22/03/2023 -

Tin Giáo hội Hoàn Vũ

94
Xin ơn ngạc nhiên trước những hồng ân của Thiên Chúa


“Hôm nay, chúng ta hãy xin ơn biết ngạc nhiên mỗi ngày trước những hồng ân của Thiên Chúa và nhận ra những hoàn cảnh khác nhau của cuộc sống, ngay cả những hoàn cảnh khó chấp nhận nhất, như những cơ hội để làm điều tốt, như Chúa Giêsu đã làm với người mù”. Đức Phanxicô đã mời gọi như thế trong buổi đọc Kinh Truyền Tin trưa Chúa Nhật IV Mùa Chay nhằm ngày 19/3/2023.


Dưới đây là bài suy niệm của Đức Thánh Cha:


Anh chị em thân mến, chào anh chị em!


Hôm nay, bài Tin Mừng mô tả Chúa Giêsu khôi phục thị giác cho một người mù từ thuở mới sinh (x. Ga 9, 1-41). Nhưng điều kỳ diệu này được chào đón một cách tồi tệ bởi nhiều người hoặc nhóm khác nhau. Chúng ta hãy nhìn vào các chi tiết.


Nhưng tôi muốn nói: hôm nay, hãy lấy Tin Mừng Gioan và đọc về phép lạ này của Chúa Giêsu. Cách Gioan kể lại nó trong chương 9 thực sự rất hay. Chỉ mất hai phút để đọc nó. Nó làm cho chúng ta thấy cách Chúa Giêsu xử sự và cách lòng người xử sự: trái tim nhân hậu, trái tim lạnh nhạt, trái tim sợ hãi, trái tim can đảm. Chương 9 của Tin Mừng Gioan. Hãy đọc nó hôm nay. Nó sẽ giúp anh chị em rất nhiều. Và đâu là những cách thức mà những người này chào đón nó?


Trước hết, có các môn đệ của Chúa Giêsu, những người khi đối mặt với người mù bẩm sinh, đã bàn tán và hỏi xem do lỗi của cha mẹ anh ta hay chính anh ta (x. c.2). Các ông tìm kiếm một thủ phạm. Và chúng ta đã nhiều lần dễ rơi vào điều này – tím kiếm một thủ phạm hơn là đặt ra những câu hỏi chất vất trong cuộc sống. Và hôm nay, chúng ta có thể nói: sự hiện diện của người này có ý nghĩa gì đối với chúng ta, trong cuộc sống của tôi? Người này đang yêu cầu chúng ta điều gì?


Sau đó, một khi việc chữa lành diễn ra, thì các phản ứng sẽ gia tăng. Đầu tiên là từ những người hàng xóm hoài nghi của anh ta: “Người này luôn bị mù. Không thể nào bây giờ anh ta lại nhìn thấy – không thể nào là anh ấy được! Đó là một ai khác” – chủ nghĩa hoài nghi (x. cc.8-9). Điều này là không thể chấp nhận được đối với họ. Tốt hơn hết hãy để mọi thứ như trước đây để chúng ta không cần phải đối mặt với vấn đề này (x. c.16). Họ sợ hãi, họ sợ giới chức tôn giáo và không dám nói ra (x. cc. 18-21).


Trong tất cả những phản ứng này, vì nhiều lý do khác nhau, đã xuất hiện những trái tim khép kín trước dấu lạ của Chúa Giêsu: vì họ tìm kiếm một thủ phạm, vì họ không biết cách ngạc nhiên, vì họ không muốn thay đổi, vì họ bị ngăn cản bởi nỗi sợ hãi. Ngày nay, có nhiều hoàn cảnh tương tự. Đứng trước một điều gì đó thực sự là chứng tá của một con người, một sứ điệp về Chúa Giêsu, chúng ta rơi vào điều này – chúng ta tìm kiếm một lời giải thích khác, chúng ta không muốn thay đổi, chúng ta tìm kiếm một lối giải thích lịch thiệp hơn là chấp nhận sự thật.


Người duy nhất phản ứng tốt là người mù. Vui mừng vì nhìn thấy được, anh làm chứng về những gì đã xảy đến với anh theo cách đơn giản nhất: “Tôi đã bị mù, bây giờ tôi thấy được” (c. 25). Anh nói sự thật. Trước kia, anh buộc phải xin bố thí để sống qua ngày, và chịu nhiều thành kiến của người đời: “Anh ta nghèo và bị mù bẩm sinh. Anh ta phải đau khổ. Anh ta phải trả giá cho tội lỗi của mình hay của tổ tiên của anh ta”. Bây giờ được tự do về thể xác và tinh thần, anh làm chứng cho Chúa Giêsu – anh không bịa đặt hay cha giấu bất cứ điều gì. “Tôi đã bị mù, giờ đây tôi nhìn thấy được”. Anh không sợ những gì người ta sẽ nói. Cả đời anh đã nếm trải sự cay đắng của việc bị gạt ra bên lề xã hội. Bản thân anh đã cảm nghiệm được sự dửng dưng, sự khinh bỉ của những người qua đường, của những người coi anh là một kẻ bị xã hội ruồng bỏ, chỉ hữu ích cho việc thực hành bố thí một cách ngoan đạo. Bây giờ được chữa lành, anh không còn sợ những thái độ khinh miệt đó nữa bởi vì Chúa Giêsu đã ban cho anh đầy đủ phẩm giá của mình. Và điều này thật rõ ràng, nó luôn xảy ra khi Chúa Giêsu chữa lành cho chúng ta. Ngài trả lại cho chúng ta phẩm giá của chúng ta, phẩm giá từ việc chữa lành của Chúa Giêsu, trọn vẹn, một phẩm giá phát xuất tự tận sâu thẳm tâm hồn, chiếm lấy toàn bộ cuộc sống của một người. Và, vào ngày Sabát trước mặt mọi người, Chúa Giêsu đã giải thoát anh và cho anh nhìn thấy mà không đòi hỏi anh bất cứ điều  gì, thậm chí không một lời cảm ơn, và anh làm chứng cho điều này. Đây là phẩm giá của một người cao quý, của một người biết mình được chữa lành và bắt đầu lại, được tái sinh. Sự tái sinh trong cuộc sống đó mà hôm nay người ta nói đến trên chương trình “A Sua Immagine”: được tái sinh.


Thưa anh chị em, qua tất cả những nhân vật này, bài Tin Mừng hôm nay cũng đặt chúng ta vào giữa cảnh tượng đó, vì thế chúng ta có thể tự hỏi: Chúng ta đang ở trong vị trí nào? Lúc đó chúng ta sẽ nói gì? Và trên hết, hôm nay chúng ta sẽ làm gì? Như người mù, chúng ta có biết cách nhìn thấy điều tốt và biết ơn những hồng ân mình nhận được không? Tôi tự hỏi: Phẩm giá của tôi như thế nào? Phẩm giá của anh chị em như thế nào? Chúng ta có làm chứng cho Chúa Giêsu không, hay, thay vào đó, chúng ta  gieo rắc sự chỉ trích và nghi ngờ? Chúng ta có được tự do khi đối mặt với những thành kiến hay chúng ta cấu kết với những người truyền bá sự tiêu cực và đàm tiếu? Chúng ta có hạnh phúc khi nói rằng Chúa Giêsu yêu thương chúng ta, Ngài cứu độ chúng ta, hay như cha mẹ của người mù bẩm sinh, chúng ta có để mình bị giam cầm trong nỗi sợ hãi về những gì người khác sẽ nghĩ không? Những trái tim lạnh nhạt không chấp nhận sự thật và không có can đảm để nói: “Không, nó là như thế này”. Và xa hơn, làm thế nào chúng ta đón nhận những khó khăn và sự dửng dưng của người khác? Làm thế nào chúng ta đón nhận những người có rất nhiều giới hạn trong cuộc sống? Cho dù đó là thể lý, giống như người mù này; hay xã hội, giống như những người ăn xin chúng ta gặp thấy trên đường phố? Chúng ta có đón nhận họ như một sự bất tiện hay như một cơ hội để đến gần họ với lòng yêu thương?


Thưa anh chị em, hôm nay, chúng ta hãy xin ơn biết ngạc nhiên mỗi ngày trước những hồng ân của Thiên Chúa và nhận ra những hoàn cảnh khác nhau của cuộc sống, ngay cả những hoàn cảnh khó chấp nhận nhất, như những cơ hội để làm điều tốt, như Chúa Giêsu đã làm với người mù. Xin Đức Mẹ giúp chúng ta trong việc này, cùng với Thánh Giuse, người công chính và trung tín.

—————————–

Tý Linh chuyển ngữ
(nguồn: vatican.va)

114.864864865135.135135135250