28/10/2020 -

LỜI KINH và Ý NGHĨA

2599
Kinh Cầu Trái Tim Rất Thánh Đức Bà
Kinh Cầu Trái Tim Rất Thánh Đức Bà[1] 
Mời bấm vào đây để nghe

Việc tôn sùng Trái Tim rất thánh Đức Mẹ dựa trên nền tảng Kinh Thánh. Tin Mừng theo Thánh Luca đã hai lần nhắc đến Trái Tim Mẹ Maria ở Lc 2,19 và Lc 2,51. Chính Trái Tim Mẹ đã đáp trả thánh ý Thiên Chúa bằng tiếng “xin vâng”[2] cụ thể qua lời thưa với sứ thần trong biến cố Truyền Tin. Do sự ưng thuận vì tình yêu, Mẹ Maria trước tiên đã cưu mang Đức Giêsu trong trái tim mình và rồi cũng cưu mang Đức Giêsu trong cung lòng của Mẹ. Kêu cầu Trái Tim rất thánh của Mẹ là kêu cầu Đấng Cứu Chuộc trong cung lòng Mẹ.

Theo lịch sử Giáo hội, việc tôn sùng Trái Tim rất thánh Đức Mẹ được khởi nguồn với nhiều sử gia: Đầu tiên, vào thế kỷ XII với thánh Anselmo (1109), thánh Bernardo (1153); thế kỷ XIV với thánh Bernadino - Siena (1380-1444); thế kỷ XVII với thánh John Eudes (1601-1680); thế kỷ XIX với thánh Catarina Laboure (1830) và ở thế kỷ XX qua việc hiện ra của Đức Mẹ tại Fatima (1917). Công Đồng Vaticano II cũng đã dành một phần đặc biệt cho việc sùng kính Trái Tim rất thánh Đức Mẹ Maria.

Giáo hội Việt Nam có lòng sùng kính Mẹ Maria một cách rất đặc biệt, vì thế trong kho tàng kinh đọc ngoài “kinh cầu Đức bà” còn có riêng một “kinh Cầu Trái Tim Rất Thánh Đức Bà” để ca khen Mẹ.Hôm nay ngày lễ đặc biệt Mừng biến cố Thiên Thần Truyền Tin cho Mẹ, biến cố mà Mẹ phải trả lời với Chúa một câu trả lời bằng cả trái tim, chúng ta mừng Mẹ, ca khen Mẹ và gẫm suy lời kinh để cảm nghiệm tình yêu Thiên Chúa tuôn đổ cho chúng ta qua Mẹ.

Cấu trúc “kinh Cầu Trái Tim Rất Thánh Đức Bà” cũng giống các kinh cầu khác ở phần đầu. Trong phần này chúng ta cầu xin Chúa thương xót và tuyên xưng đức tin vào mầu nhiệm một Chúa Ba Ngôi. Kế đến là phần chính của kinh cầu, phần này gồm 16 câu ca khen Trái Tim rất thánh Đức Mẹ. Những lời ca khen được thâu tóm lại trong suốt chiều dài của lịch sử về các vấn đề của Thánh Mẫu học, các tín điều về Đức Mẹ.

Lời kinh đã:ca khen Mẹ chẳng hề mắc tội tổ tông truyền; ca khen Mẹ đầy ơn phúc; ca khen Mẹ là tòa xứng đáng cho Đức Chúa Trời Ba Ngôi ngự; ca khen Mẹ là hòm chứa Đấng Cứu Thế; ca khen Mẹ hằng đẹp lòng Đức Chúa Trời, Mẹ rất khiêm nhường, Mẹ đã thông hiệp làm một cùng Đức Chúa Giêsu, Mẹ hay thương xót mọi người, Mẹ hay yên ủi kẻ âu lo, Mẹ cầu bầu cho kẻ có tội và phù hộ cho kẻ lành, Mẹ bầu cử cho Hội Thánh và các tín hữu, Mẹ làm cho kẻ mong sinh thì được cậy trông, Mẹ là Nữ Vương các thánh Thiên thần và các Thánh Nam Nữ. Câu cuối cùng của phần kinh ca khen là tôn vinh Mẹ với tước hiệu trọng đại nhất: Lạy Trái Tim rất thánh rất đáng mến Đức Bà Maria Mẹ Đức Chúa Trời, xin cầu cho chúng con. Để lòng chúng con được sốt sáng mến Chúa như Đức Mẹ.

Thánh Gioan Vianney dạy chúng ta rằng: “Trái Tim của Mẹ Maria là tất cả tình yêu và thương xót. Mẹ chỉ ước mong nhìn thấy chúng ta hạnh phúc. Chúng ta chỉ cần quay về với Mẹ để được người lắng nghe” (1859)
[3]. Vì thế, hãy quay về bên Mẹ bằng lời kinh kêu Cầu Trái Tim Mẹ. Thánh Peter Julian Eymard cũng dạy: “Những ai muốn hiểu những bí mật thâm sâu của Tình Yêu Thiên Chúa và những nhân đức được dấu ẩn trong Thần Tính của Chúa Giêsu, phải học chúng qua tấm gương phản chiếu là Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội của Mẹ Maria.”[4] Ước gì chúng ta cũng nhắc nhở mình siêng năng đọc lời kinh, để chiêm ngắm và học nơi Mẹ.

Mừng Mẹ trong ngày lễ hôm nay, chúng con tạ ơn Chúa lòng lành vô cùng, Đức Chúa Giêsu là Con Chúa cùng là Con Rất Thánh Đức Mẹ có lòng thương chúng con thế nào, thì Chúa cũng làm cho Rất Thánh Đức Bà được lòng thương chúng con thế ấy; vì vậy, chúng con xin Chúa ban ơn cho những ai có lòng sốt sáng tôn kính Trái Tim cực thanh cực sạch Rất Thánh Đức Mẹ, được hợp một ý một lòng cùng Đức Chúa Giêsu, là Đấng hằng sống hằng trị làm một cùng Đức Chúa Cha và Đức Chúa Thánh Thần đời đời chẳng cùng. Amen.

Xin tri ân mẹ Giáo hội đã dọn cho chúng con những lời kinh xinh đẹp để mỗi ngày trong mỗi hoàn cảnh con ca tụng Chúa, và mỗi ngày trong mỗi cuộc đời, chúng con luôn có Mẹ ở bên.

[1] Lịch sử“Việc tôn sùng Trái Tim Vô Nhiễm Mẹ Maria”, Lm. Matthew R. Mauriello, Maranatha dịch.
http://tinmung.net/trang%20cua%20me%20maria/Cac-Le-Ve-Me/Trai-Tim-Me/ViecTonSungTTDM.htm
[2] Lc 1,38
[3] Đức Giám Mục Mai Thanh Lương, Trần Mỹ Duyệt, “Maria – Mẹ Việt Nam”, 2017, Tủ sách Đồng Hành, tr 150.
[4] Thánh Peter Julian Eymard,Sđd tr 150.
 
114.864864865135.135135135250