19/05/2016 -

Tiền Tập Viện

786
Tình yêu trao ban
Anna Hoài Xuân
 
 
 
Xã hội đang dần vắng bóng của tình yêu thương. Con người trở nên vô cảm, đề phòng lẫn nhau, dường như giữa người với người luôn có một bức tường ngăn cách “nội bất xuất, ngoại bất nhập”. Tình yêu thương dần khan hiếm hoặc có thể chì là tình yêu thương vị lợi. Là môn đệ Chúa Kitô mỗi người được mời gọi sống giới răn của Ngài là: “Anh em hãy yêu thương nhau như chính Thầy đã yêu thương anh em dấu này người ta nhận biết anh em là môn đệ Thầy” (Ga 15, 12). Nhưng yêu như Thầy yêu là thế nào?

Thánh Gioan tông đồ đã nói: “Hỡi anh em là những người con bé nhỏ, chúng ta đừng yêu thương nơi đầu môi chót lưỡi, nhưng phải yêu thương bằng cách chân thật và bằng việc làm” (1 Ga 3, 18). Quả vậy, chính Chúa Giêsu đã thể hiện tình yêu thương không chỉ bằng lời nói suông nhưng qua sự giúp đỡ, chữa lãnh những người đau yếu, bệnh hoạn, tật nguyền, những người bị xã hội loại trừ... Ngài đã đến cứu chữa họ và phục hồi nhân phẩm để họ có thể hòa mình với cộng đồng xã hội. Tình yêu ấy còn được thể hiện: “Đức Giêsu vốn dĩ là Thiên Chúa mà không nghĩ phải nhất quyết duy trì địa vị ngang hàng với Thiên Chúa, nhưng đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang mặc lấy thân nô lệ, trở nên giống phàm nhân, sống như người trần thế. Người lại còn hạ mình vâng lời cho đến nỗi bằng lòng chịu chết, chết trên cây thập giá” (Pl 2, 6-8).Cũng vậy, trong thư thứ nhất gửi tín hữu Côrintô thánh Phao lô đã nói (1Cr 1, 23): “Điều mà người Do Thái cho là ô nhục, và dân ngoại cho là điên rồ”.

Qua các thời đại, lời mời gọi ấy như kim chỉ nam cho đời sống các Kitô hữu và biết bao người đã thực hành điều đó trong chính đời sống của mình. Martino de Porret - vị thánh xuất thân từ một gia đình nghèo, ngài là người da đen bị xã hội đồng hóa như người nô lệ, một tầng lớp thấp kém nhất trong xã hội. Ngài bị chính thân phụ bỏ rơi. Sống trong một xã hội rối ren dễ làm con người hư đi nhưng với Martino thì ngược lại. Chính hoàn cảnh lại giúp cho ngài hiểu đời, khinh chê đời để chỉ tôn thờ một mình Thiên Chúa và trao ban yêu thương cho những người nghèo.

Khi còn nhỏ thánh nhân đã tìm cách giúp đỡ người mà ngài cho là khốn cực hơn gia đình của mình, những lần mẹ đưa tiền để mua thức ăn, ngài đã bớt xén chút đỉnh để bố thí, khi lên mười hai tuổi, thánh Martino học nghề thầy thuốc với hy vong sẽ có phương tiện cứu người; vì vậy, ngài đem hết tâm lực vào việc học hành, nghiên cứu các loại thảo mộc, cũng như thuật chữa thân thể. Nơi ngài, tình thương không thể bó hẹp nơi những người gần bên mà còn lan rộng ra xa thành Lima và cả những người không thích hay thậm chí là ghét ngài. Bất cứ ở đâu có người nào cần giúp đỡ là ngài có mặt ở đó ngay. Đặc biệt, ngài vừa giúp người vừa cầu nguyện và luôn trông cậy vào ơn Chúa hơn là tin tưởng vào tài nghệ của mình. Người chữa bệnh đồng thời cũng xin bệnh nhân biết đặt niềm tin tưởng vào Chúa mới khỏi. Vì đối với Ngài, chính Thiên Chúa mới là chủ nhân của mọi sự.

Thánh nhân luôn sống và làm chứng về Chúa trong mọi hoàn cảnh, làm việc giúp người cách quảng đại, không cần báo đáp, không phân biệt sang hèn, màu da. Người chữa bệnh không bởi danh vọng hay lợi lộc bản thân nhưng để tôn vinh danh Chúa, củng cố đức tin cho bệnh nhân. Trong công việc người luôn làm tận tâm, tận lực. Cho dù làm việc mệt mỏi cả ngày, nhưng không bao giờ ngài quên cầu nguyện.

Tôi thiết nghĩ thánh nhân sẽ là tấm gương sáng ngời cho bạn và tôi trên con đường theo Chúa, con đường sống yêu thương hòa quyện trong sự kết hiệp mật thiết với Chúa, để nhờ đó ta biết cách sống với, sống cho và sống vì tha nhân. Ngày nay mối bận tâm đến những người nghèo khổ là một trong những vấn đề cấp bách và cũng là trách nhiệm của mỗi người. Đức Giáo Hoàng Phanxico cũng nhấn mạnh và mời gọi mọi người biết mở lòng ra giúp họ. Ngài nói: “Chúa Giêsu dạy chúng ta, cho dù hợp pháp cũng không bao giờ cấp thiết như các nhu cầu của người nghèo, là những người không có cái tối thiểu để sống. Chúng ta thường nói về người nghèo nhưng khi nói về người nghèo chúng ta có cảm thấy rằng người đàn ông này, người đàn bà nọ, các trẻ em ấy không có điều cần thiết để sống không? Rằng họ không có ăn, không có mặc, không thể có thuốc men, ta dù hợp pháp cũng không bao giờ cấp thiết bằng các nhu cầu của người nghèo không có điều tối thiểu để sống”.

Thánh Martino đã luôn sống cho đi vì yêu thương nhưng phải chăng người chỉ cho mà không nhận lại gì? Tôi nghĩ rằng: chính khi cho đi cũng là lúc ngài nhận lại, sống tình yêu trao ban cho người khác đã giúp thánh nhân có thái độ sống tích cực, là yêu đời hơn, đồng thời nhận ra tình thương mà Thiên Chúa đã dành cho ngài thật lớn lao. Dù hoàn cảnh có thế nào, có bất hạnh đi chăng nữa nhưng đời sống ngài vẫn thăng hoa, triển nở thành những hoa thơm, trái tốt trong tình yêu Chúa Kitô và lòng thương cảm đối với tha nhân.

Lạy Chúa, con cảm ơn Chúa đã ban cho chúng con mẫu gương sống động là thánh Martino, ngài đã họa lại cho chúng con về bài học về tình yêu trao ban. Xin Chúa giúp cho mỗi người chúng con biết học nơi thánh nhân để trở nên chứng tá cho Chúa giữa lòng xã hội hôm nay. Ước gì qua chúng con, mọi người sẽ nhận ra sự hiện diện đầy yêu thương của Chúa, để biết quay về bên lòng Chúa xót thương. Amen


 
114.864864865135.135135135250