23/05/2021 -

TỪ CỔ trong SÁCH KINH

1479
Từ Cổ trong Kinh Ngắm Bảy Sự Thương Khó Đức Mẹ
 

Thứ nhất thì ngắm: khi ông thánh Ximêon ẵm kính Đức Chúa Giêsu thì nói cùng Đức Mẹ rằng: “Con Bà ngày sau nên như bia bắn và gươm sắc sẽ đâm qua lòng Bà.” Đức Mẹ nghe lời ấy thì lo buồn đau đớn như gươm sắc đâm qua lòng Đức Mẹ vậy.

Khi
ngắm sự ấy, thì nguyện một Kinh Lạy Cha, bảy Kinh Kính Mừng, xin Đức Mẹ cầu cho chúng con nhớ sự thương khó Đức Chúa Giêsu cho liên, như Đức Mẹ thuở xưa. Amen.

Thứ hai thì ngắm: khi Đức Mẹ nghe thấy thánh Thiên Thần báo tin vua Hêrôđê đi tìm Đức Chúa Giêsu mà giết,
thì đưa Con sang nước Ai Cập, thì Đức Mẹ rất khốn cực mọi đàng, như gươm sắc đâm qua lòng Đức Mẹ vậy.

Khi
ngắm sự ấy, thì nguyện một Kinh Lạy Cha, bảy Kinh Kính Mừng, xin Đức Mẹ cầu cho chúng con được giữ nghĩa cùng Đức Chúa Giêsu cho liên, chớ làm sự gì trái nghịch mất lòng Đức Chúa Giêsu nữa. Amen.
 
Thứ ba thì ngắm: khi Đức Mẹ đem Con đi lễ đền thờ Giêrusalem, mà khi trở về thì lạc mất Con, thâu đêm những lo buồn khóc lóc, như gươm sắc đâm qua lòng Đức Mẹ vậy.

Khi
ngắm sự ấy, thì nguyện một Kinh Lạy Cha, bảy Kinh Kính Mừng, xin Đức Mẹ cầu cho chúng con, chớ có đi đàng tội lỗi, mà bỏ nghĩa cùng Đức Chúa Giêsu nữa. Amen.

Thứ bốn thì ngắm: khi Đức Mẹ thấy Con vác cây Thánh Giá mà lên núi Calvariô, bởi cây Thánh Giá nặng thì ngã xuống đất nhiều lần, mà quân dữ đạp dậy, giục đi cho
chóng, thì Đức Mẹ lo buồn sầu não, hai con mắt nên như hai suối nước chảy xuống đau đớn thảm thiết khốn cực mọi đàng, như gươm sắc đâm qua lòng Đức Mẹ vậy.

Khi
ngắm sự ấy, thì nguyện một Kinh Lạy Cha, bảy Kinh Kính Mừng, xin Đức Mẹ cầu cho chúng con vác Thánh Giá theo chân Đức Chúa Giêsu cho đến trọn đời. Amen.

Thứ năm thì ngắm: khi Đức Mẹ thấy Con ở trên cây Thánh Giá phán ra bảy lời như lối của trọng để lại cho Mẹ vậy,
đoạn thì gục đầu xuống mà sinh thì, thì lòng Đức Mẹ đau đớn quá sức, như gươm sắc đâm qua lòng Đức Mẹ vậy.

Khi
ngắm sự ấy, thì nguyện một Kinh Lạy Cha, bảy Kinh Kính Mừng, xin Đức Mẹ cầu cho chúng con hằng nhớ bảy lời cực trọng ấy như của châu báu cha lối cho con, mà tích vào lòng chúng con cho đến trọn đời. Amen.

Thứ sáu thì ngắm: khi ông thánh Giuse và ông thánh Nicôđêmô, tháo đanh mà đem xác Đức Chúa Giêsu xuống, thì Đức Mẹ giơ hai tay lên cho được đỡ lấy xác Con, mà khi đã được thì ôm vào lòng, liền
sấp mặt xuống trên đầu Con, cùng chẳng nề những gai nhọn ở đầu Con phải mặt Mẹ, mà mặt Mẹ thì dính những máu Con, mà mặt Con thì tràn ra những nước mắt Mẹ chảy xuống. Ai suy được sự thảm thiết đau đớn trong lòng Đức Mẹ bấy giờ ? Thật là như gươm sắc đâm qua lòng Đức Mẹ vậy. Đoạn lấy khăn trắng mà liệm.

Khi ngắm sự ấy, thì nguyện một Kinh Lạy Cha, bảy Kinh Kính Mừng, xin Đức Mẹ cầu cho chúng con được lòng ăn năn khóc lóc, vì tội lỗi chúng con đã phạm làm cho Đức Chúa Giêsu chịu chết làm vậy. Amen.

Thứ bảy thì ngắm: khi cất xác Đức Chúa Giêsu mà táng trong hang đá, đoạn lấy hòn đá lớn che ngoài cửa hang, thì lòng Đức Mẹ đau đớn thảm thiết như chết mà chôn trong một mồ cùng Con vậy, vì khi trước còn thấy xác Con mà còn đau đớn dường ấy,
phương chi bây giờ chẳng còn thấy Con nữa, thì lòng Đức Mẹ rất khốn cực đau đớn là dường nào, như gươm sắc đâm qua lòng Đức Mẹ vậy.

Khi ngắm sự ấy, thì nguyện một Kinh Lạy Cha, bảy Kinh Kính Mừng, xin Đức Mẹ cầu cho chúng con được bỏ
đàng tội lỗi mà đi đàng các nhân đức, cho được chết làm một cùng Đức Chúa Giêsu. Amen.

Lời nguyện

Lạy ơn Đức Chúa Giêsu chịu nạn chịu chết, thì đã hợp như lời ông thánh Ximêon nói rằng: “Con Bà ngày sau nên như bia bắn, và gươm sắc sẽ đâm qua lòng Bà”, thì chúng con xin cho được kính bảy
sự thương khó Rất Thánh Đức Bà cho liên, xin Đức Bà cầu cho chúng con được ích bởi ngắm bảy sự thương khó ấy mà ra, cùng vì công nghiệp Đức Chúa Giêsu đã chịu chết vì chúng con, cho ngày sau được hằng sống hằng trị làm một cùng Đức Chúa Cha, Đức Chúa Con và Đức Chúa Thánh Thần đời đời chẳng cùng. Amen.
 
- Trong phép lần hạt này chúng ta có bảy “ngắm”, nghĩa của từ “ngắm” trong tiếng Việt hiện đại có nghĩa thứ nhất phù hợp với lời Kinh, nhưng phải hiểu theo nghĩa bóng, “ngắm là nhìn kỹ, ngắm kỹ cho thỏa lòng.” Từ điển Việt-Bồ-La có hai mục từ “ngắm” giải thích cho nghĩa của Phép Lần Hạt này. Mục từ thứ nhất “ngắm” còn nói là “gẫm” nghĩa là “suy niệm.” Mục từ thứ hai cha Đắc Lộ giải thích thêm cho rõ “ngắm” nghĩa là “suy nghĩ thầm trong lòng.” Tự Vị Annam Latinh có mục từ “ngắm” nghĩa là “cảm thấy.” Thiết nghĩ kết hợp các nét nghĩa này sẽ làm cho từ ngữ sáng hơn. Tức là, với mỗi mầu nhiệm, chúng ta nhìn kỹ ngắm kỹ cho thỏa lòng, tiếp đến chúng ta suy nghĩ thầm và cảm thấy được ý nghĩa của mầu nhiệm tác động đối với cuộc đời của chúng ta.
 
- Cũng trong Phép Lần Hạt này chúng ta thấy cấu trúc “Khi ngắm sự ấy, thì nguyện...” Tự Vị Annam Latinh giải thích “nguyện” nghĩa là “cầu Kinh, cầu xin, ước mong hết sức.” Theo nghĩa này chúng ta hiểu rằng, sau khi chiêm ngắm và cảm nghiệm trong lòng, chúng ta tiếp tục dâng những câu Kinh “cầu Kinh” (đọc Kinh)... theo hướng dẫn để xin ơn tiếp theo.

- Câu Kinh “xin Đức Mẹ cầu cho chúng con nhớ sự thương khó, từ “sự thương khó” theo nghĩa hiện nay làm cho chúng ta nghĩ ngay đến cuộc khổ nạn của Chúa Giêsu, nhưng tiếng Việt cổ theo Từ điển Việt-Bồ-La  “thương khó” nghĩa là “những lao nhọc và khổ cực”, theo Tự Vị Annam Latinhthương khó” nghĩa là “khốn cực = rất cực khổ thân xác và tâm hồn.” Cũng nên biết rằng, câu Kinh này mời gọi chúng ta chiêm ngắm biến cố ông Ximêon nói tiên tri, vì thế không thể hiểu sự thương khó là cuộc khổ nạn được, mà chỉ là những đau khổ trong tâm hồn Đức Mẹ mà thôi.

- Trong các ngắm này chúng ta gặp nhiều lần từ “liên” nghĩa là “luôn luôn, mãi mãi.”

- Trong ngắm thứ hai chúng ta có cụm từ “rất khốn cực mọi đàng như câu trên đã nói Tự Vị Annam Latinh ghi nhận “khốn cực” nghĩa là “rất cực khổ, cực khổ tối cao.” Câu Kinh “Đức Mẹ rất khốn cực mọi đàng” nghĩa là “Đức Mẹ khi nghe tin vua Hêrôđê tìm giết Chúa Giêsu, thì Mẹ đau khổ trăm bề, đau khổ tột cùng như gươm sắc đâm qua lòng Đức Mẹ vậy.”

- Trong ngắm thứ ba có cụm từ “thâu đêm những lo buồn khóc lóc.” Từ “những” trong tiếng Việt cổ theo Từ điển Việt-Bồ-La nghĩa là “chỉ có.” Ở mầu nhiệm này, câu Kinh mô tả khi đi lễ đền Giêrusalem trở về, Mẹ lạc mất con, thì suốt đêm Mẹ chỉ có lo buồn khóc lóc như gươm sắc đâm qua lòng Đức Mẹ vậy.

- Trong ngắm thứ năm có đoạn “Khi Đức Mẹ thấy Con ở trên cây Thánh Giá phán ra bảy lời như lối của trọng để lại cho Mẹ vậy...” Từ “lối” trong đoạn Kinh này phản ánh trung thực tiếng Việt thế kỷ XVII. Từ điển ViệtBồ-La có mục từ “blối”, từ này có âm “bl.” Âm “bl” trong giai đoạn này có hai khuynh hướng, hoặc là được chuyển thành hai dạng “tr” hoặc là chuyển thành “l.” Có lẽ lúc này “blối” được viết “lối” sau này được viết thành “trối.” Câu Kinh này được viết cách đầy đủ như hiện nay phải là “Khi Đức Mẹ thấy Con ở trên cây Thánh Giá phán ra bảy lời như trối của trọng để lại cho Mẹ vậy...” Ở cuối ngắm này có lời “xin Đức Mẹ cầu cho chúng con hằng nhớ bảy lời cực trọng ấy như của châu báu cha trối cho con...” Từ điển Việt-Bồ-La Tự Vị Annam Latinh giải thích “trối” là chúc thư, là ý muốn cuối cùng của người trước khi chết.

- Trong ngắm thứ sáu chúng ta có từ “sấp mặt xuống trên đầu Con.” Đại Nam Quấc Âm Tự Vị giải thích “sấp” nghĩa là “úp xuống.” Cụm từ này nghĩa là “úp mặt xuống trên đầu Con.” Hiểu theo nghĩa nôm na là Mẹ Maria cúi mặt xuống trên đầu con.

- “Chẳng nề những gai nhọn ở đầu Con phải mặt Mẹ”, Từ điển Việt-Bồ-La có rất nhiều mục từ “phải”, ở đây xin trích mục từ có nghĩa của câu Kinh. “Phải” nghĩa là “chạm tới hoặc “vì rủi ro mà mắc vào một vật gì.” Ở câu Kinh này ý nói vì thương con mà mẹ cúi mặt xuống, chẳng nề những gai nhọn ở đầu con chạm phải, hay nói đúng hơn là đâm vào mặt mẹ.

- Trong ngắm thứ bảy chúng ta có từ “phương chi”, Từ điển Việt-Bồ-La giải thích “phương chi” nghĩa là “hơn thế nữa”, Tự Vị Annam Latinh giải thích “phương chi” nghĩa là “hơn nữa.” Nguyên văn câu Kinh: “vì khi trước còn thấy xác Con mà còn đau đớn dường ấy, hơn thế bây giờ chẳng còn thấy Con nữa, thì lòng Đức Mẹ rất khốn cực đau đớn là dường nào...”

- Trong lời nguyện của Kinh này chúng ta lại một lần nữa gặp lại cụm từ “lạy ơn...” cụm từ này luôn luôn nhắc chúng ta về lời tạ ơn trước khi chúng ta xin bất cứ điều gì.

- Trong lời nguyện của Kinh cũng có cụm từ “hằng sống hằng trị”, Từ điển Việt-Bồ-La có mục từ “hằng” nghĩa là “luôn luôn”, “hằng sống” nghĩa là “sống mãi mãi”, “hằng trị” nghĩa là “được thống trị mãi mãi.” Cụm từ này ý nói “ngày sau sẽ được sống với Chúa mãi mãi, được cùng Chúa hiển trị muôn đời.”
114.864864865135.135135135250