31/08/2019 -

PHÚT CẦU NGUYỆN MỖI NGÀY

199
Ngày 28/4
Thánh Phaolô Phạm Khắc Khoan
[1]
(1771-1840)
Cầu nguyện cho nạn nhân của bạo lực vì niềm tin tôn giáo




 
Ngày 28/5/2019 vừa qua, Đại Hội đồng Liên hiệp Quốc công bố quyết định chọn ngày 22/8 hằng năm làm Ngày Quốc tế Tưởng niệm các nạn nhân của bạo lực vì lý do tôn giáo hay niềm tin. Ngày 22/8 năm nay sẽ là lần tưởng niệm đầu tiên. Với tinh thần liên đới và bổn phận Đức tin, Uỷ ban Công Lý và Hoà Bình trực thuộc Hội đồng Giám mục Việt Nam đề nghị các Giáo phận, các dòng tu đồng loạt tổ chức thánh lễ hoặc các giờ chầu Thánh Thể vào ngày 22/8/2019 này để cầu nguyện cho tự do tôn giáo, cho các nạn nhân cuả tình trạng bạo lực, đàn áp tôn giáo,… Đặc biệt tại Việt Nam, tuy không có những cuộc trấn áp bạo lực trên diện rộng, nhưng như nhận định của Hội đồng Giám mục Việt Nam về luật Tín ngưỡng, Tôn giáo thì: tự do tín ngưỡng tôn giáo không thật sự được coi là quyền của con người nhưng chỉ là ân huệ cần phải xin và được ban phát. Đồng thời, nên tổ chức những cuộc thăm viếng, hỗ trợ gia đình các nạn nhân nếu có trên địa bàn phục vụ của mình.[2] Trong phút cầu nguyện này chúng ta cầu nguyện dưới ánh sáng cuộc đời thánh tử đạo Phaolô Phạm Khắc Khoan.

Thánh tử đạo Phaolô Phạm Khắc Khoan sinh năm 1771 tại làng Bồng Hải, tỉnh Ninh Bình, thuộc giáo phận Tây Đàng Ngoài. là người con duy nhất trong gia đình. Từ nhỏ cậu bé Phạm Khắc Khoan đã có mơ ước đi tu. Ước mơ ấy thánh thiêng ấy được cậu nuôi dưỡng và bồi đắp mỗi ngày. Cuối cùng cũng đến ngày Thầy Khoan trở thành Linh mục của Chúa. Sau khi thụ phong linh mục, cha phụ trách xứ Kẻ Vịnh, rồi xứ Phúc Nhạc, nơi đông dân cư nhất trong tỉnh. Trong vai trò mục tử, cha luôn vui vẻ yêu thương người nghèo. Nhờ sự cẩn trọng đầu tư trong bài giảng, cha đã dẫn dắt đàn chiên xứ đạo mỗi ngày thêm đạo đức, nhiệt tâm.

Khoảnh khắc trao ban lời Chúa cho giáo dân đẹp biết bao. Đó cũng là khoảng thời gian cha sống điều mình giảng dạy cách hùng hồn nhất. Cha bị bắt, bị tù đày, bị gông cùm – xiềng xích. Qua tất cả các hình khổ, cha vẫn giảng dạy về giáo lý đức tin với những lời lẽ nhẹ nhàng dễ hiểu. Cha dẫn chứng thông qua con đường lý trí và giác quan, con người có thể nhận biết được Đấng tạo thành. Thông qua nhận thức về lương tâm con người có thể xác tín vào cõi vĩnh phúc mà không dừng lại ở thế gian chóng qua này. Qua cách đối thoại và lập luận như thế, cha tạo được cảm tình với những người xung quanh đặt biệt là các quan án triều đình. Hình khổ cuối cùng cũng vơi nhẹ khi giọt máu đào rơi xuống và trở nên hy lễ dâng về Thiên Chúa. Đấng đang đón đợi cha nơi cuối đoạn đường dương thế. Ngày 28/4/1840 cha lãnh phúc tử đạo. Đức Lêo thứ XIII suy tôn cha Phaolô Phạm Khắc Khoan lên bậc chân phước ngày 27/5/1900. Ngày 19/6/1988, Đức Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II suy tôn các ngài lên bậc Hiển thánh. Lễ kính ngài vào ngày 28/4 hằng năm.

Cuộc đời của cha Phaolo Phạm Khắc Khoan khép lại để mở ra bao điều đáng cho ta suy gẫm. Máu người vô tội vẫn đổ xuống mỗi ngày. Hẳn nhiên, họ không phải là những tội đồ, càng không phải là người chán sống. Cuộc sống của anh chị em trở nên ngắn ngủi đến bất ngờ. Cái chết đổ ngập trong sự thương cảm và bất an cho người còn sống. Đó là thảm cảnh của thời cuộc, sự tàn khốc hủy diệt. Sẽ còn những người tù lương tâm, những gia đình bỗng chốc bơ vơ xơ xác vì niềm tin tôn giáo. Thấu cảm và hiệp thông, chúng ta cầu nguyện cho thế giới được an bình, quyền sống và sinh tồn của mỗi sinh linh được tôn trọng. Cách riêng với đất nước Việt Nam, chúng ta mơ ước đạo luật tự do tín ngưỡng được áp dụng đúng với bản chất của nó. Việc thực hiện các hành vi tôn giáo trong hệ thống Giáo hội địa phương cần được thừa nhận như một nhu cầu sống tâm linh. Được như vậy, mỗi người con của Chúa sẽ được sống trong tình Chúa và tình người cách sung mãn.

Lạy Chúa, hôm nay chúng con chiêm ngắm thánh Tử đạo Phaolo Phạm Khắc Khoan. Kết hợp với việc hưởng ứng sáng kiến của Liên hiệp quốc, chúng con cầu nguyện cho các nạn nhân vô tội trong các cuộc thảm sát vì mẫu thuẫn cực đoan, vì bạo lực đàn áp tôn giáo và không quên cầu nguyện cho nền công lý hòa bình được kiến tạo trên thế giới và với đất nước thân yêu này. Xin Chúa tiếp tục gia tăng lòng nhiệt thành, ý chí bền bỉ sống niềm tin và nhân bản cho những taọ vật của Chúa. Amen.


 
 

[1] x. Hạnh Tích Các Thánh Tử Đạo Việt Nam, Lm Gioakim Nguyễn Đức Việt Châu, SSS.
[2] Trích thư mời gọi cầu nguyện nhân ngày Quốc tế tưởng niệm các nạn nhân bị đàn áp tôn giáo và niềm tin Lần thứ I theo quyết định của Đai Hội Đồng Liên Hiệp Quốc, của UBClHB-HĐGM VN, ngày 15/8/2019.
114.864864865135.135135135250