(Đọc trong ngày lễ Trái Tim Chúa Giêsu)
Lạy Đức Chúa Giêsu rất nhân lành, Chúa đã yêu dấu loài người quá bội, mà loài người vô tình tệ bạc, lại còn khinh mạn dể duôi; nay chúng con sấp mình xuống trước bàn thờ Chúa, hết lòng thờ phượng cung kính, cho được đền vì những sự vô nhân bất nghĩa khắp thiên hạ hằng làm sỉ nhục Trái Tim Chúa hay thương dường ấy.
Song le chúng con nhớ lại, xưa nay chúng con cũng đã lỗi nghĩa cùng Chúa như vậy, thì chúng con hết lòng ăn năn đau đớn, xin Chúa thương xót thứ tha; chúng con sẵn lòng đền tội chúng con, cùng xin đền tội những kẻ lạc xa đàng rỗi, hoặc bởi cố tình chẳng tin phục nhận biết Chúa là Đấng chăn chiên dẫn đàng chính thật, hoặc khinh dể những điều đã khấn nguyện khi chịu phép Rửa tội, mà rẫy bỏ giới răn Chúa là ách[1] êm ái dịu dàng.
Bấy nhiêu tội đáng khóc lóc đau đớn dường ấy, thì chúng con quyết chí đền hết thay thảy, lại dốc lòng đền riêng những tội này, như cách ăn ở buông tuồng mất nết, những thói tục xấu xa làm dịp cho kẻ hãy còn thanh sạch mất lòng khiết tịnh, tội bỏ chẳng giữ các ngày lễ, sự nói lộng ngôn phạm đến Chúa cùng các thánh, những lời sỉ nhục bỉ báng Đấng thay mặt Chúa cùng các Đấng làm thày, những điều ơ hờ khinh dể cùng những tội gớm ghê phạm đến chính phép Bí Tích mến yêu; sau hết chúng con xin đền tội chung các nước hằng chống cưỡng chẳng nhận quyền, cùng chẳng vâng phục lời Hội Thánh Chúa truyền dạy. Chớ gì chúng con được đổ máu ra mà rửa sạch bấy nhiêu tội ấy; ít là chúng con xin dâng công đền tội xưa Chúa đã dâng cho Đức Chúa Cha trên cây Thánh Giá, mà rầy còn dâng trên bàn thờ mọi ngày, lại xin dâng công nghiệp Đức Mẹ Đồng Trinh và các thánh cùng các kẻ lành, cho được đền vì những sự vô phép mất lòng Chúa.
Chúng con thật lòng hứa cùng Chúa, từ nay về sau, nhờ ơn Chúa giúp, thì chúng con sẽ giữ đức tin vững vàng, ăn ở thanh sạch, giữ luật Evan cho trọn, nhất là luật mến Chúa yêu người, cho được bù lại những tội chúng con, cùng tội thiên hạ đã phụ ơn, bội nghĩa cùng Chúa hay thương dường ấy, lại hết sức ngăn ngừa kẻo người ta còn phạm đến Chúa, cùng khuyên dụ cho nhiều người trở lại theo chân Chúa.
Lạy Đức Chúa Giêsu cực khoan cực nhân! Chúng con cậy vì lời Đức Nữ Đồng Trinh Maria đã đồng công chuộc tội cầu bầu, xin Chúa nhận lễ đền tội chúng con thật lòng kính dâng mà tạ Chúa, cùng xin ban cho chúng con được ơn bền đỗ, giữ lòng trung tín, lo việc bổn phậm làm tôi Chúa cho đến trọn đời, cho ngày sau chúng con hết thảy được về quê thật, là nơi Chúa hằng sống hằng trị cùng Đức Chúa Cha và Đức Chúa Thánh Thần đời đời chẳng cùng. Amen
- Trong Kinh này chúng ta gặp cụm từ “khinh mạn dể duôi”, Tự Vị Annam Latinh giải thích “khinh mạn” nghĩa là “khinh, chê bai”; “dể duôi” nghĩa là “khinh dể.” Chúng ta một lần nữa lại thấy lại công thức ghép hai từ song tiết để làm gia tăng nét nghĩa. Đây là một hình thức ngữ pháp trong tiếng Việt, khi muốn nhấn mạnh từ ngữ để làm mạnh nghĩa hơn thì ghép hai từ đồng nghĩa.
- Trong Kinh này chúng ta gặp cụm từ “Cùng xin đền tội những kẻ lạc xa đàng rỗi.” Từ điển Việt-Bồ-La giải thích “rỗi” nghĩa là “sự yên nghỉ, sự thoát khỏi hình phạt.” Câu Kinh có nghĩa là “xin đền tội thay những kẻ bị hình phạt, những người chưa được an nghỉ hạnh phúc bên Chúa.”
- Câu Kinh “cách ăn ở buông tuồng mất nết” từ điển tiếng Việt hiện đại giải thích “buông tuồng” nghĩa là “tự do bừa bãi, không chút giữ gìn trong cách sống”; Từ điển Việt-Bồ-La giải thích “buông tuồng” nghĩa là “chỉ lo ăn uống, chỉ lo cái bụng, ngoài ra không lo gì nữa”; Tự Vị Annam Latinh giải thích “buông tuồng” nghĩa là “chơi bời”, là “tham gia vào những thú tiêu khiển có hại.” Thiết nghĩ cả các nét nghĩa cũ và mới kết hợp với nhau làm cho hiểu rõ câu Kinh hơn.
- Trong Kinh này có cụm từ “nói lộng ngôn”, từ điển tiếng Việt hiện đại không có từ này. Đại Nam Quấc Âm Tự Vị giải thích “lộng ngôn” nghĩa là “lời nói phạm thượng.”
- Trong cụm từ “sỉ nhục bỉ báng”, có từ “bỉ báng” là cách phát âm cổ của từ “phỉ báng.” Tiếng Việt cổ “bỉ” nghĩa là “khinh” ta thấy trong tiếng Việt hiện đại có từ “khinh bỉ” là từ ghép hội nghĩa có yếu tố “bỉ” là yếu tố cổ có nghĩa là “khinh”; “báng” nghĩa là “chê bai, nói xấu.” Các nét nghĩa của “bỉ” và “báng” kết hợp với nhau tạo thành nghĩa của từ “phỉ báng” hiện nay. Chúng ta cũng thấy từ “khinh dể” trong tiếng Việt cổ cũng có nghĩa là “khinh.”
- Câu kinh “Chớ gì chúng con được đổ máu ra mà rửa sạch bấy nhiêu tội ấy” có từ “chớ gì” đã được giải thích ở trên nghĩa là “ước gì.” Như vậy câu Kinh nghĩa là “Ước gì chúng con được đổ máu ra mà rửa sạch bấy nhiêu tội ấy.”
- Câu Kinh “Chúng con sẽ giữ đức tin vững vàng, ăn ở thanh sạch, giữ luật Evan cho trọn” có cụm từ “luật Evan”: “Evan” là hai âm đầu của Evangelium (tiếng Latinh) hoặc Evangelho (tiếng Bồ đào nha) nay ta dịch là Phúc Âm, Tin Mừng. “Luật Evan” là Luật Phúc Âm, tức là nếp sống theo Phúc Âm, theo Tin Mừng.
- Câu “xin ban cho chúng con được ơn bền đỗ”: từ “bền đỗ” là từ không có trong từ điển tiếng Việt hiện đại. Từ điển Việt-Bồ-La có mục từ “bền” nghĩa là “bền vững”, mực từ “đỗ” nghĩa là “kiên trì.” Xin ơn “bền đỗ” nghĩa là xin cho được “kiên trì bền vững” theo Chúa suốt cuộc đời.