30/11/2019 -

Cầu nguyện

517
Chúa Nhật I Mùa Vọng năm A (Lm John Trần Khả)
Chúa Nhật Thứ Nhất Mùa Vọng - A
(Tin Mừng theo thánh Matthêu 24:37-44)
 Việc Chúa Giêsu đến giống như sự chờ đón một người bạn hay sửng sốt bất ngờ bị kẻ trộm đột nhập. 
mời bấm vào đây để nghe

Ngờ hay không ngờ

Bất ngờ! Thật bất ngờ! Cuộc sống có nhiều cái bất ngờ xẩy ra. Một số bất ngờ xẩy ra thật buồn và thê thảm. Tin người thân bị chết bất ngờ vì tai nạn. Buổi sáng mới gặp nhau nói chuyện, đến trưa nghe tin đã bị chết. Sáng chở con đến trường, gần trưa nghe tin có người dùng súng bắn xả ở trường học. Thứ Tư vừa qua chúng ta đang chuẩn bị nghỉ mừng lễ Tạ Ơn thì một công ty Hóa Chất ở Houston bị nổ lớn. Nổ lần thứ nhất tưởng là hết, ai ngờ lại nổ thêm lần thứ hai. Khói lửa bốc cháy ngập trời. Đây không phải là lần thứ nhất nhưng cứ vài năm lại xẩy ra. Nổ không phải là vì các công ty không cẩn thận đề phòng. Công ty hóa chất nào cũng cố gắng cẩn thận làm theo đúng tiêu chuẩn đòi hỏi; thế nhưng bất trắc và bất ngờ vẫn cứ xẩy ra. Chúa Giêsu cũng cảnh giác rằng Ngài sẽ trở lại. Nhưng ngày nào giờ nào Ngài trở lại thì không ai biết được. Thái độ của con người đối với việc Ngài đến sẽ giống như sự chờ đón một người bạn hay sửng sốt không ngờ như bị kẻ trộm đột nhập.

Thái độ đón chờ

Tin Mừng mạc khải của Thiên Chúa. Mạc khải có nghĩa là mở ra hay được tỏ lộ ra giúp cho chúng ta nhận thức về việc làm huyền nhiệm của Thiên Chúa và thánh ý của Ngài đối với thế giới của chúng ta. Thông điệp của Thánh Kinh tuần này nói đến việc Con Người trở lại lần thứ hai cách bất ngờ. Chúa Giêsu sẽ trở lại, nhưng vào ngày nào và giờ nào thì không ai biết.

Mặc dầu không ai biết rõ được vào ngày nào hay giờ nào Chúa Giêsu sẽ trở lại lần thứ hai, nhưng việc Chúa sẽ trở lại là điều chắc chắn không thể nghi ngờ. Sự thật chắc chắn này tạo nên cái căng thẳng và sự thử thách cho các môn đệ. Căng thẳng bởi vì người ta có thể qúa quan tâm ước muốn dự đoán về thời điểm Ngài sẽ trở lại. Qúa mong muốn dự đoán như thế được tăng lên trong những thời điểm quan trọng hay những hoàn cảnh gặp khủng hoảng. Ước muốn biết trước như thế có thể là nguyên nhân làm nản lòng vì người ta không giải mã được điều mà chỉ duy có Thiên Chúa Cha mới biết được mà thôi. Các môn đệ và chúng ta cũng có thể bị cám dỗ trong trễ nải, biếng nhác không để tâm nỗ lực thăng tiến trong đức tin vì nghĩ rằng chẳng cần phải vội vàng gì, vẫn còn nhiều thời gian cho việc chuẩn bị đi gặp Chúa. Tin Mừng nói cho chúng ta biết rằng những người muốn chờ cho đến phút chót mới chuẩn bị cho việc đi gặp Chúa thì họ sẽ không kịp trở tay. Họ sẽ bị bất ngờ ập tới và sửng sốt giống như bị kẻ trộm đột nhập vào nhà mà không hay biết gì, hay giống như những người trong thời ông No-e. Người ta đã không biết khôn ngoan chuẩn bị phòng chống khi cơn đại hồng thủy ập đến. Họ cứ ăn uống chè chén say sưa, không quan tâm gì và cho rằng chẳng có sự dữ hay xấu xa nào đến với họ cả.

Mùa vọng trước hết và quan trọng hơn cả là thời gian chuẩn bị để đón Chúa Giêsu trở lại. Nhiều người trong chúng ta quen nghĩ đây là thời gian chuẩn bi để mừng kỷ niệm Sinh Nhật của Chúa hay thường gọi là lễ Giáng Sinh, và do đó họ thường chú trọng đến việc trang hoàng đèn điện, mua tặng quà bánh, mời bạn hữu và những người thân tham dự các buổi trình diễn và dạ tiệc. Làm như thế, mục đích của Mùa Vọng bị sai trật. Mùa Vọng đúng nghĩa là việc chuẩn bị riêng tư của mỗi người cũng như của chung toàn thể cộng đồng để đón chờ Chúa đến lần thứ hai. Lý do hằng năm chúng ta mừng lễ Chúa Giáng Sinh là để nhắc cho chúng ta nhớ đến sự trung tín của Thiên Chúa về lời hứa của Ngài và cách Chúa đã thực hiện lời hứa, là đã phái Đấng Cứu Thế đến như một Hài Nhi. Chính vì sự trung tín thực hiện lời hứa ấy cho nên chúng ta có thể tin vào lời hứa của Chúa Giêsu là Ngài sẽ quay trở lại lần thứ hai. Vì vậy, chúng ta hiểu việc mừng kỉ niệm Chúa đến lần thứ nhất như là cách xác nhận niềm tin của chúng ta vào uy tín và lời hứa của Thiên Chúa, và giúp chúng ta chuẩn bị cho việc chờ đón Chúa đến lần thứ hai. Khi chúng ta hiểu đúng ý nghĩa của Mùa Vọng như thế, chúng ta có thể có nhiều cách thực hành trong những ngày của Mùa Vọng để chuẩn bị cho việc đi gặp Chúa.

Tinh thần đón chờ

Chúa Giêsu cũng cảnh giác chúng ta biết cẩn trong đối với tất cả những gì thuộc bề ngoài. Chúa nêu lên hai thí dụ cụ thể, bên ngoài có vẻ như tương tự giống nhau nhưng bên trong lại hoàn toàn khác nhau tùy thuộc ở xác tín của đức tin nơi nội tâm của họ. Chúa nêu ví dụ về hai người làm việc ở ngoài đồng và hai phụ nữ xay bột (Mt 24:40-41). Một người bị bỏ lại và một người được mang đi. Sự khác biệt là ở những người được qui tụ lại với Thiên Chúa và những người không được qui tụ lại với Chúa. Lý do không phải là những công việc họ đang làm nhưng đúng hơn là cách họ liên kết với Chúa trong công việc của họ. Chính gía trị nội tâm và vô hình trong tinh thần đức tin dấn thân này lôi kéo họ đến gần Thiên Chúa ở đời này và đưa họ tới sự hiệp thông cùng Thiên Chúa đời đời trên thiên đàng. Do đó, sự chuẩn bị của chúng ta để gặp gỡ Chúa, trước hết là việc thực hành cụ thể, làm những việc đạo đức, hay là thay đổi cách cư xử trở nên tốt hơn. Nhưng những việc này chẳng nghĩa lý gì nếu chúng không được thực hiện bởi tinh thần liên kết với Thiên Chúa trong đức tin và lòng yêu mến Chúa. Hơn nữa nếu thiếu khôn ngoan, thì những việc làm như có vẻ lành thánh lại có thể là nguy cơ của tính kiêu ngạo tự mãn làm mất đi phẩm chất thánh thiện của đời sống tinh thần. Chính vì thế mà Chúa Giêsu nhấn mạnh đến nhu cầu hối cải nội tâm và lòng yêu mến Thiên Chúa khác thường, nhờ đó ý nghĩa đời sống của người môn đệ có thể nẩy nở và thăng tiến. Mùa Vọng, do đó, là thời gian để đi đến gần gũi với Thiên Chúa trong kinh nguyện hàng ngày và để thanh luyện tấm lòng tránh khỏi những phân tâm và những cảm tình bất xứng làm mất đi sự thánh thiện hay ngăn cản chúng ta sống thánh thiện. Tiến trình hối cải nội tâm này khó khăn hơn và quan trọng hơn là chỉ đơn giản thay đổi những việc làm bề ngoài trong vài tuần lễ. Thay đổi đời sống nơi nội tâm đòi chúng ta biết nhìn nhận rằng chúng ta cần Thiên Chúa. Chúng ta cần Thiên Chúa bởi vì tình trạng sa ngã và tội lỗi của chúng ta, nhìn vào và nhận ra tình yêu thương của Thiên Chúa dành cho chúng ta trong công việc cứu chuộc chúng ta, cao trọng nhất là cái chết và sự sống lại của Cha Giêsu; và cầu xin ơn Chúa Thánh Thần đổ đầy xuống lòng chúng ta để chúng ta có thể yêu mến Chúa giống như Chúa yêu thương chúng ta.

Một điều khá thú vị là Chúa Giêsu dùng hình ảnh một tên trộm để nói về chính Ngài trong đoạn Tin Mừng hôm nay. Việc Chúa đến cũng giống như tên trộm. Ai trong chúng ta cũng có thể hiểu tình huống cẩn trọng đề phòng như thế. Nếu chúng ta biết trước thì chắc chắn sẽ đề phòng chuẩn bị đối phó kẻo lỡ nguy ngập ập tới thì chúng ta không kịp trở tay. Chúa Giêsu dùng hình ảnh tên trộm vì đôi khi người ta cảm thấy sư đe dọa từ lời Chúa hứa là Ngài sẽ trở lại bất ngờ. Khi một người không sống trong tinh thần dấn thân cho Thiên Chúa và yêu thương tha nhân như Chúa mong muốn, thì việc Chúa trở lại đúng là một đe dọa cho lối sống độc lập, tìm hư danh và vinh quang cho vương quốc cá nhân trần tục của họ. Nhưng khi một người dấn thân sống trong tình nghĩa với Thiên Chúa, thì việc Chúa đến lần thứ hai chẳng khác gì như việc chào đón một người bạn đi xa trở về. Người bạn đó sẽ trở về vào bất cứ ngày giờ nào, và họ luôn luôn sẵn sàng chào đón. Chúa Giêsu dùng hình ảnh tên trộm là vị Ngài không cần phải thôi thúc những người đã sống trong tinh thần chuẩn bị. Ngài chỉ muốn cảnh giác để thôi thúc những người chưa sống trong tinh thần chuẩn bị. Mỗi lần đọc kinh Lạy Cha chúng ta nguyện, “Xin cho Nước Cha trị đến.” Vào một ngày nào đó, Thiên Chúa sẽ nhận lời chúng ta cầu xin khẩn nguyện qua việc Chúa Giêsu đến lần thứ hai. Dĩ nhiên Chúa Giêsu là ông chủ nhà chứ không phải là kẻ trộm lén vào nhà. Khi chúng ta quên vai trò của mình là môn đệ và là quản lý, thì rất dễ cho chúng ta lầm lẫn nghĩ mình là ông bà chủ của cuộc đời mình. Đó chính là lúc chúng ta quan niệm Chúa Giêsu như kẻ trộm đột nhập đến bất ngờ lấy đi những cái chúng ta lầm tưởng nghĩ là của mình mà thực ra lại là của Chúa, Đấng là chủ mọi tạo vật và Ngài chỉ đơn giản đến để lấy lại những cái luôn luôn thuộc về Ngài.

Chọn thái độ

Khi chúng ta bắt đầu một năm mới trong đời sống của Giáo Hội, Chúa Nhật này luôn luôn là cơ hội tốt để dừng lại kiểm điểm sự thăng tiến đức tin của chúng ta trong năm vừa qua và suy nghĩ xem chúng ta muốn thăng tiến gì trong năm tới. Vắn tắt là chúng ta muốn quyết định điều gì trong tinh thần là người môn đệ. Thăng tiến xẩy ra khi chúng ta chủ tâm nhìn vào mối liên hệ tương quan của mình với Thiên Chúa và quyết định tiến bước trong đức tin và tình yêu thương, nhờ đó chúng ta có thể tiến sâu hơn vào tình liên hệ tương quan với Đấng trao ban sự sống và với tha nhân. Đây có thể là chủ đề để chúng ta cầu nguyện trong tuần lễ thứ nhất mùa Vọng này. Điều quan trọng khác có thể làm là tìm sự cố vấn của những người khác, nhất là của những người đạo đức và các vị lãnh đạo tinh thần, những người có thể cố vấn cho chúng ta những cách tốt nhất để thăng tiến trong lãnh vực tinh thần. Bí tích hòa giải cũng là cách tốt để loại bỏ đi những gây trở ngại và đang trói giữ không cho chúng ta tự do tiến bước trên hành trình của người môn đệ. Mùa Vọng là cơ hội thuận tiện để cử hành lãnh nhận ơn tha thứ. Đồng nhịp với việc thăng tiến đức tin nội tâm thì bất cứ quyết định nào trong tinh thần môn đệ cũng cần có sự bày tỏ ra ở bề ngoài nữa. Nói tóm lại, chúng luôn phải hành động như thể Chúa đến vào ngày hôm nay. Trong Tin Mừng Mat-thêu, Chúa nhấn mạnh điều cần thiết riêng là tỏ lòng xót thương đối với những người nghèo túng và thực hành sự tha thứ cho kẻ thù nghịch và cho những người xúc phạm đến chúng ta. Chúa bảo chúng ta phải là những người mang bình ban và mang ánh sáng của Chúa Kitô vào thế giới đen tối.

Mặc dù chúng ta đang trông chờ sự bày tỏ trọn vẹn của Chúa Giêsu như Vua muôn thuở, chúng ta đã có cảm nghiệm về Ngài ngay từ bây giờ rồi. Có nhiều cách để Con Thiên Chúa hằng sống đến với chúng ta: trong việc nhập thể của Đức Giêsu Nazareth, trong các Bí Tích, trong việc cầu nguyện, và trong việc Ngài đến lần thứ hai vào ngày tận thế. Tất cả đều là “Mùa Vọng”. Chủ đích đức tin của chúng ta không phải chỉ ở trong qúa khứ hay ở tương lai, nhưng cũng ở hiện tại lúc này. Một trong những thách đố cho việc chuẩn bị trong Mùa Vọng là có con mắt có khả năng thấy được sự hiện diện của Chúa Giêsu với chúng ta ở hiện tại. Điều quan trọng là chúng ta quyết định cho thái độ cho chúng ta trước bối cảnh đón chờ ngày Chúa đến.

 
Một đám rất đông người tụ họp lại. Đứng trước đám đông, một bên là Chúa Giêsu và bên kia là Satan .Làn ranh chia cách Chúa Giêsu và Satan là một cái hàng rào chạy dọc. Chúa Giêsu và Satan, cả hai bắt đầu gọi từng người trong đám đông. Mỗi người làm quyết định, một là chọn bước sang với Chúa hay là bước theo Satan. Cứ như thế cho đến khi mọi người làm xong quyết định lựa chọn của họ. Cuối cùng thì cũng xong. Chúa Giêsu qui tụ những người chọn theo Ngài lại.

Nhóm theo Chúa đông hơn nhóm của Satan. Nhưng có một người chẳng chọn theo ai cả. Anh ta trèo lên ngồi trên bờ rào giữ trung lập. Chúa Giêsu dẫn nhóm người theo Ngài đi. Và Satan cũng thế. Anh chàng kia ngồi một mình trên hàng rào cười vui tự hào là mình khôn.

Nhưng sau một lúc thì Satan quay trở lại. Thấy Satan quay trở lại anh hỏi, “Này ông, hình như ông quên cái gì hả?”


Satan trừng trừng nhìn thẳng vào anh ta, chỉ tay và nói, "Ô đúng rồi, nó đây rồi! Mày, mau xuống đây đi với tao.” Người đó nói chống lại, “Đâu có như thế được. Tôi chẳng chọn theo ai cả. Tôi chọn ngồi lại trên hàng rào mà!”

Satan trả lời, “Hàng rào thuộc quyền sở hữu của tao. Tao là ông chủ của cái hàng rào.”

L.M. J. Trần Đình Khả

 
114.864864865135.135135135250