16/04/2021 -

TỪ CỔ trong SÁCH KINH

956
TỪ CỔ trong Kinh Sấp Mình
 
Lạy Chúa, con sấp mình xuống trước mặt Chúa.
Con tin thật Chúa ở khắp mọi nơi, thông biết mọi sự,
hằng xem thấy con, hằng nghe lời con cầu nguyện.
Xin Chúa rất nhân từ hãy đoái xem sự nghèo ngặt con,
và nhận lời con nguyện.
Lạy Chúa, xin hãy mở miệng lưỡi con ra,
thì con sẽ cao rao những lời ngợi khen Chúa.
 
- Trong rất nhiều lời Kinh và lời cầu nguyện chung cũng như riêng hiện nay, chúng ta thường thấy cụm từ khởi đầu lạy Chúa.” Cụm từ này đã thành lời cửa miệng, thành phản ứng không điều kiện của rất nhiều tín hữu Công giáo khi có bất cứ chuyện gì xảy ra, vui hay buồn, thành công hay thất bại, bình an hay bất hạnh, tất cả chúng ta đều kêu lên lạy Chúa….”
 
Từ điển tiếng Việt hiện đại giải thích hai nghĩa của từ “lạy”:
1.Chắp tay, quỳ gối và cúi gập người để tỏ lòng cung kính theo nghi lễ cũ.
2.Từ dùng trước từ chỉ người đối thoại khi mở đầu lời nói, để tỏ thái độ cung kính hoặc ý cầu xin khẩn thiết như lạy cụ, lạy trời
(từ điển ghi chú đây là một từ cũ, nghĩa là nó ít được dùng trong tiếng Việt hiện đại).
Cách giải thích này chưa cung cấp cho chúng ta nghĩa trọn vẹn của cụm từ “lạy Chúa.”

Đối với cộng đồng Công giáo Việt Nam thì cụm từ này được sử dụng rất phổ biến. Từ điển Việt-Bồ-LaTự Vị Annam Latinh giải thích rất rõ cụm từ này giúp chúng ta thấy thật ý nghĩa khi đọc lên. Hai từ điển ghi nhận các nét nghĩa của cụm từ lạy Chúa như sau:

 
+ “Lạy” nghĩa là “tỏ lòng thành kính suy phục bằng hành động cúi đầu sát đất”, về hành động là “cúi đầu sát đất”, về tâm tình là “thành kính suy phục.”
+ “Lạy” nghĩa là “lời chào kính người bề trên, người rất quan trọng.” Chúng ta cũng gặp từ “lạy” đi kèm với các từ tỏ lòng kính trọng đối với người quyền uy như thân lạy, tấu lạy, vạn lạy...’ Các cụm từ này làm gia tăng nét nghĩa của từ “lạy” theo kiểu xưng hô và cách giao tiếp trong tiếng Việt thế kỷ XVII.
+ “Lạy ông” nghĩa là tôi tôn kính quyền uy của ông, tôi lệ thuộc quyền ông, ông là chủ của tôi.”
+ “Tôi lạy ông” nghĩa là “tôi tôn kính sự làm chủ của ông.”
Như vậy chúng ta hiểu thêm về cụm từ “lạy Chúa” nghĩa là “con suy phục và tỏ lòng tôn kính quyền uy của Chúa, Chúa làm chủ cuộc đời của con.”
+ “Gởi lời lạy” nghĩa là gởi những lời thăm thân thiết đối với người trên.” Mục từ này cho chúng ta thấy từ “lạy” còn có nét nghĩa chỉ mối tương quan thiết thân giữa người nói và người nghe. Nếu nói với người trên mà  người trên ấy và ta không có tương quan thiết thân thì không dùng từ “lạy.”
Như vậy, khi chúng ta thưa lênlạy Chúa chúng ta hiểu ý nghĩa ban đầu của lời này là thể hiện tương quan thiết thân giữa người nói và người nghe, giữa chúng ta và Thiên Chúa, giữa Đấng quyền uy và phận hèn nhân loại... Tương quan ấy là tương quan thật gần, không phải là những quy tắc xã giao cấp bậc bình thường.

Các mục từ “lạy” trong Từ điển Việt-Bồ-La và trong Tự Vị Annam Latinh cho thấy nét nghĩa của từ “lạy” trong tiếng Việt thế kỷ XVII rộng hơn, có thể bổ sung cho hai nét nghĩa của từ “lạy” trong tiếng Việt hiện đại.

Hơn nữa, trong tiếng Việt hiện đại, nơi cộng đồng các tín hữu Công giáo cụm từ lạy Chúa còn có thêm một nét nghĩa mới. Cụm từ này đã trở thành lời cửa miệng thật gần của từng người. Một người lỡ chân vấp té, câu cửa miệng phát ra không cần điều kiện là “lạy Chúa”; một người vừa nhận được tin vui, câu cửa miệng không cần điều kiện cũng là “lạy Chúa”, cháu bé nấc cục, bà ngoại ngồi bên kêu “lạy Chúa...” Cụm từ lạy Chúa đã biểu thị lời thưa không còn khoảng cách trời cao đất thấp, không còn ranh giới vòi vọi của Đấng uy nghi và vật phàm hèn nữa; lời này đã trở nên gần gũi như đứa bé trong vòng tay của cha mẹ.

Như vậy, cụm từ “lạy Chúa” nhắc chúng ta ba điều:
1.Xác định tương quan giữa chúng ta với Chúa là tương quan thiết thân;
2.Khi thưa lên lời này, chúng ta xác tín về quyền năng của Thiên Chúa trên cuộc đời của chúng ta;
3.Thái độ của chúng ta là thái độ tin yêu, nhưng tràn đầy cung kính.

Thiết nghĩ phải phối hợp các nét nghĩa cũ và mới của từ này với nhau, thì ý nghĩa của cụm từ chúng ta dùng sẽ trở nên tuyệt vời.
 
- Trong Kinh này chúng ta cũng thấy từ cao rao là một từ cổ không có trong tiếng Việt hiện đại. Từ điển Việt–Bồ-La có mục rao nghĩa là công bố”, Tự Vị Annam Latinh có mục từ “cao rao” cũng có nghĩa là “công bố.” Câu Kinh xin hãy mở miệng lưỡi con ra, thì con sẽ cao rao những lời ngợi khen Chúa” phải hiểu là xin Chúa mở miệng con để con lớn tiếng ca khen Chúa, để con ca lên cho mọi người nghe những lời khen ngợi Chúa.”
114.864864865135.135135135250