24/11/2023 -

CÁC THÁNH TỬ ĐẠO VIỆT NAM

1687
Ngày 24/11
Thánh Phêrô Võ Ðăng Khoa
Linh mục (1790 - 1838)

I. Tiểu sử

Tôi là đạo trưởng, là chủ chăn,
làm sao tôi có thể chối Chúa, làm sao tôi có thể bỏ Chúa?

 
Thánh Phêrô Vũ Đăng Khoa sinh năm 1790 tại làng Thuận Nghĩa, phủ Diễn Châu, huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An. Cậu là con trai thứ ba trong gia đình, có tư chất thông minh, đức tính hiền lành, lại có lòng ước ao được sống đời dâng hiến.

Bước đầu, cậu được nhận vào giúp việc cho các linh mục. Kế đó, cậu  được gửi theo học tại Chủng viện Vĩnh Trị, sau chuyển về học Nhà tràng Hướng Phương. Cậu luôn giữ kỷ luật nhà trường, chăm chỉ học hành và tập sống các nhân đức. Học xong, thầy Khoa được cử đi giúp cho cha Nguyễn Đức Khiêm ở Hướng Phương.

Năm 1820, thầy Vũ Đăng Khoa chịu chức linh mục tại Chủng viện Vĩnh Trị. Trong suốt chín năm, cha Khoa đến giúp giáo dân các giáo xứ ở Ninh Bình, Nghệ An và Hà Tĩnh. Năm 1829, Đức cha Harvard - Du bổ nhiệm cha làm chính xứ Kinh Nhuận, cũng là Cồn Dừa.

Cha Khoa hiền lành, hết lòng vì giáo dân, nhưng cũng rất thẳng thắn, được mọi người thương mến và kính phục. Hơn hai năm làm cha xứ, cha phải trốn tránh, ở nhờ nhà người dân. Cha lo lắng cho đoàn chiên, âm thầm đến phục vụ tại các giáo họ, đôi khi phải đi giúp trong đêm tối tăm mưa gió.

Có người tố cáo, cha Khoa bị chặn bắt tại Lễ Sơn ngày 02-7-1838 cùng hai chú Khang và Đức. Cha bị giải lên huyện, rồi từ huyện áp giải lên tỉnh Đồng Hới. Quan án tỉnh tra tấn cha Khoa nhiều lần, nhưng cha một mực giữ thinh lặng không chịu mở miệng khai báo.

Cuối cùng, chú Khang, vì khiếp sợ, không chịu nổi đòn roi nên đã chỉ nơi ẩn trốn của thừa sai Dumoulin Borie - Cao, cụ Điểm và thầy Tự ở ngoài huyện Bình Chính. Theo lời khai báo của chú Khang, ngày 02-8-1838, thừa sai Dumoulin Borie - Cao, cụ Điểm và thầy Tự bị bắt và bị giải về giam chung ngục Đồng Hới với cha Khoa.

Cha Khoa lãnh bản án xử giảo ngày 24-11-1838 tại pháp trường ngoài thành Đồng Hới, dưới đời vua Minh Mạng. Thi hài được rước về nhà thầy giảng Nguyên ở làng Mỹ Hương, Lệ Thủy rồi đưa về an táng tại Nhà chung Kẻ Gốm. Về sau, xác ngài được cung nghinh về Thuận Nghĩa.

Linh mục Phêrô Vũ Ðăng Khoa được nâng lên hàng chân phước ngày 27-5-1900 và được tôn phong hiển thánh ngày 19-6-1988.


Trích sách "Hạnh Các Thánh Tử Đạo Việt Nam"
Biên soạn: 
Hội đồng Giám mục Việt Nam


II. Cầu nguyện

Tôi là linh mục, là chủ chăn làm sao tôi có thể chối Chúa.



“Tôi là linh mục, là chủ chăn làm sao tôi có thể chối Chúa.” Đó là tâm tình của linh mục Phêrô Võ Đăng Khoa trong lần tuyên xưng đức tin trước những người bài tôn giáo. Ngài là gương mặt sáng ngời của con dân miền Trung đã sống niềm tin cách mãnh liệt hào hùng. Ý thức về vai trò và sứ vụ linh mục của mình trước đoàn chiên và dân chúng, ngài không ngại phải bày tỏ quan điểm và cách thức chọn lựa của mình về niềm tin vào Thiên Chúa. Phút cầu nguyện hôm nay, chúng ta cầu nguyện cách đặc biệt cho mọi tín hữu biết noi gương thánh nhân, luôn giữ mãi tinh thần Tin Mừng mà các bậc cha anh đã để lại, trong từng sứ vụ và từng môi trường sống, để tất cả chúng ta cũng nói được như ngài: là tín hữu tôi không bao giờ chối Chúa.

Thánh Phêrô Võ Đăng Khoa sinh năm 1790 tại Thượng Hải làng Thuận Nghĩa, huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An. Là con thứ ba trong một gia đình Công giáo ngoan đạo. Cậu là người thông minh, lại có ý dâng mình cho Chúa nên việc học tập và tu luyện để trở thành linh mục không khó. Chăm chỉ học hành, chịu khó tu luyện nên thầy Khoa được giáo sư quý mến, khen thưởng. Sau khi học xong chương trình của Chủng viện, thầy Phêrô Võ Đăng Khoa được lãnh chức linh mục, năm ấy thầy ở tuổi 30.

Làm linh mục của Chúa là chu toàn trách vụ trong đức tin và đức mến bằng mọi khả năng Chúa ban. Làm linh mục của Chúa là nối kết với Chúa trong cầu nguyện, chọn cầu nguyện là ưu tiên. Làm linh mục của Chúa là phải tin điều mình đọc, dạy điều mình tin và thi hành điều mình dạy.
[1] Vì thế, khi cha Phêrô Võ Đăng Khoa bị các quan ép bước qua ảnh Chúa để chối đạo, cha nói: “Quan lớn đã biết, tôi là đạo trưởng, tôi giảng dạy cho nhiều người về đạo Thiên Chúa. Nay tôi lại bước lên ảnh tượng Chúa là Đấng tôi rao giảng, tôi xin thưa là không bao giờ tôi làm như thế.”

Cha Phêrô Võ Đăng Khoa đã hoàn toàn ý thức và xác tín: linh mục là nên đồng hình đồng dạng với Chúa Giêsu trong nỗi đau khổ của Người: “Tôi là linh mục, là chủ chăn, làm sao tôi có thể chối Chúa, làm sao tôi có thể bỏ Chúa? Tôi sẵn lòng chịu mọi khổ hình, mọi tra tấn, đòn vọt, chấp nhận luôn cả sự chết.”

Vì thế, dưới chiếu chỉ cấm đạo, chắc chắn cha là mục tiêu của các cuộc truy lùng. Cha phải nay đây mai đó để thi hành mục vụ với rất nhiều khó khăn. Ngày 10/7/1838, cha bị bắt và bị giam trong nhà tù Đồng Hới. Lúc đầu quan tỏ vẻ tình nghĩa khuyên dụ nhưng biết không thể lay chuyển tinh thần của người tông đồ Chúa Kitô, nên bản án xử trảm được tiến hành ngay sau đó. Ngày 24/11/1838, cha Phêrô Võ Đăng Khoa được phúc tử đạo.
Cuộc tử đạo để minh chứng cho xác tín và chọn lựa theo Chúa của cha Phêrô Võ Đăng Khoa, khiến chúng ta liên tưởng đến nhiều chứng nhân khác cũng đã chấp nhận cái chết khi phải chọn lựa giữa chết hay là bỏ đạo chối Chúa. Đức Thánh Cha Phanxicô nói: “Có thể có những khó khăn để chúng ta tin, nhưng ngày nay có nhiều người tử đạo hơn cả ở những thế kỷ đầu tiên. Họ bị bách hại vì họ dám nói lên sự thật và loan báo về Chúa Giêsu Kitô cho xã hội hôm nay.”
[2] Thiết nghĩ lý do này đủ để chúng ta thêm yêu mến và can đảm làm chứng cho Chúa, dẫu cuộc sống đầy đe dọa và cam go thử thách.

Đọc tiểu sử của cha Phêrô Võ Đăng Khoa lòng chúng ta cao dâng một tâm tình thán phục. Chúng ta không chỉ thán phục vì những gì ngài đã làm được cho đoàn chiên với trọn cả sức mình, nhưng thán phục vì ngài đã sống trọn vẹn Thiên Chức Chúa trao một cách tuyệt vời, trong cuộc đời tràn đầy nghịch lý. Ngài không ngại đánh đổi mạng sống chỉ vì ngài là linh mục. Tạ ơn vì Chúa đã thương gọi và chọn các linh mục, tạ ơn vì giữa những con người nhỏ hèn, Chúa đã chọn những con người trung thành, can trường, dám sống, dám yêu, dám hy sinh.

Lạy Chúa, hôm nay chúng con được tìm hiểu và cầu nguyện cùng thánh Phêrô Võ Đăng Khoa, ngài là người con ưu tú của Chúa và cũng là người công dân ngay chính. Nhờ đời sống đạo hạnh và đời mục tử đầy hy sinh của ngài, xin Chúa ban cho chúng con biết hun nóng và làm mới đời sống đức tin của mình. Xin ban thêm sức mạnh, niềm tin và ân sủng Chúa trên các linh mục, để các ngài làm vinh danh Chúa trong những chọn lựa quyết liệt của đời mình. Amen

[1] Lời Đức Giám mục nói với Phó tế “Trong nghi thức truyền chức phó tế”.
[2] Ý cầu nguyện  của Đức Thánh Cha tháng 3 năm 2019.  https://www.youtube.com/watch?v=fqekQWcn92A
114.864864865135.135135135250