24/11/2023 -

CÁC THÁNH TỬ ĐẠO VIỆT NAM

1082
Ngày 24/11
Thánh Vinh Sơn Nguyễn Thế Ðiểm
Linh mục (1761-1838)
 
I. Tiểu sử
 
Xin quan thương tình, miễn chấp mà tha cho họ được về.
Còn tôi, tôi xin nhận tất cả trách nhiệm.

Thánh Vinhsơn Nguyễn Thế Điểm sinh năm 1761 tại làng An Do Nam, tỉnh Quảng Trị, trong một gia đình có ba người con. Thuở nhỏ cậu đi chăn trâu. Khi được nhận vào chủng viện, cậu được học tiếng Latinh, giúp việc cho thừa sai Jacques Longer - Gia, học triết học tại Chủng viện Kẻ Vĩnh và thụ phong linh mục thuộc giáo phận Tây Đàng Ngoài.

Trong ba mươi năm, cha Điểm phục vụ tại các họ đạo Cồn Nâm (Đông Đưng), Lũ Đăng, Đan Sa và nhiều họ nhánh thuộc địa hạt Bố Chính. Cha sống hiền lành, dâng lễ mỗi ngày, năng đọc kinh, lần hạt và nguyện ngắm. Dù tuổi đã cao, cha ăn chay mỗi tuần hai ngày. Cha dạy dỗ học trò, ra sức lo cho người lương được trở lại và sai các thầy giảng đi rửa tội cho trẻ em chưa có đạo.

Ngày 27-7-1838, khi nghe tin cha Khoa bị bắt, cha Điểm sai người đến hỏi các tín hữu ở làng An Bì có sẵn lòng cho ngài đến trú ẩn không, họ từ chối vì thấy trong làng không an toàn. Khi cha còn ở ngoài ruộng, gần làng Đan Sa, tỉnh Quảng Bình, chưa biết đi đâu thì bị bắt. Ngày 31-7-1838, thừa sai Borie - Cao và thầy Nguyễn Khắc Tự cũng bị bắt. Cả ba được điệu về công đường Đồng Hới.

Tại công đường, quan bắt cha cung khai. Khi đã 77 tuổi, vì khiếp đảm, cha khai ra vài gia đình đã từng cho cha trú ẩn. Khi cha Cao vào tù và cho biết lời khai ấy đã làm tổn hại một số giáo dân, cha Điểm tìm cách sửa lỗi và thưa lại với quan: “Vì tôi già cả, bởi nghe quan lớn nạt nộ ngăm đe, tôi khiếp, nên tôi làm cho nhiều tín  hữu bị liên can. Nay xin quan thương tình, miễn chấp, mà tha cho họ được về. Còn tôi, tôi xin nhận tất cả trách nhiệm”.

Sáng ngày 24-11-1838, tại pháp trường Đồng Hới, sau khi cầu nguyện, cha đã bị quân lính xử giảo.  Thi hài của cha được chôn cất tại Đồng Hới, sau cải táng về họ đạo Hướng Phương.

Linh mục Vinhsơn Nguyễn Thế Ðiểm được nâng lên bậc chân phước ngày 27-5-1900 và được tôn phong hiển thánh ngày 19-6-1988.


Trích sách "Hạnh Các Thánh Tử Đạo Việt Nam"
Biên soạn: 
Hội đồng Giám mục Việt Nam


II. Cầu nguyện

Xin ơn bền vững trong đức tin.


Có câu ca rằng: “Cây có cội, nước có nguồn, con người có tổ có tông.” Giai điệu nên thơ đi vào trí hiểu và máu thịt con người tự bao đời trong huyết thống là thế, thì trong niềm tin ta càng có lý do để nhớ về công ơn của những bậc tiền bối biết bao. Một trong những người thao thức việc loan giảng Tin Mừng và củng cố đức tin cho các tín hữu trong thời kỳ bách hại đạo Công giáo là thánh linh mục tử đạo Vinh Sơn Nguyễn Thế Điểm. Ngài đã dành một đời cho công cuộc đào tạo đức tin nơi các thế hệ trẻ, đến tuổi về với đất mẹ, ngài đã nêu gương chứng nhân cho những điều ngài đã truyền dạy. Cầu nguyện với Ngài hôm nay, chúng ta xin Chúa cho chúng ta ơn bền vững trong đức tin, nhất là trong những hoàn cảnh nghiệt ngã, đau thương, thất bại, đổ vỡ.

Vinh Sơn Nguyễn Thế Điểm sinh năm 1761 tại An Do, Quảng Trị. Lớn lên cậu theo học tại chủng viện Kẻ Vĩnh, Nam Định. Ngay từ nhỏ cậu Vinh Sơn Điểm đã có lòng ao ước được dâng mình cho Chúa, do đó cậu chuyên cần học hành để khi có điều kiện thì xin đi tu. Ý nguyện ấy Chúa đã chấp nhận và chúc lành. Học xong trung học, cậu Điểm bắt đầu con đường tu trì, và được chọn làm linh mục.

Với tác vụ linh mục, ngoài bổn phận rao giảng Tin Mừng, cha còn đặc biệt chú tâm tới việc huấn luyện và đào tạo các Thầy Giảng. Cha có lòng yêu mến Đức Mẹ và thực hành ăn chay hãm mình một cách nhiệm nhặt.

Cuộc bách hại đạo Công giáo của vua Minh Mạng càng ngày càng trở nên ác liệt, quan quân đi lùng khắp nơi để bắt các đạo trưởng và họ đã bắt được cha Vinh Sơn Điểm. Trong lần tra vấn đầu tiên, vì mệt mỏi và sợ hãi, cha Vinh Sơn Điểm lỡ lời khai thêm mấy giáo hữu. Biết những lời khai ấy đã làm tổn hại đến một số giáo hữu, cha Điểm đã tìm cách sửa lỗi. Trong thời gian bị giam giữ, cha Vinh Sơn Điểm đã nêu gương đạo đức trung kiên cho các tín hữu cùng bị bắt, và đối xử bác ái quảng đại với các bạn tù ngoại giáo bằng cách chia sẻ lương thực và khuyên họ sống ngay chính lương thiện.

 Ngày 24/11/1838, bản án xử cha Vinh Sơn Điểm được vua Minh Mạng phê chuẩn. Ước nguyện của vị mục tử lão thành được thỏa mãn, ngài bị kết án xử giảo, bị xiết cổ đến khi lịm dần và tắt thở. Ngày ấy cũng là ngày sinh nhật của cha nơi trời cao.

Gần 80 năm làm con Chúa, làm mục tử, làm người truyền giáo, làm chứng nhân Tin Mừng, tất cả các danh hiệu cao quý ấy hòa quyện trong con người còm cõi già nua nhưng ý chí ngút ngàn.  Sống từng ngày trong buổi gian nan bách hại để làm chứng cho Chúa đòi hỏi phải có lòng can đảm và yêu mến sâu sắc. Tuy nhiên, ta có thể nói rằng: rất nhiều lần ta rao giảng, bao dịp ta dạy dỗ và khuyên răn, có lẽ không đủ thuyết phục bằng một lần nhận cái chết anh dũng vì đức tin. Cha Vinh Sơn Nguyễn Thế Điểm đã mang tất cả sự sợ hãi, đau khổ của xác đất vật hèn để minh chứng cho đức tin mà Cha đã rao giảng, niềm tin mà cha đã đặt nơi Thiên Chúa – Đấng đã quyết định cuộc sống vĩnh hằng của Cha.

Ngày nay, xã hội tiến bộ, các tư tưởng và trào lưu tục hóa thâm nhập vào nhịp sống cách nhanh chóng. Không ít khi, chúng ta yếu đuối kém tin; vì thế, đã nhiều lần ta không đủ bản lĩnh để bảo vệ tiếng nói lương tâm; hơn một lần, ta im lặng trước cảnh chân lý bị xếp vào hàng thứ yếu; ta nhận ra sự thật mỏng manh và phù du của kiếp người; ta không biết cách duy trì đức tin đã được cha ông trao gởi;… nhiều lần, chúng ta hoang mang trước cảnh thế quyền lấn lướt; và rồi đức tin được đơn giản hóa như một hình thức trong nhà thờ. Ước gì qua tấm gương sống đức tin của thánh Vinh Sơn Nguyễn Thế Điểm cho ta thêm sức mạnh để sống niềm tin của mình.

 Lạy Chúa, Chúa biết chúng con yếu đuối, chúng con cần lắm sự cầu bầu của thánh Vinh Sơn Nguyễn Thế Điểm để có đủ bản lãnh kiên vững trong niềm tin vào Chúa. Sống giữa thời đại có quá nhiều sự giằng co và lựa chọn, cám dỗ và thử thách, xin cho chúng con biết bám vào Chúa là cứu cánh vĩnh cửu của cuộc đời. Xin Chúa thêm sức mạnh cho những ai đang bị dao động, nghi ngờ chính niềm tin đã được hấp thụ từ thuở ấu thơ.  Amen.

 
114.864864865135.135135135250