14/07/2020 -

Tiền Tập Viện

3212
Kỷ luật tu trì trong đời sống của người tu sĩ

Từ những cái khuôn thô cứng, những người thợ gốm đã có thể làm nên được rất nhiều đồ dùng đẹp và hữu ích như: chén, tô, ly, ấm nước. Một cách tương tự, để trở thành một người tu sĩ, ta cũng cần phải dùng đến những cái khuôn mà một trong những cái khuôn đó chính là: Kỷ luật. Vậy ta hãy tìm hiểu xem kỷ luật tu trì có ý nghĩa gì trong đời tu? Người tu sĩ cần giữ kỷ luật với thái độ nào? Và việc tuân giữ kỷ luật tốt sẽ đem lại lợi ích gì cho người tu sĩ?

Ý nghĩa của kỷ luật trong đời tu là gì?

Hiến Pháp số 55 của chị em Đa Minh đã nói về ý nghĩa của kỷ luật tu trì: “Nội vi, thinh lặng, tu phục và khổ chế là những phương thế hữu hiệu, giúp chúng ta trung thành với ơn gọi theo sát Chúa Kitô, và đạt được nhiều thành quả trong đời sống tông đồ.” Như vậy, kỷ luật chính là phương thế tuyệt hảo để giúp người tu sĩ trung thành với lý tưởng theo sát Chúa Kitô và thu được những hoa trái tốt đẹp trong sứ vụ tông đồ. 

Với ý nghĩa như trên, chúng ta thấy kỷ luật thật cần thiết trong đời sống người tu sĩ vì nếu không có kỷ luật, người tu sĩ thật khó giữ sự trung thành trong ơn gọi theo sát Chúa Kitô và thực thi sứ vụ tông đồ cách tốt đẹp. Đời sống thực tế cũng đã cho thấy rằng, khi người tu sĩ không tuân giữ kỷ luật, họ dễ dàng buông mình sống theo tự do, hành động theo sở thích và theo đuổi ý riêng hơn là tìm kiếm để thi hành ý Chúa. Sau cùng sứ vụ tông đồ họ làm cũng chẳng vì vinh danh Thiên Chúa mà chỉ vì bản thân. 

Cần giữ kỷ luật với thái độ nào?

Chắc chắn việc giữ kỷ luật của người tu sĩ không giống với việc giữ luật ở các công ty, xí nghiệp hay tập thể ngoài xã hội vì họ chỉ cần tuân thủ theo đúng hình thức, còn người tu sĩ không chỉ tuân giữ kỷ luật bên ngoài, mà còn cần có cả tâm tình yêu mến bên trong thì mới làm cho việc giữ luật trở nên trọn hảo, đồng thời thánh hóa chính bản thân người tu sĩ trở nên thánh thiện. 

Việc giữ kỷ luật để bước theo Chúa Kitô đòi hỏi một sự từ bỏ lớn lao, đó là từ bỏ chính mình như lời Chúa nói: “Ai muốn theo Thầy, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình mà theo” (Mt 16,24). Người tu sĩ khi vâng giữ kỷ luật phải từ bỏ con người cũ, con người tự nhiên của mình với những ích kỷ, lười biếng, tự mãn, hưởng thụ, dễ dãi với chính mình, cùng những thói quen không phù hợp trong đời tu… Đồng thời đón nhận những thập giá trong đời sống hàng ngày của mình để bước theo Chúa. 

Cần hiểu rõ ý nghĩa của kỷ luật và tuân giữ với lòng yêu mến, lúc đó kỷ luật sẽ gúp ta thăng tiến trong tình yêu mến Chúa, yêu mến Hội dòng, và yêu mến ơn gọi Chúa dành riêng cho ta. Khi yêu mến, ta sẽ tuân giữ kỷ luật cách chu đáo, tận tình vì: “Nếu anh em yêu mến Thầy, anh em sẽ giữ các điều răn của Thầy (Mt 14,15).

Cần chân thật, khiêm tốn lắng nghe sự góp ý, nhắc nhở của những người có trách nhiệm và của chị em để nhận ra những thiếu sót của bản thân và sửa đổi để tránh đi vào những con đường sai lầm. Ta cũng có thể học hỏi kinh nghiệm, noi gương những chị em có đời sống kỷ luật tốt.

Hơn hết, chúng ta cần ý thức sự yếu đuối, dễ sa ngã của mình để xin ơn Chúa giúp ta trung thành và mạnh mẽ trong việc tuân giữ kỷ luật “vì không có Thầy, anh em chẳng làm gì được” (Ga 15,5).

Giữ kỷ luật sẽ đem lại lợi ích gì?

Trước hết, việc tuân giữ kỷ luật giúp người tu sĩ xây dựng đời sống của mình trong một khuôn khổ nề nếp vững chắc, an toàn: “Mình giữ luật, luật sẽ giữ mình.” Vì thế, không thể có một tu sĩ sống ngoài kỷ luật. 

Kế đến, việc tuân giữ kỷ luật giúp người tu sĩ sống đẹp lòng Chúa, thể hiện tình yêu đối với Chúa và trung thành với ơn gọi của mình. Tình yêu sẽ làm cho việc tuân giữ kỷ luật của người tu sĩ trở nên có giá trị, có ý nghĩa và đẹp lòng Chúa. Thái độ tuân giữ kỷ luật như thế cũng khiến người tu sĩ cảm thấy vui và hạnh phúc, chứ không thấy phải luật là gánh nặng. Chúng ta cũng không nên có thái độ xét đoán người khác khi họ chưa giữ kỷ luật tốt, nhưng hãy có sự cảm thông nâng đỡ để cùng giúp nhau giữ kỷ luật cách trọn hảo. Vì chính bản thân ta nhiều lúc cũng yếu đuối cần đến sự nâng đỡ của chị em.

Sau cùng, khi chúng ta yêu mến và tuân giữ kỷ luật, chúng ta sẽ được chính Thiên Chúa yêu mến như lời Chúa nói: “Ai có và giữ các điều răn của Thầy, người ấy mới là kẻ yêu mến Thầy. Mà ai yêu mến Thầy, thì sẽ được Cha Thầy yêu mến. Thầy sẽ yêu mến người ấy, và sẽ tỏ mình ra cho kẻ ấy.” (Ga 14,21)

Còn gì hạnh phúc hơn là được Thiên Chúa yêu mến và được Chúa Giêsu tỏ mình ra vì khi có Chúa, chúng ta sẽ có được bình an thực sự trong tâm hồn. Ước mong mỗi người tu sĩ luôn yêu mến và vâng giữ kỷ luật cách trọn hảo để được kỷ luật nâng đỡ và dẫn đưa đến sự hoàn thiện trong đời tu.

 
Maria Mỹ Hương
 
114.864864865135.135135135250