11/11/2021 -

LỜI KINH và Ý NGHĨA

4652
Kinh Cầu Cho Các Linh Hồn
KINH CẦU CHO CÁC LINH HỒN
Mời bấm vào đây để nghe

Lạy Chúa, con ở dưới vực sâu kêu lên Chúa, xin Chúa nhận lời con kêu van và lắng nghe tiếng con cầu xin. Nếu Chúa chấp tội nào ai được cứu rỗi; bởi Chúa luôn nhân lành và vì lời Chúa phán hứa. Con đã trông cậy Chúa, linh hồn con tin vào lời hứa ấy. Những ai làm dân Đức Chúa Trời, đêm ngày hãy trông cậy Người luôn luôn, vì Người rất nhân lành hay thương vô cùng, sẽ tha hết mọi tội lỗi cho tất cả dân Người.

Lạy Chúa, xin ban cho các linh hồn được nghỉ ngơi đời đời và được hưởng ánh sáng vô cùng. Lạy Chúa, xin cứu lấy các linh hồn cho khỏi luyện ngục và được nghỉ yên. Amen


Một trong những kinh được đọc nhiều nhất vào tháng mười một, đó là Kinh Vực Sâu. Kinh này thoát thai từ Thánh vịnh 129, Thánh vịnh Sám hối. Lời kinh nói tới hình ảnh vực sâu như một bức tranh nghệ thuật thánh, gợi lên trong tâm trí chúng ta những cảm nghiệm thiêng liêng mang nhiều ý nghĩa thâm sâu.

Vực sâu được coi là nơi các linh hồn đang thanh luyện. Sách Giáo lý Hội thánh Công giáo[1] dạy rằng: “Những người chết trong ân sủng và tình thân nghĩa của Thiên Chúa, nhưng chưa được thanh luyện hoàn toàn, thì tuy họ chắc chắn sẽ được cứu độ muôn đời, nhưng họ còn phải thanh luyện sau khi chết, để đạt được sự thánh thiện cần thiết hầu tiến vào hưởng niềm vui thiên đàng.”

Bởi thế, khi bắt đầu lời Kinh Vực Sâu ta thưa lên: “Lạy Chúa, con ở dưới vực sâu kêu lên Chúa, xin Chúa nhận lời con kêu van...” Ta muốn đặt mình vào trong vị thế của các linh hồn đang trong tình trạng được thanh luyện, để cầu khẩn lượng từ bi hải hà của Thiên Chúa. Bởi vì, các linh hồn ở luyện ngục không thể tự mình cứu mình khỏi hình khổ, nên rất cần đến sự trợ giúp của chúng ta bằng lời cầu nguyện và bằng những việc lành để đền bù tội lỗi thay cho các linh hồn.

Đồng thời khi đọc lời kinh, ta cũng ý thức “mình chỉ là phàm nhân thân mang đầy tội lỗi”[2] chẳng đáng là gì trước mặt Chúa. Nhưng, nhờ tin vào lòng nhân từ của Chúa mà ta mạnh dạn thưa cùng Người với lòng khiêm tốn và tín thác: “Nếu Chúa chấp tội nào ai được cứu rỗi; bởi Chúa luôn nhân lành và vì lời Chúa phán hứa. Con đã trông cậy Chúa, linh hồn con tin vào lời hứa ấy…” Dâng lên lời kinh, ta xác tín một cách mạnh mẽ rằng, việc cầu xin của ta luôn có hiệu lực, bởi vì ta cậy nhờ vào công nghiệp và thế giá của Chúa Giê-su. Qua tiếng vọng từ vực sâu, ta nhân danh Chúa Giê-su và dùng chính lời than thở của Chúa Giê-su trong giờ khổ nạn mà thân thưa với Chúa Cha, để cầu xin cho các linh hồn.

Mặt khác, việc hướng về những khổ đau mà các linh hồn phải chịu, giúp ta rút ra được bài học cho chính bản thân mình. Hãy luôn cảnh tỉnh để sống tốt cuộc sống hiện tại. Hơn nữa, khi ta càng đồng cảm những nỗi thống khổ mà các linh hồn phải chịu trong luyện ngục và giúp đền bù tội lỗi của các linh hồn, thì ta càng biết trân trọng, nâng niu và gìn giữ cuộc sống của mình sao cho đẹp lòng Chúa hơn trong từng phút giây của hiện tại.

Tạ ơn Chúa, vì lời kinh nhắc nhở cho ta về nghĩa vụ cao quý và niềm trông cậy phải có đối với Thiên Chúa - Đấng là Chủ Tể càn khôn: “Những ai làm dân Đức Chúa Trời, đêm ngày hãy trông cậy Người luôn luôn, vì Người rất nhân lành hay thương vô cùng, sẽ tha hết mọi tội lỗi cho tất cả dân Người.”

Tạ ơn Chúa, vì lời kinh giúp ta hiểu được ý nghĩa của vực sâu và giúp ta đối diện với những khổ đau của cuộc sống hiện tại một cách khôn ngoan hơn. Và, nếu như vì sợ hãi mà ta không muốn số phận của linh hồn mình rồi đây sẽ như con thiêu thân phải sa xuống vực sâu; thì ta phải xác tín mạnh mẽ mình là “dân Đức Chúa Trời”,nghĩa là thuộc vào hàng ngũ “dân thánh, dân riêng của Thiên Chúa” mà thêm hăng hái trong việc chu toàn bổn phận của công dân Nước Trời.[3] 

Ôi! Lạy Thiên Chúa tình yêu! Chúng con tin rằng Chúa không tạo nên vực sâu để trừng phạt con người; nhưng đúng hơn, vực sâu là sự minh chứng về lòng thương xót vô biên của Thiên Chúa. Bởi vì, “khi chìm sâu trong phiền muộn”[4], khi cuộc sống rơi vào cảnh bế tắc của “vực thẳm kêu ngào vực thẳm”[5], chúng con cảm nghiệm được lòng Chúa xót thương luôn hiện diện trong mọi biến cố đời mình. Nhờ đó, chúng con có được kinh nghiệm sống động như thánh Au-gus-ti-nô: Lạy Chúa, Chúa ở tận trong sâu thẳm của linh hồn con.

Lạy Thiên Chúa từ nhân, vì yêu nhân loại chúng con, Chúa đã sai Con Một xuống thế, cam chịu chung số phận khổ đau trong cả chốn “vực sâu” tăm tối nhất của kiếp người, hầu cứu chuộc muôn người về cho Thiên Chúa. Xin ban cho các linh hồn được nghỉ ngơi đời đời và được hưởng ánh sáng vô cùng. Lạy Chúa, xin cứu lấy các linh hồn cho khỏi luyện ngục và được nghỉ yên. Amen

Bản kinh cũ gốc:Lạy Chúa, con ở dưới vực sâu kêu lên Chúa, xin Chúa hãy nhận lời con kêu van, hãy lắng nghe tiếng con cầu xin. Nếu Chúa chấp tội, nào ai rỗi được, bởi Chúa hằng có lòng lành, cùng vì lời Chúa phán hứa, con đã trông cậy Chúa, linh hồn con cậy vì lời hứa ấy, thì đã trông cậy Chúa. Những kẻ làm dân Đức Chúa Trời đêm ngày hãy trông cậy Người cho liên, vì Người rất nhân lành hay thương vô cùng, sẽ tha hết mọi tội lỗi kẻ làm dân Người thay thảy.

 Lạy Chúa, xin ban cho các linh hồn được nghỉ ngơi đời đời và được sáng soi vô cùng. Lạy Chúa, xin cứu lấy các linh hồn cho khỏi tù ngục mà được nghỉ yên. Amen.

[1] GL HTCG số 1030.
[2] X.Tv 65,3-4
[3] Lv 19,2
[4] Tv 42,7
[5] Tv 42,8
 
114.864864865135.135135135250