01/02/2017 -

Tiền Tập Viện

2887
Gia đình Tiền Tập đi thăm các mái ấm dịp Tết

GIA ĐÌNH TIỀN TẬP ĐI THĂM CÁC MÁI ẤM DỊP CUỐI NĂM

Ngày 22 – 1, gia đình Tiền Tập chúng tôi  đã có dịp đi đến thăm những mái ấm, nơi đang nuôi dậy những trẻ em bị bỏ rơi, những em bị bại não, những bà bầu lỡ bước, những người bị tâm thần và những người già neo đơn không con cái chăm sóc. Đến đây chúng tôi mới thấy được những mảnh đời bất hạnh, những con người đang phải chống chọi với những cơn đau của thể xác hành hạ từng ngày. Bên cạnh đó, ở nơi đây chúng tôi cũng đã được gặp những người đang ngày đêm âm thầm, hy sinh bỏ công, quên mình để phục vụ trong những mái ấm. Họ phục vụ tất cả vì tình thương và có những người đã ở trong  mái ấm được 11 năm, 17 năm và sẽ ở hết cả cuộc đời.

 

Trước khi lên đường

Theo lịch trình, chúng tôi sẽ đến 3 điểm là: Long Thành, Bình Thuận và Trảng Bom. 6h30 xe khởi hành từ Thủ Đức, dọc theo tuyến Quốc Lộ 1A, địa điểm đầu tiên chúng tôi dừng chân đó là Chùa Diệu Pháp thuộc Ấp Tân Cang -  Phước Tân -  Long Thành - Đồng Nai.

Đón tiếp chúng tôi là Ni Sư Huệ Đức, trụ trì của Chùa cùng với Sư Thầy Pháp Thiện là người đang cùng Ni Sư coi sóc mái ấm. Sư Thầy đã giới thiệu và dẫn chúng tôi đi thăm từng khu, từng phòng mà mái ấm hiện đang nuôi dưỡng. Theo lời Sư Thầy, nơi đây hiện đang nuôi dưỡng trẻ em bị bỏ rơi, những trẻ em bị khuyết tật, những em bị bại não, cũng có một số ít người bị tâm thần và các bà bầu và người già neo đơn. Mỗi em mỗi hoàn cảnh khác nhau, có em thì mẹ đẻ lọt trong Tollet, rồi bỏ em lại cho Sư Thầy mà ra đi, có em thì mẹ đi làm và có bầu với bố là người Trung Quốc, khi sinh ra cũng bỏ em lại. Nhưng đa số các em đều bị bỏ trước cổng Chùa từ khi lọt lòng và hầu như không biết cha mẹ của em là ai. Thầy còn cho biết  khi mang các em về nuôi, bé rất bình thường nhưng được một thời gian thì thấy thân hình bé phát triển nhưng đầu thì đã có vấn đề. Khi được mang tới bệnh viện thì được biết bé đã bị bại não, nguyên nhân chính là do người mẹ của bé đã dùng thuốc tránh thai quá liều hoặc do người mẹ khi có bầu sợ bị phát hiện nên đã nịt bụng cho tới ngày sinh nên để lại di chứng cho các em như bây giờ.



 

Những em bị bại não

           Chúng tôi còn được biết, những người đang phục vụ ở đây là những người đều có hoàn cảnh, do vợ chồng ly dị, hay không có nhà cửa hoặc là những phụ nữ không nơi nương tựa, để họ có thể cảm thông và đồng cảm với những nỗi đau khổ mà những con người ở nơi đây đang phải chịu, có những người đã phục vụ trong mái ấm này được mười bảy năm và họ sẽ còn tiếp tục ở đây để phục vụ cho đến hết đời.

Trước khi rời xa mái ấm Diệu Pháp, Sơ Ngọc Lan đã thay lời để cảm ơn vì sự đón tiếp chu đáo của Ni Sư. Sơ nói rằng “chúng con rất ngạc nhiên và khâm phục những thành quả giáo dục của mái ấm” vì sau hơn ba mươi năm nuôi dậy, từ mái ấm đã tạo ra cho xã hội biết bao nhiêu người thành tài. Có người bây giờ đã là Kỹ sư, là Bác sĩ, là Dược sỹ... và đã có công việc làm ổn định. Đồng thời cũng chúc cho mái ấm có một mùa xuân thật hạnh phúc và đặc biệt ngày càng có nhiều nhà hảo tâm giúp đỡ để các em ở đây có được một cuộc sống tốt đẹp hơn.

 

   Tạm chia tay với mái ấm Diệu Pháp, chúng tôi tiếp tục đến với điểm thứ 2 như đã dự định. Sau hơn 2h đồng hồ, chúng tôi đã đến được Chùa Thiện Tâm ở Bình Thuận.

 

Ở nơi mái ấm này, đón chúng tôi là Sư Thầy Thích Lệ Tâm, thầy là trụ trì của Chùa và cũng là Giám đốc trung tâm bảo trợ xã hội mái ấm Thiện Tâm. Thầy cho biết, ở đây hiện đang nuôi dưỡng 83 em nhỏ nhưng có tới hơn 65 em hoàn toàn không biết bố mẹ là ai vì các em đều được bỏ ở trước cổng Chùa, sáng sáng Sư Thầy mở cửa thấy các em thì mang về nuôi. Trong số đó có 9 em bị khuyết tật như câm, điếc, chậm phát triển và có một số em hiện đang bị bệnh úng thủy não.

                      

Như thầy kể lại thì có trường hợp em bé bị bỏ vào thùng giấy rồi đặt bên vệ đường, người dân thấy liền báo lại cho chính quyền. Có một cặp vợ chồng muốn nhận nuôi em và đã được chính quyền đồng ý. Nhưng một thời gian thấy em thường hay bị sốt co giật, mang em lên bệnh viện thì mới biết em đã bị úng thủy não. Vợ chồng này liền mang trả em lại cho chính quyền nhưng chính quyền từ chối và không nhận. Sư Thầy Thích Lệ Tâm nghe nói thế liền đến nhận em về nuôi nhưng hiện giờ bệnh của em cũng chưa có điều kiện để chữa trị.

 

Bé bị bỏ vào thùng giấy bên vệ đường, bệnh của em chưa có điều kiện để chữa trị

 Khi được hỏi khó khăn của mái ấm ở đây là gì thì Sư Thầy chia sẻ. Đó là sự cố gắng của chính bản thân, phải yêu thương, chăm sóc các bé sơ sinh là rất vất vả, nhất là vào đêm hôm khi các em bị bệnh bất chợt, phải đưa các em đến bệnh viện ngay hoặc có những đêm các em không ngủ, thầy lại cùng thức để chăm sóc và chơi cùng các em. Nguồn thu nhập chính của mái ấm chỉ là từ các cây ăn quả mà thầy đã ươm trồng trong vườn như Xoài, Quýt, Thanh Long và nhờ vào sự trợ giúp của các tổ chức từ thiện và các ân nhân. Thầy luôn ước mong mọi người hãy quan tâm và giúp đỡ các em, các em cần vật chất để tồn tại nhưng các em cần sự quan tâm về tinh thần hơn hết, cần sự yêu thương, đồng cảm của mọi người. Số phận của các em không may mắn thì mong cho tương lai của các em được tốt đẹp nhờ vào tấm lòng của các vị ân nhân.

 Trước khi rời mái ấm Thiện Tâm, Sơ Ngọc Lan cũng thay lời để cảm ơn sự đón tiếp ân cần của Sư Thầy, Sơ cũng cầu chúc cho mái ấm có một mùa xuân thật ấm no và ngày càng có nhiều nhà hão tâm rộng tay chia sẻ cùng mái ấm trong việc chăm sóc các em. Để đáp lời, Sư Thầy cũng hết lòng cảm ơn Quý thầy, Quý sơ và Hội bác ái Phanxicô đã luôn đồng hành và giúp đỡ mái ấm trong suốt thời gian qua.

 

 Chia tay với mái ấm Thiện Tâm, quay ngược lại Sài Gòn, chúng tôi đến với điểm cuối cùng trong cuộc hành trình đó là mái ấm Phan Sinh tại thôn Tây Lạc - ấp Lan Chu - Bắc Sơn -Trảng Bom – Đồng Nai.

 

 

Mái ấm hiện do thầy Bùi Văn Châu coi sóc. Qua thầy chúng tôi được biết ở đây hiện đang nuôi dưỡng trên 120 trường hợp, đa số là bị tâm thần, bất toại toàn thân hoặc liệt nửa người và những cụ già neo đơn. Họ đều là những người bị bỏ rơi hoặc do gia đình mang vào nhưng cũng không còn quan tâm, chăm sóc.

 Theo lời thầy, hầu như ở đây là người bị tâm thần, từ trẻ tới già và có cả trai lẫn gái. Vì không làm chủ được ý thức của mình nên những người bệnh thường lên cơn bất thường như hét to, phá phách nên thầy phải dùng đến xích hoặc dây để cột một tay hoặc chân người bệnh vào giường. Vì nằm một chỗ nên mọi sinh hoạt cá nhân đều phải có người giúp đỡ. Thầy kể rằng, ngày mái ấm mới thành lập, một tay thầy phải lo hết cho họ, từ tắm giặt, ăn uống và vệ sinh cá nhân. Ngay cả chuyện của phụ nữ đến kỳ cũng là một tay thầy làm cho họ.

Ông Hai mù, người đang được chăm sóc tại mái ấm cho biết, ông vào đây đã được 8 năm. Năm 1972 ông bị thương di chiến tranh, đến năm 1975 ông bị mù hoàn toàn và vợ con cũng rời xa ông từ đấy. Ông về sống cùng bố mẹ cho tới năm 2008 mới được giới thiệu để vào sống trong mái ấm. Ông là người ngoại đạo nhưng vào đây ông đã được rửa tội. Ông cho biết, ở đây ai cũng yêu thương và chăm sóc ông rất tốt. Ông cảm ơn mái ấm đã cho ông được an hưởng tuổi già trong niềm vui và hạnh phúc thật sự.

     Hiện tại mái ấm có 5 Sơ Dòng Nô tỳ Thánh Tâm Chúa Giêsu và một số anh chị em giáo dân đang phục vụ. Công việc của họ là nấu cơm, tắm rửa, dọn dẹp và đút từng muỗng cơm cho những người bệnh vì họ không còn có thể tự phục vụ mình được nữa. Lần đến thăm này chúng tôi có cơ hội được nhìn thấy tận mắt những người đang phải đau đớn để chống chọi với những căn bệnh thể xác đồng thời cũng thấy được những hy sinh của những người đang phục vụ tại đấy.   

                                                                             

     Trước khi chia tay với mái ấm, chúng tôi được thầy Bùi Văn Châu chia sẻ: Có rất nhiều nhà hão tâm đến với mái ấm nhưng họ đều cho rằng đầu tư vào đây không có tương lai, hiện giờ mái ấm chưa có tổ chức từ thiện nào cố định, có một số ít các ân nhân giúp đỡ và chỉ có mình Hội bác ái Phanxicô là luôn đồng hành và chia sẻ cùng mái ấm trong suốt thời gian qua. Thầy cũng hết lòng cảm ơn các quý vị ân nhân đã giúp đỡ để thầy có thể chăm lo tốt cho mái ấm, thầy cũng cảm ơn Hội bác ái Phanxicô đã chia sẻ khó khăn cùng mái ấm.  Thầy ước mong ngày càng có thật nhiều những tấm lòng quảng đại rộng tay chia sẻ với những ai kém may mắn trong xã hội, để giúp họ có một cuộc sống tốt đẹp hơn.



Dọn dẹp trước khi ra về

     Sơ Ngọc Lan cũng thay lời cho tất cả chị em chúng tôi để cảm ơn thầy vì đã cho chúng tôi có cơ hội được đến với mái ấm, để nhìn thấy, để cảm nghiệm những nỗi đau đớn cùng cực của những con người đang mang trong mình những bệnh tật mà không có phương thuốc cứu chữa. Và cũng để thấy được những người đang quên mình đi để phục vụ người khác. Gia đình Tiền Tập chúng tôi cũng cầu chúc cho thầy và mái ấm có một cái tết thật vui và ý nghĩa trong tình Chúa và tình người.

      Kết thúc một ngày được ra đi, chúng tôi quay trở về với nơi mà chúng tôi đang ở hiện tại, có lẽ trong lòng ai cũng có những điều thổn thức thật khó diễn tả nên thành lời. Riêng đối với tôi hôm nay thật sự là một ngày đặc biệt, tôi đã được tận mắt nhìn những em bé không cha, không mẹ, những người đang mang trong mình những căn bệnh khó chữa, những cụ già neo đơn không con cái. Tôi đã thấy mình thật may mắn biết dường nào. Tôi bỗng nhớ tới lời bài hát “Màu trắng, màu đen” trong đó có đoạn hát rằng : Hãy yêu nhau đi  như  chính ta yêu thương mình, màu đen họ đã ghánh lấy, còn màu trắng thì dành phần ta. Hãy yêu nhau đi như chính ta yêu thương mình và hãy yêu nhau đi vì ngày mai ai cũng sẽ trở về với cát bụi”. Vâng ! hãy yêu nhau đi, hãy yêu lấy những con người kém may mắn trong xã hội, hãy yêu lấy những mảnh đời bất hạnh và không có nơi nương tựa. Hãy tạo điều kiện cho họ có một cuộc sống tốt đẹp hơn. Chúa đang ở trong những người biết rộng tay chia sẻ với những bất hạnh mà các em đang phải chịu, Chúa đang ở trong những người đang nhiệt tâm phục vụ trong các mái ấm và Chúa đang ở trong tất cả mọi người và ở trong chị em chúng tôi. Hãy chung tay để làm cho những người kém may mắn có một cuộc sống tốt đẹp và có hy vọng vào tương lai tươi sáng.

                                                                                                                                                                                 Gia đình Tiền Tập Viện

114.864864865135.135135135250