ, với nghề nghiệp cũ của ngài hay nói đúng hơn là bỏ con đường xưa cũ trước đây, để bắt đầu bước vào một hành trình mới, một lời mời gọi mới với con người mới, tình yêu mới, sứ vụ mới mà Chúa Giêsu muốn ngài thực hiện.

Matthêu đã thực tình nhận biết chân lý khi ngài nhìn thấy Chúa, bắt gặp ánh mắt yêu thương, đã gặp được, đụng chạm đến vị thầy thuốc, vị lương y từ mẫu đã chữa cho tâm hồn ngài được sạch khỏi những vết nhơ tội lỗi.

            Với lối nhìn đức tin, quả thật, thánh Matthêu không chỉ dọn cho Chúa Giêsu một bữa ăn “vật chất”, nhưng cao cả hơn đó là một bữa ăn “tinh thần”, một cuộc tiếp đón như dấu chỉ mở cửa tâm hồn  đón mời Chúa như lời Ngài: “Này ta đứng trước cửa mà gõ, nếu ai nghe tiếng Ta mà mở cửa, Ta sẽ vào nhà dùng bữa với người ấy” (Kh 3, 20). Matthêu đã nghe tiếng gõ cửa “tâm hồn” nghe được tiếng gọi của Chúa và chính Chúa đã vào để cùng dùng bữa với thánh nhân, từ đó, ngài đã có một sự thay đổi tận căn: Ngài bỏ hết tiền tài, bỏ luôn cả nghề nghiệp...để chạy theo “Chủ Nhân” mới. “Chủ Nhân” mới này không phải là tiền tài, danh, lợi...mà đó là chính Chúa Giêsu- vị chủ nhân của tình yêu và sự tha thứ.

Như vậy ta thấy rõ, chính thái độ sẵn sàng tữ bỏ tất cả để theo Chúa, thánh Matthêu đã chuyển nghề nghiệp cũ của mình vào việc phục vụ mới : từ người kế toán thành người viết Tin Mừng, ngài đã để lại cho Giáo Hội một kỷ vật vô giá đó là Tin Mừng theo thánh Matthêu. Chính cha thánh Đa Minh khi ra đi rao giảng Tin Mừng, cha đã chọn Tin Mừng của thánh Matthêu và 14 thư của thánh Phaolô, đó là những hành trang quý báu và cần thiết nhất. Nhờ những trải nghiệm với Chúa mà ngài đã viết ra những trang Tin Mừng bất hủ.

Thánh Matthêu đã để lại cho chúng ta mẫu gương về một thái độ sẵn sàng từ bỏ mọi sự theo Chúa. Nhìn xã hội hôm nay, việc từ bỏ xem ra là một điều rất nghịch lý, bởi con người đã gắn kết với tình cảm của gia đình, của bạn bè, của nghề nghiệp...hay bởi những của cải đã dính bén với họ; tất cả những điều đó đã là một phần không thể thiếu, không thể tách rời trong cuộc sống của họ. Còn với những người Kitô hữu, đặc biệt là những người đang sống đời thánh hiến, họ đã có thái độ từ bỏ như thế nào để theo Chúa ? Phải chăng, họ đã dám nói không với ba T  là “tình ;tiền; tài”. Điều đó đã giúp họ sống thanh thoát hơn với sự đời, bởi cuộc sống là một sự nối kết giữa nhiều yếu tố khác nhau. Vì vậy, việc từ bỏ nơi người tu sĩ cũng là một sự khước từ thế gian, hiểu theo nghĩa thiêng liêng, thì việc từ bỏ muốn nói tới ở đây đó là từ bỏ cái “tôi”.

Cái tôi kiêu căng sắc sảo, thành tôi sắc tối
Cái tôi huênh hoang tôi huyền, thành tôi huyền tồi
Cái tôi tự ái nặng nề, thành tôi nặng tội
Cái tôi khiêm tốn mỉm cười, đơn giản tờ...ôi tôi
                                                (Lời một bài hát)

            Để làm được điều đó đòi hỏi một sự hy sinh rất lớn và một quyết tâm cao độ. Nhưng trước hết, phải nhờ ơn Chúa soi dẫn, giúp sức qua đời sống cầu nguyện, suy niệm, lắng nghe và thi hành Thánh ý Chúa ta mới đạt được tới sự từ bỏ dứt khoát và mãnh liệt.

            Còn với tôi và bạn thì sao? Chúa Giêsu đang mời gọi tôi và bạn bước vào hành trình của tình yêu, hành trình dâng hiến cũng giống như Ngài lên tiếng gọi thánh Matthêu : “Anh hãy theo tôi, ông đứng dậy đi theo Người ”(Mc 2, 14). Vậy, chúng ta đã và đang có thái độ nào ? Chúng ta đã sẵn sàng bước vào trận chiến của tình yêu hay còn do dự, sợ hãi, tính toán...chưa dám dấn thân hay từ bỏ hoàn toàn để sẵn sàng thưa “Lạy Chúa, này con đây xin hãy sai con.

            Trong hành trình dâng hiến, với thái độ sẵn sàng từ bỏ để theo Chúa quả là một đòi hỏi  “cấp bách” nơi mỗi tu sĩ hôm nay, bởi cuộc sống, bởi xã hội, môi trường và cả thói quen cũng  ảnh hưởng trên cuộc sống tu trì. Vì có nhiều điều cần lựa chọn, có những khi chúng ta bị lôi kéo vào việc bổn phận, những nỗi lo lắng, bận tâm...trong cuộc sống mà quên đi việc tìm kiếm “chân, thiện, mỹ ” nơi Chúa, tìm sự thinh lặng nội tâm để nghe Chúa lời mời “Hãy theo Thầy.

            Thánh Matthêu là mẫu gương cho chúng ta về sự từ bỏ, sẵn sàng theo Chúa. Nơi thánh nhân có từ bỏ mọi sự để theo Chúa không chút đo dự, tính toán, đó cũng là động lực cho bạn và tôi hoàn toàn phó thác đời mình cho Chúa. Ước mong mỗi người chúng ta biết tìm về nguồn sống, tìm về chính sức mạnh của tình yêu nơi bí tích Thánh Thể, để lắng nghe và hiểu được giá trị lời mời gọi của Chúa. Từ đó, chúng ta sẵn sàng thưa “xin vâng” để đem tình yêu, lòng thương xót của Chúa đến đến với tha nhân và thể hiện lòng thương xót, sự tha thứ và tình yêu Chúa trong cuộc sống. Đặc biệt, trước hết và gần nhất đó là nơi những chị em sống xung quanh.
 

 
114.864864865135.135135135250