30/11/2019 -

HỘI DÒNG

387
Kỷ Luật- Phương Thế Giúp Triển Nở Và làm Thăng Tiến Đời Tu
 
KỶ LUẬT - PHƯƠNG THẾ GIÚP TRIỂN NỞ VÀ LÀM THĂNG TIẾN ĐỜI TU
 
 
1. LUẬT VÀ ĐỜI TU

Luật và đời tu được ví như hai người bạn thân cùng đồng hành nâng đỡ nhau trong hành trình tiến tới sự trọn hảo. Luật làm cho cuộc sống chung cũng như riêng từng cá nhân được vận hành theo sự trật tự, ngăn nắp và trưởng thành. Đời tu nhờ có luật mà được gìn giữ mỗi ngày. Tuy nhiên, đời tu là nơi có những con người thật nhưng sống với khát vọng, với thao thức và lý tưởng dâng hiến cuộc đời cho Thiên Chúa. Đã là con người thì ai cũng mang những nỗi niềm trăn trở. Nơi cuộc đời, và cả trong môi trường dòng tu, những con người “đã từ bỏ mọi sự mà theo Thầy” đó cũng vẫn phải đối diện với sự thật, với những giới hạn đôi khi đến trần trụi của cuộc sống.

Luật cũng vậy, vừa bao dung vừa nghiệt ngã. Bao dung vì nó mang lại sự bảo bọc an toàn cho những người yếu đuối, bênh vực cho nhũng người gặp oan ức bất công, là biển chỉ đường cho hành trình hướng tới sự hoàn thiện, nghiệt ngã khi nó chỉ là những con chữ màu đỏ dùng để trừng phạt, hay chế tài những người vô tình hay hữu ý “đi ngược đường đua.”  Như vậy nếu ta chủ quan và bất cẩn, thì sẽ có ngày bị nghiền nát tiêu vong dưới lề luật.

2. NHỮNG BẤT CẬP TRONG VIỆC DÙNG LUẬT VÀ GIỮ LUẬT
 
Tác giả bài viết: Tu sĩ lớn lên trong tương quan cộng đoàn”(1) đã đưa ra nhận định như sau: “Trong các nhà đào tạo, nhiều khi luật lệ và nội qui được chú trọng quá mức, tiêu chuẩn đánh giá của các ngài là sự chu toàn các giờ sinh hoạt, giữ “đúng phoóc” các qui định chung, không sai phạm kỷ luật, không hay ý kiến. Nhiều người còn dùng luật lệ như một liều “thuốc sợ” để đe dọa “ơn phần rỗi” của các tu sĩ nhằm đưa cộng đoàn vào khuôn khổ, nề nếp, trật tự. Những phương cách đào tạo “rập khuôn,” “cào bằng” và “nệ luật” như thế xem chừng không nuôi dưỡng được những nhân cách trưởng thành cứng cáp, trái lại, chỉ tạo được một số thói quen và quán tính tự vệ” .

Thực trạng này có thể đúng nơi một số nhà dòng. Ta không phủ nhận những giá trị chuẩn mực của luật, nhưng xét về khía cạnh nhân bản, những răn đe của luật lệ trong Hội dòng sẽ khiến người ta khó nhận ra giá trị của bản thân mình, họ sẽ phản ứng bằng một thái độ “lồi lõm", chống đối, dù họ biết việc đó là “giơ chân đạp mũi nhọn,” là gãy đổ tương quan. Nhẹ hơn thì đó là thái độ “muốn được yên thân.” Mỗi người cố gắng chu toàn phận vụ được giao và hoàn thành các sinh hoạt của cộng đoàn một cách đầy đủ chỉ vì “không làm thế không được,” và đến một lúc nào đó nó sẽ biến ta trở thành những con người, nói như Cha Giuse Nguyễn Trọng Viễn là “nhân cách thiếu hình hài, sống méo mó và dựa dẫm, không có khả năng mang vác chính cuộc đời của mình, mà không mang vác nổi cuộc đời mình thì khó có thể gánh vác được sứ vụ trên vai.

Việc sử dụng luật và giữ luật cách máy móc, thiếu linh hoạt như vậy ta thấy có cái gì đó sai sai và tất nhiên hậu quả nó để lại là không nhỏ. Nơi đó, kỷ luật không còn là hồng ân mà kỷ luật là một công tắc điện để bật khi ai đó muốn mình quay vào “ô phần thưởng,” và tắt khi ai đó quay trúng “ô mất lượt,” sau cùng hình thành nên trào lưu giữ luật “chỉ để có được cái giấy thông hành hầu đi tiếp con đường cao vọng phía trước.”  Như Thánh Phaolô nói Xưa kia không có luật thì tôi sống, nhưng từ khi có điều răn thì tội bắt đầu sống, còn tôi thì chết. Thành thử điều răn lẽ ra phải đưa đến sự sống, lại dẫn tôi đến chỗ chết. Quả thế, tội đã thừa cơ dùng điều răn để quyến rũ tôi, và cũng dùng điều răn đó để giết tôi” (Rm 7,9-11). Như ai đó nói quả không sai:Người ta hay ví luật lệ như hàng lan can hoặc tấm lưới sàn để nói rằng nếu chỉ bước đi trên tấm lưới hay vịn lấy hàng lan can thì ta không làm được gì hơn việc tránh tai nạn.”  Nếu như thế thì luật có còn là “khuôn vàng thước ngọc” giúp thăng tiến đời tu, và luật có còn là một phương thế giúp chúng ta sống bình an và hạnh phúc, hay luật chẳng khác gì một biện pháp áp đặt, giới hạn tự do, không được sống và hành động theo ý muốn riêng?


3. KỶ LUẬT GIÚP THĂNG TIẾN VÀ LÀM TRIỂN NỞ ĐỜI TU
 
3.1.Giá trị cốt lõi của luật là Tình yêu thương
 
Luật, hay nội quy thường được hiểu theo cách bình dân nhất đó là các quy định, những phép tắc, các điều khoản đặt ra để ngăn ngừa sự phóng túng có thể làm hại cho bản thân hay cho người khác. Như vậy, tất cả lề luật đều nhằm đến việc hoàn thiện con người mình và bảo vệ lợi ích chung của tập thể. 

Có một tác giả đã phân tích rất sâu sắc về kỷ luật, ông nhận định rằng: “Kỷ luật đúng nghĩa không thúc ép sau lưng bạn, nó ở bên cạnh khích lệ bạn. Kỷ luật là tự chăm sóc mình chứ không phải tự trừng trị mình".  Đối với người Do Thái xưa, 614 khoản luật được coi là cao trọng khiến người Pharisiêu cố tuân giữ cách tỉ mỉ và trung thành nhưng Chúa Giêsu lại bảo đó “đạo đức giả, là mồ mả tôi vôi.” Vấn đề ở chỗ họ cố tình “chất những gánh nặng lên vai người khác, còn chính mình thì dù một ngón tay cũng không động vào,” (Lc 11, 46) . Trong đời sống thánh hiến của chúng ta cũng là làm sao tìm ra được ý nghĩa Yêu Thương trong những điều luật chúng ta đang thực thi, để có thể gặp được Chúa và tha nhân. Chính Chúa Giêsu cũng nói Ngươi phải yêu mến Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi hết lòng, hết linh hồn và hết trí khôn ngươi’. Đó là điều răn lớn nhất và điều răn đứng đầu; Còn điều răn thứ hai cũng giống điều răn ấy, là ‘ngươi phải yêu người thân cận như chính mình. Tất cả lề luật Môsê và các sách Ngôn Sứ đều tùy thuộc vào 2 điều răn này” (Mt 23, 36-40) .

Như vậy, luật là thánh, l
uật chỉ giúp con người ta nên thánh và trở thành người hơn khi người ta giữ luật với tình yêu và lòng mến,yêu người thân cận như chính mình” và  “phải yêu Chúa hết lòng.” Thánh Phaolô cũng quả quyết điều này: “Người ta nên công chính không phải nhờ lề luật nhưng nhờ đức tin, nhờ ân huệ và tình thương Thiên Chúa” (Gl 3, 21). Đức Thánh Cha Phanxicô trong một giáo huấn về việc giữ luật cũng nói: “Giữ luật đúng nghĩa là tìm ra cốt lõi của Luật. Cốt lõi đó chính là luật yêu thương.” Mười Điều răn Chúa, Sáu điều luật Hội thánh và cả Tám Mối Phúc, cũng đều giúp ta sống liên lỉ trong sự trọn hảo của lòng mến Chúa và đức ái với tha nhân.

 
  1. 3.2. Thái độ cần có của người thi hành luật và người giữ luật
  2.  
Ai trong chúng ta, dù sống ở bậc sống nào, môi trường nào, chúng ta cũng được mời gọi phải trung thành và tuân giữ lề luật, nhưng chúng ta phải giữ luật với thái độ nào để “luật không phải là ách nô lệ nặng nề, nhưng là ân sủng mang lại tự do và hạnh phúc” là “khuôn vàng thước ngọc” giúp thăng tiến đời tu?  

Đức Bênêđitô XVI trong cuốn sách :Cầu nguyện trên nền tảng Kinh Thánh, tr 176 dạy rằng: “Giữ lề luật cho trọn chính là bước theo Chúa Giêsu, đi trên con đường của Chúa Giêsu, đồng hành với Chúa Giêsu.” Cách thức đó mới là cách thi hành luật với tinh thần “tự do của con cái Chúa,” không để mình bị nô lệ, tha hóa, bị giết chết trong kỷ luật. Tôi giữ lời khấn vì muốn được triển nở trong tình yêu với Chúa chứ không phải vì được tấm bằng khen loại giỏi nộp về cho Hội dòng để được ghi tên trên bảng thành tích. Tôi vâng phục trước những quyết định của Bề trên, chu toàn các công việc bổn phận vì nhu cầu của Hội dòng, của cộng đoàn chứ không phải để ghi điểm cũng không phải tìm lời khen. Tôi nghiêm chỉnh với các giờ thiêng liêng là để tôi sống gắn bó thân tình với Chúa chứ không phải để được khen là đạo đức thánh thiện…

Chỉ có cách giữ Luật này mới cho chúng ta sự tự do nội tâm, mới giúp ta thăng tiến mỗi ngày trong ân sủng chúa. Như vậy, luật là trái tim, là tình yêu, là bao dung quảng đại với Chúa với tha nhân, chúng ta làm luật cho con người chứ không phải cho những cỗ máy. 

Tất cả mọi người dù đang sống trong bậc sống nào, giầu hay nghèo, bình dân hay trí thức, bề trên hay bề dưới, chúng ta đều sẽ là những "công dân Nước trời,” và tất cả đều đang thi hành bổn phận của một công dân với những trách nhiệm khác nhau trong cuộc sống ngay ở đời này. Bởi lẽ những gì chúng ta đang sống và đang làm, phải được thực hiện với lương tâm ngay thẳng và với trái tim chân thành. Không ai và không luật pháp nào đòi hỏi người ta phải yêu thương nâng đỡ nhau, nhưng chỉ có tình yêu thương mới có thể hóa giải mọi vấn đề, và cũng chỉ có tình thương mới làm cho con người lớn lên và gần nhau hơn.Thế nên, luật lệ suy cho cùng chỉ là mức độ thấp nhất của đạo đức nó chỉ buộc người ta thực hiện những gì tối thiểu Hội dòng đòi hỏi và sẵn sàng trừng phạt hay chế tài bất cứ ai vi phạm.

Ngẫm lại các khoản luật của Chúa, của Giáo hội, và cả luật dòng, chúng ta sẽ dễ dàng nhận ra là; tất cả lề luật đều đưa chúng ta đến việc gặp gỡ Chúa và thực hành đức ái với tha nhân. Nếu mỗi người sống trên trần gian đều đang ý thức mình là một "tội nhân" trong phiên tòa xét xử của Thiên Chúa, thì chỉ có một vị thẩm phán duy nhất là Thiên Chúa. Tội lỗi của chúng ta, lối sống, cách xử sự, lời nói, kể cả những tâm tư thầm kín, đều được Ngài biết rõ. Chúa không theo dõi đường đi nước bước của chúng ta để xử phạt, nhưng để gìn giữ, yêu thương và chúc lành. Đó cũng là cách giữ luật mà Chúa mong muốn.

Trong vai trò là “công dân nước trời” có những người thực hiện tốt bổn phận của mình, nhưng cũng có những người thất bại chua cay. Thực hiện tốt, không phải vì là người có địa vị có quyền cao, đó có thể chỉ là những người âm thầm, suốt đời chỉ quẩn quanh chốn Tu viện nhưng vẫn giữ được tâm hồn thanh tao, sống nhân ái với mọi người, và luôn can đảm vươn lên, tìm lối đi cho riêng mình, đó là những con người coi kỷ luật như một người bạn đồng hành, ở cạnh bên khích lệ và nâng đỡ trong cuộc sống, và họ bước đi với tất cả tình yêu cùng lề luật. Ngược lại, những ai chỉ sống vì luật thì vận hành cuộc đời mình như một cái máy.

Sau cùng, cũng phải chân nhận rằng: Khi ta biết dùng luật và giữ luật cách đúng nghĩa thì kỷ luật là khuôn mẫu và thước đo để rèn luyện con người, giúp ta hoàn thiện con người mình, tiến lên đỉnh cao của trọn lành, như một danh nhân nói : “Nếu không có cái thước thẳng, sao biết mình đã có chỗ cong. Đã không biết được chỗ nào mình sai thì làm sao  biết sửa mình cho ngay ngắn được.”  Nhưng nếu ta lệ luật thì luật sẽ là cái hố chôn vùi nhân cách và sự tự do của mỗi người. Cho nên tất cả lề luật của chúng ta, làm gì thì làm, diễn giải ra sao, định nghĩa thế nào không quan trọng, quan trọng chính là ta tìm ra mục đích chính của lề luật là giúp con người đến với Thiên Chúa và đến với anh chị em, làm cho anh chị em được sống, được triền nở và cho Danh chúa được vinh quang thì luật đó mới sống và sống dồi dào.

 
Maria Nguyễn Thắm
 
 
(1) http://mtgvinh.net 08/2014
114.864864865135.135135135250