06/08/2022 -

Tin Giáo hội Hoàn Vũ

185


Trong 5 ngày, từ 24-30/7/2022, Đức Phanxicô đã thể hiện ở Canada với tư cách là một vị Giáo hoàng gần gũi người bản xứ, những người mà ngài đã đến để xin lỗi vì sự can dự của một số người Công giáo vào hệ thống các trường học cho người bản xứ. Nhưng ngài đã chờ đến chuyến bay trở về, để lên án cách rõ ràng « sự diệt chủng » văn hóa.

Trên thực tế, tất cả mọi sự có thể nằm gọn trong một hình ảnh duy nhất để tóm tắt chuyến tông du này. Hình ảnh về chiếc mũ của người da đỏ Mỹ kết hòa lẫn với những chiếc mũ sọ tím và đỏ. Trong 5 ngày ở Canada, Đức Thánh Cha Phanxicô đã dẫn đưa Giáo hội hoàn vũ vào một chuyến tông du làm ngạc nhiên nhiều người : một « cuộc hành hương sám hối » với mong muốn xin lỗi về sự can dự của người Công giáo trong việc quản trị các trường nội trú dành cho người bản xứ, trong hơn một thế kỷ.


 Trước tiên, Đức Phanxicô tiếp tục công việc của mình, được khởi sự từ đầu triều đại giáo hoàng của ngài, là không tập trung cái nhìn vào Giáo hội Công giáo. Vì khi đi gặp các người bản xứ nơi quê hương của họ, ngài đã có nguy cơ không được hiểu ở Rôma, và rộng rãi hơn là ở Tây phương. Ngay cả nơi các hành lang của Vatican, nơi mà chuyến tông du này được nhiều thành viên của Giáo triều coi là không cần thiết.


« Não trạng thực dân chủ nghĩa »


Vị Giáo hoàng đến từ Nam Mỹ, mà những người thân cận của ngài thường khẳng định rằng ngài luôn nhạy cảm với chính nghĩa của người bản xứ, đã lên án mọi « não trạng thực dân chủ nghĩa » trong chuyến đi của mình. Ngài hoàn toàn đảm nhận việc biến số hận của người bản xứ, hoàn toàn bị bỏ qua ở Tây phương, thành chủ đề đặc biệt của chuyến tông du của mình. Ngay cả khi điều đó động chạm đến một số người Công giáo ở Canada. Và không được thấu hiểu bởi Châu Âu Già, mà ngài tin chắc rằng nó không còn là tương lai của Giáo hội Công giáo.


Tuy nhiên, ba lần cầu xin sự tha thứ của ngài được lặp đi lặp lại trong suốt « cuộc hành hương sám hối » này, vẫn sẽ chưa đủ đối với một số nhà lãnh đạo bản xứ. Và đây là một rủi ro khác mà Đức Phanxicô đã thực hiện : vì nếu ngài không ngừng bày tỏ sự xấu hổ và nỗi buồn của mình, thì Đức Phanxicô vẫn không thực hiện bước công nhân sự can dự của toàn thể Giáo hội Công giáo, với tư  cách thể chế, vào hệ thống các trường nội trú bản xứ. Thay vào đó, ngài nói về sự cộng tác « của các thành viên » hay của « một số người Công giáo » ở các trường này.

Bảo tảng Vatican


Những cử chỉ của ngài, đặc biệt khi ngài thinh lặng cầu nguyện ở nghĩa trang Miskwacis, gần Edmonton, hôm thứ Hai 25/7, hay chuyến đi đến hồ Thánh Anna, một trung tâm tâm linh của người bản xứ, hôm thứ ba 26/7, cũng không đủ thuyết phục những người chỉ trích nhất.


Vả lại, ngài cũng không đề cập, ít là công khai, vấn đề khả năng trả lại cho Canada một số đồ vật truyền thống của người bản xứ hiện đang được trưng bày ở bảo tàng Vatican, cũng không đề cập vấn đề mở kho lưu trữ của Vatican để cho phép các nhà nghiên cứu xác định đặc biệt vai trò của Rôma, trong hơn một thế kỷ, trong việc hỗ trợ các trường nội trú bản xứ.


Thực ra, Đức Thánh Cha đã đợi đến giây phút cuối cùng, trên chuyến bay trở về, để lên án cách rõ ràng « sự diệt chủng » văn hóa của người bản xứ. Tuy nhiên, ngài đã nêu chi tiết và lên án tất cả các đặc điểm của nó trong suốt chuyến tông du của mình : « Thông qua hệ thống các trường học nội trú, ngôn ngữ và văn hóa của anh chị em đã bị bôi nhọ và xóa bỏ », Đức Phanxicô tuyên bố như thế ngay từ ngày thứ hai, và đồng thời cũng đề cập « những cuộc lạm dụng về thể lý và lời nói, tâm lý và tinh thần », mà những đứa trẻ ở nội trú phải chịu đựng. Nhưng ngài đã không thốt ra một lời được chờ đợi từ lâu bởi người bản xứ. Phải chờ đến câu hỏi của một nữ phóng viên người Canada, trong chuyến bay giữa Iqaluit và Rôma, để Đức Thánh Cha nói lên điều đó.

« Ngài đã làm rất nhiều »


Một trong những cộng tác viên của Đức Thánh Cha nói : « Khi chúng ta xin lỗi các nạn nhân, chắc chắn sẽ có sự thất vọng. Điều không thể tránh khỏi là điều đó không bao giờ đủ đối với một số nạn nhân. Đó là bình thường và dễ hiểu, với những gì họ đã chịu đựng. Nhưng ngài đã làm rất nhiều. Ngài đã tự quất mình đủ rồi ».


Cuối cùng, vị Giáo hoàng đến từ « cực kia của thế giới », như ngài đã tự định nghĩa mình vào chiều ngài được bầu chọn, đã đưa ra một thông điệp mạnh mẽ cho Tây phương, vốn đang quá trình phi Kitô hóa nhanh chóng. Trước các Giám mục Canada, và nơi một nước mà việc thực hành đạo cũng như ảnh hưởng của Giáo hội trong xã hội đã suy giảm mạnh trong nửa thế kỷ qua, Đức Thánh Cha đã nói vượt quá những người Công giáo của đất nước này.

Khuyến khích những người đang lắng nghe mình hôm thứ Năm 28/7, tại nhà thờ chánh tòa Québec, chống lại sự tục hóa mà không bao giờ khép kín nơi bản thân mình, Đức Thánh Cha đã cảnh giác chống lại bất kỳ sự cám dỗ nào để quay về quá khứ. Cả ở đây nữa, ngài đã khuyên người Công giáo tiến về phía trước, thay vì ẩn náu nơi những hoài niệm hão huyền. Và ngài cũng phê phán những người bị cám dỗ có « cái nhìn tiêu cực » về thế giới xung quanh. Một thái độ « không Kitô giáo » mà tuyệt đối phải tránh, Đức Thánh Cha cảnh báo. Một cảnh báo đối với người Công giáo của Lục địa già, và một hướng đi cho tương lai.

Từ chức, một « cánh cửa mở »


Trên chuyến bay trở về Rôma hôm thứ Sáu, trước các phóng viên, Đức Thánh Cha đã nói đến những hạn chế thể lý và sự mỏi mệt của mình, khi kết thúc chuyến tông du mà ngài thường xuyên dùng đến xe lăn. « Tôi nghĩ rằng ở tuổi của mình, với những hạn chế này, tôi phải tiết kiệm một chút để có thể phục vụ Giáo hội », Đức Thánh Cha phát biểu, trước khi nói tiếp : « Hoặc, trái lại, nghĩ đến khả năng đặt mình sang một bên ».


Nếu ngài nhìn nhận rằng việc từ chức là « cánh cửa mở », thì ngài cũng nêu rõ rằng đó không phải là vấn đề bây giờ. « Đó là một trong những chọn lựa bình thường, cho đến hiện tại, tôi chưa bao giờ mở ra cánh cửa này. Tôi không cảm thấy điều đó ».

 

Tý Linh (theo nhật báo La Croix)
https://xuanbichvietnam.net/

114.864864865135.135135135250