23/10/2016 -

Tiền Tập Viện

1569
Tin Mừng của lòng thương xót


Trong các tác giả Tin Mừng Nhất Lãm, thánh Luca được mệnh danh là: “Văn sĩ ca tụng lòng nhân từ và khoan dung của Đức Kitô”. Văn phong của ngài bộc lộ sự cảm kích trước bản tính nhân loại tuyệt vời của một vì Thiên Chúa đã tỏ ra xao xuyến trước tình cảnh một bà mẹ vừa mất đứa con trai duy nhất; một vì Thiên Chúa đã không ngần ngại làm bạn với hạng người tội lỗi bị mọi người xa lánh, ruồng bỏ; một vì Thiên Chúa cảm thông với giới phụ nữ bị khinh thường; một vì Thiên Chúa gần gũi và đứng về phía của đám dân nghèo yếu thế bị chà đạp trong xã hội.
Khi viết lại Tin Mừng của Chúa Giêsu, thánh Luca không cho biết Ngài sinh ra ở đâu và vào năm nào, nhưng theo nhiều tài liệu để lại, thánh nhân là một thầy thuốc, hành nghề ở Antiôkia và cũng là một văn sĩ giỏi. Thánh nhân là một người ngoại giáo đã theo Thánh Phaolô nhiều năm trên đường giảng đạo. Thánh Phaolô đã loan báo Tin Mừng ở thành Troa, Luca đã tin, đã xin theo đạo và xin đi theo Thánh Phaolô làm môn đệ của Ngài. Ðọc Phúc Âm của Thánh Luca, nhân loại dễ dàng cảm nhận sâu xa lòng thương xót của Thiên Chúa được biểu lộ cụ thể và sống động nơi Chúa Giêsu - Đấng đã làm người và ở giữa nhân loại.

Lòng Thương Xót biểu lộ trong Tin Mừng Luca”.
Đây là nét độc đáo nổi bật trong Tin Mừng của Thánh Luca về Chúa Giêsu. Có lẽ vì ngài là thầy thuốc nên sự cảm nhận của ngài về lòng thương xót luôn tinh tế và nhạy bén. Tất cả mọi chuyện trong Tin Mừng ngài viết dường như chỉ có một chủ đích là muốn bộc lộ cho mọi người về lòng thương xót của Chúa Giêsu qua nhiều cách thế khác nhau:

 
  • Qua sự gặp gỡ và chữa lành của Chúa Giêsu: đối với người bại liệt (5,17-25); với Giakêu (19,1-10); với người phụ nữ tội lỗi và với Simon (7,36-50); với người biệt phái và người thu thuế cầu nguyện trong Đền thờ (18,9-15).
  • Qua những dụ ngôn của Chúa Giêsu: người con hoang đàng (15,11-32); con chiên bị thất lạc (15,3-7); đồng tiền tìm thấy (15,8-10); người đầy tớ được tha nợ (16,1-8); người Samaria nhân lành (10,30-37).
  • Qua lời của Chúa Giêsu: “Hãy có lòng nhân từ như Cha anh em là Đấng nhân từ” (6,38); “Nếu anh em ngươi xúc phạm đến ngươi… hãy tha cho nó (17,3); “Chẳng lẽ Thiên Chúa lại không bênh vực  những kẻ Ngài đã tuyển chọn” (18,7); “Lạy Cha, xin tha cho họ vì họ không biết việc họ làm (23,34): “Hôm nay anh sẽ được ở với Tôi trên Thiên Đàng (23,43).
  • Qua cái nhìn yêu thương của Đức Giêsu: đối với Giuđa trong bữa tiệc ly “bàn tay của người nộp thầy đang cùng đặt trên bàn với Thầy” (22,21); đối với Phêrô trong cung điện Caipha “Chúa quay lại nhìn ông…” (22,61)
Chỉ một tình thương duy nhất của Thiên Chúa, nhưng được biểu lộ qua nhiều hình thức khác nhau: sự gặp gỡ, chia sẻ, sự nhẫn nại, và nhất là sự tha thứ. Tha thứ là một hình thức ưu tiên của lòng thương xót, nó bắt nguồn từ sự nhân từ của Chúa Cha. Và đặc biệt, chính con người của Đức Kitô là sự tròn đầy của lòng thương xót Thiên Chúa qua việc Ngài hiến trao mạng sống của mình.

Hoa trái của lòng thương xót”
      Khi bắt đầu rao giảng tại Nazareth, Chúa Giêsu đã trích lời của ngôn sứ Isaia để “công bố một năm hồng ân của Thiên Chúa” (Is 4,18-19). Năm hồng ân này chính là năm của lòng thương xót, nó sẽ được thể hiện qua chính con người của Chúa Giêsu cũng như qua những cử chỉ và lời nói của Ngài.
  • Lòng thương xót phục hồi phẩm giá của con người:
Chính dụ ngôn Người con hoang đàng đã chỉ cho ta thấy sự khôi phục nhân phẩm của con người (toàn nhân loại) qua chính người con. Người con là hình ảnh của con người qua mọi thời đại. Trong dụ ngôn này, người con đã mất gì? Bỏ nhà ra đi tức là mất, hay nói đúng hơn là từ chối phẩm giá của người con trong nhà cha.

Lòng thương xót của người cha xoa dịu lương tâm của người con. Trong dụ ngôn này, người con đã tìm lại được vị trí của mình là nhờ có tình thương bao la vô bờ của người cha yêu thương và tha thứ không giới hạn. Đó chính là hình ảnh của Cha trên trời.

Lòng thương xót thể hiện qua niềm vui khi tìm lại được người con đã mất: “Anh ta còn ở đàng xa thì người cha đã trông thấy, chạy ra ôm cổ anh ta và hôn lấy hôn để(15,20). Lòng thương xót chính là được nhìn thấy vẻ đẹp của nhân tính và sự tuyệt hảo của tình yêu phụ tử. Niềm vui muốn được nhân rộng ra khắp nơi “Chúng ta phải ăn mừng, phải vui vẻ, vì em con đây đã chết mà nay lại sống, đã mất mà nay lại tìm thấy.” (15,32)
Niềm vui của lòng thương xót không chỉ xuất phát từ sự vắng bóng của sợ hãi và lo lắng, niềm vui này đặc biệt xuất phát từ việc nhận ra niềm hạnh phúc lớn lao là được ở bên cha. Điều này đúng cho cả người con trưởng và người con thứ.

               Qua dụ ngôn, thánh Luca chỉ cho chúng ta thấy khía cạnh sâu xa của lòng thương xót Chúa - Đấng đã yêu thương tạo dựng nên chúng ta, cho chúng ta được làm con của Ngài, nhưng chúng ta đã làm mất ân huệ đó qua những lần phạm tội, đã từ chối hoặc đã không ý thức được phẩm giá cao quý của mình. Nhưng tình phụ tử đã thúc giục Thiên Chúa tha thứ và khôi phục lại phẩm giá cho chúng ta. Sức mạnh của tình yêu Thiên Chúa có thể rút ra điều lành từ mọi điều dữ trong nhân gian và trong lòng của con người.

 
  • Lòng thương xót được thực thi và toả sáng dưới cái nhìn của Chúa Giêsu:
Cuộc gặp gỡ với người phụ nữ tội lỗi tại nhà ông Simon, người Pharisiêu (7,36-50) đã chứng tỏ điều này. Người phụ nữ dù nhận biết tội của mình rất nhiều, nhưng lòng tin tưởng và yêu mến đã thúc đẩy chị vào nhà ông Simon bất chấp mọi cản trở. Hành trình của chị khởi đi từ niềm hy vọng vào ơn tha thứ của Đức Kitô. Đức tin đã hướng dẫn từng bước đi, từng cử chỉ và từng giọt nước mắt của chị. Đức tin đó đã dẫn chị đến bên chân của Đức Kitô để thể hiện những cử chỉ của lòng tin và sự sám hối, đáp lại lòng chân thành ấy, chị đã nhận được sự tha thứ hoàn toàn khiến chị trở về trong niềm vui và sự bình an.

               Trong câu chuyện, thánh Luca đã nhấn mạnh lòng thương xót như là sự mạc khải. Chính Đức Giêsu đã chỉ ra cho con người biết bản chất của tội lỗi là cắt đứt tương quan với Thiên Chúa và tha nhân. Chỉ có tình yêu mới có thể làm cho con người ý thức được tội lỗi của mình và mong muốn ơn tha thứ. Sau khi đưa ra ví dụ về món nợ được xoá, Đức Giêsu đã dạy cho ông Simon một bài học về tình yêu, về tội lỗi và sự tha thứ. Ngài cho thấy tình yêu thực sự sẽ vượt ra khỏi những nguyên tắc cứng nhắc.

               Thánh Benedicto đã nói: “Lòng thương xót chỉ có thể bộc lộ hoàn toàn nhờ vào sự kiên nhẫn và lòng khoan dung của Thiên Chúa”. Điều này đòi hỏi sự sám hối không ngừng của chúng ta. Trong đoạn Tin Mừng, cả người phụ nữ tội lỗi và ông Simon đều được mời gọi nhận biết mình là những người tội lỗi được tha thứ và hiểu ra sự lớn lao của tình yêu qua hành động của Đức Giêsu.
  • Lòng thương xót được thực hiện bởi các môn đệ:
Đức Giêsu không chỉ dạy cho chúng ta đón nhận lòng thương xót từ nơi Ngài, mà còn dạy chúng ta thể hiện lòng thương xót đối với nhau. Nếu như trong Tin Mừng theo thánh Mátthêu Chúa Giêsu nói: “Phúc thay ai có lòng thương xót vì họ sẽ được xót thương” (Mt 5,7), thì Luca mời gọi các môn đệ tha thứ không do dự: “Dù nó xúc phạm đến anh một ngày bảy lần, rồi bảy lần trở lại nói với anh: ‘Tôi hối hận’, thì anh cũng phải tha cho nó” (17,4). Thật vậy, chúng ta có thể thực hiện lòng thương xót bởi vì lòng thương xót của Thiên Chúa luôn ở trong chúng ta. Khi chúng ta thể hiện lòng thương xót với anh em mình là chúng ta đã làm như Đức Giêsu, nghĩa là đón nhận lòng thương xót từ Chúa Cha. Vì vậy, thể hiện lòng thương xót cũng chính là chấp nhận lòng thương xót đó từ Thiên Chúa.
               Đó cũng chính là bài học mà Chúa Giêsu muốn gửi đến người thông luật khi ông này hỏi Ngài: “Ai là người thân của tôi?” (10,29). Người anh em, chính là người biết đến gần với người khác và thể hiện lòng thương xót với người đó. (10,37).
“Con người Đức Giêsu chính là hiện thân của lòng thương xót”
               Chúa Giêsu đã nói với ông Philipphê: “Ai thấy Thầy là thấy Chúa Cha” (Ga 14,9). Chính qua con người của Đức Giêsu mà thánh Luca, các tác giả Tin Mừng khác và cả chúng ta nữa, nhận biết lòng nhân từ của Thiên Chúa. Đức Giêsu chính là sự thương xót, qua Ngài chúng ta thấy Thiên Chúa luôn gần gủi với những con người đau khổ. Chính Đức Giêsu đã thiết lập mối liên hệ đặc biệt giữa con người với Thiên Chúa và giữa con người với nhau thông qua việc Ngài chữa trị các bệnh tật và tha thứ tội lỗi.
  • Đức Giêsu và người bại liệt.
Trong cuộc đời rao giảng của Đức Giêsu, thánh sử Luca đã nói đến sự tha thứ tội lỗi. Thật vậy, “Ai có quyền tha tội ngoài một mình Thiên Chúa?” (5,21). Việc chữa lành và sự tha tội, nghĩa là sự biến đổi cả bên ngoài lẫn bên trong, không thuộc quyền hạn của con người. Sức mạnh của Thiên Chúa nơi Đức Giêsu không bị giới hạn bởi sự nghiêm trọng của bệnh tật và tội lỗi. Không có gì thoát ra khỏi lòng thương xót của Thiên Chúa. “Vậy, để các ông biết: ở dưới đất này, Con Người có quyền tha tội- Đức Giêsu bảo người bại liệt-: tôi truyền cho anh: Hãy đứng dậy, vác lấy giường của anh mà đi về nhà!” (5,24). Và “ngay lúc ấy, người bại liệt trỗi dậy trước mặt họ, vác cái anh đã dùng để nằm, vừa đi về nhà vừa tôn vinh Thiên Chúa” (5,25). Nơi Đức Giêsu, mầu nhiệm của lòng  thương xót đã được thể hiện cách sống động và trọn vẹn.
  • Đức Giêsu và người gian phi sám hối.
Trên Thánh giá, sau khi cầu nguyện cho những người đã kết án và đóng đinh mình: “Lạy Cha, xin tha cho họ vì họ không biết việc họ làm” (23,34), Đức Giêsu đã phó thác hoàn toàn cho ý muốn của Chúa Cha. Bị đóng giữa hai người tội lỗi, Đức Giêsu đã biểu lộ rõ ràng luật của lòng thương xót mà Ngài đã hiến trao mạng sống để bảo vệ. Ngài đã mang lấy tội của con người, lắng nghe lời thú nhận của một trong hai tên cướp và hứa sẽ ban sự công chính vĩnh viễn trong nước của Ngài. Đó chính là dấu hiệu rõ ràng của lòng thương xót: “Tôi bảo thật anh, hôm nay, anh sẽ được ở với tôi trên Thiên Đàng” (23,43).

Qua những trang Tin Mừng, thánh sử Luca muốn mỗi người chúng ta cảm nghiệm thực sự Thiên Chúa là Đấng giàu lòng xót thương. Tình thương ấy đã được thể hiện trọn vẹn và sống động nơi con người và đời sống của Đức Giêsu. Khi đón nhận lòng thương xót của Thiên Chúa cách nhưng không, chúng ta cũng được mời gọi trao tặng lòng thương xót đó cho anh chị em của mình. Việc thực hiện lòng thương xót là một công trình hàng ngày của nhân loại, trong đó sẽ có những khó khăn, thử thách. Như Đức Giêsu dù phải qua đau khổ nhưng cuối cùng đã chiến thắng vinh quang. Sự Phục Sinh là một mạc khải trọn vẹn của tình yêu nhân hậu đã chiến thắng tội lỗi và sự chết, đó chính là niềm tin và động lực để chúng ta sống lòng thương xót và vững bước theo Ngài trên mọi nẻo đường.

 
Maria Thân Thị Nguyệt

 
114.864864865135.135135135250